Giải pháp để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em và gia đình Việt Nam

06/12/2024 11:37
Trần Trang

GDVN - Ngày 5 - 6/12, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN tổ chức Hội thảo quốc tế “Sự lành mạnh của trẻ em và gia đình vì tương lai bền vững”.

Từ ngày 5 - 6/12/2024, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Inland, Na Uy tổ chức Hội thảo quốc tế “Sự lành mạnh của trẻ em và gia đình vì tương lai bền vững”. Sự kiện được diễn ra tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum thuộc Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hội thảo có sự tham gia của bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam; Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục; Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng; Giáo sư, Tiến sĩ Lars Lien, Chủ tịch Hiệp hội Tâm thần học Na Uy; Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoàng Minh - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu lâm sàng về xã hội, tâm lý và giáo dục; Chuyên gia Kerstin Soderstrom thuộc Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Inland Na Uy cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học.

469316448_884875153808973_4974569952328464792_n.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NTCC.

Phát biểu khai mạc, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng hội thảo lần này sẽ là bước đệm quan trọng, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết và cải thiện sức khỏe tâm thần, sự phát triển của trẻ em và gia đình, xây dựng một tương lai bền vững cho thế hệ mai sau".

469464023_884875407142281_3417129701628270235_n.jpg
Các chuyên gia của dự án nhận quà lưu niệm từ Trường Đại học Giáo dục. Ảnh: NTCC.

Chương trình hội thảo diễn ra trong 2 ngày với 8 báo cáo tại phiên toàn thể và 16 báo cáo tại 8 tiểu ban tập trung vào các chủ đề đa dạng như: Trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực và các yếu tố liên quan; Vai trò của gia đình đối với sự lành mạnh của trẻ em và vị thành niên; Sức khoẻ hành vi và cảm xúc ở học sinh; Nuôi dưỡng khả năng phục hồi ở vị thành niên; Sự lành mạnh ở trẻ em có rối loạn phát triển thần kinh và người chăm sóc; Các chương trình can thiệp giáo dục hướng tới sức khoẻ và năng lực học tập; Các chương trình can thiệp tâm lý sử dụng công nghệ và phi công nghệ cho trẻ em có rối loạn tâm thần; Thúc đẩy hiểu biết về sức khoẻ tâm thần ở học sinh.

Đây sẽ là cơ hội quý báu để các nhà thực hành và nghiên cứu cùng trao đổi những cập nhật mới nhất về sức khỏe và sự phát triển của trẻ em, kết nối với các chuyên gia hàng đầu trong nước và trên thế giới, cùng tìm ra các giải pháp xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em và các gia đình Việt Nam.

469431514-10233458059968501-7998509890863325463-n.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: NTCC.
469532322_884872617142560_1424265283834322041_n (1).jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Lars Lien và Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoàng Minh là chủ tọa của phiên họp toàn thể đầu tiên. Ảnh: NTCC.
z6100092407832-d31cbb33d5cabe8882b6c21208c1bc2a.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: NTCC.

Sự kiện lần này là một phần quan trọng của dự án Đối tác Hợp tác Học thuật Toàn cầu NORPART Safe & Sound, được tài trợ bởi HK-dir (Cơ quan Hợp tác Quốc tế và Nâng cao Chất lượng trong Đào tạo Đại học Na Uy), phối hợp giữa Trường Đại học Giáo dục với Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Inland và Trường Đại học Bergen của Na Uy.

Dự án NORPART Safe & Sound bắt đầu từ năm 2019 và đã có nhiều thành tựu đáng kể trong việc thúc đẩy các chương trình trao đổi học thuật giữa Việt Nam và Na Uy. Những chương trình này bao gồm các khóa học chuyên sâu về hỗ trợ sức khoẻ tâm thần, chương trình hợp tác đào tạo nghiên cứu sinh về Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, cũng như các khóa học trao đổi giữa các học viên từ hai quốc gia. Đến nay, dự án đã thu hút 15 học viên và nghiên cứu sinh Việt Nam, cùng 5 học viên Na-uy, tổ chức được 3 winter school vào các năm 2022, 2023 và 2024.

Bên cạnh hai ngày hội thảo, dự án Safe and Sound năm nay bao gồm một chuỗi workshop song song về các nghiên cứu trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực, Kỹ thuật Hồi phục, và ứng dụng EEG để chẩn đoán rối loạn phát triển thần kinh đã được tiến hành bởi các chuyên gia của Na Uy.

Trước đó, từ ngày 2 - 4/12 là các buổi tập huấn tiền Hội thảo, kết hợp giảng dạy giữa lý thuyết và thực hành, trong đó có 3 tập huấn chuyên môn được hướng dẫn bởi các chuyên gia người Na Uy.

Workshop 1 "Trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực và sức khỏe tâm thần trên thế giới", do Giáo sư, Tiến sĩ Lars Lien, Chủ tịch Hiệp hội Tâm thần học Na Uy cùng Phó giáo sư, Tiến sĩ Ragnhild Dybdahl, Chuyên gia sức khoẻ toàn cầu của Viện Y tế Công cộng Quốc gia của Na Uy, cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi hướng dẫn.

Workshop 2 "Tập huấn chuyên sâu về các kỹ thuật phục hồi sau sang chấn" do Tiến sĩ Unni Marie Heltne, cố vấn cao cấp/chuyên gia tâm lý lâm sàng tại Trung tâm can thiệp Khủng Hoảng Tâm Lý, Đại học Bergen hướng dẫn.

Workshop 3 "Rối loạn phổ tự kỷ dưới các quan điểm phát triển thần kinh, các bản ghi điện não đồ và các sáng kiến trong can thiệp" do Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Silvana Markovska Simoska (Giảng viên Cấp cao tại Học viện Khoa học và Nghệ thuật Macedonian, Trưởng phòng Nghiên cứu về Sinh lý học Thần kinh) hướng dẫn.

Trần Trang