Cô giáo Đỗ Thị Ngọc Duyên (sinh năm 1984), hiện đang là Tổ phó chuyên môn Toán, tại Trường Trung học cơ sở Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ). Cô bắt đầu công tác tại trường từ năm 2006, đến nay đã được 18 năm.
Những ngày đầu bước chân vào nghề, cô Duyên gặp không ít khó khăn, nhất là giai đoạn ngành giáo dục bắt đầu chuyển mình mạnh mẽ với việc ứng dụng công nghệ thông tin. Vượt qua những khó khăn ban đầu, cô giáo Đỗ Thị Ngọc Duyên nhận ra rằng, mọi thử thách đều là cơ hội để bản thân trưởng thành. Hiện tại, ngoài giảng dạy môn Toán, cô còn phụ trách bồi dưỡng học sinh giỏi và dẫn dắt học sinh tham gia các dự án trải nghiệm sáng tạo.
Cô Ngọc Duyên luôn cố gắng tạo môi trường học tập tốt, nơi học sinh không chỉ học kiến thức, mà còn rèn luyện kỹ năng sống và tinh thần chia sẻ với cộng đồng.
Năm 2024, nữ giáo viên vinh dự là 1 trong 251 Nhà giáo tiêu biểu được vinh danh. Cô cho biết, đây sẽ là động lực để cô tiếp tục cống hiến trong ngành giáo dục của đất nước.
Hành trình “gieo mầm xanh”, dạy học sinh về lòng nhân ái
Quen làm việc với những con số, nhưng cô Đỗ Thị Ngọc Duyên lại là người mang trong mình tâm hồn văn thơ. Chia sẻ về lý tưởng sống của mình, cô Duyên tiết lộ: “Mỗi khi nghe tới câu hát ‘Ai rồi cũng bước qua cuộc đời/Để lại những hành trang ở đây/Thế giới sẽ thật đẹp nếu như một ngày/Ta mỉm cười buông tay ở dưới tán cây mình gây’, trong bài hát Người gieo mầm xanh của nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, tôi lại cảm thấy vô cùng tâm đắc.
Bản thân tôi luôn sẵn sàng đổi mới và cống hiến để trở thành một “người gieo mầm xanh”, để sau này, khi nhìn lại, sẽ thấy cuộc đời thật đáng giá. Vì vậy, bên cạnh những giờ học, tôi luôn muốn cùng học trò của mình bắt đầu những hành trình thiện nguyện ý nghĩa, để các em hiểu rằng, tri thức là nền tảng, nhưng chính lòng nhân ái và ý chí vượt khó mới là điều làm nên giá trị của mỗi con người”.
Bắt đầu cuộc hành trình này, năm 2018, cô Đỗ Thị Ngọc Duyên cùng học trò thành lập câu lạc bộ thiện nguyện và chính thức lấy tên là Little Acts (Hành động nhỏ) vào năm 2023. Hiện câu lạc bộ là thành viên Mạng lưới tình nguyện quốc gia khu vực miền Nam. Little Acts là nơi cô Duyên cùng học trò gieo những “mầm xanh” của lòng nhân ái.
Nhắc đến những ngày hoạt động đầu tiên, cô Duyên xúc động: “Là giáo viên chủ nhiệm, nên tôi cũng có lúc gặp khó khăn, nhất là khi phải cân bằng giữa công việc chuyên môn và hoạt động thiện nguyện. Mọi nỗ lực đều được đền đáp, vượt qua mọi thử thách, cô trò vẫn thực hiện được những dự án và giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Nhìn thấy niềm vui của những người nhận được sự giúp đỡ, tôi cảm thấy mọi áp lực đều đáng giá”.
Cô Ngọc Duyên cho biết, Little Acts hiện tại vẫn hoạt động tích cực, duy trì các buổi vận động quyên góp, thăm hỏi những người già neo đơn, trẻ em khuyết tật và hỗ trợ người gặp khó khăn. Để duy trì hoạt động, cô Duyên cùng học trò tổ chức bán hàng, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng.
Xuyên suốt những năm tháng hoạt động thiện nguyện, cô Đỗ Thị Ngọc Duyên từng chứng kiến nhiều trường hợp khó khăn, khiến cô rơi nước mắt.
Điều khiến cô nhớ nhất lại là câu nói giản đơn nhưng đầy tình cảm của một cụ bà neo đơn: “Đó là kỷ niệm khiến tôi không bao giờ quên. Trong chương trình ‘Tết này ai cũng vui 2024’, câu lạc bộ tổ chức thăm hỏi các cụ già neo đơn huyện Cờ Đỏ và gia đình trẻ em khuyết tật phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt. Khi đến thăm một cụ bà neo đơn tại huyện Cờ Đỏ, khoảnh khắc bà nhìn thấy chúng tôi, liền nắm lấy tay tôi và rưng rưng nói: ‘Nhờ các con mà bà cảm thấy mình không bị lãng quên’.
Những lời ấy đã chạm đến trái tim tôi, nhắc nhở rằng mỗi hành động dù nhỏ bé cũng có thể làm thay đổi cuộc đời ai đó. Khi ấy, tôi càng cảm nhận sâu sắc giá trị của việc giáo dục học sinh biết sẻ chia, đồng cảm”.
