Luận án TS đạo văn: Cần xem xét trách nhiệm cơ sở đào tạo, cá nhân liên quan

07/12/2024 07:14
Tuệ Nhi

GDVN - Chuyên gia cho rằng, cần xem xét bổ sung quy định về trách nhiệm Hội đồng đánh giá luận án trong trường hợp phát hiện sai phạm sau khi đã công nhận tiến sĩ.

Vừa qua, Đại học Huế đã có kết luận vụ việc luận án tiến sĩ Lịch sử (mã số: 62.22.03.13) của bà L.T.A.H - Trưởng phòng nghiên cứu khoa học thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế bị tố đạo văn, sai sử liệu. Bà L.T.A.H là nghiên cứu sinh của Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.

Theo kết luận, nội dung luận án tiến sĩ của bà L.T.A.H có khá nhiều đoạn, ý sử dụng các ý tưởng, đoạn văn giống với các công trình của các tác giả khác đã công bố mà tác giả không trích dẫn nguồn, theo đó lỗi đạo văn được xác định là 12 trang. Về việc sai sử liệu, qua xác minh Đại học Huế kết luận việc tố cáo đã đúng một phần.

Trong kết luận nội dung tố cáo có nêu các biện pháp xử lý theo thẩm quyền cần thực hiện và kiến nghị:

Đối với Đại học Huế: Giám đốc Đại học Huế đề nghị tác giả luận án nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa những nội dung đã được chỉ ra trong kết luận nội dung tố cáo và nộp lưu chiểu theo quy định hiện hành.

Đối với Trường đại học Khoa học, Đại học Huế, chủ trì phối hợp với Ban Đào tạo và Công tác sinh viên Đại học Huế theo dõi và xác nhận việc chỉnh sửa luận án của tác giả theo kết luận nội dung tố cáo.

Giám đốc Đại học Huế kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập hội đồng thẩm định nội dung luận án tiến sĩ của bà L.T.A.H để giải quyết theo thẩm quyền.

Liên quan đến câu chuyện trên, đã có rất nhiều ý kiến chuyên gia bày tỏ băn khoăn về việc Đại học Huế yêu cầu tác giả chỉnh sửa luận án là không hợp lý trong thời điểm vụ việc đang được cấp trên xử lý, về nhìn nhận trách nhiệm của Hội đồng đánh giá luận án hay bản thân bà L.T.A.H cần lên tiếng trước dư luận chứ không phải giữ thái độ im lặng.

Sự việc luận án tiến sĩ đạo văn 12 trang tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế là một điều đáng buồn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho rằng, cơ quan quản lý cần có thêm những quy định chặt chẽ hơn về trường hợp sau khi bảo vệ luận án, nếu phát hiện sai phạm thì cần xử lý như thế nào để đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Sự việc luận án tiến sĩ đạo văn 12 trang tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế là một điều đáng buồn.

Đại biểu Trương Xuân Cừ.jpg
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu nhìn nhận, từ việc phía Đại học Huế lý giải trong các quy định hiện hành, không có quy định luận án đã nộp lưu chiểu được phép rút ra để chỉnh sửa, nhưng cũng không có quy định cấm chỉnh sửa, có thể thấy, cần bổ sung một cách có hệ thống, cụ thể hơn các văn bản quy định những việc được làm, không được làm hay xử lý các trường hợp luận án bị phát hiện sai phạm sau khi đã bảo vệ, công nhận và cấp bằng tiến sĩ.

"Trước khi luận án này được thông qua, đã có một hội đồng đánh giá luận án ở cấp cơ sở rồi. Rõ ràng hội đồng này phải xem xét tính pháp lý cũng như chất lượng của công trình nghiên cứu đó thì mới thông qua. Vậy thì trong trường hợp này, khi phát hiện ra luận án này có lỗi đạo văn, trách nhiệm của hội đồng này như thế nào? Dư luận cần biết rõ rằng Đại học Huế đã làm tròn trách nhiệm của mình trong việc xử lý vụ luận án tiến sĩ đạo văn 12 trang hay chưa?

Một hội đồng đánh giá mà không ai phát hiện ra công trình có vấn đề, đến khi có người tố cáo mới nhìn nhận lại. Nên xem xét nếu hội đồng cơ sở chưa làm tròn trách nhiệm trong vụ việc luận án tiến sĩ đạo văn 12 trang thì cần xử lý.

