Bỏ cộng điểm nghề khi xét tốt nghiệp THPT: Lãnh đạo trường học ủng hộ

01/12/2024 06:49
Vân Anh

GDVN-Bỏ cộng điểm nghề không chỉ nâng cao uy tín của kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà còn góp phần khuyến khích HS phát triển toàn diện hơn trong môi trường học tập hiện đại.

Năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, Bộ giáo dục và Đào tạo đã bỏ quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp trung học phổ thông.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều thầy cô đồng tình với nội dung trên. Bởi lẽ, điều này phù hợp với định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018, khi học sinh không còn học nghề để lấy chứng chỉ sơ cấp nghề như chương trình giáo dục phổ thông trước đây. Một số nội dung của chương trình nghề phổ thông được tích hợp vào Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Điểm nghề thực tế không nhiều ảnh hưởng trong quá trình xét tốt nghiệp

Trao đổi với phóng viên, thầy Lê Hữu Hải - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) chia sẻ: “Theo tôi, việc bỏ cộng điểm nghề là hợp lý. Với phương án kiểm tra, đánh giá mới, chỉ cần các em nỗ lực học tập, điểm học bạ sẽ được cải thiện đáng kể. Trước đó, tại Điều 45 dự thảo thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, có nêu về điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông gồm điểm các môn thi thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông được quy về thang điểm 10 để tính điểm xét tốt nghiệp.

Tuy nhiên, ở các khu vực miền núi còn nhiều khó khăn, điểm nghề vẫn rất quan trọng đối với học sinh. Với 3 mức cộng điểm (loại giỏi đối với giấy chứng nhận nghề, loại xuất sắc và giỏi đối với bằng tốt nghiệp trung cấp được cộng 2,0 điểm; loại khá đối với giấy chứng nhận nghề, loại khá và trung bình khá đối với bằng tốt nghiệp trung cấp được cộng 1,5 điểm; loại trung bình được cộng 1,0 điểm), điều này đã hỗ trợ các thí sinh tốt nghiệp dễ dàng hơn. Đối với học sinh có học lực khá trở lên, điểm nghề thực tế không mang lại nhiều ảnh hưởng trong quá trình xét tốt nghiệp”.

467258560_1437145720555149_103574368826740780_n.jpg
Thầy Lê Hữu Hải - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, thầy Hoàng Đức Thuận - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát (Hà Nội) nêu quan điểm: “Theo tôi, bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề khi xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 là hợp lý, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Về thuận lợi, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh cấp trung học phổ thông sẽ học ít môn hơn so với chương trình phổ thông 2006. Bên cạnh những môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn một số môn học theo nhu cầu, sở thích, thiên hướng, định hướng nghề nghiệp của bản thân. Như vậy, sẽ tạo động lực, hứng thú trong học tập, kết quả học tập sẽ tốt hơn, chất lượng cao hơn.

Đặc biệt, với các em thí sinh hệ giáo dục thường xuyên, “đầu vào” tuyển sinh thường không bằng học sinh tại các trường trung học phổ thông, nên cũng có một số em nhờ cộng điểm khuyến khích mà đủ điều kiện tốt nghiệp trung học phổ thông, tuy nhiên, tỷ lệ này không nhiều”.

Việc bỏ cộng điểm nghề trong xét tuyển thi tốt nghiệp trung học phổ thông được xem là hợp lý trong bối cảnh cần đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong giáo dục. Chính sách này giúp đánh giá năng lực học sinh dựa trên kết quả học tập và thi cử thực chất, thay vì dựa vào yếu tố điểm cộng.

Cũng theo thầy Hoàng Đức Thuận, bỏ cộng điểm nghề là cơ hội để hệ thống giáo dục điều chỉnh, tập trung vào chất lượng giảng dạy và định hướng nghề nghiệp thực chất. Việc thay đổi này không chỉ nâng cao uy tín của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà còn góp phần khuyến khích học sinh phát triển toàn diện hơn trong môi trường học tập hiện đại.

