Gỡ “thế khó” của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập

21/11/2024 06:18
Trần Trang

GDVN -Phải hóa giải được những khó khăn, vướng mắc hiện tại, các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập mới có thể phát triển lớn mạnh.

Những năm gần đây, hệ thống đại học, cao đẳng ngoài công lập ở nước ta có sự phát triển mạnh mẽ. Giáo dục đại học ngoài công lập được xem như một phần bổ sung quan trọng cho khu vực giáo dục đại học công lập, đáp ứng hiệu quả và linh hoạt yêu cầu của người học và đơn vị tuyển dụng.

Quy mô, số lượng, mạng lưới của trường ngoài công lập có sự gia tăng qua các năm. Chất lượng giảng dạy, nghiên cứu từng bước được nâng lên, vai trò, vị trí của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập dần được khẳng định.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức về nhiều mặt để các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập có thể “cạnh tranh sòng phẳng” với hệ thống đại học, cao đẳng công lập. Trước bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực càng cần phải nâng cao, các trường đại học tư ở Việt Nam cần không ngừng nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp khác nhau để nâng cao vị thế cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Trao đổi cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có những chia sẻ tâm huyết để tháo gỡ thế khó cho các trường đại học ngoài công lập.

Hành trình phát triển của hệ thống đại học, cao đẳng ngoài công lập

Hơn 30 năm đã trôi qua kể từ ngày trường đại học ngoài công lập đầu tiên của Việt Nam được thành lập. Nhìn lại hành trình này, Tiến sĩ Lê Trường Tùng cho hay, có thể chia quá trình phát triển của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập trong 30 năm qua thành 3 giai đoạn.

1.jpg
Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam

Mười năm đầu là giai đoạn một số trường tiên phong, mò mẫm từng bước hình thành. Điều dễ nhận thấy lúc này là các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập thường theo mô hình là cái bóng của các trường công. Chương trình lấy theo chương trình trường công, học phí theo mức trường công, thầy cũng thuê mướn thỉnh giảng từ trường công, cơ sở vật chất thì đi thuê, và tuyển sinh được do thời gian đó cung thấp hơn cầu.

Một số trường hình thành trong giai đoạn này như Trường Đại học Thăng Long, Đại học Duy Tân, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH)... đã từng bước tích lũy và khẳng định được vị trí của mình trong các giai đoạn sau.

4.jpg
Ảnh minh họa: nguồn Trường Đại học Phenikaa.

Mười năm tiếp theo là giai đoạn “hồ hởi phấn khởi”, các trường tư phát triển mạnh về số lượng. Giai đoạn này có thể tính là từ năm 2005, khi có Quyết định số 14/2005/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục, và sau đó được thể chế hóa bằng Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Các trường đại học thành lập trong giai đoạn này gồm Trường Đại học FPT, Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành... đã và đang từng bước khẳng định vị thế của mình.

Giai đoạn ba là 10 năm tiếp theo, đây là giai đoạn đẩy mạnh tự chủ, triển khai văn hóa chất lượng, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và tham gia xếp hạng quốc tế. Các trường đại học ngoài công lập trong giai đoạn này bị phân hoá thành nhóm các trường phát triển tốt và nhóm các trường sa vào tình trạng khó khăn.

Các trường tốt đầu tư lớn, phát triển mạnh, thu hút các doanh nghiệp vào cuộc, tăng quy mô đào tạo, tham gia kiểm định chất lượng quốc tế và từng bước có tên trong các bảng xếp hạng. Các trường yếu thì tồn tại một cách chật vật do tuyển sinh sút kém. Trong giai đoạn này, hàng chục dự án thành lập các trường đại học ngoài công lập dù đã được đồng ý về chủ trương, nhưng không được đầu tư tiếp, thậm chí bị rút giấy phép.

