Thực nghiệm sách là cầu nối giữa tác giả và thực tiễn giảng dạy của giáo viên

06/12/2024 06:54
Thùy Trang

GDVN - Sau mỗi lần thực nghiệm, những băn khoăn và góp ý từ giáo viên đều được tác giả lĩnh hội và đưa vào quá trình chỉnh sửa, hoàn thiện bản mẫu SGK. 

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, sách giáo khoa không chỉ là công cụ truyền đạt tri thức mà còn phải trở thành cầu nối giữa bài học và thực tế cuộc sống. Một trong những bước quan trọng để kiểm chứng hiệu quả của bộ sách chính là quá trình thực nghiệm.

Quá trình thực nghiệm diễn ra nghiêm túc, ý kiến đóng góp thẳng thắn, mang tinh thần xây dựng

Thực hiện quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong những năm vừa qua, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đã nghiêm túc triển khai việc thực nghiệm sách giáo khoa mới nói chung. Việc tổ chức dạy thực nghiệm sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một trong những bước căn bản trong quy trình xuất bản sách giáo khoa của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam. Trong suốt quá trình thực nghiệm sách giáo khoa, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đã chủ động phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh/thành tổ chức cẩn trọng, nghiêm túc.

z6076361488055_49549fd88c6e51bd7f25ce434f1f3d54.jpg
Dạy thực nghiệm môn Toán tại Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Dạy thực nghiệm sách giáo khoa là cơ hội để nhóm tác giả sách giáo khoa, các biên tập viên, họa sĩ của nhà xuất bản, giáo viên đứng lớp, tổ chuyên môn, cán bộ quản lý giáo dục cùng nhìn nhận, trao đổi và thảo luận thẳng thắn về nội dung sách, cấu trúc bài học, về phương pháp giảng dạy, về cách thiết kế bài giảng nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Thông qua việc dạy thực nghiệm, nhóm tác giả sẽ thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin, tiếp nhận ý kiến phản hồi từ phía giáo viên, tổ chuyên môn ở nhiều địa phương, để có thể hoàn chỉnh sách giáo khoa cho phù hợp với đại đa số học sinh.

Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) là một trong các trường tham gia quá trình dạy thực nghiệm nhiều môn học trong đó có sách giáo khoa Toán. Việc thực nghiệm diễn ra rất bài bản, nghiêm túc, thực chất, hiệu quả.

z6076339583288_f80859c00788084aeebd12f2c8f4e77d.jpg
Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, tác giả sách giáo khoa Toán trung học cơ sở, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: NVCC.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, cũng là tác giả sách giáo khoa Toán trung học cơ sở, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho biết, cả giáo viên và học sinh đều rất hứng thú trong quá trình dạy thực nghiệm sách. Các giáo viên tham gia dạy thực nghiệm làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, coi đây là cơ hội để đóng góp vào công cuộc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trước khi tham gia dạy thực nghiệm, giáo viên được cung cấp bản thảo sách giáo khoa và sách giáo viên, đồng thời gặp gỡ các tác giả để trao đổi về ý tưởng thực hiện. Trong quá trình dạy này, học sinh cũng được cung cấp bản thảo sách giáo khoa. Giáo viên tiến hành giảng dạy theo kế hoạch bài học đã được chuẩn bị.

Quá trình thực nghiệm được tổ chức với sự tham gia của tác giả, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn và giáo viên. Sau mỗi tiết dạy, các cuộc họp rút kinh nghiệm được tiến hành rất thẳng thắn và cởi mở. Những băn khoăn, góp ý của giáo viên được tác giả ghi nhận và tiếp thu. Dựa trên những ý kiến phản hồi, bản thảo sách giáo khoa sẽ được chỉnh sửa và hoàn thiện sau mỗi lần dạy thực nghiệm. Quá trình này đã được thực hiện nhiều lần để đảm bảo rằng sách giáo khoa cuối cùng đáp ứng được các yêu cầu cần thiết trước khi chính thức phát hành.

z6076355188138_012e43a7287202907d2b60fb71b6dd0d.jpg
Nhóm tác giả sách giáo khoa Toán trung học cơ sở, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống họp thảo luận sửa bản thảo sau thực nghiệm. Ảnh: NVCC.

