Có chứng chỉ IELTS đạt ngưỡng yêu cầu, đa số ĐH đều miễn thi, quy đổi cho SV

10/12/2024 09:18
Diệu Dương

GDVN - Nhiều SV chủ động nộp chứng chỉ IELTS để miễn thi sát hạch tiếng Anh đầu vào hoặc quy đổi học phần tương đương theo quy định của hầu hết các trường đại học.

Mới đây, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết "Sinh viên ĐH GTVT TPHCM 'than' có IELTS 7.5 vẫn đóng tiền học tiếng Anh ở trường" phản ánh tình trạng sinh viên của trường dù đã sở hữu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, vẫn không được công nhận và buộc phải tham gia thi cũng như đóng học phí tiếng Anh tại trường.

Để có thêm thông tin khách quan, phóng viên đã ghi nhận chia sẻ ở nhiều cơ sở giáo dục đại học khác. Theo đó, sau khi sinh viên năm nhất nhập học, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi kiểm tra tiếng Anh đầu vào nhằm đánh giá, phân loại và xếp lớp theo đúng trình độ phù hợp. Bên cạnh đó, sinh viên có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc chứng chỉ tiếng Anh B1- bậc 3/6 (theo khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam) sẽ được miễn thi sát hạch tiếng Anh đầu vào hoặc quy đổi thành điểm tương ứng với học phần tiếng Anh tại trường.

Cho phép xét miễn học phần tiếng Anh giúp sinh viên được chủ động kế hoạch

Được coi là "chìa khoá" mở ra tương lai cho sinh viên hiện nay và là tiêu chí quan trọng để đảm bảo chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực, tiếng Anh đã được đưa vào chương trình học chính thức dưới dạng môn học bắt buộc theo hình thức tín chỉ tại đa số các trường đại học.

Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo – Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Để đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động quốc tế, với mong muốn người học trở thành một công dân toàn cầu, có công việc tốt ngay sau khi tốt nghiệp; cơ sở giáo dục luôn tạo điều kiện thuận lợi tối đa để khuyến khích các em đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, năng nổ học tập, tự rèn luyện nâng cao trình độ tiếng Anh của mình cũng như những kỹ năng bổ trợ khác.

Sinh viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: UEH.
Sinh viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: UEH.

Cụ thể, như đối với sinh viên khóa 50 nhập học vào Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm nay (hệ đại học chính quy theo chương trình chuẩn, chương trình tiếng Anh bán phần và chương trình tiếng Anh toàn phần), các em sẽ được xét miễn học phần Tiếng Anh tổng quát khi có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt trình độ tiếng Anh Bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Mức điểm tối thiểu của mỗi chứng chỉ TOEIC, TOEFL iBT, IELTS, PTE lần lượt là 550, 55, 5.0 và 40. Tuy nhiên, nhà trường không áp dụng đối với sinh viên học ngành Ngôn ngữ Anh/ chuyên ngành tiếng Anh thương mại.

Điều này giúp các tân sinh viên đã có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế không bị áp lực trong các học phần tiếng Anh, chủ động hơn trong kế hoạch học tập cá nhân, rút ngắn thời gian học tập, có nhiều thời gian tham gia hoạt động của các câu lạc bộ, đội nhóm, phát triển kỹ năng mềm và học thêm những chứng chỉ nghề nghiệp, bổ trợ hữu ích và tạo lợi thế cho sự nghiệp tương lai.

Ngoài ra, trong các đợt xét tuyển đại học chính quy những năm gần đây, gần 50% số lượng sinh viên trúng tuyển vào Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có điểm IELTS từ 6.0 trở lên. Điều này cho thấy, chất lượng đầu vào tiếng Anh của sinh viên nhà trường vượt trội, có sự chủ động trong học tập và nỗ lực ngay từ khi còn ngồi ở ghế trường trung học phổ thông.

Ngày nay, với yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao, tiếng Anh trở thành phương tiện phổ biến đối với mỗi người khi tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các trường đại học. Cơ sở giáo dục chủ động tạo ra cơ chế khuyến khích các bạn sinh viên phấn đấu sớm đạt được trình độ tiếng Anh theo yêu cầu của chương trình đào tạo và đạt chuẩn tiếng Anh quốc tế. Đặc biệt với Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, cùng sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng thị trường lao động và kinh tế toàn cầu, đây là cơ sở đào tạo luôn nỗ lực trong việc đổi mới, quốc tế hóa trong mọi hoạt động đào tạo.

Khu English Zone là nơi để các em sinh viên có cơ hội trao đổi, học tập, giao tiếp, nâng cao kỹ năng tiếng Anh. Ảnh: UEH.
Khu English Zone là nơi để các em sinh viên có cơ hội trao đổi, học tập, giao tiếp, nâng cao kỹ năng tiếng Anh. Ảnh: UEH.

Mặt khác, nhà trường còn xét chuẩn trình độ tiếng Anh đầu ra theo chương trình đào tạo khi có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt mức điểm tối thiểu đối với sinh viên khóa 50 hệ đại học chính quy. Sinh viên có thể nộp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (còn trong thời hạn hiệu lực của chứng chỉ) tại các đợt xét hàng năm trong suốt quá trình học để nhà trường công nhận đạt chuẩn tiếng Anh đầu ra mà không cần chờ đến thời điểm xét tốt nghiệp.

