Trường ĐH dự kiến có điều chỉnh tổ hợp xét tuyển nhưng thay đổi không quá lớn

19/11/2024 06:23
Hồng Linh

GDVN - Các trường đại học xem xét điều chỉnh tổ hợp xét tuyển trong bối cảnh kì thi tốt nghiệp mới, tuy nhiên việc thay đổi không quá lớn, gây hoang mang cho thí sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định về việc phê duyệt "Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025".

Theo đó, thí sinh bắt buộc thi môn Ngữ văn, môn Toán và 2 trong số các môn lựa chọn bao gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Nội dung thi bám sát nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Điều này cũng đặt ra yêu cầu với các các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng phải có những điều chỉnh về phương thức tuyển sinh để phù hợp với bối cảnh mới.

Trường đại học dự kiến chỉ điều chỉnh nhỏ về phương thức tuyển sinh 2025

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, Nhà trường đang chờ hướng dẫn cụ thể từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo để định hướng rõ ràng hơn cho công tác tuyển sinh năm 2025.

Ngay khi có thông tin đầy đủ, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) sẽ công bố rộng rãi đến học sinh và phụ huynh.

Thầy Thắng chia sẻ: "Năm 2025, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bởi vậy, các cơ sở giáo dục đại học cũng sẽ có những điều chỉnh, thay đổi nhất định.

Mặc dù vậy, học sinh không nên quá lo lắng. Các em tiếp tục học tốt nhất những môn học mình lựa chọn để xét tuyển đại học, cao đẳng, tập trung ôn luyện, chuẩn bị sẵn sàng hành trang để bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Điều quan trọng hơn hết là học sinh cần xác định được định hướng công việc tương lai từ đó lựa chọn môn học, cách học, ngành học và kiên trì theo đuổi.

Khi ấy, dù có những thay đổi về phương thức xét tuyển cũng sẽ không làm học sinh hoang mang, còn các cơ sở giáo dục đại học sẽ tự lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp để tìm đúng những sinh viên nhà trường cần".

xHQ4M3dFsAcW9PfIcTxqem8x.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: hcmut.edu.vn.

Chia sẻ về những thay đổi của phương thức tuyển sinh từ năm 2025, Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ: "Nhà trường đang có một số dự kiến điều chỉnh, tuy nhiên sẽ chỉ là những điều chỉnh nhỏ, không ảnh hưởng tới quyền lợi của thí sinh.

Thực tế, khi bắt đầu vào lớp 10, học sinh đã phần nào định hình tổ hợp xét tuyển đại học trên cơ sở các môn lựa chọn. Bởi vậy, nếu thay đổi tổ hợp xét tuyển quá đột ngột sẽ khiến thí sinh bị căng thẳng, khủng hoảng.

Theo tôi các trường đại học cần tính toán số lượng chỉ tiêu cho từng phương thức một cách phù hợp đồng thời sớm công bố đề án tuyển sinh, đặc biệt là tổ hợp môn/tiêu chí xét tuyển để thí sinh có thể xem xét những phương thức này và đánh giá cơ hội của mình hoặc định hướng lựa chọn môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 chỉ thi 4 môn nên không ít người người lo lắng cơ hội xét tuyển bị giảm vì không có nhiều tổ hợp xét tuyển như trước.

"Điều này phù hợp với định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giai đoạn từ năm lớp 10 đến lớp 12 là giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Sẽ không phải là vấn đề nếu ngay từ lớp 10, học sinh đã xác định một cách rõ ràng con đường công việc cho tương lai. Từ đó, các em học tốt những môn chắc chắn sẽ lựa chọn làm tổ hợp xét tuyển đại học, cao đẳng và duy trì cho đến khi tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông" - thầy Khang nêu.

Thầy Khang ĐH Cần Thơ.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: NVCC.

Cần chuẩn bị trước cho những thay đổi và áp dụng lộ trình trễ khoảng 3 năm

Đại học Kinh tế Quốc dân là một trong số những cơ sở giáo dục đại học sớm công bố phương hướng tuyển sinh đại học chính quy năm 2025.

Theo đó, 3 phương thức tuyển sinh của nhà trường gồm: Xét tuyển thẳng (2% theo tổng chỉ tiêu và theo mã tuyển sinh); Xét tuyển kết hợp (83% theo tổng chỉ tiêu và theo mã tuyển sinh) và Xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 (15% theo tổng chỉ tiêu và theo mã tuyển sinh). Năm nay, Đại học Kinh tế Quốc dân tiếp tục không sử dụng việc đánh giá học bạ.

Đề cập đến những thay đổi trong phương thức tuyển sinh, trước tiên với vấn đề xét tuyển bằng học bạ, Tiến sĩ Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: "Giai đoạn 2020 - 2022, Đại học Kinh tế Quốc dân dành khoảng 10% chỉ tiêu xét tuyển kết hợp dành cho đối tượng học sinh hệ chuyên của các trường trung học phổ thông chuyên, trường trung học phổ thông trọng điểm quốc gia có điểm trung bình chung 3 năm trung học phổ thông từ 8.0 trở lên.

