Vai trò của đội ngũ trí thức ở cơ sở GDĐH với cuộc cách mạng chuyển đổi số

20/11/2024 09:23
TS Lê Văn Út - Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu (SARAP), Trường Đại học Văn Lang

GDVN - Tất cả các nhóm trí thức ở các ĐH, lãnh đạo và quản lý và cả nghiên cứu, giảng dạy, công tác hành chính, đều có thể cùng nhau đóng góp vào các hoạt động này.

Chủ trương về vai trò của đội ngũ trí thức

Theo Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban chấp hành Trung ương Đảng [1], đội ngũ trí thức là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo. Và lực lượng này có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thêm nữa, đội ngũ trí thức là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết cũng khẳng định, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp "nguyên khí quốc gia" và phát triển bền vững; đồng thời phải chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước. Ngoài ra, cần phải tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tạo môi trường, điều kiện và động lực để phát huy vai trò, sự cống hiến đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức.

Như vậy, đội ngũ trí thức đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển và phồn thịnh của đất nước. Đó cũng là lý do mà Ban chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ đạo và rất quyết liệt trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức. Trong các cơ sở giáo dục đại học (ĐH), đội ngũ trí thức thực sự quyết định sự tồn tại và phát triển của các ĐH.

Anh 1.jpg
TS Lê Văn Út - Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu (SARAP), Trường Đại học Văn Lang.

Ba nhóm trí thức trong các cơ sở giáo dục đại học

Đội ngũ trí thức trong các ĐH cơ bản có thể phân thành ba nhóm gồm nhóm lãnh đạo, nhóm quản lý và nhóm nghiên cứu, giảng dạy, công tác hành chính. Đương nhiên, mỗi đại học có thể bố trí các vị trí linh hoạt theo đặc thù loại hình ĐH, và theo các quy định của pháp luật. Có thể sơ đồ hóa cấu trúc của các nhóm trí thức này như sau:

zalo_1896416861427243.jpg

Theo luật định, mỗi trí thức ở từng vị trí trong sơ đồ trên đều có đóng góp quan trọng cho các ĐH. Mỗi vị trí có những vai trò và chức năng riêng và cùng góp phần vào sự vận hành chung của bộ máy ĐH.

Tiềm năng của đội ngũ trí thức trong các cơ sở giáo dục đại học

Năm 2024, số lượng đội ngũ giảng viên toàn thời gian của các ĐH là 91.297 người [2], trong đó lực lượng giảng viên có học vị tiến sĩ chiếm 33% và đội ngũ giảng viên cao cấp có hàm PGS/GS chiếm 6,97%. Mặc dù, lực lượng giảng viên của các ĐH cần tiếp tục được phát triển cả về lượng và chất nhưng có thể nói lực lượng tiến sĩ ở các ĐH của chúng ta là không nhỏ. Chỉ cần mỗi giảng viên có học vị tiến sĩ, học hàm PGS/GS cho ra ít một sản phẩm khoa học mỗi năm thì có thể nói sản lượng khoa học của các ĐH nói riêng và của cả nước nói chung có thể là rất lớn. Và khi đó chất lượng đào tạo, chuyển giao kết quả nghiên cứu mới ở các đại học chắc chắn được nâng cao. Và các ĐH có thể góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Theo WoS, Việt Nam có 5.034 bài báo nghiên cứu trong nửa đầu năm 2024, tính đến 21 giờ ngày 01/07/2024. Điều hết sức thú vị là hầu hết các bài báo nghiên cứu của Việt Nam là từ các ĐH hoặc có hợp tác với các ĐH ở Việt Nam [3]. Minh chứng này cho thấy đội ngũ trí thức ở các ĐH có vai trò quan trọng đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và suy rộng ra là các hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của đất nước. Và đương nhiên, tất cả các nhóm trí thức ở các ĐH, lãnh đạo và quản lý và cả nghiên cứu – giảng dạy – công tác hành chính, đều có thể cùng nhau đóng góp vào các hoạt động này.

