Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải 2 bài viết có tiêu đề "Lớp học từ xa Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp lộn xộn khiến người học thất vọng" và "Thực hư con số quảng bá 96% SV từ xa có việc làm của ĐH Kỹ thuật Công nghiệp" phản ánh tình hình đào tạo đại học hệ từ xa của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên).
Qua 2 bài viết cho thấy, có sinh viên bức xúc về việc bố trí lớp học lộn xộn của nhà trường cùng với đó là thông tin nhà trường quảng bá 96% sinh viên hệ đào tạo từ xa có việc làm, tuy nhiên thực tế đó là con số dựa trên số liệu tổng hợp qua hồ sơ tuyển sinh (hầu hết người học là những người đã đi làm, theo học chương trình đào tạo từ xa là để bổ sung kiến thức và nâng cao trình độ).
Những nội dung trên nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả và cho rằng cần minh bạch để làm rõ chất lượng đào tạo đại học hệ từ xa của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) ra sao.
Quảng bá tỷ lệ sinh viên từ xa có việc làm từ số liệu trước khi thí sinh vào học là rất vô lý
Bàn luận về vấn đề đào tạo từ xa, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo một trường đại học cũng đào tạo hệ từ xa cho hay, nhà trường đào tạo khoảng 50% bằng hình thức trực tuyến và 50% bằng hình thức trực tiếp. Và phân chia lớp theo ngành học để "nước sông không phạm nước giếng".
Cũng theo vị này, nhìn từ thực tế đào tạo từ xa của nhà trường cho thấy, nếu tổ chức đào tạo từ xa mà gộp chung lớp học giữa nhiều ngành với trình độ đầu vào khác nhau vào một nhóm để quản lý gây khó khăn cho người học.
"Việc giảng dạy trực tiếp sẽ có những thuận lợi hơn trong công tác quản lý. Còn nếu đào tạo trực tuyến 100% nhưng không phân nhóm người học ra lớp nhỏ theo đúng ngành học, sẽ khiến những người trong nhóm cảm thấy phiền phức khi nhận những thông tin không liên quan đến chuyên ngành mình học", vị này chia sẻ.
Cũng theo vị này, hoạt động đào tạo từ xa cũng giống với đào tạo chính quy về số lượng tín chỉ. Việc giảng dạy tín chỉ sẽ có một cố vấn học tập, họ sẽ được giao quản lý số sinh viên cùng một ngành - chuyên ngành học. Khi lập nhóm, cố vấn học tập sẽ hiểu người học đang học nội dung gì, đang gặp vấn đề gì... thuận lợi cho công tác quản lý.
Với hệ đào tạo từ xa, việc học qua trực tuyến càng cần có sự tư vấn hỗ trợ từ cố vấn học tập. Người học khó có thể tự lực, chủ động hết trong việc học khi họ không có cơ hội tiếp xúc với giảng viên.
"Đối với trường tôi, vào buổi khai giảng các lớp hệ đào tạo từ xa, nhà trường thường sẽ tổ chức gặp mặt trực tiếp giữa người học với giảng viên. Nhà trường sẽ giới thiệu đội ngũ trợ lý giáo vụ, cố vấn học tập, lãnh đạo khoa tới người học, để họ có thể tiếp cận giải quyết các vấn đề trong học tập.
Nếu trường nào không hướng dẫn cho người học về đội ngũ nêu trên, người học sẽ hoang mang khi gặp vấn đề trong học tập", vị lãnh đạo chia sẻ.
Trước tình huống phóng viên nêu ra là nếu cố vấn học tập không hướng dẫn người học mà chỉ đóng vai trò thông báo lịch thi, kiểm tra, vậy người học sẽ bị ảnh hưởng ra sao thì vị lãnh đạo cho rằng, điều này có thể khiến người học cảm thấy hoang mang, chán nản, khi họ không được tiếp xúc trực tiếp với giảng viên mà chỉ trông chờ vào những thông báo trong nhóm, phải tiếp thu thông tin thụ động.
Với hệ đào tạo từ xa, khi có 10 người học thì có thể có 5 người tự học nhưng vẫn còn 5 người phải cần sự hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.
Cũng theo vị này, đối với hệ đào tạo từ xa không nên quảng bá tỷ lệ việc làm bởi đối tượng người học này đều đã đi làm mà chỉ quảng bá về những kỹ năng, kinh nghiệm, vị trí công việc... mà người học có thể thay đổi sau khi học tập.
"Nếu trường nào quảng bá tỷ lệ sinh viên có việc làm từ số liệu của thí sinh trước khi vào trường là rất vô lý. Điều này có thể khiến thí sinh hiểu lầm rằng, những người tốt nghiệp hệ đào tạo từ xa của nhà trường có việc làm với tỷ lệ cao là 96%. Việc quảng bá như vậy thể hiện sự lập lờ, chiêu trò nhằm thu hút thí sinh", vị lãnh đạo chia sẻ.
