Nhiều phụ huynh cho rằng, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng cho bữa ăn bán trú, cần tăng cường giám sát thường xuyên, liên tục tất cả các khâu với sự tham gia của các bên liên quan từ nhà trường, cơ quan chức năng và phụ huynh học sinh.
Chị Trần Thu Hiền, phụ huynh có con đang học lớp 10 tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Lê Chân (Hải Phòng) bày tỏ: “Vì nhà tôi cách trường khoảng 7km, bố mẹ lại đi làm cả ngày nên không thể đưa đón con 4 lần/ ngày. Chính vì thế gia đình đã đăng ký cho con ăn bán trú tại trường. Tuy nhiên, khi đọc tin tức liên tiếp thấy các vụ việc học sinh ngộ độc thực phẩm, đau bụng, nôn ói sau khi ăn bán trú tại trường khiến gia đình rất lo lắng.
Tôi cũng như nhiều phụ huynh khác đều mong muốn nhà trường có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng bữa ăn bán trú, nhất là khâu nhập nguyên liệu đầu vào.
Trong các cuộc họp phụ huynh, chúng tôi cũng đã đề xuất sẽ có ban đại diện cha mẹ học sinh đi kiểm tra đột xuất bữa ăn bán trú của con tại trường. Như vậy, phụ huynh cũng yên tâm hơn về chất lượng bữa ăn của con có đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng hay không”.
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu ăn bán trú của học sinh, các trường học đã hiện thực hiện nhiều hình thức cung cấp bữa ăn cho học sinh tại trường. Hai hình thức phổ biến là tổ chức bếp ăn tại trường và hợp đồng cung cấp suất ăn công nghiệp với đơn vị bên ngoài. Dù ở hình thức nào, việc bảo đảm an toàn thực phẩm luôn là vấn đề được nhà trường, phụ huynh quan tâm.
Anh Nguyễn Quang Vinh, phụ huynh có con học lớp 2 tại một trường tiểu học ở quận Kiến An (Hải Phòng) cho biết: “Trường con tôi có bếp ăn tại trường để nấu nướng phục vụ nhu cầu ăn bán trú của học sinh. Tôi cho rằng việc sử dụng bếp ăn tại trường phụ huynh có thể dễ theo dõi vệ sinh an toàn thực phẩm hơn là thuê các đơn vị nấu ăn bên ngoài giao các suất ăn.
Tuy nhiên, tôi cũng lo lắng về nguyên liệu thực phẩm đầu vào liệu có đảm bảo không. Mỗi bữa ăn bán trú tại trường của con tôi đang thu 30.000 đồng/ 1 suất ăn. Nhưng các món ăn cũng không đa dạng, có những món lặp đi lặp lại cả tuần khiến học sinh chán ăn.
Do đó, tôi mong muốn bộ phận bếp ngoài việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm cũng cần lên kế hoạch chi tiết về thực đơn hàng ngày để đảm bảo dinh dưỡng và ngon miệng cho học sinh”.
Trong khi đó, chị Huỳnh Bảo Ánh, phụ huynh có con học lớp 3 tại quận Ngô Quyền (Hải Phòng) cho biết, chị luôn nhắc nhở con trước khi ăn phải kiểm tra thật kỹ đồ ăn xem có gì bất thường không thì mới sử dụng.
“Tôi rất lo lắng về chất lượng bữa ăn bán trú của con khi liên tiếp xuất hiện các vụ việc về vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học. Tôi luôn nhắc con trước khi ăn phải kiểm tra thức ăn thật kỹ, nếu có bất thường thì phải báo ngay cho cô giáo chủ nhiệm chứ không được sử dụng.
Dẫu vậy tôi vẫn lo lắng vì sau khi con học xong tiết cuối cùng sẽ đói. Khi thấy các bạn ăn, con cũng sẽ ăn mà không chú ý liệu đồ ăn có đảm bảo hay không”.
Chị Ánh mong muốn nhà trường sẽ liên kết với các đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín, đảm bảo phần ăn đầy đủ dinh dưỡng, an toàn cho học sinh.
Trong khi đó, cô Trần Thị Mị - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết: “Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bếp ăn của trường được xây dựng theo quy trình vận hành một chiều.
Bếp ăn được bố trí khoa học với các khu riêng biệt, bao gồm: khu tiếp nhận, khu chế biến thực phẩm tươi sống, nấu ăn, hệ thống bàn chia, tủ sấy khay, tủ lưu thức ăn.
Sau khi nhà bếp chế biến xong, thức ăn được chia ra khay và được vận chuyển chuyển tới các phòng học hoặc nhà ăn cho học sinh”.
Hiệu trưởng nhà trường cũng thông tin thêm, 15 nhân viên nấu ăn của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu có đủ điều kiện về cơ sở pháp lý, khám sức khỏe định kỳ, được tập huấn thường xuyên kiến thức về an toàn thực phẩm.
Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân và ngành y tế quận, các đơn vị chức năng cũng thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc lưu mẫu thức ăn được thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy định, theo dõi hàng ngày. Bên cạnh đó, nhà trường luôn chú trọng đến nguồn thực phẩm cung cấp cho bếp ăn.
Nhà trường hợp đồng với những cơ sở phân phối cung cấp thực phẩm có đủ điều kiện pháp lý, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo. Chế độ dinh dưỡng hàng tuần được trường lên thực đơn, yêu cầu nhà bếp nấu theo mô hình sử dụng dinh dưỡng nhằm đảm bảo cân bằng lượng dinh dưỡng, nâng cao chất lượng khẩu phần ăn cho học sinh.
Căn cứ Công văn số 988/BGDĐT-GDTC ngày 13/3/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đề nghị các cơ sở giáo dục tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp quản lý về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Theo đó, các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; bám sát hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học; hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh trung học cơ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các trường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định.
Cùng với đó, sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi; nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, không có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.
Các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh.
Đồng thời, tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng, chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền do nguồn nước không bảo đảm; huy động đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh tham gia vệ sinh khuôn viên sân trường, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải xung quanh sân trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học. Các trường lập kế hoạch duy trì các hoạt động bảo hành, bảo dưỡng các công trình nước sạch, vệ sinh trong các cơ sở giáo dục.
Sở yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục - Y tế, huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục. Trong đó, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh.