Năm 2024, Trường Đại học Tài chính - Marketing có thêm 5 PGS ngành Kinh tế

27/11/2024 11:31
Lưu Diễm

GDVN - 5 thầy cô đạt chuẩn phó giáo sư năm 2024 của Trường Đại học Tài chính - Marketing đều có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học.

Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã ký Quyết định số 89/QĐ-HĐGSNN công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư, giáo sư năm 2024.

Theo danh sách, Trường Đại học Tài chính - Marketing (UFM) có 5 giảng viên đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư ngành Kinh tế năm 2024, bao gồm: Tiến sĩ Phạm Quốc Việt (Phó Hiệu trưởng nhà trường); Tiến sĩ Nông Thị Như Mai (Khoa Thương mại); Tiến sĩ Ngô Thái Hưng (Khoa Tài chính – Ngân hàng); Tiến sĩ Trần Nguyễn Khánh Hải (Khoa Quản trị kinh doanh); Tiến sĩ Nguyễn Kim Quốc Trung (Khoa Kế toán – Kiểm toán).

Trường Đại học Tài chính - Marketing vinh danh thầy cô mới được công nhận đạt chuẩn chức danh Phó giáo sư năm 2024. Ảnh: UFM.

Trường Đại học Tài chính - Marketing vinh danh thầy cô mới được công nhận đạt chuẩn chức danh Phó giáo sư năm 2024. Ảnh: UFM.

Danh sách các thầy đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư 2024 của Trường Đại học Tài chính - Marketing như sau:

1. Thầy Phạm Quốc Việt (sinh năm 1970) - Phó giáo sư ngành Kinh tế

Về quá trình công tác, từ năm 1996 đến năm 1999, thầy Phạm Quốc Việt công tác tại Phòng Kế hoạch - Kinh doanh ngoại tệ, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vietnam Eximbank) với các vai trò là nhân viên, kiểm soát viên và phó trưởng phòng.

Từ năm 2003 đến năm 2013, ứng viên làm việc tại Trường Cán bộ Quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn II (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) với các chức vụ là giảng viên, Phó trưởng Phòng phụ trách, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo - Khoa học và Hợp tác quốc tế, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm tư vấn phát triển quản trị.

Từ năm 2013 đến năm 2024, thầy Quốc Việt công tác tại Trường Đại học Tài chính - Marketing (Bộ Tài chính) với vị trí là Phó Viện trưởng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế ứng dụng, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trưởng Khoa đào tạo Sau đại học, Viện trưởng Viện đào tạo Sau đại học. Hiện nay, thầy đang giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng của Trường Đại học Tài chính - Marketing.

Về trình độ đào tạo, thầy Phạm Quốc Việt được cấp bằng đại học ngành Kinh tế lao động và xã hội học, chuyên ngành Kinh tế lao động tại Đại học Xã hội Quốc gia Matxcơva, Cộng hòa Liên bang Nga vào năm 1996. Ứng viên nhận bằng thạc sĩ năm 2004 ngành Tài chính lưu thông tiền tệ và tín dụng, chuyên ngành Tài chính lưu thông tiền tệ và tín dụng ở Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2011, thầy Quốc Việt được cấp bằng tiến sĩ ngành Tài chính - Ngân hàng, chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Ứng viên tập trung chủ yếu vào 3 hướng nghiên cứu chính, bao gồm: nghiên cứu về quản trị công ty trong doanh nghiệp phi tài chính, ngân hàng; nghiên cứu về các chính sách và quyết định tài chính trong doanh nghiệp; nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý dự án đầu tư.

Thầy Phạm Quốc Việt - Phó Hiệu trưởng của Trường Đại học Tài chính - Marketing. Ảnh: UFM.
Thầy Phạm Quốc Việt - Phó Hiệu trưởng của Trường Đại học Tài chính - Marketing. Ảnh: UFM.

Trong quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học, thầy Quốc Việt đã hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và 15 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ.

Đặc biệt, thầy Phạm Quốc Việt đã hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Ứng viên còn công bố 56 bài báo khoa học, trong đó có 5 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín.

