Tỷ lệ SV có việc làm trên 70% mới được tăng chỉ tiêu khiến số liệu thực chất hơn

21/11/2024 06:20
Ngọc Mai

GDVN - So với quy định hiện hành, Dự thảo quy định tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70% có phần nhẹ nhàng hơn đối với các trường.

Dự thảo Thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục đại học và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học.

Cụ thể, theo Điểm a, b, Khoản 3, Điều 4 Dự thảo Thông tư quy định rõ, chỉ tiêu tuyển sinh của một ngành, nhóm ngành trình độ đại học, ngành chuyên sâu đặc thù trình độ 7 tại trụ sở chính và phân hiệu không được tăng so với chỉ tiêu và số thực tuyển của năm trước liền kề trong các trường hợp: tỷ lệ thôi học năm đầu cao hơn 15%; tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70%.

Trong khi đó, quy định hiện hành là không tăng chỉ tiêu nếu tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp của lĩnh vực từ đạt dưới 80%; hoặc tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực đó ở năm tuyển sinh liền kề trước năm tuyển sinh đạt dưới 80% (trừ trường hợp ngành đào tạo ở trình độ đại học có chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng); không có nội dung về tỷ lệ thôi học năm đầu như Dự thảo thông tư đưa ra.

Giảm 10% tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm giúp số liệu thống kê thực chất hơn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên chia sẻ, việc Dự thảo Thông tư quy định chỉ tiêu tuyển sinh của ngành, nhóm ngành trình độ đại học, ngành chuyên sâu đặc thù trình độ 7 không được tăng chỉ tiêu khi tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70% thay vì 80% là phù hợp.

Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông đánh giá, quy định tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70% thì cơ sở giáo dục đại học không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào năm kế tiếp có thể đảm bảo được tính thực chất về số liệu kê khai của các trường.

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: website nhà trường)
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: website nhà trường)

“Thực tế, với những cơ sở giáo dục đại học bảo đảm uy tín, chất lượng đào tạo, tỷ lệ người học tốt nghiệp ra trường có việc làm sau 6 tháng, 12 tháng đều trên 70%. Chỉ có điều, nếu làm khảo sát kỹ hơn, các cơ sở giáo dục đại học phải tính cả đến việc sinh viên đó ra trường đi làm công việc gì, có đúng vị trí việc làm so với ngành học mà các em được đào tạo ở trường hay không.

Song, từ góc độ cơ sở giáo dục đại học, việc Dự thảo quy định tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70% có phần nhẹ nhàng hơn đối với các trường so với quy định hiện hành”, thầy Nghĩa chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo thầy Nghĩa, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là nội dung cần được quan tâm, vì có trường đào tạo sinh viên ra trường nhưng không có việc làm nên cần thiết phải áp dụng quy chế để các trường chịu trách nhiệm xã hội tốt hơn.

Cùng bàn về quy định này, chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Đà Nẵng cho rằng, đối với nhà trường, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong khoảng thời gian 6 tháng thường trên 90%, đây là con số khá cao vì nhà trường có nhiều ngành hot, nhu cầu nhân lực của xã hội lớn.

Việc đưa tỷ lệ thôi học năm đầu cao hơn 15% và điều chỉnh tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70% là điểm mới, hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, việc giảm tỷ lệ từ 80% xuống 70% có thực chất hay không còn phụ thuộc vào thực tế các trường tiến hành khảo sát (cách thức, thời gian), thu thập số liệu như thế nào. Hơn nữa, có rất nhiều yếu tố tác động đến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Hầu hết các trường đại học chỉ mới dừng lại ở việc khảo sát tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong khoảng thời gian nhất định dựa trên số lượng, thông tin mà sinh viên cung cấp, khó kiểm chứng được thông tin đó là đúng hay chưa sát với thực tế.

Một trong những kênh để nhà trường có thể thu thập được số liệu về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đó là kênh doanh nghiệp. Nhưng không phải trường nào cũng có thể kết nối với doanh nghiệp để thực hiện khảo sát.

