Năm 2024, Trường Đại học Phenikaa có thêm 1 giáo sư và 6 phó giáo sư

22/11/2024 06:17
Thi Thi

GDVN - Các giảng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 của Trường ĐH Phenikaa đều có thành tích nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế nổi bật.

Năm 2024, Trường Đại học Phenikaa có thêm 1 giáo sư ngành Vật lý và 6 giảng viên đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư gồm: ngành Công nghệ thông tin (1), ngành Dược học (1), ngành Vật lý (4).

Danh sách các thầy cô đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư 2024 của Trường Đại học Phenikaa như sau:

1. Thầy Đỗ Văn Nam (sinh năm 1980) - giáo sư ngành Vật lý

Từ tháng 4/2002 đến tháng 9/2004, thầy Nam là giảng viên tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ tháng 10/2004 đến tháng 12/2007 là nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Paris XI (Pháp).

Từ tháng 2/2008 đến tháng 2/2009 thầy là nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện điện tử cơ bản (IEF), CNRS, Trường Đại học Paris XI. Từ tháng 9/2009 đến tháng 6/2018 thầy là giảng viên, Phó viện trưởng tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội). Từ tháng 7/2018 đến tháng 12/2023 thầy là giảng viên, Viện trưởng tại Trường Đại học Phenikaa.

Hiện tại thầy Đỗ Văn Nam là giảng viên Viện Nghiên cứu Tiên tiến Phenikaa.

GS Đỗ Văn Nam.jpg
Thầy Đỗ Văn Nam - tân giáo sư ngành Vật lý năm 2024. Ảnh: NTCC.

Thầy Nam có các hướng nghiên cứu chủ yếu là Vận chuyển điện lượng từ trong vật liệu và linh kiện bán dẫn; Tính chất điện tử, quang học và topo của các vật liệu van der Waals hai chiều.

Thầy Nam đã công bố 38 bài báo khoa học, trong đó có 34 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

Xem chi tiết hồ sơ Giáo sư Đỗ Văn Nam tại đây.

2. Thầy Phạm Văn Cảnh (sinh năm 1989) - phó giáo sư ngành Công nghệ thông tin

Từ tháng 6/2012 đến tháng 9/2021 thầy Cảnh là giảng viên tại Học viện An ninh nhân dân. Từ tháng 2/2020 đến tháng 2/2022 thầy là nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trường Đại học Phenikaa.

Hiện, thầy Phạm Văn Cảnh là Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu Tối ưu hóa các hệ thống lớn (ORLAB).

PGS.TS. Phạm Văn Cảnh.jpg
Thầy Phạm Văn Cảnh - Phó giáo sư ngành Công nghệ thông tin năm 2024. Ảnh: NTCC.

Các hướng nghiên cứu chủ yếu của thầy Cảnh là: Các bài toán tối ưu tổ hợp trong trí tuệ nhân tạo; Các bài toán tối ưu trong lan truyền thông tin trên mạng xã hội.

Trong quá trình nghiên cứu, thầy Cảnh đã công bố 36 bài báo khoa học, trong đó có 13 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín.

Xem chi tiết hồ sơ Phó Giáo sư Phạm Văn Cảnh tại đây.

3. Thầy Trương Thanh Tùng (sinh năm 1989) - phó giáo sư ngành Dược học

Từ tháng 12/2014 đến tháng 12/2017 thầy Tùng là giảng viên tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch,đồng thời là nghiên cứu sinh tại đây.

Từ tháng 01/2018 đến tháng 12/2018 là nghiên cứu sau tiến sĩ, Đại học Aarhus, Đan Mạch. Từ tháng 12/2018 đến tháng 12/2019 thầy Tùng là trợ lý giáo sư nghiên cứu, Đại học Pittsburgh, Hoa Kỳ.

Từ tháng 12/2019 đến nay thầy là giảng viên, trưởng nhóm nghiên cứu Tiềm năng Thiết kế và tổng hợp thuốc mới, Trường Đại học Phenikaa.

Thầy Trương Thanh Tùng - Phó giáo sư ngành Dược học năm 2024. Ảnh: NTCC.