Hơn nữa, thầy Quốc Việt cũng giành được nhiều thành tích khen thưởng xuất sắc như: danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở các năm 2013-2014, 2014-2015, 2016, 2017, 2018, 2023 (Trường Đại học Tài chính - Marketing); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính năm 2017, năm 2023; danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành Tài chính năm 2018.

2. Cô Trần Nguyễn Khánh Hải (sinh năm 1987) - Phó giáo sư ngành Kinh tế

Từ tháng 5/2009 đến tháng 3/2012, cô Trần Nguyễn Khánh Hải là công chức hải quan tại Cục Hải quan Đồng Nai, đồng thời thuộc Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cục Hải quan Đồng Nai và giữ vai trò Bí thư Chi đoàn Chi cục Hải quan Thống Nhất. Từ tháng 11/2012 đến tháng 8/2017, cô là giảng viên thuộc biên chế Trường Cao đẳng Tài chính – Hải quan. Đến nay, cô Khánh Hải là giảng viên chính Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Tài chính – Marketing; vừa tham gia giảng dạy chương trình MBA sau đại học và chương trình đào tạo bậc đại học; vừa là thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh của nhà trường.

Trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học, cô Trần Nguyễn Khánh Hải tập trung chủ yếu vào 4 hướng nghiên cứu chính, bao gồm: quản trị hướng tới phát triển bền vững; kinh doanh trong thời đại số, marketing số, ứng dụng công nghệ; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; quản trị ngoại thương, xuất nhập khẩu, hải quan.

Về kết quả nghiên cứu khoa học, cô Khánh Hải đã hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở (2 đề tài cấp cơ sở là chủ nhiệm, 1 đề tài cấp cơ sở là thành viên). Ứng viên cũng xuất bản 3 sách thuộc nhà xuất bản có uy tín, trong đó có vai trò là chủ biên của 1 giáo trình, 1 sách tham khảo và tham gia viết 3 chương của 1 sách chuyên khảo.

Cô Trần Nguyễn Khánh Hải đã công bố 34 bài báo khoa học, trong đó có 7 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín trước khi được công nhận tiến sĩ, 3 bài báo khoa học trong tạp chí uy tín trong nước.

Sau khi được công nhận tiến sĩ, cô có 7 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín ISI/Scopus với vai trò là tác giả đầu và tác giả liên hệ, trong đó có 5 bài IF>2. Ứng viên cũng là tác giả duy nhất của 4 bài báo khoa học trên tạp chí có uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus, cả 4 bài đều có IF >2.

Ngoài ra, cô Khánh Hải sở hữu 10 bài báo khoa học trong tạp chí uy tín trong nước, trong đó có 7 bài báo là tác giả duy nhất, 1 bài là tác giả đầu và tác giả liên hệ. Ứng viên có 14 bài báo khoa học trên kỷ yếu hội thảo quốc tế, trong đó 8 bài báo là tác giả duy nhất.

Đáng chú ý, cô Trần Nguyễn Khánh Hải giành được nhiều thành tích khen thưởng như: Bằng khen của Bộ Tài chính năm 2016, năm 2023; Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh năm 2008; danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở năm 2014, năm 2021; Giảng viên trẻ tiêu biểu năm 2021 của Đoàn Thanh niên Trường Đại học Tài chính – Marketing;...

3. Thầy Ngô Thái Hưng (sinh năm 1983) - Phó giáo sư ngành Kinh tế

Năm 2006, thầy Ngô Thái Hưng được cấp bằng đại học ngành Toán học, chuyên ngành Toán Tin ứng dụng, Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh. Ứng viên nhận bằng thạc sĩ năm 2009 ngành Khoa học ứng dụng, chuyên ngành Toán ứng dụng tại Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2020, thầy được cấp bằng tiến sĩ ngành Khoa học kinh doanh và quản lý, chuyên ngành Tài chính công ty của Trường Đại học Corvinus, Budapest, Hungary.

Hiện nay, thầy Thái Hưng là giảng viên Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Tài chính - Marketing. Trong quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học, ứng viên tập trung chủ yếu vào 2 hướng nghiên cứu chính.

