Theo kết quả xét tại phiên họp thứ II của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (nhiệm kỳ 2024-2029), năm 2024, có 615 ứng viên đủ điều kiện được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Cụ thể, có 45 ứng viên giáo sư, 570 ứng viên phó giáo sư .
Trong đó, Tiến sĩ Bùi Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Lâm nghiệp là một trong những ứng viên phó giáo sư đủ điều kiện được Hội đồng Giáo sư Nhà nước thông qua.
Tiến sĩ Bùi Thị Minh Nguyệt (sinh năm 1975), quê tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Theo bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2024, ứng viên Bùi Thị Minh Nguyệt tốt nghiệp cử nhân ngành Lâm nghiệp, chuyên môn hoá Quản lý kinh tế tại Trường Đại học Lâm nghiệp.
Sau đó, cô được cấp bằng thạc sĩ ngành Kinh tế tại Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) vào năm 2005.
Năm 2014, ứng viên nhận bằng tiến sĩ ngành Kinh tế (chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp) tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Từ năm 1997 đến nay, Tiến sĩ Bùi Thị Minh Nguyệt gắn bó với Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Lâm nghiệp. Cụ thể, quá trình công tác của nữ ứng viên như sau:
Từ tháng 11/1997 đến tháng 9/2007, cô Nguyệt là giảng viên Bộ môn Quản trị doanh nghiệp, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Lâm nghiệp.
Từ tháng 10/2007 đến tháng 4/2008, Tiến sĩ Bùi Thị Minh Nguyệt là Phó Trưởng Bộ môn Quản trị doanh nghiệp Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Lâm nghiệp.
Từ tháng 5/2008 đến tháng 6/2012, cô Nguyệt trở thành Trưởng Bộ môn Quản trị doanh nghiệp, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Lâm nghiệp.
Từ tháng 7/2012 đến tháng 9/2018, ứng viên là Phó Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Lâm nghiệp.
Từ tháng 10/2018 đến nay, Tiến sĩ Bùi Thị Minh Nguyệt là giảng viên chính, Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Lâm nghiệp.
Theo bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2024, Tiến sĩ Bùi Thị Minh Nguyệt đã có 24 năm tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên.
Trong 3 năm gần đây, nữ tiến sĩ đã hướng dẫn 12 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Ngoài ra, hiện tại, cô đang hướng dẫn 4 nghiên cứu sinh (trong đó, hướng dẫn chính 3 nghiên cứu sinh, hướng dẫn phụ 1 nghiên cứu sinh ngành Kinh tế nông nghiệp).
Ngoài ra, nữ tiến sĩ cũng tham gia xây dựng, phát triển một số chương trình đào tạo, chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của cơ sở giáo dục đại học (đã được đưa vào áp dụng thực tế). Cụ thể như sau:
Về nghiên cứu khoa học, ứng viên đã hoàn thành 4 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên (trong đó, có 3 đề tài cấp cơ sở và 1 đề tài cấp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Ngoài ra, nữ tiến sĩ cũng là thành viên tham gia nghiên cứu 7 đề tài (2 đề tài cấp Nhà nước, 5 đề tài cấp Bộ và tương đương, 29 nhiệm vụ tư vấn với các tổ chức trong nước và quốc tế).
Đặc biệt, với vai trò là chủ biên, đồng chủ biên, cô Nguyệt đã xuất bản 9 tài liệu, bao gồm: 3 giáo trình môn học, 4 sách tham khảo (2 sách nhà xuất bản uy tín trong nước và 2 sách nhà xuất bản quốc tế), 2 sách chuyên khảo.
Đồng thời, Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Lâm nghiệp đã công bố 53 bài báo khoa học, trong đó có 12 bài báo khao học trên tạp chí quốc tế có uy tín (có 3 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín mà Tiến sĩ Bùi Thị Minh Nguyệt là tác giả chính sau tiến sĩ).
