Theo nhiều chuyên gia giáo dục, để có sự đồng bộ, liên thông từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học thì việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo là một chủ trương đúng đắn và cần sớm thực hiện.
Thực tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên) từ năm 2017. Theo đó, các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tuyển sinh theo quy chế do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp; đào tạo liên thông đối với học sinh, sinh viên thuộc giáo dục nghề nghiệp tuyển từ năm 2017 trở đi thực hiện theo quyết định của Chính phủ.
Điểm nghẽn về công tác tuyển sinh và hoạt động đào tạo liên thông hiện nay
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thọ Chân - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, việc khối giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên) chưa thống nhất quản lý nhà nước với hệ thống giáo dục và đào tạo khác đã và đang gây ra những khó khăn nhất định.
Cụ thể, về vấn đề liên thông, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay phải đối mặt với nhiều thách thức trong quy trình, thủ tục. Quá trình chuyển tiếp giữa các chương trình học tập, tiêu chuẩn đầu vào, phương thức tuyển sinh khác nhau khiến người học tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khi có mong muốn tiếp tục học lên trình độ cao hơn ở hệ đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có gặp vướng mắc, phức tạp và mất nhiều thời gian.
Việc liên thông giữa một số cơ sở đào tạo đã có nhưng không phải trường nào cũng được công nhận chương trình liên thông. Chưa kể, một số trường còn đang xem xét lại vì các chương trình đào tạo có khác biệt nhau. Do đó, nếu hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm các cấp học, trình độ đào tạo như giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học thì có thể thống nhất các chương trình đào tạo, từ đó tạo ra nhiều thuận lợi.
Về công tác tuyển sinh, vì Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay không quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nằm ngoài hệ thống tuyển sinh và đăng ký xét tuyển của Bộ này dẫn đến việc các em học sinh và phụ huynh khó tiếp cận thông tin. Chưa kể, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn gặp hạn chế trong hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho người học.
Mặt khác, về vấn đề phân luồng, công tác hướng nghiệp cho các em học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào đào tạo nghề trình độ trung cấp, sơ cấp còn hạn chế. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải cạnh tranh cao với những hệ đào tạo khác.
Trong khi nguồn nhân lực từ các trường nghề, trường cao đẳng và trung cấp hiện nay đang thiếu hụt so với nhu cầu của xã hội; song, nhiều trường cao đẳng hiện nay hầu như mức độ đáp ứng chỉ tiêu tuyển sinh chưa đạt được so với chỉ tiêu được cấp, số lượng các trường đạt từ 80 đến 100% chỉ tiêu đào tạo cũng không nhiều.
Vì vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý cả trình độ giáo dục nghề nghiệp sẽ cân bằng được việc tuyển sinh giữa đại học và cao đẳng, phân luồng học sinh cũng sẽ thuận lợi, thực chất hơn.
"Việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo đối với tất cả các cấp học, trình độ đào tạo ở nước ta là phù hợp và thiết thực. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung trình độ quốc gia Việt Nam theo định hướng tạo cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời là cần thiết và đúng đắn.
Bởi lẽ, mục tiêu cuối cùng của giáo dục và đào tạo cũng là hướng đến những lợi ích chính đáng cho người học. Chúng ta cần thực hiện những giải pháp sao cho cân đối hài hoà nguồn nhân lực phục vụ xây dựng đất nước, phát triển xã hội bền vững, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đạt chuẩn chất lượng, đóng góp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hiệu quả hơn", Thạc sĩ Nguyễn Thọ Chân nhấn mạnh.
Nhằm góp phần bắt kịp xu hướng đổi mới và thực hiện đúng sứ mệnh của mình, Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những cơ sở tiên phong trong việc tập trung đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu về kỹ năng với 70% thời lượng đào tạo dành cho thực hành. Chương trình thực hành nghề nghiệp song song với chương trình lý thuyết nền tảng là "đòn bẩy" vững chắc cho sinh viên trở nên thành thạo nghề ngay khi còn trên ghế giảng đường. Cùng với đó, nhà trường đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ cơ sở vật chất, cơ sở đào tạo, chất lượng giảng dạy đến cơ hội phát triển sự nghiệp trong tương lai cho sinh viên của nhà trường.
