Người thầy phải không ngừng cố gắng trước sự kỳ vọng của xã hội

15/11/2024 17:22
LÃ TIẾN

GDVN - Sự kỳ vọng của xã hội đặt lên đôi vai người thầy nhiệm vụ lớn lao khi họ phải không ngừng cố gắng đem lại giá trị tích cực nhất cho học sinh.

Đây là một trong những chia sẻ, mong muốn của nhà giáo Phạm Sỹ Tuyên - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân trong diễn văn kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024) và biểu dương phong trào thi đua dạy tốt, học tốt năm học 2023-2024 của quận Lê Chân diễn ra vào sáng 15/11.

Dự hội nghị có bà Trần Thu Hương – Bí thư Quận uỷ Lê Chân; ông Nguyễn Hoàng Linh – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận.

GDVN_-6.jpg
Các tiết mục văn nghệ đặc sắc tại lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam của quận Lê Chân (Ảnh: LT)

Ngành giáo dục quận thi đua dạy tốt, học tốt

Theo ông Phạm Sỹ Tuyên, tôn sư trọng đạo là truyền thống đạo lý mang đậm giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy đã được ông cha ta tạo dựng, bồi đắp từ ngàn xưa cho đến nay.

Trải qua thăng trầm thời gian, truyền thống ấy vẫn luôn tỏa sáng. Trong xã hội xưa, trọng người thầy đi liền với coi trọng sự học, vị trí người thầy được đặc biệt coi trọng và tôn vinh.

Ngày nay, người thầy vẫn có một vị trí vô cùng quan trọng, mặc dù khoa học kỹ thuật phát triển, nhiều yếu tố hiện đại, tiện ích có thể tham gia vào quá trình giáo dục con người, nhưng không gì có thể thay thế được vị trí người thầy.

Bởi thầy cô giáo vẫn là người truyền lửa đam mê cho học trò, khơi dậy trong các em những ước mơ hoài bão để thổi bùng lên những khát vọng cao đẹp cho tương lai. Ai đó đã từng nói nghề giáo là nghề “Nắm bàn tay, mở khối óc, chạm trái tim” quả không sai.

GDVN_-48.jpg
Nhà giáo Phạm Sỹ Tuyên - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân đọc diễn văn tại hội nghị kỷ niệm 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (Ảnh: LT)

Cũng bởi vậy, từ năm 1982, ngày 20/11 đã trở thành ngày hội của những người làm công tác giáo dục. Đây cũng là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với người thầy, là dịp để cả xã hội tri ân những người đã và đang gắn bó với sự nghiệp “trồng người” - một nghề đặc biệt cao quý, vinh quang nhưng cũng đầy trọng trách.

“Tại lễ kỷ niệm hôm nay, cho phép tôi được thay mặt đội ngũ nhà giáo của quận Lê Chân, xin nồng nhiệt chào mừng và gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến các đồng chí lãnh đạo thành phố, lãnh đạo quận, các quý vị đại biểu, khách quý đã quan tâm, tới dự và chia vui cùng ngành Giáo dục - Đào tạo quận.

Xin được gửi lời chào trân trọng và lời kính chúc sức khỏe tới các thế hệ nhà giáo của quận - những người đã và đang có những cống hiến hết sức quan trọng trong sự nghiệp giáo dục của quận nhà”, ông Phạm Sỹ Tuyên nói.

Người lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân nhấn mạnh: “42 năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, giáo dục và đào tạo luôn được coi “là quốc sách hàng đầu”, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển.

Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển giáo dục với những định hướng, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Trong xu thế phát triển của ngành giáo dục nước nhà, ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ, kiên trì mục tiêu nâng cao dân trí, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

GDVN_-61.jpg
Bà Trần Thu Hương - Bí thư Quận uỷ Lê Chân thay mặt lãnh đạo quận tặng hoa chúc mừng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận (Ảnh: LT)

Thành tựu đạt được của ngành Giáo dục Hải Phòng không thể không kể đến sự đóng góp quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân. Ngành Giáo dục quận luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo quận, các sở, ban ngành, địa phương. Từ đó, ngành giáo dục quận đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu thi đua dạy thật tốt - học thật tốt.

Quy mô, mạng lưới trường lớp đảm bảo, đáp ứng nhu cầu và quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của quận và xu thế hội nhập quốc tế.

Các trường học, các giáo viên tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng Công nghệ thông tin trong giáo dục.

Đặc biệt trong những năm gần đây, được sự quan tâm của quận, nhiều trường học của quận đã được xây mới, sửa chữa, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, tạo một diện mạo mới, một khí thế mới với những ngôi trường khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện”.

Toả sáng hình ảnh người giáo viên quận Lê Chân

Trong hành trình gieo mầm tri thức miệt mài, nhẫn nại ấy, đội ngũ nhà giáo đương chức quận Lê Chân có rất nhiều tấm gương tận tụy, hết lòng vì học sinh được đồng nghiệp tôn trọng, học sinh và cha mẹ các em tin yêu.

GDVN_-81.jpg
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì (Ảnh: LT)

Nhiều tập thể, cá nhân được Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý. Năm 2024: Trường Tiểu học Võ Thị Sáu vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì; Trường Trung học cơ sở Trần Phú được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nhiều cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo; đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố.