Cùng đưa ra quan điểm, một phó hiệu trưởng trường đại học ở Hà Nội chia sẻ, mỗi cơ sở giáo dục đại học có đặc thù riêng, quy mô đào tạo khác nhau. Về mặt nguyên lý, trường đại học đảm bảo chất lượng thì được tuyển sinh, tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Nhưng tiêu chí để đánh giá không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Ví dụ trong một khóa tốt nghiệp, nhà trường có khoảng 50% sinh viên ra trường lựa chọn học tiếp lên các bậc cao hơn nước ngoài, nếu không tính những sinh viên này vào số sinh viên ra trường có việc làm thì nhà trường không thể đạt tỷ lệ 70% như Dự thảo quy định.

Vừa tạo động lực, vừa tạo áp lực đối với cơ sở giáo dục đại học

Một số ý kiến cho rằng, quy định tỷ lệ thôi học năm đầu nếu cao hơn 15% thì năm sau tuyển sinh không được tăng chỉ tiêu sẽ khiến cho các trường buộc phải giữ lại những sinh viên không đảm bảo kết quả học tập để tránh vi phạm quy định. Về nội dung này, vị phó hiệu trưởng cho rằng có khả năng dẫn đến tình trạng trên.

“Dự thảo quy định tỷ lệ thôi học năm đầu cao hơn 15% thì năm sau không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh là cơ bản tương thích với tiêu chí trong Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc tỷ lệ sinh viên năm đầu bỏ học cao chứ không hẳn là do chất lượng đào tạo của nhà trường”, vị phó hiệu trưởng chia sẻ.

Tiêu chí 5.2, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định: Tỷ lệ thôi học, được xác định bằng tỷ lệ người học chưa tốt nghiệp mà không tiếp tục theo học hằng năm, không cao hơn 10% và riêng đối với người học năm đầu không cao hơn 15%"

Trong khi đó, thầy Thọ nhận định rằng, tỷ lệ thôi học năm đầu 15% là con số lớn, các trường cũng không thể giữ lại những sinh viên không đủ điều kiện ở lại trường để học tiếp. Bởi, kết quả học tập của sinh viên còn liên quan đến hoạt động đảm bảo chất lượng, lộ trình học tập của các em nên không có chuyện sinh viên bỏ học, hoặc đi du học mà nhà trường vẫn để thông tin, mã số sinh viên trên hệ thống. Trường nào làm gian dối trong việc này là vi phạm quy chế.

“Việc quy định tỷ lệ thôi học năm đầu cao hơn 15% không phải là rào cản quá lớn đối với nhà trường vì tỷ lệ sinh viên năm đầu thôi học của nhà trường thường chỉ 1-2%. Với việc đưa quy định tỷ lệ thôi học năm đầu cao hơn 15% vào làm điều kiện để xác định chỉ tiêu tuyển sinh của một ngành, nhóm ngành có thể tạo điều kiện cho các trường, đặc biệt là các trường đại học có uy tín, trường đào tạo chất lượng cao. Còn với những trường đại học có chất lượng đào tạo kém, chỉ tiêu tuyển sinh ít, số sinh viên năm đầu bỏ học nhiều thì việc không được tăng chỉ tiêu vào năm tiếp theo là điều hợp lý”, thầy Thọ chia sẻ.

Bày tỏ quan điểm về nội dung này, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên cho biết, quy định tỷ lệ thôi học năm đầu cao hơn 15% thì không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh là hợp lý. Tuy nhiên, đây cũng là quy định gây khó khăn cho các trường bởi vì từ trước đến nay chưa áp dụng quy định này trong khi đó năm đầu tiên thì trường nào cũng có sinh viên thôi học, thậm chí tỷ lệ thôi học nhiều.

“Đưa ra quy định tỷ lệ thôi học năm đầu cao hơn 15% cũng có thể vừa tạo động lực, vừa tạo áp lực đối với các cơ sở giáo dục đại học. Quy định có thể gây khó khăn cho các trường nhưng điều này là rất cần thiết, thúc đẩy các trường quan tâm nhiều hơn đến chất lượng chăm sóc sinh viên.

Việc quy định tỷ lệ thôi học năm đầu cao hơn 15% cũng có thể dẫn đến tác dụng ngược là sẽ có trường giữ lại sinh viên không đủ điều kiện vẫn được theo học. Do đó, cần có thêm những khảo sát để đưa ra con số tỷ lệ thôi học năm đầu bao nhiêu phần trăm để năm sau không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh”, thầy Nghĩa nêu ý kiến.

Ngọc Mai