Xét tuyển dùng kết quả cả năm lớp 12 giúp ngăn tình trạng "làm đẹp học bạ"

05/12/2024 06:22
Khánh Hòa

GDVN-Dự thảo yêu cầu xét tuyển học bạ, phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của HS sẽ giúp tránh trường hợp học sinh chỉ đạt điểm cao bất thường ở một vài học kỳ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT (gọi tắt là Quy chế tuyển sinh) với nhiều điểm mới. Trong đó, việc “siết” xét tuyển bằng học bạ được dư luận đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, đối với trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp trung học phổ thông để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh thay vì chỉ tính đến học kì I của lớp 12 như trước.

Giúp đánh giá năng lực thực sự của thí sinh, giảm tình trạng điểm số được “thổi phồng”

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hà - Trưởng phòng Đào tạo, Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế (Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang) cho biết: “Những điểm mới trong dự thảo so với Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch cho thí sinh và phù hợp hơn với chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, dự thảo đề xuất các quy định chặt chẽ hơn đối với phương thức xét tuyển học bạ. Việc này nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng “làm đẹp học bạ” tại các trường trung học phổ thông”.

Cụ thể, Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hà phân tích: “Các trường đại học phải sử dụng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì chỉ dựa trên điểm số của 3-5 học kỳ học như hiện nay. Đồng thời, điểm xét tuyển và điểm trúng tuyển từ các phương thức hoặc tổ hợp môn xét tuyển phải được quy đổi về một thang điểm chung, thống nhất.

Những thay đổi trong dự thảo sẽ tạo ra tác động đáng kể đối với đề án tuyển sinh đại học năm 2025. Các trường đại học sẽ cần đổi mới, chuẩn hóa và minh bạch hơn trong quá trình xây dựng cũng như thực hiện đề án tuyển sinh, đảm bảo tuân thủ các quy định mới và duy trì sự công bằng trong xét tuyển.

Việc mở rộng phạm vi xét tuyển bằng điểm cả năm học lớp 12 mang lại cách tiếp cận toàn diện hơn, giúp các trường đại học đánh giá năng lực thực sự của thí sinh và giảm thiểu tình trạng điểm số được “thổi phồng” ở các môn thuộc tổ hợp xét tuyển.

Theo dự thảo này đòi hỏi học sinh cần duy trì sự ổn định trong học tập suốt cả năm học lớp 12. Tránh trường hợp chỉ đạt điểm cao bất thường ở một vài học kỳ hoặc môn học liên quan, trong khi các môn khác lại có điểm thấp hơn rõ rệt. Điều này cũng góp phần phản ánh đúng thực lực của học sinh, đảm bảo công bằng cho những học sinh đến từ các trường trung học phổ thông áp dụng đánh giá khách quan và nghiêm túc”.

Cùng bàn về vấn đề trên, Tiến sĩ Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông (Trường Đại học Gia Định) chia sẻ: “Những điểm mới trong dự thảo so với Thông tư số 08 nếu được áp dụng sẽ tác động lớn đến tuyển sinh của các trường đại học, đặc biệt là các trường ngoài công lập. Bên cạnh đó, việc quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm không quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo cũng là một trong những điểm được “siết” rất mạnh.

Hiện nay, phần lớn các trường ngoài công lập sẽ sử dụng kết quả học bạ trung học phổ thông để xét tuyển. Khi dự thảo Thông tư được thông qua, nhà trường sẽ phải tính toán chỉ tiêu theo từng phương thức để tránh tỷ lệ cạnh tranh vào từng ngành do sự ràng buộc chỉ tiêu, cơ hội các thí sinh không xét tuyển sớm sẽ giảm”.

Tiến sĩ Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông (Trường Đại học Gia Định). Ảnh NVCC.

Tiến sĩ Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông (Trường Đại học Gia Định). Ảnh NVCC.

Còn theo Tiến sĩ Đỗ Trọng Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á, việc “siết” chặt chất lượng để tránh “làm đẹp học bạ” cần được hiểu một cách khách quan hơn. Thực tế, các trường trung học phổ thông đều hoạt động theo quy chế rõ ràng và nỗ lực vì sự phát triển toàn diện của học sinh.

Theo thầy Tuấn, việc hạn chế “làm đẹp học bạ” để đảm bảo chất lượng giáo dục ở bậc trung học phổ thông là cần thiết. Việc dùng kết quả xét tuyển học bạ cũng là một phương án để giảm tải áp lực thi cử. Tuy nhiên, việc xét tuyển học bạ chỉ dựa vào một số học kỳ dễ dẫn đến tình trạng học lệch. Việc chỉ có một bên đánh giá là giáo viên mà không có các bên độc lập như kỳ thi từ bên ngoài, sẽ khó đánh giá độ khách quan. Vì vậy, việc thay đổi theo hướng xét kết quả học tập cả năm học lớp 12 là cần thiết. Điều này khuyến khích học sinh duy trì sự cố gắng, phản ánh khách quan năng lực học tập, cũng như hạn chế sự ảnh hưởng không cần thiết từ các yếu tố khác.

