Mô hình “3 phòng, 3 tích” góp phần hạn chế tình trạng học sinh nói tục, chửi bậy

15/12/2024 07:17
Khánh Hòa

GDVN-Mô hình “3 phòng, 3 tích” được áp dụng tại nhiều CSGD trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, góp phần loại bỏ tình trạng nói tục, chửi bậy, tránh thói hư, tật xấu.

Hiện nay, vẫn còn tình trạng nói tục, chửi bậy xuất hiện trong một bộ phận học sinh. Điều này diễn ra lâu ngày sẽ trở thành thói quen, làm cho tiếng Việt bị méo mó, ngôn ngữ giao tiếp bị thiếu chuẩn mực. Điều này dễ dẫn đến tình trạng tư duy, nhân cách sống bị lệch lạc, thiếu sự đúng đắn.

Cần đưa yêu cầu không nói tục, chửi thề vào chuẩn mực nằm trong quy tắc ứng xử

Bàn về vấn đề này, ông Trần Hiền Hòa - Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục Thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang) cho biết, trên thực tế, việc nói tục, chửi bậy đã xảy ra không ít ở lứa tuổi học sinh. Tình trạng nói tục, chửi bậy của học sinh sẽ khiến môi trường giáo dục trở nên kém văn minh, thậm chí, sẽ tạo ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển của thế hệ trẻ.

Ông Trần Hiền Hòa - Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục Thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang). Ảnh NVCC.

Ông Trần Hiền Hòa - Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục Thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang). Ảnh NVCC.

Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục Thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang) cũng chỉ ra, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này thường do: Gia đình thiếu quan tâm giáo dục con cái về lời ăn, tiếng nói ngay từ khi các em còn nhỏ. Người lớn trong nhiều gia đình chưa thật sự làm gương, thiếu gương mẫu trong giao tiếp, còn nói tục, chửi thề không hề ái ngại trước mặt con trẻ. Việc không kịp thời giáo dục, nhắc nhở, uốn nắn khi các em vi phạm, không xử phạt nghiêm minh, dễ dẫn đến tái phạm trong những lần sau.

Học sinh bị tác động bởi môi trường giao tiếp từ trong gia đình, khu phố, ngoài xã hội và trên các trang mạng xã hội như: Facebook, YouTube, TikTok. Việc đua đòi, bắt chước theo “trend” dễ dẫn đến việc nhiều em học sinh sử dụng ngôn từ thiếu chuẩn mực.

Môn Đạo đức ở cấp tiểu học và môn Giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở chưa thật sát với từng lứa tuổi. Đặc biệt với học sinh tiểu học - là đối tượng cần “học ăn, học nói, học gói, học mở”, môn học này chưa chú trọng đúng mức đến việc rèn kỹ năng giao tiếp cho các em.

Mỗi trường học đều có nội quy quy định học sinh không được nói tục, chửi bậy, nhưng chưa được quan tâm thường xuyên trong các buổi sinh hoạt toàn trường, trong tiết sinh hoạt hàng tuần với giáo viên chủ nhiệm hay trong các tiết học môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân… Khi phát hiện học sinh nói tục, chửi bậy, không ít giáo viên làm ngơ, không kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh. Học sinh nói tục, chửi thề nhiều lần, chưa bị xử lý nghiêm với những biện pháp giáo dục phù hợp.

Đặc biệt, bản thân học sinh còn hạn chế về nhận thức, chưa thấy việc nói tục, chửi thề là một tật xấu, là biểu hiện của những người kém văn minh, lịch sự. Có em coi đó là “mốt”, thể hiện bản lĩnh cá nhân.

Để hạn chế tình trạng nói tục, chửi bậy của học sinh, ông Trần Hiền Hòa đề xuất một số giải pháp: “Thứ nhất, xã hội (nói chung) và gia đình, nhà trường (nói riêng) cần nhìn nhận rõ vấn đề này, để có cách giáo dục thế hệ trẻ. Trước tiên, người lớn cần làm gương, đúng mực, không lý thuyết suông, không nặng tính giáo điều mà cụ thể từng việc, từng người, uốn nắn ngay khi trẻ có biểu hiện đó. Bên cạnh đó, xã hội, cộng đồng cũng cần đưa chuẩn mực không nói tục, chửi thề vào các bộ quy tắc ứng xử, phổ biến và giám sát nghiêm ngặt việc thực hiện.

Thứ hai, phụ huynh hằng ngày nên rèn con vào khuôn phép, từ cách ăn nói đến tác phong sinh hoạt, khuôn thước ứng xử. Thầy cô giáo thực sự là những tấm gương mẫu mực. Khi người lớn có thói quen ứng xử chưa chuẩn mực, không theo khuôn thước, sẽ tạo ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Lối nói suồng sã, thậm chí chêm xen những từ ngữ thiếu trong sáng của người lớn sẽ hằn trong trí não của trẻ, đeo đuổi chúng cho đến khi trưởng thành.

Thứ ba, muốn trẻ tránh thói xấu, thì người lớn phải tỏ thái độ làm gương, nói năng đúng mực. Trên bình diện chung, cần đưa yêu cầu không nói tục, chửi thề vào chuẩn mực nằm trong quy tắc ứng xử trong cộng đồng xã hội, có cách giám sát việc thực hiện.