Cùng với đó, câu lạc bộ Little Acts đã tặng quần áo cho bà con tại 2 địa phương vùng cao: huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk); xã Ia Chim (thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Ngoài ra, cô và trò còn vận động hỗ trợ xây dựng ‘Thư viện Ước mơ’ của tỉnh Đắk Lắk.
“Hoạt động trên là một phần trong chuỗi thiện nguyện. Tôi rất tự hào khi thấy cộng đồng, đặc biệt là phụ huynh học sinh, cùng chung tay đóng góp. Càng đi sâu vào hành trình, chúng tôi nhận ra rằng, điều quan trọng nhất mà mình trao đi không chỉ là những tấm áo, manh quần, hay những cuốn sách... mà còn là sự quan tâm và hy vọng cho một tương lai tươi sáng hơn...” - cô tâm sự.
Nữ giáo viên cũng cho biết, bản thân rất tự hào khi nhận ra, hành trình sẻ chia không chỉ giúp ích cho người khác mà còn làm giàu thêm lòng trắc ẩn trong trái tim mỗi người: “Đây không chỉ là một hoạt động thiện nguyện, mà còn là cách để tôi và học sinh hiểu rằng, mỗi hành động nhỏ hôm nay đều có thể trở thành một “hạt mầm xanh” cho ngày mai”.
Người kết nối những tấm lòng yêu thương
Năm 2020, cô Đỗ Thị Ngọc Duyên thực hiện dự án ‘Women are equal’, nhằm giáo dục học sinh về giá trị của sự bình đẳng giới và tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Dự án học tập này nằm trong top 150 dự án xuất sắc nhất diễn đàn Giáo viên đổi mới, sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin 2020.
Chia sẻ về dấu ấn này, cô Duyên cho biết, dự án khuyến khích học sinh tìm hiểu vai trò của phụ nữ trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Từ đó, tổ chức các buổi thảo luận, trình bày quan điểm và thực hiện các chiến dịch truyền thông nhỏ trong trường học. Đó là nỗ lực “gieo mầm” ý thức trách nhiệm vào tâm trí học sinh, với mong muốn các em không chỉ là những học sinh giỏi kiến thức mà còn biết cảm thông, sẻ chia và sống vì cộng đồng.
“Hiệu quả lớn nhất của dự án là sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức của học sinh. Các em không chỉ hiểu hơn về vấn đề bình đẳng giới, mà còn biết cách thể hiện sự đồng cảm với những người xung quanh. Một nhóm học sinh tham gia dự án sau đó đã tự tổ chức buổi quyên góp sách vở, hỗ trợ các nữ sinh khó khăn ở trường. Điều này khiến tôi rất tự hào, vì dự án đã vượt xa mục tiêu ban đầu” - cô rạng rỡ chia sẻ.
Không chỉ lan toả tấm lòng yêu thương đến học trò, cô Duyên còn tạo nên “sợi dây” gắn kết giữa các đồng nghiệp cả trong và ngoài trường.
Năm 2023, cô Duyên phụ trách vận động, kêu gọi cho chương trình ‘Áo dài tặng cô, máy tính tặng học sinh khó khăn’. Kết quả, cô đã vận động được 111 bộ áo dài tặng cho giáo viên khó khăn tại Tây Nguyên.
Cô Duyên bày tỏ: “Chương trình đã để lại trong tôi những ký ức đẹp. Là một giáo viên, tôi hiểu rằng, trang phục không chỉ là hình ảnh, mà còn thể hiện sự tự tin của mỗi nhà giáo khi đứng trên bục giảng. Với tôi, chương trình này không chỉ là một hoạt động thiện nguyện, còn có vai trò kết nối những tấm lòng yêu thương, sẻ chia trong cộng đồng giáo viên. Mỗi bộ áo dài không chỉ là một món quà, mà còn là thông điệp về sự trân trọng và động viên những đồng nghiệp vùng sâu, vùng xa tiếp tục vững bước trên hành trình “gieo mầm xanh” cho thế hệ trẻ.
Tôi rất biết ơn sự ủng hộ nhiệt tình của các đồng nghiệp trong trường cũng như tại địa phương, không chỉ gửi tặng áo dài mà còn góp sức cùng tôi phân loại, sắp xếp. Hình ảnh các thầy cô chung tay làm việc từ sáng đến chiều tối khiến tôi thực sự xúc động. Đó là minh chứng cho tình đồng nghiệp và tinh thần chung tay vì cộng đồng”.
Khi nhận được những bức ảnh các cô giáo vùng Tây Nguyên mặc những bộ áo dài ấy, cô Duyên cảm thấy lòng mình tràn ngập niềm vui.
“Dẫu công việc có vất vả, nhưng nhìn nụ cười hạnh phúc hiện rõ trong từng bức ảnh, tôi nhận ra rằng hành trình sẻ chia này thật sự ý nghĩa.
