Lùm xùm mở "chui" lớp VB2, ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN: Phó HT nói không biết!

27/11/2024 06:38
Trung Dũng

GDVN - Đã có nhiều lùm xùm liên quan đến đào tạo tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không khỏi khiến dư luận đặt ra câu hỏi về công tác quản lý.

Liên quan đến việc mở "chui" các lớp đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh gây xôn xao dư luận, ngày 26/11 phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Giáo sư Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội để làm rõ một số thông tin.

Qua trao đổi phóng viên nêu thắc mắc, trong kết luận của đoàn thanh tra nội bộ nhà trường có nêu việc, Phó Hiệu trưởng Nhà trường là người đã ký vào tờ trình đồng ý về chủ trương cho mở lớp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh ngoài trường, đồng thời ký quyết định trúng tuyển đầu vào, vậy khi ký vào các văn bản đó, Phó Hiệu trưởng nhà trường có biết rõ về chủ trương của nhà trường đối với việc mở các lớp đó tại thời điểm đó hay không?

Tuy nhiên, chia sẻ về việc này, Giáo sư Vũ Văn Hoá cho biết: "Lâu lắm rồi tôi không tham gia về cái đó nữa nên tôi không biết".

Vị này cũng nói rằng, nếu phóng viên muốn làm rõ thì cần đến làm việc với Phòng Quản lý đào tạo của nhà trường.

Đáng nói đây không phải lùm xùm đầu tiên xảy ra tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Vào năm 2020, Trường này cũng xảy ra lùm xùm giữa các cổ đông và việc tuyển sinh liên thông ngành Dược khi chưa được cấp phép. Thời điểm đó theo thống kê, số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học xuống thấp kỷ lục từ mức 11.570 năm 2019 chỉ còn 2.798 sinh viên vào năm 2020.

Theo đó, năm 2020, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bị phát giác việc tuyển sinh liên thông ngành Dược "chui". Sau vụ việc này, nhà trường đã bị phạt hơn 100 triệu đồng và buộc dừng tuyển sinh liên thông trong 2 năm.

Trả lời báo chí việc này, Giáo sư Vũ Văn Hóa thừa nhận, việc nhà trường đang chờ được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép nhưng vẫn tuyển sinh, đào tạo là không đúng. Nhà trường đã thực hiện không đúng quy chế nên đã nộp phạt và không tuyển sinh hệ liên thông đại học ngành Dược. (1)

GDVN_a2.jpg
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng

Tiếp đó trong tháng 6/2020, nhiều sinh viên của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận được thông báo của nhà trường về việc mình bị đuổi học.

Cụ thể, trong ngày 26/6/2020, Giáo sư Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng nhà trường đã ký 7 quyết định buộc thôi học với 3.439 sinh viên. Toàn bộ sinh viên này từng theo học hệ liên thông từ cao đẳng lên đại học và từ trình độ trung cấp lên đại học của trường này.

Theo lãnh đạo Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, có nhiều sinh viên nợ rất nhiều môn, thi lại học lại nhưng không qua được. Sau nhiều lần thông báo, nhà trường phải quyết định cho những trường hợp đó thôi học.

Vị này cũng cho rằng, quyết định buộc thôi học đã có hiệu lực, nhưng nhà trường cũng rất linh động, tạo điều kiện cho các em được học tiếp nếu vẫn có nguyện vọng và cam kết trả nợ được các môn học. (2)

Cũng trong năm 2020, có khoảng 2.000 sinh viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tốt nghiệp, nhưng chưa được cấp bằng tốt nghiệp đại học. Về việc này, Giáo sư Vũ Văn Hóa cho biết, từ trước bằng tốt nghiệp của sinh viên là Giáo sư Trần Phương ký, nhưng thời điểm đó Giáo sư Trần Phương là Hiệu trưởng nhà trường sức khỏe yếu, tay phải không ký được mà phải dùng chữ ký gỗ đóng dấu.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không cho trường đóng dấu chữ ký như thế trên văn bằng của sinh viên. Bộ yêu cầu nhà trường phải cử một Phó hiệu trưởng ký thay Giáo sư Trần Phương.

