Hải Dương hướng dẫn thu và sử dụng các khoản thu trong trường công

26/11/2024 06:07
LÃ TIẾN

GDVN - Liên Sở Giáo dục và Đào tạo - Tài chính Hải Dương có hướng dẫn việc thu, quản lý, sử dụng các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh.

Liên Sở Giáo dục và Đào tạo - Tài chính Hải Dương đã có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các Phòng Giáo dục và Đào tạo; các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc sở về việc hướng dẫn thu, quản lý, sử dụng các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh từ năm học 2024-2025.

Theo đó, ngoài các khoản thu thực hiện theo Nghị quyết 17/2024/NQ-HĐND ngày 18/10 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương, các khoản thu được quy định tại các văn bản khác thực hiện như sau:

Khoản thu dạy 2 buổi/ngày ở tiểu học, làm quen tiếng Anh đối với trẻ mẫu giáo và học sinh lớp 1, lớp 2, các cơ sở giáo dục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản liên quan.

Theo đó, các trường xây dựng kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh phù hợp điều kiện thực tế; thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

GDVN_giaovien-hd-1.jpg
Hải Dương hướng dẫn thu và sử dụng các khoản thu trong trường công từ năm học 2024-2025 (Ảnh: LT)

Đối với khoản thu dạy thêm, học thêm (bao gồm cả học thêm tiếng nước ngoài do giáo viên người nước ngoài dạy, dạy kỹ năng sống đối với học sinh phổ thông) và khoản thu hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ năng khiếu, các cơ sở giáo dục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/2/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định người học tham gia trên tinh thần tự nguyện...

Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường hoặc thỏa thuận với tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm… Tuân thủ quy định tại Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ; Nghị định 114/ 2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn khác (nếu có).

Các khoản tài trợ cho giáo dục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu…

Khoản thu trông giữ xe của học sinh thực hiện theo Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND ngày 27/3/2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương về việc quy định giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn tỉnh Hải Dương, gồm xe đạp, xe đạp điện 10.000 đồng/tháng; xe máy, xe máy điện 20.000 đồng/tháng.

Khoản thu tiền nước uống cho học sinh thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT - BYT - BGDĐT ngày 12/5/2016 của Liên Bộ Y tế - Giáo dục và Đào tạo về công tác y tế trường học.

Theo đó, trường học cung cấp đủ nước uống cho học sinh, tối thiểu 0,5 lít về mùa hè, 0,3 lít về mùa đông cho 1 học sinh trong 1 buổi học; kinh phí chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp y tế, giáo dục và đào tạo hằng năm theo phân cấp ngân sách hiện hành của các đơn vị, nguồn bảo hiểm y tế học sinh theo quy định hiện hành, nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và nguồn thu hợp pháp khác...

Các cơ sở giáo dục căn cứ vào nhu cầu thực tế lượng nước uống bình quân/học sinh, giá nước của các đơn vị cung cấp trên thị trường để làm căn cứ xác định mức thu.

Các khoản thu khác như thẻ học sinh thì căn cứ vào điều kiện thực tế, người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định, bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Về đồ dùng, đồ chơi và học liệu đối với cơ sở giáo dục mầm non, các đơn vị căn cứ vào mức độ tiêu hao của đồ dùng, đồ chơi và học liệu để xác định nhu cầu mua sắm làm cơ sở xây dựng dự toán, mức thu bảo đảm nguyên tắc kế thừa trang thiết bị đã có, còn sử dụng được để tránh lãng phí.

Liên Sở Giáo dục và Đào tạo – Sở Tài chính Hải Dương lưu ý, với các khoản thu này, các cơ sở giáo dục phải thực hiện đúng, đủ các bước theo quy trình: thống nhất chủ trương về kế hoạch các khoản thu, dự kiến nội dung chi, mức thu; xây dựng kế hoạch, niêm yết công khai lấy ý kiến đóng góp; lấy ý kiến thống nhất của toàn thể cha mẹ học sinh; tuỳ từng khoản thu theo quy định, các đơn vị gửi báo cáo hoặc lập tờ trình kèm theo hồ sơ liên quan đề nghị cơ quan quản lý cấp trên theo dõi, kiểm tra, giám sát hoặc thẩm định, phê duyệt bằng văn bản…

Ngoài ra, cơ sở giáo dục có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp tổ chức thực hiện, nhưng không được trực tiếp thu của học sinh các khoản thu sau:

Tiền đồng phục của học sinh thực hiện theo Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT ngày 30/9/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên.

Theo đó, kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường, đóng góp của học sinh, sinh viên hoặc các nguồn thu hợp pháp khác và phải được công khai thu, chi... Phụ huynh hoặc Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục theo tiêu chuẩn quy định.

Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện theo Thông tư số 55/2011/TT - BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác; kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác.

Với hoạt động chữ thập đỏ, cơ sở giáo dục thực hiện theo quy định tại Thông tư 07/2014/TT-BGDĐT ngày 14/3/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về hoạt động chữ thập đỏ trong trường học. Quỹ Đoàn, Đội thực hiện quy định về tài chính theo Điều lệ của tổ chức Đoàn, Đội.

Với tiền bảo hiểm thân thể học sinh, các công ty bảo hiểm liên hệ, tuyên truyền trực tiếp với cha mẹ học sinh về việc mua, bán bảo hiểm trên tinh thần tự nguyện. Trường hợp công ty bảo hiểm nhờ nhà trường thu hộ thì phải có văn bản ủy quyền, trong đó nêu rõ trách nhiệm của các bên.

Tiền sách giáo khoa, sách tham khảo, đồ dùng học liệu, học phẩm và dụng cụ học tập cho cá nhân học sinh, căn cứ nhu cầu thực tế cha mẹ học sinh tự mua sắm, trang bị.

Các khoản thu thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, thu nhập của phụ huynh; không thu dồn, thu ghép cùng thời điểm; các khoản thu, mức thu phải được thoả thuận, thống nhất bằng văn bản với cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, dân chủ…

Hướng dẫn này để các cơ sở giáo dục căn cứ thực hiện Nghị quyết 17/2024/NQ-HĐND ngày 18/10/2024 thay thế Nghị quyết 08/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương.

LÃ TIẾN