“Tỷ trọng sinh viên trường tư thục tăng trong 2 giai đoạn đầu, và chững lại trong 10 năm gần đây. Sau 30 năm, tỷ trọng sinh viên đại học ngoài công lập vẫn chưa vượt qua được con số 20%. Gần 80% vẫn là sinh viên trường công - điều này cũng chứng tỏ làm giáo dục tư cũng không dễ dàng gì, và nguồn lực đầu tư tư nhân cho giáo dục đại học vẫn chưa được huy động đúng mức.

Sự hình thành và phát triển của hệ thống ngoài công lập đã góp phần quan trọng định hình hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có công có tư. Sự năng động của các trường ngoài công lập cũng là một trong các chất xúc tác để hệ thống các trường công lập trở nên năng động hơn, quan tâm hơn đến tính hiệu quả, nhu cầu xã hội và văn hóa dịch vụ.

Hoạt động năng động, đa dạng, phong phú của các trường ngoài công lập theo quy tắc "được làm những gì không cấm" cũng góp phần để Nhà nước có thực tiễn để hoàn thiện các quy định pháp lý, hướng tới quản lý được chất lượng và hỗ trợ phát triển cho cả hệ thống giáo dục đại học” – thầy Lê Trường Tùng chia sẻ.

5.JPG
Ảnh minh họa: nguồn Trường Đại học CMC.

Còn nhiều nguyên nhân dẫn tới kìm hãm sự phát triển của trường tư

Theo Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, từ năm 2000 đến nay, các kế hoạch, nghị quyết đều đặt ra con số ấn tượng và đầy tham vọng, là tỷ trọng sinh viên ngoài công lập sẽ đạt khoảng 40% vào năm 2020 (Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP).

Mục tiêu tham vọng này vừa là để thu hút đầu tư từ xã hội, vừa sử dụng tối ưu ngân sách nhà nước, đồng thời cũng phù hợp với mô hình giáo dục đại học của nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, đến nay (năm 2024) chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu đó.

“Hiện nay, có các trường công tự chủ tài chính hoạt động theo cách “tính đúng tính đủ”, và tài chính để hoạt động dựa chủ yếu trên nguồn thu từ người dân. Nếu tính cả phần này thì có lẽ sắp đạt con số 40%.

Mô hình trường công hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn lực xã hội là một mô hình giáo dục đại học khá đặc thù ở Việt Nam và có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của khối trường ngoài công lập.

Tuy nhiên, nếu chỉ tính trường tư theo đúng nghĩa do tư nhân đầu tư, thì hiện nay mới thực hiện được một nửa mục tiêu đề ra. Khó khăn cản trở sự phát triển của các trường này trong thời gian vừa qua không phải là ít” - thầy Tùng bày tỏ.

Trong báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đánh giá nhiều nội dung, trong đó có vấn đề về đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo: Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm học 2020-2021, cả nước có 42.080 cơ sở giáo dục từ nhà trẻ, mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục đại học, trong đó: 4.077 cơ sở giáo dục ngoài công lập (3.326 cơ sở giáo dục mầm non, 685 cơ sở giáo dục phổ thông và 60 trường đại học tư thục/dân lập và 6 trường đại học 100% vốn nước ngoài) với gần 1,9 triệu học sinh, sinh viên ngoài công lập.

Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, hiện có 4.011 cơ sở giáo dục ngoài công lập trong tổng số 42.080 cơ sở đạt 9,5%, với xấp xỉ 1,5 triệu trẻ em mầm non và học sinh học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập trong tổng số 22,6 triệu học sinh đạt 6,8% (nguồn: Niên giám thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tháng 5/2021).

Tiến sĩ Lê Trường Tùng chỉ ra 3 nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của hệ thống đại học, cao đẳng ngoài công lập, gồm:

Một là, nhiều phụ huynh và học sinh Việt Nam nói tới trường tư là nghĩ đến học phí cao, chất lượng thấp, và là khu vực hay xảy ra các vấn đề phức tạp mang tính phi học thuật.

Quan điểm này cũng có lý do, vì một số trường tư yếu kém đã làm bát nháo khi “cái khó bó cái khôn”, hoặc một số trường tư phát triển tốt hơn lại vướng vào căn bệnh “quyền lực – kim tiền”, chia bè phái gây mất đoàn kết.