Các hướng nghiên cứu chủ yếu của Tiến sĩ Bùi Thị Minh Nguyệt gồm:
Hướng nghiên cứu 1: Kinh tế và chính sách nông, lâm nghiệp: Chính sách đầu tư, tài chính trong nông nghiệp; liên kết kinh tế trong kinh doanh nông lâm nghiệp; chính sách phát triển rừng sản xuất, rừng đặc dụng; chính sách cho thuê môi trường rừng; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, cơ chế tài chính cho khu bảo tồn.
Hướng nghiên cứu 2: Quản trị doanh nghiệp và đổi mới doanh nghiệp nông lâm nghiệp: Trong lĩnh vực này, nữ tiến sĩ quan tâm đến các vấn đề về quản trị doanh nghiệp, hiệu quả kinh doanh trong các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nông lâm nghiệp nói riêng, đổi mới quản trị doanh nghiệp nông lâm nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp lâm nghiệp.
Theo phần tự đánh giá về tiêu chuẩn và nhiệm vụ của nhà giáo, bên cạnh thực hiện giảng dạy và nghiên cứu, Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Lâm nghiệp còn có nhiều đóng góp cho hoạt động phát triển cộng đồng.
Cụ thể, cô tham gia với vai trò tư vấn cho nhiều chương trình, nhiệm vụ của các tổ chức trong và ngoài nước phục vụ xây dựng chính sách của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, nữ tiến sĩ luôn quan tâm đến công tác phát triển cộng đồng thông qua các hoạt động liên kết, phối hợp với các cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động tập huấn, trải nghiệm thực tế, tư vấn cho doanh nghiệp.
Trong những năm gần đây, Tiến sĩ Bùi Thị Minh Nguyệt đã phối hợp với Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Vụ Quản lý doanh nghiệp, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tập huấn về quản trị doanh nghiệp, quản trị Hợp tác xã, đào tạo chuyên môn cho nhà quản trị doanh nghiệp, tư vấn cho các Vườn quốc gia trong phát triển du lịch sinh thái, phát triển sinh kế cộng đồng vùng đệm.
Ngoài ra, ứng viên còn tham gia công tác đánh giá, kiểm định và rà soát một số chương trình đào tạo bậc tiến sĩ, thạc sĩ, đại học.
Với nhiều đóng góp cho ngành Kinh tế, đặc biệt về mảng quản lý chính sách nông, lâm nghiệp, Tiến sĩ Bùi Thị Minh Nguyệt đã nhận nhiều bằng khen, danh hiệu: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2013), Bằng khen Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2014), Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2015), Bằng khen Đảng ủy khối Các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ (2011) và Chiến sĩ thi đua cơ sở Trường Đại học Lâm nghiệp (2011-nay).
5 công trình khoa học tiêu biểu của Tiến sĩ Bùi Thị Minh Nguyệt:
1, Bùi Thị Minh Nguyệt (2017-2018), Nghiên cứu, đánh giá thực trạng các mô hình làm cơ sở đề xuất chính sách cho thuê môi trường rừng ở Việt nam, Đề tài cấp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
2, Bùi Thị Minh Nguyệt, Trần Quang Bảo (Đồng chủ biên), Nguyễn Minh Đạo, Đào Lan Phương, Nguyễn Trọng Cương (2020), Cơ sở khoa học và thực tiễn về cơ chế tài chính bền vững trong hoạt động kinh doanh và dịch vụ du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
3, Bùi Thị Minh Nguyệt, Đào Lan Phương, Nguyễn Thị Hồng Thanh (2024), Tự chủ tài chính tại các Vườn quốc gia trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 324, tháng 6/2024: 81-90.
4, Bùi Thị Minh Nguyệt (2018), Giải pháp huy động nguồn tài chính cho phát triển rừng sản xuất ở Việt Nam - Trường hợp nghiên cứu điểm tại tỉnh Hòa Bình, Đề tài cấp cơ sở.
5, Bùi Thị Minh Nguyệt, Huyen V.N., Oanh T.T.K., Phuong N.T.M., Hang N.Đ.T., Uan T.B. (2020), Operations management and performance: A mediating role of green supply chain management practices in MNCs. Bài báo đăng trên Tạp chí Polish Journal of Management Studies (SCOPUS (Q3) Web of Sciences).
Xem thêm hồ sơ ứng viên tại đây.