Quy định về việc thành lập, giải thể cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hà Nội

19/11/2024 15:48
Minh Chi

GDVN - Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã thông qua các nghị quyết về việc thành lập, giải thể cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố.

Sáng 19/11, tại kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề), Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã xem xét, ban hành các nội dung triển khai, thi hành Luật Thủ đô năm 2024 và các nội dung khác.

Kỳ họp thứ 19 - kỳ họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội. Ảnh: VGP/Gia Huy
Kỳ họp thứ 19 - kỳ họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội. Ảnh: VGP/Gia Huy

Bảo đảm tính thống nhất về quản lý ngành, lĩnh vực công tác

Trong đó, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã thông qua các nghị quyết về việc thành lập, giải thể cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố và các trình tự thủ tục giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là các Nghị quyết cụ thể hoá các quy định tại Luật Thủ đô năm 2024.

Cụ thể, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã xem xét thông qua Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố; thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố Hà Nội. Nghị quyết được thực hiện theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 4 Điều 9 Luật Thủ đô, nhằm đáp ứng yêu cầu phân cấp, phân quyền.

Nghị quyết gồm 4 chương và 24 điều với nguyên tắc chung, bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện; tính thống nhất về quản lý ngành, lĩnh vực công tác. Không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác.

Bảo đảm mục tiêu cải cách hành chính nhà nước, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hợp lý, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; chỉ thành lập trong trường hợp thật sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn

Bảo đảm mục tiêu cải cách hành chính Nhà nước, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hợp lý, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; chỉ thành lập trong trường hợp thật sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn. Bảo đảm đúng điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định tại Nghị quyết này.

Trường hợp thành lập thêm cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thì bảo đảm số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố không vượt quá 15% khung số lượng do Chính phủ quy định; tổng số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện không vượt quá 10% khung số lượng do Chính phủ quy định.

Lưu ý, trường hợp thành lập thêm cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thì bảo đảm tổng số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố không vượt quá 15% khung số lượng do Chính phủ quy định; tổng số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện không vượt quá 10% khung số lượng do Chính phủ quy định.

Quy định trình tự, thủ tục thành lập, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội bấm nút thông qua nghị quyết tại Kỳ họp. Ảnh: VGP/Gia Huy

Các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội bấm nút thông qua nghị quyết tại Kỳ họp. Ảnh: VGP/Gia Huy

Cũng tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

Nội dung cơ bản của Nghị quyết là quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, bao gồm: Trình tự, thủ tục thành lập đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố; trình tự, thủ tục tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố.

Nghị quyết cũng quy định về trình tự, thủ tục cụ thể hóa bằng các Điều được sắp xếp theo thứ tự các bước thực hiện, quy định cụ thể các bước từ xây dựng dự thảo Đề án, Tờ trình thành lập, nội dung hồ sơ, nội dung thẩm định, Quyết định thành lập, thời hạn giải quyết xử lý hồ sơ.

Theo tờ trình của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, hiện nay Ủy ban nhân dân Thành phố có 22 đơn vị đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố quản lý (đơn vị sự nghiệp công lập cấp 1); 307 đơn vị sự nghiệp thuộc các sở và các chi cục thuộc sở; 2282 đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã (đơn vị sự nghiệp công lập cấp 2, cấp 3).

Việc thành lập, tổ chức lại và giải thể đơn vị sự nghiệp công lập cấp 2, cấp 3 theo quy định hiện nay thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố, đã được quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ, Quyết định số 25/2021/QĐUBND ngày 19/11/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố và đang được áp dụng triển khai thực hiện.

Việc thành lập, tổ chức lại và giải thể các đơn vị sự nghiệp cấp 1 hiện nay thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định (theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020). Khoản 3 Điều 10 của Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 28/6/2024 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân Thành phố, cụ thể: “Căn cứ vào nguyên tắc, điều kiện, tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật, quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân Thành phố theo trình tự, thủ tục do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định”, do vậy việc thành lập đơn vị sự nghiệp cấp 1 nêu trên sẽ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định theo trình tự, thủ tục Hội đồng nhân dân Thành phố quy định.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ, việc tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập là sắp xếp, kiện toàn lại đơn vị sự nghiệp công lập dưới các hình thức: chia, tách, sáp nhập, hợp nhất; hoặc điều chỉnh tên gọi, vị trí, chức năng, nhiệm vụ để hình thành đơn vị sự nghiệp công lập mới.

Do vậy, để triển khai việc thành lập, giải thể đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định tại Luật Thủ đô, các văn bản hướng dẫn hiện hành và đảm bảo xuyên suốt, tổng thể, thống nhất theo đặc thù của Thủ đô; góp phần giảm thiểu thời gian và thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng quản lý tổ chức, bộ máy, thì việc xây dựng Nghị quyết ban hành quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội là rất cần thiết.

Chuyển cán bộ làm việc cấp xã thành cán bộ thuộc biên chế hành chính

Ngoài ra, tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã thông qua Quy định việc chuyển cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, quy định này nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập, giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.

Nghị quyết có 5 chương và 16 điều, với các nội dung cơ bản: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, nguyên tắc thực hiện; Chuyển cán bộ làm việc tại xã, phường, thị trấn; công chức làm việc tại xã, thị trấn vào biên chế hành chính được giao hằng năm cho cấp huyện; Tuyển dụng công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn; Sử dụng, quản lý cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn; Chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn.

Thực tiễn hiện nay, đội ngũ cán bộ làm việc tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố theo quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10 ngày 6 tháng 2023 của Chính phủ là cán bộ được bầu cử, chưa được bổ nhiệm ngạch công chức (chỉ được xếp lương theo ngạch. Một số đồng chí chưa đạt chuẩn theo quy định (chưa có trình độ chuyên môn đại học), hoặc giữ chức danh cán bộ khi đã nghỉ hưu.

Bên cạnh đó, việc sử dụng công chức phường cũng chưa có tính liên thông. Theo đó, khi thực hiện điều động, luân chuyển công chức phường đến cơ quan chuyên môn từ cấp huyện trở lên vẫn phải thực hiện việc kiểm tra sự phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.

Đội ngũ công chức làm việc tại xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố chưa được bổ nhiệm ngạch công chức (chỉ được xếp lương theo ngạch). Công chức làm việc tại xã, thị trấn do Ủy ban nhân dân huyện, thị xã tuyển dụng. Một số công chức xã, thị trấn chưa có trình độ chuyên môn đại học theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Để chuyển cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định hiện hành; thực hiện tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, thì việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố có tính chất quy phạm pháp luật để thực hiện lâu dài việc chuyển cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hà Nội là cần thiết.

Minh Chi