Tổng chủ biên SGK Hoạt động trải nghiệm nói về quy trình biên soạn nghiêm ngặt

29/11/2024 07:20
Hồng Linh

GDVN - PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa khẳng định quy trình 8 bước biên soạn sách được xây dựng chặt chẽ nhằm bảo bảo chất lượng của bộ SGK.

Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là nội dung giáo dục mới, có tính bắt buộc. Bởi vậy, quá trình biên soạn sách giáo khoa cũng đòi hỏi không ít công sức.

Được biết, việc viết sách được tiến hành theo 8 bước: 1) Xác định chương trình giáo dục; 2) Thành lập nhóm biên soạn; 3) Biên soạn nội dung; 4) Thẩm định nội dung; 5) Sửa chữa và hoàn thiện; 6) In ấn thử nghiệm và lấy ý kiến; 7) Xuất bản và phát hành; 8) Đánh giá và cập nhật.

Mất không ít thời gian để tìm hướng đi cho bộ sách

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa - Tổng chủ biên sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bộ sách Chân trời sáng tạo cho biết: “Quy trình 8 bước biên soạn sách được xây dựng chặt chẽ, quy củ nhằm đảm bảo chất lượng của bộ sách giáo khoa. Trong đó bước khó khăn nhất là Biên soạn nội dung.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục mang tính tích hợp cao, chưa có tài liệu nào trước đó để tham khảo. Tôi và các cộng sự mất nhiều công sức và thời gian để tạo ra con đường của mình dựa trên những kiến thức lý thuyết chung về giáo dục, tâm lý, phát triển kỹ năng, những hiểu biết về giá trị hay bản sắc văn hoá…

Nhóm tác giả tích cực trao đổi trong nhiều buổi họp nhằm khai thác tất cả kiến thức và trải nghiệm chúng tôi đã có. Đội ngũ biên soạn nghiên cứu kinh nghiệm của các nước phát triển về lĩnh vực này như Úc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore… để phân tích nguyên nhân thành công của họ đồng thời kết hợp với những truyền thống cần phát huy, gìn giữ của dân tộc Việt Nam.

Điều quan trọng nhất là tìm được nội dung, cách thức triển khai phù hợp với thời điểm hiện tại, thích hợp với kết quả trước đây chúng ta đã thực hiện. Do đó, chúng tôi không khỏi trăn trở về việc làm thế nào để có thể tạo ra được 1 bộ sách vừa dễ thực hiện vừa đảm bảo hiệu quả.

Hơn nữa, chúng tôi cần đặc biệt chú ý đến độ khó cho từng lớp học, cấp học, nâng mức độ thử thách trong cùng 1 vấn đề, nội dung, kỹ năng. Các hoạt động được thiết kế phải có tính kế thừa nhưng không lặp lại nhàm chán, đúng tinh thần của 1 chương trình đồng tâm”.

hdtnhn12-1ct.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa là Tổng chủ biên sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bộ sách Chân trời sáng tạo. Ảnh minh họa: nxbgd.vn

Các nhóm nội dung trong chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được phân chia theo tỷ lệ Hướng nghiệp (30%), Hướng vào bản thân (30%), Hướng đến xã hội (25%) và Hướng đến tự nhiên (15%).

Cô Thoa thông tin, thực tế, các mạch nội dung có mối quan hệ mật thiết với nhau. Ví dụ, trong nội dung Hướng vào bản thân có thể bao gồm cả những nội dung mang tính hướng nghiệp, trong nội dung Hướng đến xã hội có cả những phần Hướng vào bản thân...

Tuy nhiên, hoạt động nằm ở mạch nội dung nào sẽ phải khai thác triệt để mục tiêu ưu tiên đó trước tiên, sau đó phát triển các mục tiêu có liên quan. Do vậy, việc phân chia tỷ lệ nhóm nội dung giúp nhóm tác giả không bị thiên lệch khi biên soạn, đảm bảo sự hài hòa, cân đối.

Đặc biệt, với chương trình của cấp trung học phổ thông, nhóm nội dung Hướng nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất vì đây là giai đoạn định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Nội dung hướng nghiệp đã được bắt đầu triển khai ngay từ trong chương trình của cấp tiểu học nhưng sẽ được đề cập sâu sắc, hệ thống, bài bản hơn ở cấp trung học phổ thông nhằm giúp học sinh đưa ra những quyết định hướng nghiệp cho bản thân.