Thầy Trương Thanh Tùng - Phó giáo sư ngành Dược học năm 2024. Ảnh: NTCC.

Các hướng nghiên cứu chủ yếu của thầy Tùng như sau:

Hướng nghiên cứu 1: Phát triển phản ứng hoá học mới ứng dụng cho tổng hợp thuốc hướng áp dụng cho công nghiệp sản xuất nguyên liệu làm thuốc.

Hướng nghiên cứu 2: Nghiên cứu phát triển thuốc mới và thuốc tác dụng tại đích.

Hướng nghiên cứu 3: Nghiên cứu phát triển phản ứng mới, tổng hợp và theo dõi hoạt tính của các dẫn chất Fluoro và Fluoro phóng xạ dùng trên lâm sàng, hướng ứng dụng trong nghiên cứu lâm sàng chẩn đoán, xạ trị ung thư (Hoá điều trị). Đồng thời phát triển các nghiên cứu dược lâm sàng của thuốc làm căn cứ cho việc phát triển thuốc.

Thầy Trương Thanh Tùng đã công bố 48 bài báo khoa học, trong đó 40 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín. Bên cạnh đó, thầy Tùng cũng đã được cấp 1 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích.

Xem chi tiết hồ sơ Phó Giáo sư Trương Thanh Tùng tại đây.

4. Thầy Nguyễn Ngọc Anh (sinh năm 1989) - phó giáo sư ngành Vật lý

Từ tháng 1/2016 đến tháng 11/2022 thầy Ngọc Anh là nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu hạt nhân, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam.

Hiện, thầy Ngọc Anh là giảng viên tại Viện Nghiên cứu Tiên tiến Phenikaa.

PGS.TS Đỗ Ngọc Anh.jpg
Thầy Nguyễn Ngọc Anh - phó giáo sư ngành Vật lý năm 2024. Ảnh: NTCC.

Các hướng nghiên cứu chủ yếu của thầy Ngọc Anh là: Cấu trúc hạt nhân - sơ đồ mức, mật độ mức, và hàm lực bức xạ; Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân; Phát triển thiết bị và kỹ thuật ghi đo bức xạ.

Trong quá trình nghiên cứu, thầy Ngọc Anh đã công bố 54 bài báo khoa học, trong đó 30 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín.

Xem chi tiết hồ sơ Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Anh tại đây.

5. Thầy Ngô Ngọc Hà (sinh năm 1979) - phó giáo sư ngành Vật lý

Từ tháng 06/2012 đến tháng 11/2021thầy Hà là giảng viên tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội).

Từ tháng 11/2021 đến nay, thầy Hà là giảng viên Khoa Khoa học và Kỹ Thuật Vật liệu, Trường Đại học Phenikaa.

PGS.TS Ngô Ngọc Hà.jpg
Thầy Ngô Ngọc Hà - phó giáo sư ngành Vật lý năm 2024. Ảnh: NTCC.

Các hướng nghiên cứu chủ yếu của thầy Hà là: Quang tử bán dẫn Si và ứng dụng; Vật liệu quang, điện tử trên cơ sở các loại bán dẫn đa thành phần và ứng dụng.

Trong quá trình nghiên cứu, thầy Hà đã công bố 42 bài báo khoa học, trong đó 27 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín.

Xem chi tiết hồ sơ Phó Giáo sư Ngô Ngọc Hà tại đây.

6. Thầy Lê Đức Ninh (sinh năm 1981) - phó giáo sư ngành Vật lý

Từ tháng 9/2003 đến tháng 6/2006 thầy Ninh là giảng viên tại Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Từ tháng 10/2006 đến tháng 9/2007 là nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), Thụy Sĩ.

Từ tháng 9/2006 đến tháng 6/2014 là nghiên cứu viên tại Viện Vật Lý và Điện Tử, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Từ tháng 10/2008 đến tháng 10/2011, thầy Ninh là nghiên cứu viên sau tiến sĩ (postdoc) tại Viện nghiên cứu Max Planck về Vật Lý, Đức.

