Người dân mong ngóng ngày sông Tô Lịch được "hồi sinh"

04/12/2024 06:20
Bài, ảnh: Trung Dũng

GDVN - Việc đưa nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, thông qua hồ Tây, đến 2/9/2025 phải hoàn thành, trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào.

Ngày 2/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh đã đi kiểm tra tiến độ dự án xử lý nước thải Yên Xá và thực hiện các biện pháp làm sạch sông Tô Lịch.

Sau khi thị sát trực tiếp cửa xả nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch, các điểm thu gom nước thải dọc hai bờ sông và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì dự án khẩn cấp dẫn nước từ sông Hồng qua hồ để bổ cập nước cho sông Tô Lịch. Mục đích là tạo dòng chảy, giảm sự ô nhiễm cho sông Tô Lịch.

GDVN_1.jpg
Màu nước "đặc trưng" của sông Tô Lịch

Báo cáo với lãnh đạo thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong thông tin theo quy hoạch việc bổ sung nước cho sông Tô Lịch sẽ thông qua trạm bơm Liêm Mạc về trạm bơm Xuân Phương rồi qua hệ thống kênh nước thải, đi qua thành phố giao lưu, khu Tây Hồ Tây về đường Hoàng Quốc Việt sau đó mới chảy vào sông Tô Lịch. Tổng quãng đường dẫn nước về khoảng 8 km và qua nhiều khu vực dân cư cần giải phóng mặt bằng, do đó ông Phong cho rằng phương án này không khả thi.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng, phương án bổ sung nước tốt nhất hiện nay là lấy nước từ sông Hồng đi qua ngõ 464 Âu Cơ, đi ngầm qua đê Âu Cơ để vào Hồ Tây. Tuy nhiên, đường Nhật Tân - Âu Cơ vừa được nâng cấp cải tạo nên việc tiếp tục thi công qua đê sẽ gặp khó khăn. Sở đang tính phương án ống ngầm đi qua đoạn chưa được nâng cấp cải tạo phía trên cầu Nhật Tân, sau đó đi vào ngõ 566 Lạc Long Quân và đi vào Hồ Tây. Phương án này khả thi và quãng đường ống dẫn ngắn.

Khi nước sông Hồng về đến Hồ Tây sẽ bổ sung cho sông Tô Lịch qua hai cửa điều tiết A, B (phố Trích Sài). Để đảm bảo dòng chảy cho sông Tô Lịch, ông Phong đề nghị bổ sung các trạm bơm với công suất 3 m3/s.

Cũng theo người đứng đầu Sở Xây dựng, thành phố đã giao quận Tây Hồ lập dự án quản lý tổng thể Hồ Tây; Sở Tài nguyên và Môi trường được giao xây dựng đề án cải tạo môi trường 4 con sông nội đô gồm Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét. Các đơn vị liên quan cần sớm thực hiện các đề án trên để đảm bảo môi trường sinh thái ở Hồ Tây và 4 sông nội đô, trong đó ưu tiên làm sạch sông Tô Lịch trước. (1)

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đối với công tác dẫn nước từ sông Hồng qua hồ Tây về sông Tô Lịch, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết lãnh đạo thành phố đã quyết định triển khai dự án khẩn cấp; giao Sở Xây dựng chủ trì với các sở, ngành, ban quản lý dự án và các địa phương đẩy nhanh tiến độ dự án.

Ông Trần Sỹ Thanh đưa ra thời hạn 3 tháng thực hiện thủ tục và 6 tháng thi công. “Việc đưa nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, thông qua hồ Tây, đến 2/9/2025 phải hoàn thành, trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào”, ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh và lưu ý trong quá trình thực hiện phải đặc biệt chú ý phương án bảo vệ môi trường sinh thái, hệ sinh thái Hồ Tây bổ cập nước hồ về sông Tô Lịch. (2)

GDVN_2.jpg
Trước đây, phương án tạo bè Thuỷ trúc nhằm cải thiện nước sông Tô Lịch đã được áp dụng nhưng hiệu quả không cao

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong ngày 3/12, nước sông Tô Lịch có màu đen và bốc mùi khó chịu khi đứng trên vỉa hè dọc bờ sông. Tại các vị trí miệng cống xả thải, nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư gần đó vẫn liên tục đổ về. Trên sông, có nhiều đoạn nước thải đổ ra có bọt màu trắng xen lẫn với rác thải, vỏ chai trôi nổi trông rất mất mĩ quan.