Với tôi, những danh hiệu đạt được là sự ghi nhận quý giá cho nỗ lực trong nghề giáo. Nhưng điều khiến tôi cảm thấy thành công lớn nhất không nằm ở các giải thưởng mà là việc nhìn thấy những “hạt mầm xanh” mà tôi từng vun trồng, nay đã lớn lên và mang theo giá trị của tình yêu thương, trách nhiệm vào cuộc sống.
Tôi nhớ, một em học sinh từng viết cho tôi: ‘Cô không chỉ dạy em Toán, mà còn giúp em học cách tin vào bản thân mình’. Những lời ấy như tiếp thêm sức mạnh để tôi tiếp tục hành trình này”, cô Duyên bộc bạch.
Nữ giáo viên say mê “chuyển đổi số”, mang công nghệ đến gần hơn với bài giảng
Bên cạnh hành trình thiện tâm đầy ý nghĩa, cô giáo Đỗ Thị Ngọc Duyên còn đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong giảng dạy. Ngày ngày, cô Duyên vẫn cần mẫn soạn từng trang giáo án, trăn trở làm thế nào đổi mới phương pháp giáo dục, mang công nghệ đến gần hơn với bài giảng.
Nữ nhà giáo chia sẻ: “Công nghệ thông tin không chỉ làm mới phương pháp giảng dạy, mà còn giúp học sinh tiếp cận một thế giới tri thức rộng lớn hơn. Với tôi, chuyển đổi số trong giáo dục không đơn thuần là sử dụng công nghệ; mà là tạo ra một môi trường học tập linh hoạt - nơi học sinh không chỉ học để biết, mà còn học để sáng tạo, để tự tin khám phá bản thân”.
Theo cô Duyên, hành trình này không dễ dàng mà đầy thách thức. Đối với nhiều giáo viên, việc tiếp cận công nghệ đôi khi giống như học lại từ đầu, đòi hỏi sự kiên trì và tinh thần đổi mới không ngừng. Đối với học sinh, bên cạnh cơ hội phát triển tư duy sáng tạo, các em cũng phải đối mặt với nguy cơ mất tập trung và những ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường mạng.
“Điều quan trọng là nhà trường phải trang bị cho học sinh không chỉ kiến thức, mà cả kỹ năng sử dụng công nghệ an toàn và hiệu quả. Tôi mong rằng, dù trong bất kỳ thời đại nào, các em cũng luôn giữ được sự trong sáng và lòng ham học hỏi, biết dùng công nghệ như một công cụ mà không bị chi phối.
Bản thân tôi đã áp dụng chuyển đổi số vào giảng dạy thông qua sử dụng các nền tảng học tập trực tuyến, thiết kế bài giảng tương tác và khuyến khích học sinh thực hiện các dự án sáng tạo.
Tôi cũng luôn tự nhắc nhở mình, công nghệ chỉ là phương tiện, còn tình yêu thương và sự tận tụy của người thầy mới là yếu tố quyết định thành công. Với tôi, sứ mệnh của người giáo viên là mang đến cho học sinh không chỉ tri thức mà cả giá trị sống, để các em bước vào thế giới số một cách bản lĩnh và đầy trách nhiệm”, nữ giáo viên bày tỏ.
Cô Duyên chia sẻ thêm: “Ngành giáo dục trong những năm qua đã có những bước chuyển mình đáng kể, đặc biệt là sự hội nhập công nghệ và những đổi mới trong phương pháp giảng dạy. Tôi cảm thấy tự hào khi được chứng kiến sự phát triển ấy, khi các lớp học không còn giới hạn trong những trang sách, mà đã mở ra cả một thế giới tri thức với sự hỗ trợ của công nghệ số”.
Cô Duyên cho biết, khi xem bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, trong cuộc gặp của Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, cô như bị cuốn vào câu nói: “Thách thức càng lớn, biến động càng nhiều, cái mới càng dồn dập, giáo dục càng cần quay về củng cố, trang bị cho người học những cái cơ bản nhất, nền tảng nhất. Đứng vững chắc nơi những giá trị cốt lõi nhất của giáo dục là các giá trị về tình yêu thương, sự trung thực, lòng thiện lương và cái đẹp, thêm vào đó là những năng lực và kỹ năng mới của thời đại”.
“Chính vì thế, tôi luôn xem những thách thức của thời đại hiện nay chính là cơ hội rèn luyện, đổi mới từng ngày, để kiến tạo cho một tầng lớp tri thức mới. Tôi luôn cố gắng rèn luyện mình tự học, tự thích ứng để dẫn dắt học trò”, cô nhấn mạnh.
Gần 20 năm cống hiến, cô giáo Đỗ Thị Ngọc Duyên đạt nhiều thành tích tiêu biểu: 2 lần đạt giải Nhất Giáo viên giỏi cấp quận (2019; 2021); giải Ba danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố (2021); giải Nhì Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thành phố (2022); giải Nhì Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp quận (2023). Cô là Chủ nhiệm công trình nghiên cứu “Phần mềm Hướng dẫn kỹ năng sống (dành cho lứa tuổi từ 6-15 tuổi)”, được Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đề cử Sách Vàng sáng tạo Việt Nam năm 2023.