Một bộ phận người trẻ có quan điểm lệch lạc coi nói tục, chửi bậy là "ngầu"

11/12/2024 06:36
Hồng Mai

GDVN - Nhiều giáo viên băn khoăn về tình trạng nói tục, chửi bậy của học sinh trở nên phổ biến ngay cả trong lớp học, ngoài hành lang nhà trường.

Luật giáo dục quy định mục tiêu của giáo dục nhằm "phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội..." cho thấy rõ vai trò quan trọng của yếu tố đạo đức trong mục tiêu giáo dục con người.

Tuy nhiên, hiện tượng nói tục, chửi bậy trong học sinh hiện nay diễn ra ngày càng phổ biến khiến xã hội không khỏi lo ngại. Thậm chí, giáo viên còn là "nạn nhân" của những câu nói tục, chửi bậy từ học sinh.

Học sinh nói tục, chửi bậy ngay cả trong lớp học, ngoài hành lang

Cô Phạm Thị Kiều Anh, 40 tuổi, giáo viên một trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội nhớ lại sự việc khó quên cách đây khoảng 2 năm. Trong không gian yên ắng của lớp học, cô Kiều Anh đang say sưa giảng bài cho các học sinh cuối cấp. Giữa bài giảng, ánh mắt cô chợt dừng lại ở góc lớp, một nam sinh đang cúi xuống ngăn bàn, không tập trung vào tiết học.

Cô dừng bài giảng, lặng lẽ bước xuống chỗ nam sinh đang mải mê với chiếc điện thoại trong ngăn bàn. Cậu học sinh vẫn không nhận ra sự hiện diện của cô giáo. Cô vỗ vào vai cậu để nhắc nhở, bất ngờ, cậu hét lên: “M* đứa nào đánh t**”. Lớp học lặng đi trong vài giây, các ánh mắt đổ dồn về phía cô giáo. Dù rất bất ngờ trước phản ứng của học sinh, cô Kiều Anh vẫn giữ bình tĩnh. Cô cười nhẹ rồi đáp: “Mẹ cô ở xa lắm, trò muốn gặp mẹ cô làm gì?” Câu trả lời dí dỏm của cô khiến nam sinh lúng túng, vội đứng lên xin lỗi giáo viên. Cậu thanh minh rằng do không biết người chạm vào là cô giáo, tưởng bạn bè đùa nghịch nên mới phản ứng như vậy.

Lúc đó, cô cảm thấy tức giận vì bản thân là giáo viên mà bị học sinh nói lời lẽ xúc phạm. Nhưng sau đó, cô bình tĩnh hơn vì biết đó là lời nói của học sinh bộc phát trong lúc giật mình và không biết người đó là cô giáo. Thấy học sinh đã nhận ra lỗi ngay, cô chọn cách giải quyết nhẹ nhàng, hài hước để tránh làm phức tạp sự việc. Bởi nếu xử lý theo đúng quy định, học sinh vừa mắc lỗi sử dụng điện thoại trong giờ học, vừa mắc lỗi xúc phạm giáo viên, khi đưa ra trước hội đồng nhà trường, nam sinh sẽ bị phạt nặng, ảnh hưởng đến hạnh kiểm.

Đó không phải trường hợp đầu tiên cô Kiều Anh chứng kiến học sinh của mình có những lời lẽ chưa chuẩn mực. Thời gian gần đây, tình trạng đó càng trở nên phổ biến hơn. Một lần, trên hành lang trường học, cô tình cờ đi sau vài học sinh vừa bị cô phê bình trong giờ học vì không thuộc bài. Không biết cô giáo đang ở phía sau, một học sinh bực tức nói với bạn sự bức xúc khi bị cô gọi lên bảng kiểm tra bài cũ và nhận điểm kém, kèm theo đó là một số từ chửi tục.

Nghe vậy, cô vừa giận vừa tủi thân. “Rõ ràng là học sinh không học bài, tôi cho điểm kém là đúng, thế mà học sinh lại thể hiện sự bức xúc”, cô nói. Nhưng vì sự việc xảy ra ngoài giờ học và không muốn làm ồn ào ở hành lang đông người sẽ khiến học sinh cảm thấy xấu hổ, cô đành lặng lẽ bỏ qua, dù cảm giác ấm ức kéo dài mãi.

Cô Kiều Anh chia sẻ thêm, hiện tượng học sinh nói tục, chửi thề hiện nay diễn ra rất phổ biến, ở đâu cũng có thể dễ dàng nghe thấy những lời thiếu văn hóa thốt ra “nhẹ tênh” từ miệng những cô cậu học trò. Nếu như trước đây, học sinh vẫn ý thức được rằng lời nói tục là không phù hợp, thường tiết chế khi gặp người lớn hay thầy cô, thì giờ đây, các em coi nói tục như câu cửa miệng, một dạng ngôn ngữ đệm thêm được sử dụng một cách tự nhiên, không chút ngượng ngùng.