Hạn chế tình trạng các trường xét tuyển sớm, nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục

Chia sẻ thêm, Tiến sĩ Mai Đức Toàn cho rằng, việc xét tuyển học bạ cả năm lớp 12 cũng sẽ hạn chế tình trạng các trường xét tuyển sớm, khi năm học chưa kết thúc, tránh làm ảnh hưởng tâm lý thí sinh tham gia tốt nghiệp trung học phổ thông, tạo sự công bằng trong xét tuyển. Dù nhiều học sinh đã đạt điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, các em vẫn phải đảm bảo tốt nghiệp trung học phổ thông, mới chính thức trúng tuyển.

Trước sự thay đổi này, cơ hội của các thí sinh vẫn còn nguyên, dù trường công bố kết quả sớm hay muộn. Kết quả xét tuyển sớm chỉ mang tính tham khảo để các em đưa ra quyết định. Quy định mới nếu được thông qua, sẽ tạo sự công bằng cho thí sinh và các trường đại học, đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường khi các em tập trung học đến cuối chương trình”.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Đỗ Trọng Tuấn cũng nhìn nhận: “Những tiêu chí đánh giá mới trong dự thảo đặc biệt quy định về điểm học bạ cả năm lớp 12, quy đổi thang điểm chung, ngưỡng đầu vào rất rõ ràng. Điều này phản ánh sự nỗ lực đáng kể nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh từ đó giúp các trường đại học phân loại thí sinh tốt ngay từ đầu vào”.

“Ngoài ra, các trường đại học đã sẵn sàng tư vấn từ đầu năm tuyển sinh. Đối với học sinh lớp 11 có mong muốn, vẫn có thể được tư vấn, nên các em sẽ không bị ảnh hưởng nhiều nếu không xét tuyển sớm. Quan trọng là các trường tổ chức xét tuyển theo đúng quy định, tuân thủ mốc thời gian tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Nhà trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học trước thời điểm chính thức. Nhờ đó, thí sinh không bị ảnh hưởng hay áp lực tiêu cực đến việc chuẩn bị thi tốt nghiệp, cũng như có nhiều thời gian hơn để cân nhắc lựa chọn phù hợp với khả năng và định hướng của mình” - vị Phó Hiệu trưởng cho hay.

Dong-a.jpg
Trường Đại học Đông Á kỳ vọng tuyển được thí sinh có nền tảng học lực tốt. Ảnh NTCC.

Bàn về xét tuyển sớm, Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hà cũng nêu ý kiến: “Trong bối cảnh hiện nay, việc một số trường đại học xét tuyển sớm dựa trên học bạ ngay từ đầu hoặc giữa năm lớp 12 đã gây ra nhiều tranh cãi. Không chỉ tác động đáng kể đến tâm lý mà còn ảnh hưởng đến cả quá trình học tập của thí sinh.

Việc xác nhận trúng tuyển đại học khi năm học chưa kết thúc có thể khiến thí sinh chủ quan, giảm động lực học tập hoặc không đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngược lại, những thí sinh không đạt điều kiện xét tuyển sớm dễ rơi vào trạng thái mất tự tin, lo lắng, dẫn đến suy giảm tinh thần và hiệu suất học tập.

Vì vậy, quy định xét cả năm lớp 12 là một bước đi đúng đắn nhằm giảm tình trạng xét tuyển sớm, đảm bảo công bằng và giảm áp lực cho thí sinh. Điều này không chỉ giúp các em tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, mà còn nâng cao chất lượng tuyển sinh. Đồng thời, khuyến khích các trường đại học cạnh tranh lành mạnh dựa trên chất lượng đào tạo, thay vì chỉ sử dụng chiến lược thu hút thí sinh sớm”.

Với những tiêu chí xét tuyển theo dự thảo, năm nay, Tiến sĩ Đinh Thị Thu Hà cho biết, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang cũng đặt kỳ vọng thu hút được những thí sinh vừa có năng lực, giàu ý chí học tập, vừa có khát vọng cống hiến cho quê hương.

Đề xuất công bố quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 sớm

Tiến sĩ Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông (Trường Đại học Gia Định) cũng bày tỏ: “Để các trường đại học chủ động và thí sinh có thời gian hiểu rõ quy chế, cũng như điều chỉnh lộ trình học cho phù hợp với điều kiện xét tuyển vào đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên công bố quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 sớm nhất có thể.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên trao quyền tự chủ thực sự trong công tác tuyển sinh cho các trường đại học trên tinh thần đảm bảo minh bạch, khách quan xét tuyển đầu vào và tuân thủ theo đề án tuyển sinh của từng trường”.

Khánh Hòa