Một là về tài chính quốc tế. Tính liên kết giữa các thị trường tài chính, hiện tượng lan truyền và hiệu ứng lan tỏa, đa dạng hóa, bảo hộ và tính an toàn của các thị trường mới, bao gồm tiền điện tử, các loại tài sản xanh, và truyền thống. Đây là hướng nghiên cứu chủ yếu sau tiến sĩ của ứng viên cho đến nay. Sự lan truyền về giá và rủi ro là kết quả của một thay đổi cấu trúc trong cơ chế lan truyền giữa các thị trường tài chính quốc tế. Hiệu ứng lan tỏa từ các thị trường tài chính (bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, tỷ giá, hàng hóa, tiền ảo, trái phiếu xanh…) và biến động của chúng đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và các tác nhân kinh tế khác từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Hơn nữa, một trong những điểm đặc biệt của hướng nghiên cứu này là ứng viên phân tích và xác định các kênh khác nhau của sự kết nối về giá và hiệu ứng lan truyền rủi ro giữa các trường tài chính ở các quốc gia khác nhau bằng mô hình kinh tế lượng hiện đại, nhằm xác định thị trường truyền, nhận về giá và rủi ro; đồng thời phát hiện ra tài sản bảo hộ, an toàn cho việc đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Hai là về kinh tế phát triển. Phát triển bền vững là mục tiêu cần hướng đến của tất cả các quốc gia trên thế giới đặc biệt là những quốc gia đang phát triển. Các thảm họa về môi trường do biến đổi khí hậu đang gây ra tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu và làm cho kinh tế thế giới vô cùng bất ổn. Vì vậy, các quốc gia cần cam kết nghiêm ngặt hơn các vấn đề liên quan đến tiêu thụ năng lượng sạch và môi trường bền vững nhằm hướng đến một tương lai phát triển ổn định.

Dựa vào tính cấp thiết đối với hướng nghiên cứu này, ứng viên tập trung nghiên cứu xem tác động của các yếu tố vĩ mô đối với phát triển bền vững ở Việt nam. Ngoài ra, ứng viên cũng quan tâm đến nghiên cứu tác động của năng lượng tái tạo, phát triển xanh và số hóa tới sự bền vững của môi trường ở Việt Nam, nhằm phân tích các điều kiện và các yếu tố góp phần thúc đẩy vấn đề an ninh năng lượng và phát triển ổn định tại Việt Nam.

Tân Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thái Hưng. Ảnh: UFM.
Tân Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thái Hưng. Ảnh: UFM.

Thầy Ngô Thái Hưng đã hướng dẫn 3 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn và nhận bằng thạc sĩ; hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên; và công bố 54 bài báo khoa học, trong đó 35 bài được đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín.

Một số thành tích ứng viên đã giành được trong thời gian giảng dạy và nghiên cứu như: Giấy khen của Hiệu trưởng năm 2022 về việc Đã đạt thành tích trong công bố quốc tế giai đoạn 2020-2021; Bằng khen của Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 về việc Có thành tích hướng dẫn sinh viên đạt giải Ba giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka lần 24 năm 2022; Giấy khen của Hiệu trưởng năm 2023 về việc Đã hướng dẫn sinh viên đạt thành tích cao tại Hội thi khoa học sinh viên toàn quốc Olympic Kinh tế lượng và Ứng dụng lần thứ VIII năm 2023;...

4. Cô Nông Thị Như Mai (sinh năm 1983) - Phó giáo sư ngành Kinh tế

Cô Nông Thị Như Mai được cấp bằng đại học ngành Kinh tế đối ngoại, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại tại Trường Đại học Ngoại Thương năm 2005; và bằng đại học ngành Ngữ Văn Anh, chuyên ngành Ngữ văn Anh của Trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn năm 2007. Sau đó, ứng viên nhận bằng thạc sĩ ngành Kinh tế, chuyên ngành Kinh tế thế giới và Quan hệ kinh tế quốc tế ở Trường Đại học Ngoại Thương vào năm 2009. Cô được cấp bằng tiến sĩ ngành Quản trị kinh doanh, chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Quốc Tế, Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020.