Ngoài ra, lãnh đạo này cho hay, người học đào tạo từ xa khác với người học chính quy ở chỗ, họ là những người đã đi làm và muốn học để có cơ hội thay đổi vị trí công việc. Tuy nhiên, trong quá trình đi học, họ nhận ra việc học không giúp ích nhiều cho công việc mình đang làm... nên họ có thể không học nữa. Bên cạnh đó, cũng có người do không tìm hiểu kỹ về ngành mình định học, cùng chương trình - phương pháp đào tạo. Từ đó, họ cảm thấy không phù hợp vì không phải ai cũng chủ động tự học được. Nếu không chuẩn bị cho bản thân tâm thế nêu trên thì họ sẽ cảm thấy chán nản khi học trực tuyến không có người điểm danh, thầy cô không kiểm tra bài học.... đó là những nguyên nhân khách quan. Còn có nguyên nhân chủ quan từ phía cơ sở đào tạo là chất lượng đào tạo khiến người học thất vọng rồi từ bỏ.
Học đào tạo từ xa phải có sự tương tác giữa người học và cố vấn học tập
Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đông Phương - chuyên gia giáo dục cho rằng, hoạt động đào tạo từ xa của các nước đã có từ lâu nhưng luôn phải có sự tương tác giữa giảng viên với người học. Theo đó, người học có thể thể gọi điện cho giảng viên để kèm cặp, hỏi bài giảng, chứ người học không chỉ xem video trên hệ thống để ôn luyện.
Tiến sĩ Lê Đông Phương nhận định, hạn chế của việc giảng dạy đào tạo từ xa là nhà trường thực hiện ghi hình bài giảng để sinh viên học qua phần mềm của hệ thống. Đó có thể là những bài giảng 60-90 phút, thậm chí dài hơn điều này không tạo sự tương tác, hứng thú với người học.
Việc ghi và phát lại bài giảng chỉ dùng khi người học ôn bài, xem lại kiến thức bản thân chưa tiếp thu kịp trong phiên giảng dạy thực tế. Bên cạnh đó, việc giảng dạy qua video sẽ không có phần hướng dẫn giải đáp khi kết thúc học phần, điều này có thể khiến sinh viên không tiếp thu được kiến thức.
Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, mỗi lớp của mỗi ngành học có trình độ đầu vào khác nhau, cần phải có một cố vấn học tập để khi người học thắc mắc là có người giải đáp hỗ trợ, giải đáp cho họ.
"Với đối tác liên kết hỗ trợ về tuyển sinh, họ không phụ trách được việc cố vấn học tập, tư vấn cho sinh viên được", Tiến sĩ Lê Đông Phương chia sẻ.
Chuyên gia Lê Đông Phương còn băn khoăn rằng nếu cố vấn học tập không làm đúng, làm tốt nhiệm vụ của mình thì những sinh viên năm cuối sẽ gặp khó trong ôn luyện để tốt nghiệp.
Tiến sĩ Lê Đông Phương cũng bày tỏ: "Nếu sinh viên hệ từ xa chỉ xem video để học thì đó đâu có thể gọi là sinh viên đại học".
Về thông tin quảng bá tỷ lệ sinh viên có việc làm 96% và theo lý giải của nhà trường thì đây là số liệu hồ sơ của người học, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho hay, những người học hệ đào tạo từ xa, cơ bản họ đã đi làm. Việc quảng bá tỷ lệ có việc làm dựa vào thông tin hồ sơ của người học đi làm trước khi vào trường thể hiện sự lấp lửng.
Theo ghi nhận của phóng viên từ một sinh viên đang học hệ đào tạo từ xa của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) cho thấy, vừa qua khi thi kết thúc học kỳ I không có ai chỉ bảo vấn đề ôn tập ra sao, chỉ có lịch kiểm tra và lịch thi sẽ có giảng viên gọi điện nhắc nhở.
Còn theo cựu sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) cho biết, trong quá trình học tập, lớp có giảng viên chủ nhiệm nhưng thầy cô này chỉ nhắc nhở vào làm bài và đóng tiền học phí.
Tại khoản 4, Điều 5 Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học có nêu:
Bộ phận phụ trách tổ chức và quản lý đào tạo từ xa quản lý, giám sát được: quá trình giảng dạy, học tập; thời lượng tương tác giữa giảng viên và người học, giữa người học và người học; thi, kiểm tra, đánh giá và cấp văn bằng.
Đơn vị chủ trì phụ trách chuyên môn chương trình đào tạo từ xa là đơn vị chủ trì phụ trách chuyên môn chương trình đào tạo chính quy.