Yêu cầu về năng lực đặc thù

Tổng chủ biên của bộ sách chia sẻ: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới hình thành cho học sinh 5 phẩm chất gồm: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm cùng 3 năng lực chung là: Tự chủ và tự học; Kỹ năng giao tiếp và hợp tác nhóm với các thành viên khác; Giải quyết vấn đề theo nhiều cách khác nhau một cách sáng tạo và triệt để. Ngoài ra, còn có 7 năng lực đặc thù. Tất cả các môn học trong chương trình đều cần đảm bảo điều này.

Với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, chúng tôi đã đã tích hợp các năng và phẩm chất chung cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông mới. Từ đó, hướng đến xây dựng 3 yêu cầu về các năng lực đặc thù là Thích ứng với cuộc sống; Thiết kế và tổ chức hoạt động; Định hướng nghề nghiệp".

Ảnh minh họa: education.vnu.edu, chantroisangtao.vn. Thiết kế: Hồng Linh.

Ảnh minh họa: education.vnu.edu, chantroisangtao.vn. Thiết kế: Hồng Linh.

Đầu tiên là năng lực Thích ứng với cuộc sống.

Mỗi cá nhân cần có khả năng thích nghi với sự thay đổi của điều kiện sống, môi trường sống cũng như sự thay đổi của chính bản thân trong quá trình phát triển. Con người đang sống trong một xã hội luôn biến động từ yếu tố khách quan bên ngoài đến chủ quan bên trong thuộc về mỗi cá nhân cho nên rất cần phải giáo dục cho học sinh ứng phó với những sự thay đổi này.

Năng lực thứ hai là Thiết kế và tổ chức hoạt động.

Khi tham gia hoạt động, học sinh không chỉ hưởng thụ những nội dung thầy cô tổ chức thực hiện mà còn học cách thức tổ chức hoạt động. Cuộc sống của con người là một chuỗi các hoạt động. Tính tổ chức của mỗi cá nhân chi phối đến hiệu quả và chất lượng cuộc sống.

Do đó, phải chú trọng hướng dẫn học sinh trở thành người có tổ chức, biết thiết kế hoạt động, quản lý thời gian, đặt mục tiêu, vượt qua những chướng ngại vật để hoàn thành nhiệm vụ.

Cuối cùng là năng lực Định hướng nghề nghiệp.

Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, tất cả các môn học đều hướng đến thực hiện hoạt động hướng nghiệp nhưng Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ đề cập đến năng lực này một cách hệ thống theo cấu trúc cho nên mang tính tổng thể.

Khi tham gia Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp học sinh cần kết hợp với kiến thức của các môn học khác để hiểu rõ hơn về các ngành nghề.

Giáo viên dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ cố gắng hướng dẫn các em tìm hiểu và phát hiện mức độ phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp, cần hoàn thiện bản thân như thế nào để đáp ứng những đòi hỏi về năng lực, phẩm chất của công việc đó.

HS Trường THPT Phan Chu Trinh (Đak Lắk) tham gia hoạt động trải nghiệm '1 ngày làm người lính' (ảnh website nhà trường) .jpg
Học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Chu Trinh (Đắk Lắk) tham gia hoạt động trải nghiệm "1 ngày làm người lính". Ảnh: website nhà trường

Đề cập thêm đến các bước khác trong quy trình biên soạn sách, cô Thoa cho biết, ở các bước thẩm định nội dung, in thử nghiệm, lấy ý kiến từ xã hội, đội ngũ tác giả nhận được những ý kiến mang tính xây dựng cao.

“Tôi và các cộng sự đón nhận tất cả những ý kiến đóng góp bằng sự cởi mở. Chúng tôi cố gắng sàng lọc các nhận xét trên cơ sở đã được định hướng, đi đến sự đồng thuận để giúp sản phẩm được hoàn thiện tốt hơn.

Mỗi năm, khi tái bản, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ gửi cho nhóm tác giả những tổng hợp ý kiến phản hồi trong quá trình sử dụng. Hiện tại, chúng tôi chưa nhận được ý kiến phản hồi về bộ sách nên chưa có điều chỉnh, trước đó, chỉ có những vi chỉnh với tỷ lệ nhỏ.” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa nói.

Hồng Linh