Cộng điểm nghề để xét tốt nghiệp THPT không còn phù hợp khi thực hiện CTGDPT mới

02/12/2024 06:36
Anh Tú

GDVN - Khi bỏ cộng điểm nghề, kết quả tốt nghiệp THPT sẽ chủ yếu dựa trên năng lực thực tế của học sinh qua các bài thi, thay vì bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác.

Phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018

Trước đây, chính sách cộng điểm nghề vào kết quả xét tốt nghiệp trung học phổ thông được triển khai nhằm khuyến khích học sinh phổ thông tham gia học nghề hiệu quả hơn. Đây không chỉ là một cách để thúc đẩy hiệu quả giáo dục nghề nghiệp mà còn được xem như một yếu tố hỗ trợ giúp nhiều học sinh cải thiện kết quả xét tốt nghiệp.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc cộng điểm này chưa thực sự phản ánh được giá trị cốt lõi của hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đôi khi dẫn đến những bất cập, như việc học sinh chỉ tham gia học nghề để đạt được điểm cộng mà không chú trọng đến việc phát triển kỹ năng thực tiễn.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Tăng Thị Ngọc Mai - Đại biểu Quốc hội khóa XIV (tỉnh Trà Vinh) nhận định: “Thực tiễn thời gian qua đã cho thấy, các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trong trường phổ thông cũng chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Trước đây, công tác đào tạo nghề do Bộ Giáo dục và Đào tạo phụ trách, nhưng sau đó đã chuyển sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dẫn đến sự phân tán và thiếu kết nối trong việc triển khai.

Đặc biệt, theo bà Mai phân tích, trong 3 năm gần đây, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở bậc trung học phổ thông, đã không còn môn nghề phổ thông. Thay vào đó, học sinh trung học phổ thông được tiếp cận với những nội dung tương tự qua Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

“Chính vì vậy, chính sách cộng điểm nghề vào kết quả xét tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay đã không còn phù hợp“ - cô tăng Thị Ngọc Mai bày tỏ.

CÔ TĂNG THỊ NGỌC MAI.jpg

Đồng quan điểm với ý kiến trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) nhìn nhận, việc bỏ cộng điểm nghề cần được đánh giá trong bối cảnh triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đã thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 với trọng tâm là phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện cho học sinh, yêu cầu một cách tiếp cận khác so với các chính sách giáo dục cũ.

"Việc bỏ cộng điểm nghề là bước đi hợp lý để đảm bảo rằng kết quả xét tốt nghiệp phản ánh đúng năng lực thực sự của học sinh" - nữ đại biểu nhấn mạnh.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, trước đây, rất nhiều học sinh quyết định học các lớp nghề phổ thông chỉ để đạt được điểm cộng mà không thực sự quan tâm đến việc học nghề. Điều này khiến mục tiêu trang bị kỹ năng nghề nghiệp bị lu mờ. Ngoài ra, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cũng không có động lực để nâng cao chất lượng đào tạo.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, Tiến sĩ Nguyễn Quang Linh (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên) đánh giá, việc bỏ cộng điểm nghề trong kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là một động thái nhằm nâng cao tính công bằng và minh bạch của hệ thống giáo dục.

Theo đó, kết quả tốt nghiệp sẽ chủ yếu dựa trên năng lực thực tế của học sinh qua các bài thi, thay vì bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác. Việc này giúp hạn chế các động cơ mang tính hình thức trong việc tham gia học nghề, đồng thời phản ánh đúng khả năng của học sinh.

Lồng ghép các tiết học kỹ năng nghề vào Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

Một trong những lo ngại lớn nhất được đặt ra là khả năng giảm sút số lượng học sinh trung học phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên tham gia học các chương trình nghề sau khi chính sách điểm cộng bị bãi bỏ. Đồng thời, có thể ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp của người học. Bởi, trước đây, môn nghề phổ thông là phương án “cứu cánh“ cho những học sinh hay học viên giáo dục thường xuyên “chấp chới“ với điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, vì vậy, điểm cộng cũng là một trong những yếu tố thu hút người học vào hệ giáo dục thường xuyên.

Trước lo ngại đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga lại cho rằng: “Việc bỏ cộng điểm nghề không đồng nghĩa với việc tước đi “lợi thế” của học viên các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hay giảm giá trị của hoạt động giáo dục nghề đối với cấp trung học phổ thông.

Ngược lại, đây là cơ hội để hệ thống các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và tạo sức hút với người học. Bởi, thời gian qua, nội dung đào tạo nghề chưa thực sự gắn với nhu cầu của thị trường lao động, có những chương trình trong môn nghề phổ thông được giới thiệu theo cách khá hình thức đến học sinh, không mang lại hiệu quả đào tạo thực chất”.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: quochoi.vn.

Ngoài ra, việc việc mời giáo viên từ các trường nghề về giảng dạy kỹ năng nghề cho học sinh phổ thông cũng là một ý tưởng được Tiến sĩ Nguyễn Quang Linh đánh giá rất cao.

Cụ thể, Tiến sĩ Nguyễn Quang Linh cho rằng: “Việc lồng ghép các tiết học kỹ năng nghề vào Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở bậc trung học phổ thông, sẽ giúp học sinh sớm định hình được sở thích và khả năng của mình. Đồng thời, học sinh có thể được tiếp cận với những kỹ năng nghề cơ bản như sửa chữa, lập trình, hay thiết kế đồ họa, điều này không chỉ giúp các em có thêm kiến thức bổ ích mà còn tạo ra sự tôn trọng đối với các ngành nghề tay nghề.

Tuy nhiên, điều này sẽ gặp rào cản về tài liệu đào tạo cũng như cơ sở vật chất. Bởi lẽ, giáo dục nghề nghiệp rất khác giáo dục phổ thông, chúng ta cần đầy đủ máy móc, thiết bị phù hợp với ngành nghề nhà trường lựa chọn thì mới tạo ra sự khác biệt so với chương trình trước kia. Chính vì vậy, các trường phổ thông chủ động trong công tác đào tạo nghề khi đã đầy đủ tiềm lực cũng là một ý tưởng tốt”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/bo-cong-diem-nghe-vao-ket-qua-tot-nghiep-thpt-phu-hop-chuong-trinh-giao-duc-moi-185241105223849516.htm

Anh Tú