Để công bằng cho thí sinh, trường ĐH ủng hộ giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm

30/11/2024 06:18
Thúy Hiền

GDVN - Các cơ sở giáo dục đại học đồng tình việc giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm vì sẽ giúp khắc phục tình trạng tuyển sinh ồ ạt, gây mất công bằng cho thí sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT. Trong đó, có nhiều điểm mới được dư luận quan tâm, nhất là quy định về chỉ tiêu xét tuyển sớm.

Cụ thể dự thảo nêu "cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung".

“Siết chặt” xét tuyển sớm là hợp lý nhằm khắc phục tuyển sinh ồ ạt

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nha Trang cho rằng, việc giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm được đưa ra nhằm khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh, hướng tới việc xây dựng một môi trường giáo dục minh bạch và công bằng hơn giữa các trường đại học cũng như giữa các thí sinh.

“Dự thảo Thông tư đưa ra nhiều thay đổi đáng chú ý, đặc biệt là quy định giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm không quá 20%. Những điều chỉnh này không chỉ tác động đến các trường đại học mà còn ảnh hưởng đến định hướng và tổ chức dạy - học ở cấp trung học phổ thông.

Đồng thời, giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm đóng vai trò tích cực trong việc hạn chế tâm lý chủ quan, lơ là của học sinh trong quá trình học tập và thi tốt nghiệp trung học phổ thông khi biết kết quả trúng tuyển quá sớm. Mặt khác, điều này cũng giảm bớt áp lực cho các trường đại học trong việc phân bổ nguồn lực và thời gian cho xét tuyển sớm”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Văn Phương nhận định.

Tô Văn Phương.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nha Trang. (Ảnh: NVCC)

Theo thầy Phương, quy định giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm buộc các trường đại học phải cân nhắc kỹ lưỡng trong việc thiết kế phương án tuyển sinh, đảm bảo chất lượng đầu vào và duy trì tỷ lệ hợp lý cho xét tuyển theo kế hoạch chung dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Các trường cần đưa ra tiêu chí xét tuyển chặt chẽ hơn để lựa chọn nhóm thí sinh chất lượng, đồng thời tối ưu hóa nguồn lực và giảm thiểu tình trạng tuyển sinh ồ ạt.

Ngoài ra, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nha Trang cho biết có thể nhà trường sẽ điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh sắp tới theo hướng lựa chọn các nhóm ngành phù hợp để xét tuyển sớm. Đối với những ngành hoặc nhóm ngành thu hút đông thí sinh, đây sẽ là cơ hội để trường tuyển chọn những thí sinh có chất lượng tốt thông qua các hình thức xét tuyển đa dạng.

Bên cạnh đó, trường sẽ tổ chức hoạt động sơ tuyển (có thể sử dụng kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông) trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển chính thức theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phương án này sẽ giúp nhà trường thu hút các thí sinh xuất sắc qua các thành tích học tập ở cấp trung học phổ thông, chứng chỉ ngoại ngữ, hoạt động ngoại khóa,...

Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Đàm Minh Anh, Phó Trưởng phòng Đào tạo - Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đánh giá rất cao về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác tuyển sinh khi có những điều chỉnh, cập nhật để không ngừng nâng cao hiệu quả trong công tác tuyển sinh.

"Trong những năm qua, các cơ sở giáo dục đã áp dụng đa dạng các hình thức tuyển sinh nhằm lựa chọn thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai nhiều hình thức và tổ chức nhiều đợt tuyển sinh, đặc biệt là xét tuyển sớm, mang lại cả ưu điểm lẫn hạn chế.

Hạn chế đầu tiên là tỷ lệ ảo cao (tỷ lệ thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm nhưng không nhập học chính thức). Đồng thời, sự thiếu đồng nhất trong các tiêu chí xét tuyển đã gây khó khăn cho thí sinh trong việc tham gia tuyển sinh, ảnh hưởng đến công tác tổ chức và quản lý tuyển sinh của các cơ sở giáo dục cũng như các cấp quản lý.

Vì vậy, việc giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% của từng ngành, nhóm ngành theo tôi đánh giá là phù hợp với tình hình tuyển sinh hiện nay”, thầy Minh Anh nhận định.

Đàm Minh Anh.png
Thạc sĩ Đàm Minh Anh, Phó Trưởng phòng Đào tạo - Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: NVCC)

Ngoài ra, từ năm 2024 trở về trước, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng áp dụng 5 phương thức tuyển sinh, trong đó xét tuyển sớm chiếm 25-30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường. Tỷ lệ này gần tương đương với dự thảo, nên không gây ảnh hưởng nhiều đến phương án tuyển sinh của trường nếu dự thảo được thông qua.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, những quy định có trong dự thảo hiện đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến là một định hướng đúng đắn và cần thiết.

“Dựa trên những quy định mới từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện tại nhà trường vẫn đang trong quá trình chờ ban hành quy chế chính thức để hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2025. Vì vậy, việc công bố kế hoạch tuyển sinh cụ thể chưa được thực hiện.

Tuy nhiên, với những thay đổi đáng chú ý như giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm và yêu cầu nâng cao chất lượng đầu vào, nhà trường chắc chắn sẽ điều chỉnh lại phương thức và chỉ tiêu xét tuyển để đảm bảo sự phù hợp với quy định, đồng thời vẫn giữ được mục tiêu chiến lược trong việc tìm kiếm những thí sinh tiềm năng”, thầy Nhân cho biết.