Dù vậy, tại Mỹ, các trường đại học nổi tiếng như Đại học Harvard, Đại học Stanford, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT)... đều là trường tư. Ở Việt Nam, cả một thời gian dài hầu như không có trường tư, và giai đoạn từ những năm 1990, các trường tư Việt Nam "tay không bắt giặc", đầu tư ít, phần lớn trường tư là cái bóng của trường công, tuyển sinh được chủ yếu là do cầu lớn hơn cung. “Không đỗ được trường công mới vào trường tư” là định kiến của xã hội vẫn duy trì đến ngày nay.

Thêm vào đó, mỗi năm khi kỳ tuyển sinh vào lớp 10 đến, một số cơ quan báo chí truyền thông lại đưa thông tin rằng hàng nghìn thí sinh không có chỗ học trường công, điều này vô tình hoặc cố ý điều chỉnh tư duy xã hội theo hướng này.

Việc thay đổi nhận thức xã hội hướng tới tư duy muốn học tốt thì chọn trường tư - là cả một quá trình lâu dài. Hiện nay ở khối giáo dục tiểu học và giáo dục trung học đã bắt đầu hình thành được nhận thức xã hội về chất lượng nhỉnh hơn của hệ thống giáo dục ngoài công lập. Với giáo dục sau phổ thông, để nhận ra ưu thế của giáo dục ngoài công lập cần thêm thời gian, mà theo thầy Tùng “chắc phải 10-15 năm nữa”.

Việc thu hẹp dần khoảng cách về học phí giữa trường đại học tư và trường đại học công tự chủ cũng sẽ rút ngắn quá trình thay đổi nhận thức này, đặc biệt khi đã bắt đầu nổi lên các trường tư đầu tư lớn, chất lượng cao với các hoạt động trải nghiệm phong phú.

6.jpg
Ảnh minh họa: nguồn Trường Đại học FPT.

Thứ hai, môi trường pháp lý thì “lúc nóng lúc lạnh”, gây khó cho các nhà đầu tư.

Có thể kể đến như Quyết định 61/2009/QĐ-TTg về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục do Thủ tướng Chính phủ ban hành, quy định mỗi trường đại học phải có ít nhất ba cổ đông, cổ đông lớn nhất không được chiếm quá 51% vốn (quy định này bị bãi bỏ sau một khoảng thời gian áp dụng).

Bỏ giáo dục đại học ra khỏi danh mục ưu đãi trong Luật Đầu tư 2014, đến 5-7 năm sau giáo dục đại học mới được bổ sung trở lại vào danh mục ưu đãi đầu tư trong Luật Đầu tư 2020, nhưng nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư 2020 vẫn không đưa giáo dục đại học vào danh mục ưu đãi.

Hoặc chính sách ưu đãi đất dùng cho giáo dục, cứ 5-7 năm lại sửa một lần, và mỗi lần sửa là theo hướng ưu đãi bị hạn chế hơn. Năm 2008, nhà nước quy định giao đất sạch miễn phí cho các dự án xã hội hoá giáo dục (trừ đất đô thị thì chính sách miễn giảm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt). Đến năm 2014 thì không còn việc giao đất sạch, ngay cả khi được miễn tiền đất thì nhà đầu tư phải trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng.

Năm 2024 thì “bãi bỏ quy định về ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất đối với dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ" – việc miễn giảm tiền đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết "căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương" (Nghị định 103/2024/NĐ-CP)”.

Thứ ba, về kinh phí hoạt động và quỹ đất.

Để xây trường thì phải có đất, và để hoạt động được là phải có tiền. Chủ trương của Đảng và Chính phủ là đối xử bình đẳng, không phân biệt trường công và trường tư. Luật Giáo dục đại học ghi rõ: "Các loại hình cơ sở giáo dục đại học bình đẳng trước pháp luật". Chính sách là như vậy, nhưng thực hiện thì không dễ, vì trường công được cấp đất, cấp tiền xây trường, được nhà nước chi một phần kinh phí hoạt động, còn trường tư thì khác.