Việc công nhận này sẽ được ghi nhận đến khi sinh viên hoàn tất quá trình học và xét tốt nghiệp. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho sinh viên, giúp việc học tập và rèn luyện kỹ năng tiếng Anh càng hiệu quả hơn, đồng thời, tạo điều kiện để sinh viên lựa chọn phương pháp học tập phù hợp với hoàn cảnh của bản thân.

Đồng thời, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng ban hành chính sách hỗ trợ các em sinh viên đăng ký để thi đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế bằng cách làm việc với các tổ chức, trung tâm đào tạo tiếng Anh để giảm lệ phí ôn thi và lệ phí thi cho các sinh viên có nhu cầu lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Giải pháp này cũng góp phần phòng tránh trường hợp sinh viên bị các hội nhóm bên ngoài lừa đảo khóa học giả hoặc cấp chứng chỉ giả.

Tăng quỹ thời gian và cơ hội để phát triển bản thân

Cùng trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện lãnh đạo của một trường đại học ở khu vực miền Trung cho hay, bên cạnh việc tuân thủ hoàn thành tín chỉ học phần, nhà trường đã ban hành chính sách cho phép sinh viên có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, điển hình như IELTS với một mức điểm nhất định, có thể quy đổi để miễn việc học, thi đầu ra tiếng Anh của trường.

Chẳng hạn, với chương trình hệ đại trà, nhà trường yêu cầu xét chuẩn trình độ tiếng Anh đầu ra khi có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt mức điểm theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc (4 kỹ năng) tương đương là bậc 3 trở lên; với các chương trình tiên tiến khác là từ bậc 4 trở lên.

sv.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: UEL.

Theo đó, sinh viên cung cấp chứng chỉ sẽ không cần theo học lớp bắt buộc trên trường. Kể từ khi được áp dụng, quy định được đánh giá là phù hợp với xu hướng quốc tế và dần trở thành lựa chọn đựợc nhiều sinh viên ưa chuộng vì những lợi ích thiết thực.

Thứ nhất, sinh viên tiết kiệm thêm thời gian trên giảng đường để gia tăng trải nghiệm. So với khối lượng thời gian theo học tiếng Anh tại trường, sinh viên có sẵn chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sẽ có thêm thời gian để thực hiện nhiều hoạt động mong muốn.

Thứ hai, nộp sớm chứng chỉ tiếng Anh quốc tế mang lại "tấm giấy bảo đảm” cho việc ra trường đúng hạn hoặc sớm hơn dự kiến. Thực tế cho thấy, nhiều người học vì chủ quan nên đã rớt kì thi tiếng Anh đầu ra, kéo theo hệ luỵ là tốt nghiệp trễ. Việc chủ động nộp chứng chỉ ngoại ngữ từ sớm giúp các em sinh viên an tâm tập trung vào các môn học chuyên ngành, trau dồi năng lực để hoàn thành chương trình học như kế hoạch.

Thứ ba, việc sở hữu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đồng nghĩa với việc sinh viên đạt giá trị công dân toàn cầu với nhiều cơ hội rộng mở cho việc học tập các bậc lên cao ở nước ngoài. Nhờ có chứng chỉ như IELTS giúp đạt đúng yêu cầu, hồ sơ đầy đủ của người học, nộp đơn xin học bổng của các chương trình nghiên cứu trên thế giới dễ dàng hơn.

Về phía nhà trường, việc các sinh viên chủ động nâng cao khả năng tiếng Anh thông qua chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng hỗ trợ tháo gỡ gánh nặng đào tạo để tập trung vào các bộ môn chuyên ngành, đảm bảo đầu ra là nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Theo em Lê Đức Minh - sinh viên năm hai, ngành Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, "trong quá trình học tập ở lớp 12, bản thân em đã có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS đạt mức điểm 6.5. Ngoài việc sử dụng chứng chỉ để quy đổi điểm thi tiếng Anh đầu vào xét tuyển lớp Anh ngữ KDE, ngành Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; trở thành sinh viên của trường, em tiếp tục nộp đơn theo quy định của nhà trường để miễn các học phần tiếng Anh chung. Như vậy, em chỉ cần hoàn thành các học phần của tiếng Anh chuyên ngành theo chuẩn chương trình đào tạo tiếp cận CDIO.

Điều này thực sự đã giúp em dành thời gian được nhiều hơn cho những kỹ năng làm nghề như học vẽ khối, nghiên cứu mô hình đồ án, tham gia các khóa học phần mềm thiết kế kiến trúc ở ngoài,... Đây cũng là cách để em có thêm nhiều thời gian tự hệ thống lại kiến thức, chuẩn bị kĩ càng trước khi bước vào học môn tiếng Anh chuyên ngành. Đồng thời, em cũng được miễn học phí cho các học phần tiếng Anh chung của trường theo quy định".

Diệu Dương