Quân Mỹ muốn Ấn Độ cân bằng với Trung Quốc để giảm áp lực

04/12/2011 08:11
Đông Bình (Theo Mil)
(GDVN) - Lợi ích quốc gia, các thách thức đều dường như đang thúc đẩy Ấn Độ xây dựng quan hệ đối tác hợp tác châu Á với Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Tạp chí “Nhà ngoại giao” Nhật Bản ngày 29/11 đã đăng bài của Rajeswari Pillai Rajagopalan - nhà nghiên cứu cấp cao của “Quỹ nghiên cứu quan sát” (Observation Research Foundation) New Delhi cho biết, những năm gần đây, Không quân Mỹ gia tăng mức độ hỗ trợ cho Không quân Ấn Độ,

một là muốn thông qua Ấn Độ và hướng Ấn Độ Dương để kiềm chế quân đội Trung Quốc (PLA), giảm bớt sức ép quân sự ở Tây Thái Bình Dương,

hai là thông qua duy trì cân bằng tương đối sức mạnh quân sự song phương, ngăn chặn Trung Quốc áp dụng biện pháp cứng rắn đối với Ấn Độ trong vấn đề biên giới, từ đó bảo đảm cho Ấn Độ tiếp tục đóng vai trò đồng minh khu vực của Mỹ.

Mỹ-Ấn tập trận chung ở Tây Thái Bình Dương
Mỹ-Ấn tập trận chung ở Tây Thái Bình Dương

Tháng 11/2010, khi tới thăm Ấn Độ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi quan hệ Mỹ-Ấn là “quan hệ đối tác có vai trò mang tính quyết định và không thể thiếu trong thế kỷ 21”.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng nói rằng, Ấn Độ đã “quyết định đẩy nhanh tăng cường quan hệ hai nước, trong đối tác hợp tác chiến lược có thể tiếp tục đóng vai trò ảnh tướng tích cực và mang tính quyết định đối với hòa bình, ổn định thế giới, phát huy vai trò với tư thế đối tác hợp tác bình đẳng”.

Singh còn cho rằng, phạm vi hợp tác Ấn-Mỹ sẽ mở rộng đến khu vực lân cận Ấn Độ, lý do là “trên cơ sở của cơ cấu hệ thống khu vực mang tính cởi mở và bao dung, hai nước có tầm nhìn chung về an ninh, ổn định và thịnh vượng của châu Á”.

Không quân Mỹ-Ấn tập trận chung
Không quân Mỹ-Ấn tập trận chung

Nếu quan hệ song phương Mỹ-Ấn thực sự quan trọng như lời nói của lãnh đạo hai nước này, thì hai nước chắc chắn cần tiếp tục tăng cường hiệp đồng chiến lược. Mà muốn cùng nhau bảo vệ hòa bình khu vực và thế giới, quân đội hai nước Mỹ-Ấn cần tăng cường hiểu biết lẫn nhau hơn nữa.

Hiện nay, Hải quân Mỹ-Ấn vẫn đi đầu trong lĩnh vực hợp tác quân sự hai nước. Sóng thần năm 2005 và công tác tái thiết sau đó đã nhấn mạnh điểm này. Ngược lại, mặc dù Không quân Mỹ-Ấn đã tổ chức một số cuộc tập trận chung, nhưng chính quyền Washington và New Delhi rõ ràng đều chưa tiếp nhận và hiểu được lý do hợp tác giữa không quân hai nước.

Mặc dù các nhà hoạch định chiến lược Ấn Độ và Mỹ đã đạt được đồng thuận rộng rãi về những thách thức chiến lược to lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng khi giải quyết nhiều thách thức trong đó, New Delhi lại luôn không sẵn sàng đạt được ý kiến thống nhất với Mỹ.