Từ năm 2012 đến năm 2023, ứng viên là giảng viên Khoa Thương Mại, Trường Đại học Tài chính – Marketing. - Từ tháng 3 đến tháng 6/2023, cô Nông Thị Như Mai là Phó trưởng Bộ môn Cơ sở ngành, Khoa Thương Mại, Trường Đại Học Tài chính – Marketing. Đến nay, cô là Phó trưởng Bộ môn Logistics, Khoa Thương Mại, Trường Đại Học Tài chính – Marketing. Đồng thời, cô cũng thỉnh giảng tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Cô Như Mai tập trung nghiên cứu vào 3 hướng nghiên cứu chính. Hướng nghiên cứu thứ nhất là các vấn đề về ngoại thương và tăng trưởng ngành. Hướng nghiên cứu thứ hai là các vấn đề về hiệu quả hoạt động doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp. Hướng nghiên cứu thứ ba là các vấn đề về hành vi cá nhân.

Trong quá trình tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu, cô Nông Thị Như Mai đã giành được nhiều thành tích khen thưởng như sau:

Screenshot 2024-11-26 152249.png
Screenshot 2024-11-26 152257.png

Được biết, ứng viên đã hướng dẫn 4 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ; và hoàn thành 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở với vai trò là chủ nhiệm. Cô Như Mai cũng công bố 20 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, trong đó là tác giả chính của 11 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín. Số lượng sách mà ứng viên đã xuất bản là 2 sách thuộc nhà xuất bản có uy tín.

5. Thầy Nguyễn Kim Quốc Trung (sinh năm 1985) - Phó giáo sư ngành Kinh tế

Về trình độ đào tạo, thầy Nguyễn Kim Quốc Trung được cấp bằng đại học vào năm 2007 ngành Tài chính - Tín dụng, chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán tại Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2011, ứng viên được cấp bằng thạc sĩ ngành: Tài chính – Kế toán ở Đại học Adelaide, Úc. Thầy nhận bằng bằng tiến sĩ vào năm 2020, ngành Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

Về quá trình công tác, từ ngày 1/11/2011 đến ngày 31/12/2015, thầy Quốc Trung là giảng viên tại Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2018 đến năm 2019, ứng viên là giảng viên trợ giảng tại cơ sở 2 của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Cho đến nay, thầy là giảng viên tại Trường Đại học Tài chính - Marketing.

Trong quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học, thầy Quốc Trung tập trung chủ yếu với 3 hướng nghiên cứu chính, bao gồm: Quản trị doanh nghiệp: bao gồm các khía cạnh quản trị rủi ro theo Basel, kiểm soát nội bộ, đặc điểm hội đồng quản trị, chất lượng thông tin; Hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp niêm yết; Hành vi người tiêu dùng.

Mặt khác, ứng viên đã hướng dẫn 2 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ; hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; công bố 33 bài báo khoa học, trong đó có 25 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín.

Ngoài ra, thầy Quốc Trung đã xuất bản 2 sách thuộc nhà xuất bản có uy tín. Trong đó, sách "Marketing dịch vụ tài chính" của Nhà xuất bản Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trước khi được công nhận tiến sĩ. Còn cuốn "Kiểm soát nội bộ" của Nhà xuất bản Tài chính sau khi được công nhận tiến sĩ do thầy Nguyễn Kim Quốc Trung là chủ biên.

Trường Đại học Tài chính – Marketing là đơn vị giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Tài chính, đang ngày càng khẳng định thương hiệu, trở thành một trong những trường top đầu của hệ thống các trường đào tạo lĩnh vực kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, trong cả nước và khu vực nói chung. Việc không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, chú trọng cập nhật, xây dựng và cung cấp các chương trình học tốt nhất cho sinh viên là những mảnh ghép tạo nên thương hiệu của Trường Đại học Tài chính – Marketing.

Cho tới nay, 100% chương trình đào tạo trình độ đại học và thạc sĩ của nhà trường đã đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đạo tạo, đồng thời nhà trường đặt mục tiêu phấn đấu đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế (chuẩn AACSB - tổ chức nghề nghiệp của Mỹ, thực hiện kiểm định các trường giảng dạy về kinh tế, hoạt động toàn cầu và có văn phòng tại Mỹ, Hà Lan và Singapore) vào năm 2026.

Lưu Diễm