Vì thế, thông tin về việc thành phố Hà Nội đầu tư lắp ống dẫn nước từ sông Hồng để làm sạch và thay đổi hiện trạng sông Tô Lịch được đông đảo người dân sống hai bên bờ sông và vùng lân cận hưởng ứng. Ai nấy cũng bày tỏ sự mong ngóng ngày sông Tô Lịch sẽ được "hồi sinh".

Chia sẻ với phóng viên, bà Lâm Thị Mỹ Hạnh, trú tại phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) cho biết: "Nghe đài, báo đưa tin mấy ngày hôm nay về việc Hà Nội sẽ làm sạch sông Tô Lịch, hộ dân sống ven sông như chúng tôi đều thấy vô cùng phấn khởi.

Chúng tôi trông đợi ngày dòng sông được "hồi sinh", nước sông trở lại màu xanh và không nồng nặc mùi khó chịu. Đông đảo người dân chúng tôi đánh giá cao sự quyết tâm làm sạch dòng sông của lãnh đạo thành phố Hà Nội và tin tưởng lần này sẽ làm được".

Cùng trao đổi về vấn đề này, anh Hoàng Minh, chủ cửa hàng bán đồ điện dân dụng trên phố Nguyễn Ngọc Vũ (phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy) cho hay: "Tôi thuê mặt bằng kinh doanh trên phố này đến nay gần 15 năm thì từng ấy năm chịu sự tác động từ ô nhiễm của sông Tô Lịch.

Trừ những ngày mưa bão khi có thêm lượng nước bổ sung thì mới tránh khỏi tình trạng dòng sông bốc mùi nồng nặc. Thời gian đầu khi mới đến ở còn chưa quen, ngoài giờ bán hàng thì toàn thời gian còn lại nhà đều phải đóng kín cửa nhưng vẫn ngửi thấy mùi. Nhất là vào mùa hè tình trạng này còn trở nên tồi tệ hơn.

Vì thế, tôi mong phương án dẫn nước từ sông Hồng để bổ sung và tạo dòng chảy liên tục cho sông Tô Lịch sẽ giúp dòng sông sạch hơn. Chúng tôi mong đợi ngày đó sẽ đến sớm để không chịu cảnh ô nhiễm vì dòng sông bị bốc mùi như hiện tại. Lâu dài, mong rằng sẽ có giải pháp thu gom đường nước thải được tách riêng thay vì xả thải thẳng ra sông như hiện nay để sông Tô Lịch trở lại đúng nghĩa của một dòng sông".

Một số hình ảnh hiện trạng ô nhiễm trên sông Tô Lịch được phóng viên ghi nhận:

GDVN_3.jpg
Ngoài nguồn nước ô nhiễm, rác thải nhựa cũng là một tác nhân khiến sông Tô Lịch ô nhiễm thêm và tạo ra cảnh quan nhếch nhác
GDVN_4.jpg
Một miệng cống xả nước thải "cỡ nhỏ" ra sông
GDVN_8.jpg
GDVN_6.jpg
GDVN_5.jpg
Cùng nhiều miệng cống xả nước thải "cỡ lớn"
GDVN_7.jpg
Hàng ngày lượng nước thải sinh hoạt vẫn đều đặn được xả ra khiến dòng sông bốc mùi khó chịu, vì thế cách làm của lãnh đạo thành phố Hà Nội được đông đảo người dân hưởng ứng.

Tư liệu tham khảo:

(1) https://vnexpress.net/lam-ong-dan-nuoc-tu-song-hong-ve-song-to-lich-4822791.html

(2) https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/den-2-9-2025-phai-hoan-thanh-dan-nuoc-tu-ho-tay-ve-song-to-lich-i752069/

Bài, ảnh: Trung Dũng