Nữ giáo viên cho rằng, hiện tượng học sinh nói tục, chửi bậy chủ yếu do các em học theo bạn bè. Những từ ngữ này thường được các em coi là cách thể hiện cảm xúc mạnh mẽ hoặc tạo sự khác biệt, từ đó vô tình trở thành thói quen của học sinh. Bên cạnh đó, nhiều nội dung trên mạng xã hội chứa lời nói tục nhưng vẫn thu hút hàng triệu lượt xem, khiến học sinh coi đó như một điều bình thường và học theo. Lời nói phản ánh suy nghĩ, suy nghĩ ảnh hưởng đến hành động; từ hành động sẽ hình thành nên nhân cách. Nếu lời nói tục tĩu trở thành thói quen, nó không chỉ làm xấu đi hình ảnh của học sinh mà còn ảnh hưởng tới tư duy và cách các em đối xử với nhau.

Cô kiều anh (2).png
Cô giáo Phạm Thị Kiều Anh. (Ảnh: NVCC)

Cô Bùi Thị Thanh Huyền (25 tuổi) là giáo viên tại một trường trung học cơ sở ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) chia sẻ rằng việc học sinh nói tục, chửi thề không chỉ diễn ra bên ngoài mà còn xuất hiện ở ngay trong trường học. Ở trường, học sinh buột miệng chửi tục hoặc nói những câu thiếu văn hóa với bạn bè một cách rất tự nhiên. Những thời điểm như trước giờ lên lớp, giờ ra chơi hay tan học là lúc tần suất này diễn ra nhiều nhất.

Cô giáo trẻ nhớ như in lần đầu tiên chứng kiến cảnh học sinh chửi bậy trong giờ dạy học của mình. Sự việc cách đây khoảng 1 năm, thời điểm năm học 2023-2024.

Tiếng trống báo hiệu tiết hai vang lên, hòa lẫn trong không khí ồn ào khi học sinh vẫn còn chưa ổn định chỗ ngồi. Cô Huyền bước vào lớp sớm hơn thường lệ, ánh mắt cô nhanh chóng quan sát toàn bộ không gian, phía cuối lớp vẫn còn một số học sinh cười đùa vì chưa biết cô giáo đã vào lớp.

Từ bàn cuối, một âm thanh bất chợt vang lên. Một nam sinh thốt ra từ nói tục bằng tiếng Anh kèm theo động tác giơ ngón tay giữa (biểu tượng quen thuộc của sự xúc phạm) với một bạn học sinh ở bàn học thứ 2. Bạn học ngồi bàn hai ngay lập tức đáp trả bằng động tác và từ ngữ y hệt. Lớp học chợt im lặng vài giây, sau đó, một vài em quay sang thì thầm với bạn bên cạnh, có học sinh che miệng cười, còn hai bạn "nhân vật chính" thì ngượng ngùng nhìn cô giáo.

Cô Huyền là giáo viên trẻ, vừa bước vào nghề nên chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý với những tình huống bất ngờ như vậy. Cô nhìn hai học sinh với ánh mắt nghiêm khắc còn hai học sinh thì cúi đầu thể hiện sự hối lỗi. Để không làm ảnh hưởng đến giờ học, cô Huyền tạm thời bỏ qua sự việc để học sinh tập trung vào học. Khi cô bước về phía bàn giáo viên, cả lớp nhanh chóng đứng dậy chào, như thể mọi chuyện chưa từng xảy ra. Giờ học bắt đầu, cô giáo trẻ cảm thấy khó xử và suy nghĩ: “Liệu có nên dừng giảng bài lại để giải quyết sự việc ngay, hay tập trung vào bài giảng để tránh làm gián đoạn tiết học?”. Sau một thoáng suy nghĩ, cô quyết định tiếp tục bài giảng nhưng lòng không khỏi trăn trở.

Sau một thời gian giảng dạy tại trường trung học cơ sở, cô Huyền nhận thấy việc các học sinh sử dụng ngôn ngữ thiếu văn hóa trong trường học không phải là hiếm. Nhưng điều khiến cô giáo trẻ suy nghĩ nhiều hơn chính là sự thản nhiên của các em, như thể những từ ngữ ấy là một phần bình thường trong giao tiếp hàng ngày.

Đối với một số học sinh, việc sử dụng ngôn từ tục tĩu thậm chí trở thành cách để khẳng định bản thân. Các em nghĩ như vậy là “ngầu”, là thể hiện cái tôi cá nhân. Mở miệng ra là phải đệm vài câu chửi thề, và điều này rất dễ lan sang các bạn khác. Những học sinh xung quanh không chỉ nghe mà còn học theo nhanh chóng.

Cô Huyền lo ngại rằng nếu hiện tượng này tiếp tục kéo dài mà không có sự can thiệp, uốn nắn từ nhà trường và gia đình sẽ dần trở thành thói quen khó sửa của học sinh. Điều đó không chỉ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính cách, khiến các em trở nên nóng nảy, bốc đồng hơn.