Về sự việc này, sau đó nhà trường đã gửi danh sách lên Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Phó hiệu trưởng thường trực thời điểm đó là thầy Đỗ Quế Lượng sẽ ký thay Giáo sư Trần Phương.

Nhưng sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo lại cho rằng đã phân quyền cho Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên trường này lại tiếp tục đưa sang Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để giải quyết. Tuy nhiên, sau nhiều tháng vẫn không được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có quyết định chính thức đối với sự việc khiến nhiều sinh viên phải chịu hoàn cảnh như trên. (3)

Ngoài ra, trong năm 2020, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm khác về tuyển sinh trình độ đại học chính quy của trường này trong các năm 2017, 2018 và 2019.

Cụ thể, trường này đã để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng như tuyển sinh vượt chỉ tiêu; đào tạo chui, kể cả trình độ thạc sĩ ngoài trụ sở chính của trường khi chưa được phép của cơ quan quản lý; hồ sơ dự tuyển của một số nghiên cứu sinh có dấu hiệu không phải là hồ sơ dự tuyển.

Trong đó, từ năm 2017, 2018, 2019, trường tuyển sinh trình độ thạc sĩ vượt chỉ tiêu được thông báo. Cụ thể, trong kết luận của Thanh tra Bộ chỉ ra ở khối ngành III (Kinh doanh và quản lý, Pháp luật) vượt 79%; khối ngành V (Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông- Lâm và Thủy sản, Thú y) vượt 35%.

Năm 2018, trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh ở một số ngành/chuyên ngành, gồm: Tài chính – ngân hàng vượt 36%; ngành Quản lý kinh tế vượt 96,6%; ngành Quản lý công vượt 98%.

Năm 2019, trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ 9/10 ngành/chuyên ngành vượt năng lực đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cá biệt, ngành Quản lý công vượt tới 236%. Đồng thời, trường thực hiện việc ra đề thi tuyển sinh trình độ thạc sĩ chưa đúng quy định.

Theo lý giải của lãnh đạo Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, việc tuyển vượt chỉ tiêu là do sinh viên bỏ học những năm gần đây của nhà trường rất cao, vì vậy trường phải tuyển vượt chỉ tiêu để "bù lại".

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra dấu hiệu bất thường trong hồ sơ tuyển sinh của một số nghiên cứu sinh ở trường.

Theo đó, với hồ sơ của một nghiên cứu sinh, trong khi bài luận dự tuyển từ năm 2017, nhưng có tài liệu tham khảo, liệt kê được xuất bản, công bố năm 2018. Hoặc có nghiên cứu sinh có bài luận dự thi năm 2017, nhưng các tài liệu xuất bản/công bố năm 2019. Một nghiên cứu sinh khác có thư giới thiệu ghi tháng 2 và 3/2018 có sau ngày quyết định công nhận nghiên cứu sinh. (4)

Chia sẻ với phóng viên, một số sinh viên đang theo học tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua, thông tin về lùm xùm và tiêu cực của trường liên tục xảy ra. Điều này khiến cho gia đình các em không khỏi lo lắng khi tốn khá nhiều tiền để cho con theo học tại đây. Chính vì thế, các dấu hỏi về quản lý, chất lượng đào tạo luôn khiến họ nghi ngại. "Em rất lo nếu cứ lùm xùm như vậy, lúc em ra trường nếu cầm bằng của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đi xin việc để qua vòng lọc hồ sơ cũng không dễ", một sinh viên chia sẻ thực lòng.

Tư liệu tham khảo:

(1). https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/giao-duc/xu-phat-sai-pham-tai-dh-kinh-doanh-va-cong-nghe-ha-noi-gio-cao-danh-khe-99921.html

(2). https://giaoduc.net.vn/dai-hoc-kinh-doanh-va-cong-nghe-ha-noi-buoc-thoi-hoc-hang-ngan-sinh-vien-post211264.gd

(3). https://giaoduc.net.vn/dai-hoc-kinh-doanh-va-cong-nghe-chua-cap-bang-2000-sinh-vien-vi-thieu-nguoi-ky-post212310.gd

(4). https://laodong.vn/giao-duc/bat-thuong-trong-dao-tao-tuyen-sinh-tai-dh-kinh-doanh-va-cong-nghe-ha-noi-828304.ldo

Trung Dũng