Anh 3.JPG
Ảnh minh họa.

Đội ngũ trí thức trong các có sở giáo dục đối với cuộc cách mạng chuyển đổi số và phát triển đất nước

Trong bài viết “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” [4] của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhân dịp Quốc khánh 2/9/2024 đã khẳng định “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số. Sự thay đổi trong quan hệ sản xuất sẽ tác động mạnh đến kiến trúc thượng tầng, mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội, tạo ra những công cụ mới trong quản lý nhà nước, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa nhà nước và công dân, giữa các tầng lớp xã hội.”

Những ý kiến mang tính định hướng và chỉ đạo trên là hết sức đúng đắn, mang tầm vĩ mô và vô cùng quan trọng cho sự phát triển của đất nước, nhất là trong giai đoạn cạnh tranh toàn cầu hết sức quyết liệt. Để chuyển đổi số thành công, không có cách nào khác là phải dựa vào đội ngũ trí thức và đặc biệt là lực lượng này ở các ĐH. Bởi lẽ, đội ngũ trí thức ở các ĐH chẳng những có vai trò trong việc đào tạo ra đội ngũ tri thức mới, mà còn đóng góp rất thường xuyên và hiệu quả vào các thành tựu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của đất nước thông qua các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu.

Sản phẩm nghiên cứu của đội ngũ trí thức ở các ĐH được chuyển giao tạo ra nhiều giá trị, chẳng những sản phẩm tri thức mới (chủ đạo) mà còn sản phẩm danh tiếng mới và sản phẩm công nghệ mới. Do đó, nếu các ĐH ở Việt Nam có một đội ngũ trí thức hùng mạnh cả về số lượng và chất lượng (ưu tiên hơn) thì chắc chắn cuộc cách mạng chuyển đổi số sẽ dễ dàng thành công hơn.

Để xây dựng đội ngũ trí thức như đã nói ở trên, chắc chắn Nhà nước phải tiếp tục có những cơ chế phù hợp để lực lượng này phát triển về chất và lượng hơn nữa. Chỉ khi nào lực lượng này có thể có thu nhập ổn định và có các điều kiện thuận lợi để phát triển thì họ mới có thể phát huy giá trị, và có đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đối số của đất nước. Bên cạnh việc vinh danh, ví dụ như Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm, đội ngũ trí thức ở các ĐH rất nên được tiếp tục duy trì sự vinh danh đó bằng các chế độ thu nhập hợp lý, có thể sống ổn, không nhất thiết phải “chân trong chân ngoài”, không nhất thiết phải “tay ôm hoa nhưng tâm thì đầy tâm tư” và có thể phát triển nghề nghiệp một cách thuận lợi hơn.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc tăng thu nhập và điều kiện làm việc cho đội ngũ trí thức ở các ĐH. Thu nhập của nhiều chuyên gia có năng lực được cải thiện rất nhiều, đã thực hiện tốt xu hướng tự chủ, làm theo năng lực và hưởng theo hiệu quả mang lại. Hy vọng trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa những vấn đề này, có thêm những giải pháp mới để đội ngũ trí thức ở các ĐH tiếp tục được phát triển và có đóng góp tốt vào sự phát triển chung của đất nước và đặc biệt là vào cuộc cách mạng chuyển đổi số.

Tài liệu tham khảo:

[1] Ban chấp hành Trung ương Đảng (2023); Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

[2] TS. Trần Văn Khởi (2024); Phát triển nguồn nhân lực giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học: Thực trạng và giải pháp; Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 27/08/2024.

[3] TS Lê Văn Út (2024); Xếp hạng thành tựu bài báo nghiên cứu của các đại học Việt Nam trong nửa đầu năm 2024; Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ, 17/07/2024.

[4] Tổng Bí thư Tô Lâm (2024); Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới; Tạp chí Cộng sản, ngày 02/09/2024.

TS Lê Văn Út - Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu (SARAP), Trường Đại học Văn Lang