“Việc bỏ cộng điểm cũng thúc đẩy học sinh tập trung hơn vào việc học các môn học và hoạt động giáo dục để phát triển toàn diện. Tuy nhiên, để duy trì giá trị của giáo dục nghề nghiệp, cần có những biện pháp khác, như tổ chức các chương trình hướng nghiệp, tăng cơ hội thực hành cho học sinh” - vị Hiệu trưởng nêu ý kiến.

unnamed-48-2523.png
Thầy Hoàng Đức Thuận - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Bỏ cộng điểm nghề là một bước tiến trong cải cách giáo dục

Chia sẻ với phóng viên, thầy Vương Quang Trọng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 1 thành phố Lào Cai (Lào Cai) cũng cho rằng, việc cộng điểm nghề cho học sinh từ trước đến nay cũng không hẳn mang lại hiệu quả trong việc hướng nghiệp, phân luồng học sinh một cách hiệu quả.

Thầy Trọng cho biết: “Hiện nay, đa số học sinh của trường không phụ thuộc vào điểm nghề, vì các em đều đạt trên mức điểm đỗ. Do đó, tôi hoàn toàn đồng ý với việc bỏ cộng điểm nghề.

Thay vào đó, việc học nghề nên được điều chỉnh theo hướng gắn kết với các ngành nghề phù hợp với nhu cầu xã hội, điều này sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Trong Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, việc tích hợp thêm các hoạt động thực hành thay vì lý thuyết sẽ giúp học sinh tiếp cận tốt hơn và có những kỹ năng thực tế hữu ích”.

Cô Đặng Thị Tú Linh - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Vinh (Nghệ An) bày tỏ, hoàn toàn đồng ý với việc bỏ điểm cộng nghề: “Đối với hệ giáo dục thường xuyên, các em học song song cả chương trình nghề và chương trình văn hóa (trung học phổ thông), nên các em hơi bị thiệt thòi hơn. Song, tôi cho rằng, việc thay đổi là cần thiết, bỏ cộng điểm nghề là một bước tiến trong cải cách giáo dục. Tuy nhiên, nếu được đề xuất, tôi mong muốn sẽ có phương án động viên, khuyến khích thay thế sau khi bỏ cộng điểm nghề cho các em học sinh hệ giáo dục thường xuyên trong quá trình học tập”.

Học sinh Trường Trung học phổ thông số 1 thành phố Lào Cai. (Ảnh website trường).
Học sinh Trường Trung học phổ thông số 1 thành phố Lào Cai. (Ảnh website trường).

Chia sẻ nỗ lực của nhà trường để học sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới, thầy Hoàng Đức Thuận cho biết: “Về phía giáo viên giảng dạy, cần bám sát yêu cầu nội dung chương trình, yêu cầu đổi mới kiểm tra đánh giá theo cấu trúc đề mới. Đồng thời, tích cực tìm tòi, sưu tầm tài liệu, biên soạn đề dựa theo đề thi minh họa của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. Ngoài ra, thầy cô nên tạo ngân hàng đề dùng chung để nâng cao hiệu quả cho việc ôn tập cho học sinh.

Về phía học sinh, cần xác định năng lực, sở thích và điều kiện gia đình để lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp tương lai. Đồng thời, cần nắm rõ các thay đổi trong cấu trúc đề thi để chuẩn bị sẵn sàng, giảm lo lắng và tập trung rèn luyện kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Việc xây dựng kế hoạch ôn thi cụ thể cho từng môn, đặt mục tiêu rõ ràng và phân bổ thời gian hợp lý cho các nội dung trọng tâm sẽ giúp định hướng ôn tập hiệu quả. Học sinh cũng nên tham khảo, phân tích kỹ đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo để hiểu rõ cấu trúc đề thi. Ngoài ra, các em cần chú trọng sức khỏe thể chất và tinh thần, duy trì sự tự tin, thoải mái để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi”.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát cũng nhấn mạnh: “Đây là năm đầu tiên thực hiện thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường cũng rất lo lắng về kết quả của học sinh.

Từ năm 2025, học sinh sẽ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 4 môn, bao gồm 2 môn bắt buộc: Ngữ văn và Toán, cùng 2 môn tự chọn trong các môn học lớp 12 như: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Môn Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận, trong khi các môn khác thi trắc nghiệm.

Quy định này cho phép học sinh chọn môn thi phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp, cũng như các tổ hợp xét tuyển đại học mong muốn. Nhờ vậy, thí sinh có cơ hội đạt kết quả cao hơn, phản ánh đúng năng lực và sự chuẩn bị của mình”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/bo-cong-diem-nghe-vao-ket-qua-tot-nghiep-thpt-phu-hop-chuong-trinh-giao-duc-moi-185241105223849516.htm

Vân Anh