Có hai chính sách nổi bật của Nhà nước trong thời gian qua áp dụng cho các trường tư là được miễn giảm tiền sử dụng đất giáo dục và ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Có thể hiểu tinh thần của các chính sách này là lẽ ra Nhà nước thu, nhưng khoản thu này để lại cho trường, như một dạng đóng góp của nhà nước cho giáo dục khi nhà nước cũng là một bên hưởng lợi từ nguồn nhân lực do các trường tư đào tạo cho xã hội. Tuy nhiên, có nhiều ràng buộc, nhiều tiêu chuẩn tiêu chí cần đáp ứng để có thể được hưởng chính sách, và chính sách ưu đãi đất giáo dục đang ngày càng thu hẹp.

Việc Nhà nước có thể làm hiện nay là cải thiện chính sách ưu đãi đất đai và ưu đãi thuế cho các trường ngoài công lập, theo hướng giảm thu những khoản nhà nước đang thu, chẳng hạn như đất dùng cho mục đích giáo dục thì mặc nhiên được miễn tiền sử dụng đất, và học phí nộp học trường tư thì được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân...

Thầy Lê Trường Tùng nói thêm: “Một trong các khó khăn cơ bản của một số trường ngoài công lập hiện nay là tuyển sinh khó, và nếu tình trạng tuyển sinh èo uột kéo dài thì sự tồn tại của trường sẽ là vấn đề, do mất cân bằng thu chi, không đủ nguồn lực để chịu lỗ mãi.

Trong bối cảnh hệ thống giáo dục đại học cả công và tư hàng năm chỉ tuyển được 80 - 85% chỉ tiêu thì thực tế sẽ có nhiều trường tuyển sinh rất ít. Một việc nhà nước có thể làm là hỗ trợ phát triển thị trường cho các trường tư, chẳng hạn đầu tiên là truyền thông, ngăn chặn và xử lý nghiêm các thông tin, các hành vi hàm ý kỳ thị trường tư.

Tiếp theo là quy hoạch lại thị trường của các trường công để giành thêm thị trường cho trường tư.”

7.JPG
Ảnh minh họa: nguồn Trường Đại học CMC.

Chấp nhận đầu tư lớn, đầu tư lâu dài, luôn đổi mới sáng tạo

Những năm gần đây, trước xu thế phát triển mới, một số trường đại học tư thục được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn mua lại và là chủ sở hữu, một số trường hoạt động hoàn toàn như một doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO gần 20 năm trước, Việt Nam đã cam kết giáo dục là một lĩnh vực hoạt động dịch vụ, vì vậy với các trường đại học cao đẳng, đặc biệt là trường tư, việc quản trị trường theo quy tắc quản trị doanh nghiệp đã là thông lệ.

Tại các trường tư, hợp đồng ký với cán bộ giảng viên là hợp đồng lao động, tài chính hạch toán, đóng thuế theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, cổ đông, ban kiểm soát, quản lý tài sản, chuyển nhượng vốn theo mô hình doanh nghiệp.

Thầy Tùng chia sẻ: “Luật Giáo dục đại học quy định hai hình thức sở hữu trường tư: do các cá nhân là cổ đông, hoặc do một tổ chức, công ty quản lý. Trường Đại học FPT khi mới thành lập phải theo mô hình nhiều cổ đông, do khi đó chưa có quy định công ty là chủ đại học, sau khi thành lập một thời gian mới gom hết cổ phần về Tập đoàn FPT để FPT là chủ sở hữu duy nhất.

Việc gần đây có các công ty mua lại một số trường đại học sẽ thu hút vốn đầu tư và kinh nghiệm quản trị kiểu doanh nghiệp, tuy nhiên việc đổi nhà đầu tư thường kèm theo các thay đổi về định hướng và chiến lược phát triển ngắn hạn cũng như dài hạn của nhà trường. Điều này có thể hay, có thể dở, nhưng về ngắn hạn thì bao giờ cũng tốt hơn, vì không nhà đầu tư mới nào lại muốn trường mình vừa bỏ vốn để đầu tư vào lại trở nên xấu đi cả.