Hiện tại giáo viên chỉ có thể nhắc nhở riêng học sinh hoặc thông báo cho gia đình học sinh để hạn chế tình trạng trên. Ngoài ra, nhà trường có tổ chức các buổi tuyên truyền hoặc lồng ghép vào các giờ trải nghiệm về văn hóa ứng xử và giao tiếp cho học sinh.

13.png
Ảnh minh họa. (Ngọc Mai)

"Trò vui" đáng suy ngẫm

Gabriel Krause, 27 tuổi, đến từ Mỹ, đã sinh sống và làm việc ở Việt Nam 4 năm. Gabriel kết bạn với nhiều sinh viên Việt Nam và cùng khám phá đất nước, con người nơi đây. “Đồ ăn ở Việt Nam rất ngon, cảnh sắc ở đất nước này rất đẹp khiến tôi không thể rời mắt, người Việt Nam rất nhiệt tình, thân thiện, luôn nở nụ cười chào chúng tôi”, Gabriel Krause hào hứng kể lại.

Cuộc sống ở Việt Nam rất thú vị với Gabriel, tuy nhiên, trải nghiệm về ngôn ngữ của người trẻ Việt khiến anh không khỏi băn khoăn.

Trong một lần cùng bạn bè ghé thăm một khu dân cư, Gabriel gặp vài em nhỏ khoảng 4-6 tuổi. Khi vừa thấy anh, các bạn nhỏ chạy tới và nói những câu bằng tiếng Việt. Nghĩ rằng các em nhỏ đang chào mình, Gabriel mỉm cười đáp lại. Nhưng ngay lập tức, những người bạn Việt Nam đi cùng bật cười lớn khiến Gabriel ngơ ngác. Phải đến khi hỏi lại, anh mới biết mình vừa vui vẻ đáp lại những lời nói tục của bọn trẻ. “Có lẽ các em nhỏ ở đây nghĩ nói tục với người nước ngoài là trò vui”, anh chia sẻ.

Anh Gabriel Krause cũng chia sẻ một câu chuyện khác về những người bạn sinh viên Việt Nam. Những người bạn Việt Nam của Gabriel rất lịch sự, nhiệt tình, tuy nhiên trong một số cuộc nói chuyện, Gabriel Krause nhận thấy các bạn trẻ Việt Nam sử dụng câu chửi thề như một cách thể hiện sự thoải mái và gắn kết. Một số câu nói tục được nói ra một cách vui vẻ, đi kèm những tiếng cười giòn giã. Gabriel tò mò hỏi ý nghĩa của những câu nói đó thì những người bạn của anh cười phá lên.

Thay vì trả lời ngay, những người bạn đã dạy Gabriel phát âm câu nói đó. Ban đầu, anh ngần ngại không nói theo, nhưng trước sự cổ vũ hào hứng của mọi người, anh quyết định thử. Mỗi lần Gabriel phát âm sai hoặc nhấn nhá không đúng chỗ, cả nhóm lại cười lăn lộn. Sau đó, một người bạn trong nhóm mới giải thích cho Gabriel đó là từ chửi thề và mọi người chỉ dùng với nhau cho vui. “Nghĩ lại tôi thấy mình rất ngây thơ vì lúc đó tôi không biết rằng mình đang nói những từ không phù hợp”, Gabriel nói.

Gabriel Krause
Anh Gabriel Krause, 27 tuổi, đến từ Mỹ. (Ảnh NVCC)

Gabriel Krause chia sẻ rằng những trải nghiệm về ngôn ngữ đã khiến anh suy nghĩ về cách người trẻ Việt Nam sử dụng lời nói trong giao tiếp hằng ngày. Anh bày tỏ: “Tiếng Việt là một ngôn ngữ đẹp, giàu nhạc điệu và ý nghĩa. Nhưng tôi thấy tiếc khi một số bạn trẻ sử dụng những từ ngữ không phù hợp như một phần trong giao tiếp thường ngày. Nếu các bạn trẻ chú ý hơn đến cách sử dụng ngôn từ, tiếng Việt sẽ trở thành một công cụ tuyệt vời để thể hiện sự sáng tạo và tính cách độc đáo của mỗi người. Tôi cũng hy vọng rằng ngôn ngữ sẽ luôn được giữ gìn như một phần quan trọng của văn hóa Việt Nam”.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam mong muốn nhận được các bài viết từ chính các em học sinh, sinh viên, thầy cô, quý độc giả chia sẻ quan điểm, góp ý giải pháp làm sao để hạn chế việc nói tục, chửi bậy trong một bộ phận giới trẻ, học sinh hiện nay, từ đó nhân lên lối sống đẹp trong học sinh, nhà trường và xã hội nói chung. Bài viết vui lòng gửi về mail toasoan@giaoduc.net.vn.

Hồng Mai