Nếu không có quy định cụ thể trách nhiệm của hội đồng thì chỉ có thể rút kinh nghiệm với nhau, mà như thế sẽ không có tác dụng răn đe, làm gương để thực hiện công tác đào tạo tiến sĩ ngày càng tốt hơn", Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ nhấn mạnh.

Cần thêm cơ chế xử lý nghiêm đối với cá nhân vi phạm liêm chính học thuật

Cùng bàn luận về câu chuyện xử lý sự việc luận án tiến sĩ đạo văn 12 trang của Đại học Huế, một phó giáo sư hiện là quản lý tại một cơ sở giáo dục đại học ở Hà Nội cho rằng, nếu Đại học Huế đã có văn bản kết luận nội dung tố cáo là đúng và kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập hội đồng thẩm định nội dung luận án tiến sĩ của bà L.T.A.H để giải quyết theo thẩm quyền thì nên chờ kết luận từ phía Bộ trước khi thực hiện tiếp quá trình xử lý để bảo đảm chặt chẽ, hợp lý, hợp tình.

"Theo quy định, sau khi được hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo đồng ý thông qua, nghiên cứu sinh sẽ hoàn chỉnh bản luận án và nộp bản luận án hoàn chỉnh cuối cùng đó cho cơ sở đào tạo và được nộp lưu chiểu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Sau khi nộp lưu chiểu và luận án được đăng toàn văn trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo trong thời gian 3 tháng thì nghiên cứu sinh được công nhận trình độ tiến sĩ và cấp bằng.

Trong các quy định hiện hành, không có quy định luận án đã nộp lưu chiểu được phép rút ra để chỉnh sửa, tuy nhiên cũng không có quy định cấm chỉnh sửa.

Việc đánh giá, thẩm định lại luận án sau khi đã xác định luận án đạo văn, vi phạm liêm chính khoa học là cần thiết và cần được thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện luận án. Còn việc có xem xét thu hồi bằng tiến sĩ hay không thì cần có sự cân nhắc thận trọng trên cơ sở kết luận của Hội đồng thẩm định theo quy định và kết luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo", phó giáo sư này nhìn nhận.

Đồng thời, theo vị quản lý này, hiện nay, việc kiểm tra trùng lặp nội dung luận án qua phần mềm chống đạo văn ở nhiều cơ sở đào tạo được thực hiện từ trước khi thực hiện thủ tục bảo vệ cấp cơ sở nên việc trùng lặp đã được xử lý tương đối tốt. Đồng thời, sự đánh giá của Hội đồng dưới giác độ học thuật sẽ tránh được các vi phạm về liêm chính học thuật.

minh hoa.jpg
Ảnh minh họa: Tuệ Nhi.

"Để hạn chế tối đa những câu chuyện đáng tiếc như trường hợp tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế sau nhiều năm luận án đã hoàn thành mới phát hiện có sai phạm, cần xem xét bổ sung các quy định về trách nhiệm của người phản biện độc lập, thành viên Hội đồng cấp cuối cùng và có thêm các quy định về đảm bảo liêm chính cũng như cơ chế xử lý nghiêm đối với cá nhân vi phạm liêm chính học thuật. Khi cái “mất” nhiều hơn cái “được” do vi phạm liêm chính học thuật thì sẽ tạo ra những bài học để tự cá nhân đang hoặc sẽ thực hiện luận án phải tự “sửa mình”, vị quản lý chia sẻ.

Còn lãnh đạo bộ phận đào tạo sau đại học tại một trường đại học ở phía Nam chia sẻ quan điểm, quy trình xử lý các vụ việc liên quan luận án tiến sĩ đạo văn 12 trang tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cần được thực hiện nghiêm túc, tuân thủ theo các quy chế đào tạo và áp dụng đúng các điều khoản quy định.

Việc xử lý cần căn cứ trên việc xác định rõ ràng mức độ vi phạm và kết luận của Hội đồng thẩm định. Dựa vào đó, sẽ áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo tính minh bạch, khách quan và công bằng trong quá trình giải quyết vụ việc.

"Quy chế ban hành theo Thông tư số 05/2012/TT-BGDĐT (thời điểm bà L.T.A.H làm nghiên cứu sinh - PV) nêu: “Đối với luận án đạt yêu cầu khi thẩm định nhưng có ý kiến của người thẩm định độc lập hoặc của Hội đồng thẩm định yêu cầu phải sửa chữa, thì Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện cùng với người hướng dẫn và nghiên cứu sinh xem xét và quyết định các điểm cần bổ sung, chỉnh sửa”.