Khi hệ thống giáo dục đại học Việt Nam dịch chuyển từ tinh hoa sang đại chúng, đào tạo đại học hướng tới số đông theo trào lưu giáo dục đại học thế giới, thì tính chất dịch vụ, tính chất thị trường thể hiện ngày càng rõ nét”.

8.jpg
Ảnh minh họa: nguồn Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Về tự chủ giáo dục, có ý kiến cho rằng cần trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tối đa cho các trường đại học ngoài công lập để các trường chủ động cao trong cạnh tranh với các trường đại học khác và thích ứng kịp thời với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhưng theo thầy Tùng, tự chủ là một khái niệm có nhiều cách hiểu khác nhau. Nếu xem tự chủ là không nhận tiền nhà nước, được tự quyết nhiều nội dung hoạt động về học thuật, tài chính, nhân sự - thì các trường đại học tư đã được tự chủ sớm hơn và phạm vi tự chủ nhiều hơn so với trường đại học công.

Thực chất, cơ chế tự chủ cần phải hiểu là cơ chế đối ngược với cơ chế xin - cho, là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm - tức một tổ chức tự chủ có thể tự ra quyết định về một số hoạt động của mình theo hành lang pháp lý được các cơ quan có thẩm quyền quy định.

Mức độ tự chủ được đo đếm bằng số các hành lang pháp lý được mở ra và phạm vi hành lang rộng hay hẹp. Những hoạt động còn lại - những gì vẫn theo cơ chế xin – cho thì đó là tác vụ chưa được tự chủ.

Xin - cho ở đây không chỉ là xin cơ quan quản lý nhà nước, mà còn tính cả việc xin hội đồng trường, xin các cổ đông phê duyệt. Sẽ không có khái niệm tự chủ tối đa, vì khi đó không những không còn cơ chế xin - cho, không còn cơ quan chủ quản (với trường tư thì chủ quản là cổ đông), mà cũng không còn hành lang pháp lý, và là tình trạng vô chính phủ.

Phát triển cơ chế tự chủ tức là xem xét việc trong các hành lang pháp lý đang có cần "mở rộng" hành lang nào, và trong các việc cần xin - cho thì việc nào cần chuyển thành hành lang pháp lý.

Với giáo dục đại học, đã có các hành lang pháp lý hỗ trợ tự chủ trong mở ngành, xác định chỉ tiêu, hợp tác quốc tế cũng nên xem xét mở thêm các hành lang pháp lý khác, như tuyển dụng giảng viên nước ngoài, công nhận bằng cấp...

Với các trường cao đẳng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, việc mở ngành, chỉ tiêu, hợp tác quốc tế trước đây đều theo cơ chế xin - cho, từ 2022 bắt đầu áp dụng tự chủ cho một số trường công, và chỉ mới triển khai tự chủ cho các trường cao đẳng tư thục từ đầu năm 2024.

“Các trường công có rất nhiều ưu thế so với trường tư, nhưng ngược lại các trường tư cũng có những ưu thế nhất định. Ưu thế cơ bản nhất của trường tư là tư duy đổi mới sáng tạo, "được làm những gì không cấm", còn các trường công thì bị tư duy "được làm những gì cho phép" chi phối, cản trở sự nhanh nhạy.

Điều này hết sức quan trọng trong xã hội 4.0, khi không phải lớn thắng bé, mà là nhanh thắng chậm. Khẩu hiệu "làm khác để làm tốt" áp dụng ở Trường Đại học FPT và các trường tư thì được, nhưng áp dụng ở các trường công thì không dễ dàng.

Bản thân từng trường tư cũng phải chấp nhận đầu tư lớn, đầu tư lâu dài, luôn đổi mới sáng tạo, và làm rõ: dù học phí tuy có cao hơn trường công, nhưng giá trị mang lại lớn hơn nhiều sự chênh lệch học phí này” – thầy Tùng bày tỏ.

Trần Trang