Thầy Cường nhấn mạnh: “Những ý kiến đóng góp của giáo viên về hình thức, nội dung, hình ảnh, số liệu trong sách đều được nhóm tác giả nghiêm túc ghi nhận và tiếp thu. Để đảm bảo chất lượng sách giáo khoa, nhóm tác giả đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn kỹ lưỡng nhằm chỉnh sửa, hoàn thiện sách, vừa đáp ứng yêu cầu của chương trình, vừa cân nhắc các ý kiến phản biện từ thực tiễn giảng dạy”.

z6076298302616_a4b2797a2ff0eb6e47b49650e30328bd.jpg
Những cuốn sách giáo khoa trải qua quá trình thực nghiệm chặt chẽ. Ảnh minh họa: NVCC.

Sách giáo khoa mới giúp môn Toán trở nên sinh động, khiến học sinh không còn sợ học Toán

Thầy Nguyễn Cao Cường chia sẻ: “Trong hơn 20 năm giảng dạy và gần đây là làm công tác quản lý, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu, đặc biệt khi tham gia biên soạn sách giáo khoa. Với vai trò là giáo viên đứng lớp, tôi có điều kiện nắm bắt rõ những ưu điểm của sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Từ đó, cùng với tập thể tác giả, tôi đã chọn lọc những nội dung phù hợp để đưa vào các bài học trong sách giáo khoa mới. Thông qua quá trình giảng dạy, tôi có cơ hội đánh giá mức độ phù hợp của sách đối với cả giáo viên và học sinh. Điều này bao gồm sự vừa sức của hệ thống bài tập cũng như tính hợp lý về thời lượng dành cho mỗi bài học. Đồng thời, vai trò quản lý nhà trường giúp tôi quan sát và đúc kết những kinh nghiệm về hiệu quả mà việc đổi mới phương pháp giảng dạy môn Toán mang lại trong thực tế”.

Từ những trải nghiệm, kinh nghiệm, thầy Cường và nhóm tác giác đã xây dựng sách giáo khoa thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống với cấu trúc và nội dung phù hợp với thực tiễn giảng dạy tại các nhà trường. Sách không chỉ hỗ trợ giáo viên dạy dễ dàng hơn mà còn tạo được hứng thú học tập cho học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập môn Toán.

Theo thầy Cường, mỗi bộ sách giáo khoa hiện nay đều mang trong mình triết lý riêng, với những ưu, nhược điểm khác nhau, nhưng đều đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Qua thực tiễn sử dụng trong những năm vừa qua, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giáo viên và học sinh. Đáng chú ý, số lượng trường lựa chọn sử dụng bộ sách này ngày càng tăng sau mỗi năm học. Bộ sách được đánh giá cao về hiệu quả trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy môn Toán, nhờ cấu trúc hợp lý, bám sát quy trình 4 bước giảng dạy trên lớp: mở đầu; hình thành kiến thức, kỹ năng; củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng và cuối cùng là phát triển, nâng cao năng lực.

z6076315163845_477eb0a7113877080e35bcde5f2d256d.jpg
Thầy Nguyễn Cao Cường tập huấn trực tiếp cho các giáo viên sử dụng sách giáo khoa hiệu quả. Ảnh: NVCC.

Sách giáo khoa Toán thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống kế thừa những ưu điểm từ sách giáo khoa cũ, kết hợp tham khảo những yếu tố hiện đại của sách giáo khoa của các nước trên thế giới. Sách hỗ trợ tốt cho giáo viên trong việc soạn kế hoạch bài dạy. Đồng thời, các vấn đề thực tế trong đời sống được đưa vào sách giáo khoa một cách tự nhiên, giúp học sinh vận dụng kiến thức và kỹ năng đã học để giải quyết bài toán thực tế hiệu quả.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh nhận định, trước đây, học sinh thường e ngại và xem Toán là một môn học khô khan. Tuy nhiên, với sách giáo khoa Toán thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, điều này đã được thay đổi đáng kể. Mỗi bài học được khởi nguồn từ những vấn đề thực tế, kích thích sự tò mò và hứng thú của học sinh, tạo động lực để các em chủ động khám phá kiến thức cùng thầy cô và bạn bè. Hệ thống bài tập được thiết kế khoa học, vừa sức, với nhiều bài tập thực tế, giúp học sinh nhận thấy Toán học không chỉ gần gũi với đời sống hàng ngày mà còn rất thú vị. Nhờ đó, học sinh dần yêu thích và hứng thú học Toán hơn, trong khi giáo viên có thêm cơ hội để đổi mới phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

Thùy Trang