Tàu chiến Trung Quốc lại xuất hiện gần Nhật

03/12/2011 09:29
Theo Tuổi trẻ
Ngày 2/12, Bộ Quốc phòng Nhật cho biết Lực lượng Phòng vệ trên biển nước này lại phát hiện bốn tàu chiến Trung Quốc
Ngày 2/12, Bộ Quốc phòng Nhật cho biết Lực lượng Phòng vệ trên biển nước này lại phát hiện bốn tàu chiến Trung Quốc xuất hiện chiều 1/2 tại vùng biển quốc tế cách đảo Miyako khoảng 100km về phía đông.

Sau đó, các tàu này đi ngang qua khu vực nằm giữa đảo chính Okinawa và đảo Miyako để tiến về biển Hoa Đông tối cùng ngày.

Bộ Quốc phòng Nhật cho rằng đây có thể là bốn trong nhóm sáu tàu chiến Trung Quốc từng đi qua khu vực này ngày 22 và 23/11 để tham gia tập trận ở tây Thái Bình Dương.
Tàu sân bay Thi Lang của Trung Quốc chạy thử nghiệm lần hai sáng 29-11 - Ảnh: China Daily
Tàu sân bay Thi Lang của Trung Quốc chạy thử nghiệm lần hai sáng 29-11 - Ảnh: China Daily
Giới chuyên gia cho rằng hoạt động quân sự này là một trong hàng loạt phản ứng của Bắc Kinh sau các bước triển khai kinh tế - chính trị của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương tại APEC, Úc, Indonesia và Myanmar mới đây. Báo Le Monde ghi nhận: “Sau một lúc sửng sốt, những phản ứng của Trung Quốc đang gia tăng”.

Bắc Kinh không chỉ đưa ra những tuyên bố cho rằng Mỹ đang theo đuổi “một não trạng của thời kỳ Chiến tranh lạnh” và cảnh báo “việc bố trí các quân cờ và lực lượng ở ngoại vi Trung Quốc”, dấu hiệu của “việc bao vây” Trung Quốc, là “một sai lầm chiến lược nghiêm trọng” và có thể “gây bất ổn cho khu vực.

Như một sự trùng hợp, Bắc Kinh còn loan báo những cuộc tập trận hải quân ở tây Thái Bình Dương và đưa tàu sân bay ra biển chạy thử.

Dẫn lời các nhà bình luận Hong Kong và Trung Quốc, báo này viết: “Trong cuộc chiến giành ảnh hưởng trong khu vực, Mỹ đã thắng trong cuộc chiến ngoại giao mới này”.

Reuters dẫn lời giáo sư Thẩm Đinh Lập thuộc Trung tâm nghiên cứu Mỹ ở ĐH Phúc Đán thừa nhận: “Lần này chúng ta thua nhưng trong mười năm nữa đến lượt Mỹ sẽ thua. Chúng ta có thể nhẫn nại hơn Mỹ”.

Giáo sư Chu Phong thuộc Đại học Bắc Kinh nhìn nhận Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đang phải chịu “một áp lực chưa từng có về hoạt động đối ngoại”.
Theo Tuổi trẻ