Càng gần Tết Nguyên Đán, câu chuyện thưởng Tết lại trở thành chủ đề được quan tâm hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đối với giáo viên vùng cao, thưởng Tết dường như là điều quá xa vời, hầu như không có trong suy nghĩ của các thầy cô.
Nỗi niềm thưởng Tết của giáo viên vùng cao
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Bùi Thị Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Điện Biên) chia sẻ về thực tế đầy khó khăn của giáo viên vùng cao: “Nhiều năm qua, giáo viên trong trường chưa từng được nhận thưởng Tết và lương tháng 13. Ngân sách hạn hẹp khiến nhà trường không thể thực hiện việc này.
Năm 2025, công đoàn nhà trường dự kiến trích một phần tiền nhỏ làm quà Tết cho 1 - 3 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, khoảng từ 100.00 - 300.000 đồng/người. Các giáo viên còn lại không có thưởng Tết".
Nữ Hiệu trưởng chia sẻ thêm: "Mặc dù còn nhiều thiếu thốn nhưng đội ngũ giáo viên nhà trường vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan và lòng yêu nghề. Hàng năm, các thầy cô đều trích một phần từ đồng lương ít ỏi của bản thân để thực hiện chương trình “Áo ấm cho em”. Đây là một hoạt động ý nghĩa, giúp quyên góp và ủng hộ những học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn các em có một cái Tết đầy đủ và ấm áp hơn”.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, cô Lê Thị Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An), cho biết: “Hiện nay, nhà trường chưa có nguồn kinh phí riêng dành cho việc thưởng Tết. Tuy nhiên, ban lãnh đạo và công đoàn cũng cố gắng tiết kiệm chi tiêu từ đầu năm. Nếu việc quản lý tài chính nội bộ thực hiện tốt, mỗi giáo viên dự kiến sẽ nhận được khoảng 200.000 đồng/người thưởng Tết".
Cũng theo cô Quang, giáo viên vùng cao rất vất vả và thiệt thòi. Xa nhà quanh năm, mọi người cũng mong đến Tết để được sum họp, đoàn viên bên gia đình. Thầy cô hy vọng có chút quà Tết làm niềm vui cho bản thân cũng như lo thêm cho người thân. Nhưng thực tế, việc có một chiếc áo mới cho các con vào dịp Tết cũng là điều khó khăn.
Nữ hiệu phó cho biết thêm: “Năm học 2023 - 2024, thay vì thưởng Tết bằng tiền mặt, nhà trường tặng quà Tết cho giáo viên bằng những hiện vật thiết yếu như: mắm, muối, mì chính… nhằm động viên tinh thần của thầy cô là chính”.
Chia sẻ về những đề xuất trong tương lai, cô Quang bày tỏ, “Tôi mong rằng, giáo viên vùng cao sẽ được nhận được sự quan tâm hơn nữa. Những món quà Tết không chỉ để động viên tinh thần mà còn tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi tiếp tục vượt qua những khó khăn, gắn bó với công việc “gieo chữ” ở nơi xa xôi này”.
Theo cô Hà Thị Xuân - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lũng Cú (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) chia sẻ: “Tôi đã công tác ở Lũng Cú được 12 năm. Điều kiện làm việc còn rất nhiều khó khăn. Chúng tôi hầu như không có thưởng Tết, kinh phí để chuẩn bị quà Tết cho giáo viên cũng rất hạn chế. Có những năm, phần quà chỉ là chiếc bánh chưng, cân thịt, cân gạo... Mặc dù không được thưởng Tết bằng tiền hay những món quà có giá trị cao nhưng với giáo viên vùng cao như chúng tôi đây là sự chia sẻ ấm áp nhất trong những ngày cuối Đông”.
Cô Xuân vui vẻ và chia sẻ thêm: “Từ ngày lên vùng cao công tác, tôi chẳng bao giờ nghĩ tới quà Tết hay thưởng Tết. Người dân và học sinh ở đây còn nghèo lắm, lấy gì mà thường hay làm quà”.
Cùng chia sẻ về câu chuyện trên, cô Nguyễn Thị Hồng Lê - Hiệu trưởng, Trường mầm non Hoa Đào (xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu, thành phố Yên Bái) cho biết: “Đến thời điểm này, nhà trường chưa có kế hoạch cụ thể cho thưởng Tết. Những năm trước, nhà trường thường sắp xếp một khoản hỗ trợ nhỏ cho cán bộ, giáo viên, với mức 500.000 đồng/người, được chuyển trực tiếp vào tài khoản cá nhân. Đối với những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, công đoàn sẽ chuẩn bị thêm những phần quà riêng để động viên".
Theo cô Hồng Lê, nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường vốn hạn chế, các nguồn thu từ “xã hội hóa” cũng không đáng kể, khiến việc hỗ trợ cho giáo viên trong dịp Tết trở nên càng khó khăn. Tính tới thời điểm hiện tại, trường có 16 giáo viên và 1 nhân viên tạp vụ, tất cả đều mong chờ có một phần thưởng Tết ý nghĩa, để động viên sau một năm làm việc vất vả.
Theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, không có quy định cụ thể nào về việc thưởng Tết hay tháng lương thứ 13 cho giáo viên là viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với viên chức, tại khoản 3 Điều 12 Luật Viên chức 2010, quy định như sau: "Viên chức được hưởng tiền thưởng theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập".
Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ, quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Nghị định nêu rõ, mức tiền thưởng cụ thể đối với từng trường hợp, không nhất thiết phải gắn với mức lương theo hệ số lương của từng người.
Bên cạnh đó, quỹ tiền thưởng hằng năm nằm ngoài quỹ khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, được xác định bằng 10% tổng quỹ tiền lương (không bao gồm phụ cấp) theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc và cấp bậc quân hàm của các đối tượng trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
Điều này có nghĩa là giáo viên vùng cao, cũng như các viên chức khác, thường không có cơ chế thưởng Tết riêng và việc có thưởng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện ngân sách của đơn vị họ công tác.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-dinh-73-2024-nd-cp-quy-dinh-muc-luong-co-so-va-che-do-tien-thuong-119240701121328994.htm