Còn theo quy chế hiện hành ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT thì không có quy định về việc chỉnh sửa luận án đã được lưu chiểu.

Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân của tôi, khi luận án thẩm định đạt yêu cầu nhưng có ý kiến của người thẩm định độc lập hoặc của Hội đồng thẩm định yêu cầu phải sửa chữa, kể cả khi luận án đã nộp lưu chiểu thì tác giả nên có bảng đính chính bổ sung chỉnh sửa để giúp cho những người tham khảo có được thêm thông tin chính xác. Giống như 1 quyển sách sau khi đã xuất bản mà có nội dung chưa chính xác thì phải đính kèm nội dung đính chính", vị này nhận định.

Có ý kiến cho rằng, trong trường hợp đã xác định luận án đạo văn, vi phạm liêm chính khoa học thì cần đánh giá, thẩm định lại luận án, có thể xem xét thu hồi bằng tiến sĩ.

Về việc này, vị chuyên gia cho rằng: "Quan điểm của tôi đầu tiên là phải thực hiện đúng quy trình. Hội đồng thẩm định phải có biên bản chi tiết các ý kiến thảo luận, trao đổi, kết luận và quyết nghị về nội dung, chất lượng luận án. Đối với luận án không đạt yêu cầu thẩm định thì áp dụng quy định sau để xử lý:

Nếu nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ, việc thu hồi bằng được thực hiện theo quy định hiện hành và trong những trường hợp: sao chép, trích dẫn không đúng quy định trong luận án và bị Hội đồng thẩm định kết luận nếu cắt bỏ những phần sao chép, trích dẫn đó thì luận án không đáp ứng yêu cầu của quy chế; luận án của nghiên cứu sinh không được Hội đồng thẩm định thông qua theo quy định.

Như vậy, nếu luận án của nghiên cứu sinh rơi vào 2 trường hợp trên thì xử lý thu hồi văn bằng. Nội dung quy chế đã ghi khá rõ trong trường hợp này để làm căn cứ quyết định: “sao chép, trích dẫn không đúng quy định trong luận án và bị Hội đồng thẩm định kết luận nếu cắt bỏ những phần sao chép, trích dẫn đó thì luận án không đáp ứng yêu cầu”. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là phải có kết luận của Hội đồng thẩm định luận án.

Quan điểm cá nhân của tôi là tùy theo mức độ và bản chất của sai phạm trong luận án, cũng như lý do hội đồng đánh giá luận án không phát hiện sai phạm tại thời điểm đánh giá, chúng ta mới có thể xem xét trách nhiệm của Hội đồng.

Ví dụ trong trường hợp sao chép, nếu hội đồng không được trang bị công cụ phát hiện sao chép hoặc nguồn tài liệu bị sao chép chưa được số hóa và đưa vào hệ thống kiểm tra, việc phát hiện đầy đủ sai phạm sẽ rất khó khăn".

Chia sẻ thực tế tại đơn vị, lãnh đạo này cho hay, nhà trường tuân thủ chặt chẽ các quy chế hiện hành, đồng thời bổ sung và chi tiết hóa một số quy định nhằm tăng cường tính minh bạch và liêm chính trong học thuật. Đặc biệt, nhà trường đã đăng ký sử dụng các công cụ kiểm tra sao chép như Turnitin và tích hợp vào hệ thống quản lý học tập, giúp kiểm soát chất lượng nội dung nghiên cứu và luận án của người học.

Ngoài ra, cơ sở này luôn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo lên hàng đầu, thông qua việc đảm bảo các yếu tố như chất lượng đầu vào nghiêm ngặt, chương trình đào tạo được xây dựng và cập nhật định kỳ, cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên và nhà khoa học có uy tín, hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả, cùng với các hoạt động học thuật và quy trình đánh giá của hội đồng chuyên môn.

Một chuyên gia khác bày tỏ nếu bà L.T.A.H tự nhận thấy mình không xứng đáng với học vị tiến sĩ do vi phạm các quy định trong quá trình đào tạo, bà có thể tự nguyện trả lại bằng tiến sĩ cho Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế). Điều này không chỉ giúp bảo toàn danh dự cá nhân mà còn giảm thiểu chi phí và thời gian cho các khâu thẩm định tiếp theo.

Hơn thế nữa, dư luận rất cần sự chủ động lên tiếng của bà L.T.A.H sau vụ việc luận án bị phát hiện đạo văn 12 trang.

Tuệ Nhi