Triển vọng khi đưa giáo dục nghề nghiệp về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý
Đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ Lê Thanh Sơn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội cho rằng, chuyển phần giáo dục nghề nghiệp về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý sẽ giúp toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân từ phổ thông cho đến đại học đều được đồng bộ, thống nhất và phân bố hài hoà.
Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hiện nay khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp khó khăn trong quá trình tuyển sinh và liên thông giữa các bậc học với nhau. Việc chuyển vai trò quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ góp phần hạn chế một số rào cản về quy trình thủ tục, thông tin kỹ thuật rườm rà; giúp cơ cấu lại hợp lý và cân đối hơn về nguồn tuyển sinh giữa các bậc học; tạo sự thuận lợi, dễ dàng đối với vấn đề liên thông.
Có thể thấy, sự mất cân đối dẫn đến số lượng người học tham gia các chương trình trung cấp, cao đẳng nghề quá thấp, trong khi cơ cấu lao động lại đang rất cần nguồn nhân lực này. Mặc dù tâm lý xã hội hiện nay đã có nhiều thay đổi nhất định, nhưng sự thay đổi đó vẫn chưa đủ lớn. Tỷ lệ học sinh tham gia học tập ở các trường đại học cao, ngược lại, số lượng người học theo các bậc trung cấp và cao đẳng lại thấp trong khi nhu cầu rất lớn.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần hiểu rằng công tác dạy và học không chỉ đơn thuần là làm giáo dục, truyền bá kiến thức đơn thuần, mà còn đòi hỏi tiếp cận hướng đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Điều này nội hàm gắn với yêu cầu cần quy hoạch lại chương trình giảng dạy phù hợp với lực lượng lao động, đánh giá nhu cầu cung cấp đầu ra cho xã hội phù hợp, và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả. Cả ba mục tiêu này sẽ được thực hiện tốt hơn, thuận lợi hơn khi chuyển vai trò quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Còn theo đại diện Ban Giám hiệu của một trường cao đẳng tại khu vực miền Trung, tính liên thông giữa bậc cao đẳng và đại học ở Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới còn yếu, trở thành điểm nghẽn cho hệ thống giáo dục và đào tạo chung.
Ở góc độ đơn vị đào tạo, vị này cho hay, trên thực tế, sau khi chuyển giao về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trường cao đẳng không còn nằm trong dữ liệu tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên công tác tuyển sinh người học gặp nhiều thách thức hơn.
Hơn nữa, các trường nghề phải điều chỉnh chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dẫn đến lệch so với trình độ đại học. Khi đó, sinh viên muốn liên thông rất khó khăn.
Có thể nói, hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động được đầu vào vì không nắm thông tin dữ liệu tuyển sinh, trong khi cao đẳng lại nằm ngoài hệ thống giáo dục phổ thông và đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nên rất khó khăn.
Bàn về về các giải pháp, chúng ta cần xây dựng văn bản pháp lý liên quan giáo dục nghề nghiệp không gây ra sự chồng chéo, tạo thuận lợi cho hoạt động liên thông với hệ thống giáo dục quốc dân. Chương trình đào tạo cần hạn chế sự gián đoạn, gây khó khăn cho người học khi muốn nâng cao trình độ lên cao hơn.
Chính vì thế, việc đưa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về Bộ Giáo dục và Đào tạo là hợp lý. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phân rõ chức năng để tập trung nguồn lực lại, khai thác hiệu quả, không phân tán và lãng phí, chồng lấn chức năng, vai trò, đảm bảo đáp ứng tốt cho xã hội, nhu cầu của doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của đất nước.