Thứ tư, theo dõi, quản lý thời gian của các em khi tham gia, sinh hoạt, bình trên các trang mạng xã hội như: Facebook, YouTube, TikTok... để kịp thời uốn nắn, nhắc nhở khi các em có biểu hiện lệch lạc”.

Mô hình “3 phòng, 3 tích” giúp hạn chế nhiều thói hư, tật xấu, trong đó có nói tục, chửi bậy

Năm 2021, thực hiện chủ trương của lãnh đạo Bộ Công an và Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về xây dựng các mô hình phòng ngừa vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội trong lứa tuổi học đường, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã tiến hành khảo sát, đánh giá, thống nhất với chính quyền và các cơ quan liên quan tại địa phương.

Đến ngày 14/5/2021, Ban Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang đã ban hành kế hoạch chỉ đạo điểm xây dựng mô hình “3 phòng, 3 tích” tại Trường Trung học cơ sở Ngô Quốc Trị (thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang).

Theo ông Trần Hiền Hòa, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, mô hình đã mang lại nhiều kết quả nổi bật như: Số học sinh “nghiện game” giảm rõ rệt, các trường hợp học sinh có nguy cơ bỏ học, gây gỗ đánh nhau, vi phạm nội quy học tập... về cơ bản không còn tái diễn; tình trạng nói tục, chửi bậy cũng giảm đáng kể. Từ những kết quả trên, mô hình được triển khai tại tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

“Trong đó, tiêu chí “3 phòng” là phòng ngừa trẻ em học đường vi phạm pháp luật; phòng ngừa trẻ em học đường bị xâm hại; phòng ngừa trẻ em học đường tham gia môi trường mạng Internet không chính thống. Tiêu chí “3 tích” là tích cực quản lý trẻ em học đường; tích cực giáo dục trẻ em học đường; tích cực rèn luyện thể chất, kỹ năng sống cho trẻ em học đường.

Việc áp dụng mô hình trên không chỉ về mặt lý thuyết, giáo viên chủ nhiệm sẽ phối hợp với giáo viên bộ môn nắm tình hình, diễn biến tâm lý các em học sinh. Từ đó, có biện pháp giáo dục phù hợp với độ tuổi, giới tính, cũng như tâm sinh lý học sinh. Thông qua công tác giảng dạy, các nhà trường truyền đạt kinh nghiệm sống, kỹ năng sống cho học sinh, nhằm hình thành nhân cách sống tích cực.

Các nhà trường luôn kịp thời quan tâm, uốn nắn, giúp học sinh từng bước có ý thức tự giác rèn luyện để có sức khoẻ tốt, gắn với giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoại khóa phù hợp với độ tuổi của học sinh. Từ đó, số học sinh vi phạm trong giờ học; không mặc đồng phục theo quy định; số học sinh nhắn tin với lời lẽ thiếu văn hóa, không phù hợp trên nhóm mạng xã hội Zalo, Facebook cũng giảm đáng kể” - ông Trần Hiền Hòa cho biết thêm.

Mô hình “3 phòng, 3 tích” được áp dụng tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh NTCC.

Mô hình “3 phòng, 3 tích” được áp dụng tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh NTCC.

Thầy Lê Minh Tương - giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Cây Dương (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Mô hình “3 phòng, 3 tích” thường xuyên được thực hiện trong các buổi sinh hoạt dưới cờ vào đầu tuần, trong hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh. Với vai trò là giáo viên chủ nhiệm, tôi cũng thường xuyên chỉ bảo, dạy dỗ các em, để mỗi học sinh biết cách cư xử đúng mực.

Với tôi, mỗi học sinh trong lớp đều là “lớp trưởng”. Các em phải tự làm gương cho chính bản thân mình từ những việc nhỏ nhất. Đặc biệt, từ khi áp dụng mô hình “3 phòng, 3 tích”, tôi nhận thấy sự thay đổi rõ rệt từ các em học sinh. Không chỉ loại bỏ được tình trạng nói tục, chửi bậy, mà còn tránh khỏi những thói hư, tật xấu, những điều không lành mạnh. Tôi tin, trên con đường trưởng thành, nếu các em cư xử tốt, bắt đầu từ những lời nói, hành động nhỏ nhất, sẽ hình thành nhân cách tốt”.

Thầy Trịnh Văn Chinh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cây Dương (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) chia sẻ thêm, thời gian qua, mô hình “3 phòng, 3 tích” được áp dụng tại nhiều trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Trường Trung học phổ thông Cây Dương hiện đang thực hiện và đã thu về những kết quả đáng ghi nhận.

Đặc biệt, đối với vấn đề nói tục, chửi bậy, nhà trường cũng đã có quy định chung; đồng thời tuyên truyền, sinh hoạt định kỳ, kết hợp cùng giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt tình hình thực tế, nhanh chóng giải quyết và giảm thiểu tình trạng nói tục, chửi bậy.

Khi hiểu và biết đến mô hình “3 phòng, 3 tích”, học sinh đã hạn chế được nhiều thói hư tật xấu; trong đó, có nói tục, chửi bậy. Mặc dù có mô hình, quy tắc ứng xử trong trường học, nhưng để xử phạt tình trạng này, còn gặp khó khăn vì phải phụ thuộc vào ý thức tự giác của học sinh.

Việc đưa mô hình “3 phòng, 3 tích” phần nào thúc đẩy những hoạt động mang tính xã hội, phát huy những nhân tố tích cực, hạn chế những nhân tố tiêu cực, đáp ứng tốt cho phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh trong nhà trường.

Khánh Hòa