Từ tháng 11/2011 đến tháng 9/2014, thầy là nghiên cứu viên sau tiến sĩ (postdoc) tại Viện công nghệ Karlsruhe, Đức. Từ tháng 10/2014 đến tháng 9/2016 là nghiên cứu viên sau tiến sĩ (postdoc) tại Đại học Humboldt Berlin, Đức. Từ tháng 10/2016 đến tháng 10/2021 thầy Ninh là nghiên cứu viên, Trưởng nhóm Vật lý lý thuyết tại Viện nghiên cứu khoa học và giáo dục liên ngành, ICISE, Bình Định.

Hiện, thầy Lê Đức Ninh là giảng viên tại Viện Nghiên cứu Tiên tiến Phenikaa.

PGS.TS. Lê Đức Ninh.jpg
Thầy Lê Đức Ninh - phó giáo sư ngành Vật lý năm 2024. Ảnh: NTCC.

Trong nghiên cứu khoa học, thầy Lê Đức Ninh chủ yếu tập trung vào 3 hướng chính: Tính bổ đính lượng tử cho các quá trình tán xạ ở máy gia tốc LHC và ILC; Phân cực của các hạt boson chuẩn có khối lượng; Tìm khoảng tin cậy cho các hệ số tương tác bằng phương pháp thống kê, tìm kiếm Vật lý mới.

Thầy Ninh đã công bố (số lượng) 34 bài báo khoa học, trong đó 25 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín.

Xem hồ sơ chi tiết Phó Giáo sư Lê Đức Ninh tại đây.

7. Thầy Phạm Tiến Lâm (sinh năm 1982) - phó giáo sư ngành Vật lý

Từ tháng 4/2005 đến tháng 4/2014, thầy Lâm là giảng viên tại Trường Đại học Giao thông Vận tải. Từ tháng 10/2011 đến tháng 3/2013 là nghiên cứu viên tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST).

Từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2016, thầy Lâm là nghiên cứu viên tại Viện Vật lý chất rắn, Đại học Tokyo, Nhật Bản. Từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2019 thầy là nghiên cứu viên tại Trung tâm ứng dụng tin học cho khoa học vật liệu, Viện Quốc gia về Khoa học vật liệu, Nhật Bản. Từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2019 thầy là nghiên cứu viên tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST).

Hiện, thầy Lâm là Giám đốc chương trình đào tạo tại Khoa Công nghệ thông tin.

PGS. Phạm Tiến Lâm.jpg
Thầy Phạm Tiến Lâm - phó giáo sư ngành Vật lý năm 2024. Ảnh: NTCC.

Trong nghiên cứu khoa học, thầy Lâm chủ yếu tập trung 2 hướng: Nghiên cứu mô phỏng vật liệu bằng lý thuyết phiếm hàm mật độ (DFT); Nghiên cứu phát triển vật liệu mới bằng trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu.

Thầy Phạm Tiến Lâm đã công bố 34 bài báo khoa học, trong đó 25 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín.

Xem chi tiết hồ sơ Phó Giáo sư Phạm Tiến Lâm tại đây.

Được thành lập ngày 10/10/2007 theo Quyết định số 1368/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tháng 10/2017, Trường Đại học Thành Tây trở thành thành viên của Tập đoàn Phenikaa - Tập đoàn Công nghệ và Công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Ngày 21/11/2018, Trường chính thức mang tên Trường Đại học Phenikaa theo Quyết định số 1609/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Với sự đầu tư của Tập đoàn Phenikaa, Trường thực sự đã và đang được tái cấu trúc toàn diện theo định hướng Đổi mới sáng tạo và nghiên cứu để cùng với hệ thống giáo dục liên cấp trở thành một trong ba trụ cột của Hệ sinh thái Phenikaa là Doanh nghiệp - Giáo dục - Nghiên cứu khoa học. Hệ sinh thái này tạo điều kiện giúp Trường Đại học Phenikaa hoạt động hiệu quả theo mô hình doanh nghiệp tri thức với định hướng là trường đại học đối mới sáng tạo, xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao, khởi nghiệp và hướng nghiệp: nơi đánh thức và hiện thực hóa tiềm năng; luôn gắn kết chặt chẽ với nhu cầu phát triển và tạo ra giá trị mới cho cộng đồng.

Thi Thi