Hiện nay, quận có 22 nhà giáo ưu tú, 3 đồng chí đang công tác được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, đó là: cô giáo Phạm Thị Ngà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh; thầy Hà Huy Hiệp- Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trương Công Định; thầy Phạm Văn Thuận, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ.

GDVN_-86.jpg
Trường Trung học cơ sở Trần Phú đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ (Ảnh: LT)

Ngành cũng đón nhận niềm vui khi cô giáo Lê Thị Minh Tâm – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Phú là một trong 8 phụ nữ tiêu biểu của thành phố Hải Phòng vinh dự nhận giải thưởng Lê Chân lần thứ 13 - giải thưởng cao quý mang tên vị nữ tướng tài ba; 03 cán bộ quản lí, giáo viên được cấp bằng Lao động sáng tạo.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục quận có nhiều hoạt động, giải pháp bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo vừa giỏi chuyên môn nghiệp vụ, vừa có đạo đức nghề nghiệp.

Với sứ mệnh xây dựng hình ảnh người giáo viên quận Lê Chân “trách nhiệm, tâm huyết, yêu người, yêu nghề”, giáo dục và đào tạo quận đã cụ thể hóa Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị bằng các việc làm thiết thực.

GDVN_-88.jpg
Lãnh đạo quận Lê Chân trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng nhà giáo Hoàng Thị Anh (Ảnh: LT)

Các nhà trường, các thầy cô giáo, các em học sinh tích cực tham gia các cuộc thi, đặc biệt là cuộc thi Chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch năm 2024. Tiêu biểu là trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố đã đạt giải B cấp Trung ương trong cuộc thi Chính luận.

Ngoài ra, các nhà trường còn tham gia tích cực các hoạt động của địa phương: phong trào ngày thứ Bảy cùng dân; phối hợp với các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, tổ dân phố tuyên truyền, giáo dục học sinh trên địa bàn; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của ngành đến nhân dân để người dân thấu hiểu, chia sẻ và cùng chung tay chăm lo cho sự nghiệp trồng người của quận.

Người thầy dưới sự kỳ vọng của xã hội

Nhà giáo Phạm Sỹ Tuyên cho rằng: “Như những dòng sông đỏ nặng phù sa, các thầy, các cô cứ âm thầm chắt chiu từng giọt yêu thương, bồi đắp tâm hồn, trí tuệ, nhân cách cho các thế hệ học sinh trở thành những công dân tốt, có ích cho quê hương, đất nước. Các thầy cô xứng đáng là những “người nghệ sĩ tâm hồn”, “người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”.

Theo dòng chảy thời gian, mảnh đất Lê Chân giàu truyền thống hiếu học là nơi nuôi dưỡng bao thế hệ học sinh khôn lớn, trưởng thành.

Sinh thời, Bác Hồ đã từng nói: “Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

GDVN_-92.jpg
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tặng giấy khen cho 19 cá nhân của ngành giáo dục và đào tạo quận Lê Chân (Ảnh: LT)

Vâng, các thầy giáo, cô giáo chính là những anh hùng vô danh. Dù cho cuộc sống còn bộn bề khó khăn, mỗi người mỗi cảnh nhưng vượt lên trên những điều nhọc nhằn và vướng bận ấy, các thầy, các cô vẫn tận tâm cống hiến cho nghề, cho người, xứng đáng với sự đánh giá, ghi nhận của nhân dân.

Sứ mệnh của người thầy vừa đảm đương trọng trách đào tạo nguồn nhân lực - tài sản quý nhất của mỗi quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, vừa góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành nhân cách con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có tinh thần tự hào với truyền thống văn hóa, lịch sử ngàn năm của dân tộc.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân cũng có nhiều trăn trở khi ngày nay, khi xã hội phát triển, nghề giáo vinh quang, song cũng không ít những bất an, áp lực. Nhiều thầy cô trong ngành ưu tư, lo lắng bởi các thang giá trị có sự biến đổi.

Đây đó trong cuộc sống có những điều không tích cực đã len lỏi vào môi trường học đường, làm tổn thương đến hình ảnh người thầy, đến tình cảm thầy trò. Có lẽ sự kỳ vọng của toàn xã hội đã vô tình tạo nên những thách thức cho chính người thầy, người cô, những người làm công tác giáo dục.

Sự kỳ vọng ấy càng đặt lên đôi vai người thầy nhiệm vụ lớn lao, đòi hỏi mỗi thầy giáo, cô giáo nhận thức được ý nghĩa và sứ mệnh của nghề nghiệp, không ngừng cố gắng, phấn đấu để mang lại những giá trị tích cực nhất đối với học sinh, để trong tâm khảm mỗi học trò luôn có hình ảnh những người thầy đáng kính.

Sự phát triển và những biến động của xã hội là tất yếu, song chúng tôi vẫn tin tưởng tuyệt đối vào những giá trị bền vững của truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, từ đó có thêm sức mạnh, thêm niềm tin yêu cống hiến cho nghề, cho sự nghiệp trồng người cao cả.

LÃ TIẾN