Theo đó, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ thực hiện xét tuyển sớm bằng nhiều phương thức khác nhau, ưu tiên xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông.

Cụ thể, trường dự kiến sẽ chỉ xét tuyển sớm đối với những thí sinh có thành tích xuất sắc hoặc năng lực đặc biệt để phù hợp với giới hạn 20% chỉ tiêu. Những đối tượng này bao gồm học sinh đạt giải thưởng từ cấp tỉnh trở lên hoặc đạt thành tích nổi bật trong các cuộc thi chuyên biệt, có khả năng thể hiện năng lực vượt trội. Sự điều chỉnh này không chỉ đảm bảo tuân thủ quy định mà còn giúp nhà trường thu hút được những thí sinh giỏi, tạo tiền đề cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ rà soát và điều chỉnh lại các tổ hợp xét tuyển để phù hợp với các yêu cầu từ dự thảo. Nhà trường luôn đặt ưu tiên vào việc giữ vững lộ trình phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời tạo điều kiện tối ưu cho thí sinh.

Nguyễn Trung Nhân.png
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Đề xuất điều chỉnh việc quy định điểm chuẩn và công bố chỉ tiêu trúng tuyển xét tuyển sớm

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, cũng trong dự thảo thông tư, quy định về việc đảm bảo điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của các đợt xét tuyển khác thực sự là một vấn đề khá nan giải.

“Khi xét tuyển sớm, các trường thường đã công bố điểm chuẩn dựa trên các tiêu chí và kết quả từ các hình thức xét tuyển sớm. Tuy nhiên, điểm chuẩn từ các hình thức xét tuyển khác, chẳng hạn như xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông lại chưa được xác định trong giai đoạn này.

Điều này có thể gây khó khăn trong việc so sánh, vì nếu không có điểm chuẩn cụ thể từ các hình thức khác, làm sao có thể xác định được liệu điểm chuẩn của xét tuyển sớm có thực sự không thấp hơn điểm chuẩn của các đợt xét tuyển sau hay không?

Hơn nữa, việc áp dụng quy định này trong thực tế sẽ tạo ra sự mâu thuẫn, làm cho quá trình xét tuyển trở nên phức tạp và khó thực hiện, gây khó khăn trong việc dự đoán và chuẩn bị cho các phương thức xét tuyển khác.

Vì vậy, tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét lại quy định này và có sự điều chỉnh hợp lý để tránh tạo ra những mâu thuẫn trong quá trình tuyển sinh, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và khả thi cho tất cả các bên liên quan”, thầy Nhân nêu quan điểm.

tư vấn tuyển sinh - cnghiep hcm.png
Cán bộ tuyển sinh Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tư vấn cho các học sinh trong ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2024. (Ảnh: Website nhà trường)

Đồng tình với ý kiến trên, Thạc sĩ Đàm Minh Anh cho rằng, quy định bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung được nêu trong dự thảo cần xem xét lại.

Thứ nhất, việc giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm đã giúp giảm thiểu các bất cập phát sinh trước đây, đồng thời tăng tỷ lệ cạnh tranh, qua đó chọn được những thí sinh có chất lượng đầu vào cao hơn, phù hợp với mục tiêu chung của công tác tuyển sinh.

Thứ hai, việc quy đổi điểm các phương thức về cùng một điểm chuẩn có thể gây ra bất cập do sự khác biệt trong tiêu chí đánh giá giữa các phương thức (không cùng hệ quy chiếu). Điều này không chỉ đòi hỏi các giải pháp kỹ thuật như phần mềm xét tuyển phức tạp mà còn làm gia tăng khó khăn trong quá trình triển khai kế hoạch tuyển sinh.

Bên cạnh đó, điểm 2 Khoản 12 Điều 1 của dự thảo này quy định: “Số lượng thí sinh được thông báo trúng tuyển không vượt chỉ tiêu xét tuyển sớm đã công bố của mỗi ngành, nhóm ngành đào tạo.”

Theo thầy Minh Anh, quy định này nên được điều chỉnh để cho phép các cơ sở giáo dục thông báo trúng tuyển với tỷ lệ vượt dao động trong một khoảng nhất định. Điều này xuất phát từ thực tế rằng thí sinh đăng ký xét tuyển sớm thường nộp hồ sơ vào nhiều trường và sử dụng đa dạng các phương thức xét tuyển khiến quá trình lọc ảo trở nên phức tạp.

Việc cho phép thông báo trúng tuyển vượt chỉ tiêu trong giới hạn hợp lý sẽ giúp các cơ sở giáo dục linh hoạt hơn trong công tác tuyển sinh, đồng thời giảm nguy cơ thiếu chỉ tiêu xét tuyển sớm do thí sinh thay đổi quyết định.

Điểm 2 Khoản 12 Điều 1 dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non quy định:

2. Cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, công bố công khai danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển; số lượng thí sinh được thông báo trúng tuyển không vượt chỉ tiêu xét tuyển sớm đã công bố của mỗi ngành, nhóm ngành đào tạo; không được yêu cầu thí sinh cam kết, xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung theo bất cứ hình thức nào. Cơ sở đào tạo công bố và đưa danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp trung học phổ thông) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các phương thức xét tuyển khác theo kế hoạch chung.

Thúy Hiền