Khi xét tuyển đối tượng này, nhà trường xét kết hợp 3 đầu điểm là điểm trung bình 3 năm trung học phổ thông, điểm môn Toán trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm 1 môn khác trong tổ hợp của nhà trường (Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Sinh học).

Như vậy, điểm trung bình chung 3 năm trung học phổ thông chỉ là 1 đầu điểm khi xét tuyển, phương thức xét tuyển này dựa hoàn toàn vào học bạ.

Từ năm 2023, chúng tôi không xét tuyển đối tượng này, dành chỉ tiêu cho các đối tượng xét tuyển kết hợp khác (kết hợp giữa kết quả quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cùng 2 môn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc kết hợp điểm thi đánh giá năng lực/đánh giá tư duy)".

TS Lê Anh Đức.jpg
Tiến sĩ Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: NVCC.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đại học Kinh tế Quốc dân, theo đó cũng đã có những điều chỉnh về tổ hợp, tinh giản chỉ còn xét tuyển với 4 tổ hợp chính là Toán - Vật lý - Hóa học; Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh; Toán - Hóa học - Tiếng Anh; Toán - Vật lý - Tiếng Anh, giảm 5 tổ hợp so với 2024.

Tiến sĩ Lê Anh Đức lý giải nguyên nhân, theo thống kê số lượng sinh viên trúng tuyển vào trường các năm gần đây khoảng 95% là thuộc 4 tổ hợp này. Bên cạnh đó, 4 tổ hợp trên đều có môn Toán phù hợp với yêu cầu đầu vào của Đại học Kinh tế Quốc dân.

Theo quy chế của bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi ngành/chương trình tuyển sinh sử dụng tối đa 4 tổ hợp, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng nên đơn giản hóa các tổ hợp, phương thức trong xét tuyển. Bởi vậy, Đại học kinh tế Quốc dân lựa chọn 4 tổ hợp này và đồng nhất áp dụng với tất cả các mã tuyển sinh.

Ngoài ra, nhà trường cũng đã sớm công bố phương hướng tuyển sinh năm 2025 từ tháng 6/2024 để các thí sinh nắm được và chủ động trong việc học tập, xét tuyển vào trường nếu có nhu cầu.

Năm 2025, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) dự kiến cũng có sự điều chỉnh về tổ hợp xét tuyển.

Nhà trường sử dụng 4 tổ hợp môn, bao gồm: Toán - Tiếng Anh - Ngữ văn; Toán - Tiếng Anh - Vật lý; Toán - Tiếng Anh - Tin học; Toán - Tiếng Anh - Giáo dục kinh tế và pháp luật, thay thế cho tổ hợp Toán - Vật lý - Hóa học và Toán - Tiếng Anh - Hóa học.

Thạc sĩ Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, điểm c, khoản 3, điều 6, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT Ban hành quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non quy định Không sử dụng quá 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành, một chương trình đào tạo (trừ trường hợp các tổ hợp môn chỉ khác nhau ở môn ngoại ngữ).

Do đó, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tạm thời ban hành 4 tổ hợp môn xét tuyển dự kiến như trên.

"Từ đầu năm 2024, nhà trường đã thành lập 1 nhóm nghiên cứu về các tổ hợp xét tuyển, từ đó đưa ra đề xuất áp dụng cho công tác tuyển sinh năm 2025.

Việc lựa chọn tổ hợp xét tuyển được dựa trên Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát kế hoạch đào tạo tại các trường trung học phổ thông để nắm bắt được xu hướng lựa chọn tổ hợp môn học của học sinh.

Ngoài ra, nhóm bám sát yêu cầu đầu vào, tương ứng với các lĩnh vực đào tạo của Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Bởi vậy, môn Tiếng Anh và Toán được lấy làm gốc, sau đó lựa chọn thêm 1 môn học khác.

Ví dụ, với tổ hợp Toán - Tiếng Anh - Giáo dục kinh tế và pháp luật. Sau khi nghiên cứu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhóm nghiên cứu nhận thấy môn Giáo dục kinh tế và pháp luật phù hợp với đặc trưng đào tạo của nhà trường là liên ngành Kinh tế, Kinh doanh và Luật. Do đó, tổ hợp này được dự kiến sử dụng để xét tuyển đại học năm 2025" - thầy Tiến cho hay.

Đề cập thêm đến những thay đổi về phương thức tuyển sinh phù hợp với kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình mới, Thạc sĩ Cù Xuân Tiến bày tỏ: "Tôi cho rằng chúng ta cần có sự chuẩn bị trước cho những thay đổi và sẽ áp dụng có lộ trình trễ khoảng 3 năm để học sinh lớp 10 có định hướng học tập rõ ràng.

Bên cạnh đó, phía Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cũng mong muốn Bộ giáo dục và Đào tạo sớm ban hành những quy định cụ thể để nhà trường và học sinh chủ động. Hiện tại, các phương hướng tuyển sinh năm 2025 mới chỉ là dự kiến".

Hồng Linh