Máy bay vận tải C-130J do Mỹ chế tạo. Loại máy bay này cũng được trang bị cho quân đội Ấn Độ
Máy bay vận tải C-130J do Mỹ chế tạo. Loại máy bay này cũng được trang bị cho quân đội Ấn Độ

Đương nhiên, Mỹ hy vọng cho dù hiện nay Ấn Độ vẫn do dự không quyết đoán, nhưng họ sẽ thay đổi quan điểm trong 10 năm tới. Dù sao, lợi ích quốc gia của Ấn Độ và những sự cố thách thức mà họ bất lực đối phó, đều dường như thúc đẩy họ theo hướng đối tác hợp tác châu Á với Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush cho rằng, Ấn Độ là một cực quan trọng của châu Á, quan hệ chặt chẽ với Ấn Độ phù hợp với lợi ích của Mỹ. Chính phủ Obama hầu như cũng thừa nhận điểm này. Những nhận thức này đã thúc đẩy Mỹ và Ấn Độ xây dựng hợp tác quốc phòng chính thức nhiều hơn, đồng thời rõ ràng coi Ấn Độ là đồng minh của Mỹ (điều này làm cho New Delhi cảm thấy không thích hợp).

Thường thì mọi người cho rằng, sở dĩ Washington hứng thú với Ấn Độ là do họ coi Ấn Độ là một đối trọng với Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề này trên thực tế phức tạp hơn nhiều.

Trước hết, Mỹ có quan hệ lợi hại với tranh chấp biên giới Trung-Ấn. Tuy Mỹ vẫn chưa nói rõ lập trường của họ trong vấn đề tranh chấp biên giới Trung-Ấn, nhưng Trung-Ấn xảy ra xung đột chắc chắn không phù hợp với lợi ích của Mỹ, đặc biệt là trong tình hình Ấn Độ thất bại.

Mỹ xuất khẩu cho Ấn Độ máy bay vận tải chiến lược C-17 Globemaster III
Mỹ xuất khẩu cho Ấn Độ máy bay vận tải chiến lược C-17 Globemaster III

Năm 1962, chiến tranh Trung-Ấn kết thúc với sự thất bại của Ấn Độ, nếu sự việc này tái diễn, Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng bất lợi do giá trị đồng minh khu vực của Ấn Độ giảm xuống. Ngược lại, nếu Trung Quốc thắng lợi, cũng sẽ gây ra nghi ngờ cho các nước nhỏ: Nếu họ đứng lên chống Trung Quốc, Mỹ phải chăng sẽ khoanh tay đứng nhìn? Sự lo ngại này chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho vị thế của Mỹ ở châu Á, làm cho các nước láng giềng Trung Quốc càng dễ bị uy hiếp.

Trên thực tế, lực lượng trên không của Ấn Độ có thể gián tiếp củng cố sức mạnh quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương. Trước hết, Ấn Độ có lực lượng không quân mạnh ít nhất có thể buộc Trung Quốc điều một phần lực lượng trên không từ Thái Bình Dương tới khu vực Tây Tạng.

Hơn nữa, Không quân Ấn Độ cũng có thể phát huy vai trò mang tính quyết định ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, giảm nhẹ gánh nặng cho Không quân Mỹ, bảo vệ an ninh khu vực.

Chẳng hạn, chỉ cần một lần tiếp dầu trên không, bán kính chiến đấu của máy  bay chiến đấu Su-30MKI có thể với tới eo biển Malacca và vịnh Péc-xích. Đương nhiên, Ấn Độ có sẵn sàng thực thi hành động tích cực này hay không vẫn là vấn đề chưa rõ ràng. Tuy nhiên, hợp tác Ấn-Mỹ ngày càng nhiều, họ sẽ càng yên tâm đối với các hành động chung trong tương lai.

Mỹ đứng trước sức ép quân sự ngày càng lớn từ Trung Quốc ở Thái Bình Dương
Mỹ đứng trước sức ép quân sự ngày càng lớn từ Trung Quốc ở Thái Bình Dương

Lực lượng trên không Ấn-Mỹ đối mặt với các mối đe dọa tương đồng, thực tế này có nghĩa là càng chia sẻ dữ liệu thường xuyên hơn, đồng thời xây dựng kế hoạch phản ứng chung đối với bất cứ vấn đề nào, đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Ví dụ, mối đe dọa của Không quân Ấn Độ tại khu vực đông bắc tương tự với mối đe dọa của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, đó là tên lửa đạn đạo, hệ thống phòng không tích hợp tiên tiến (IADS), máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 và khả năng tác chiến điện tử, tên lửa không đối không của Trung Quốc ngày càng tinh vi.

Tác động ảnh hưởng của tình hình này đối với Ấn Độ và Mỹ ngày càng lớn, hai nước có lý do thúc đẩy học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Tàu chiến của Hải quân Trung Quốc
Tàu chiến của Hải quân Trung Quốc

Tương tự như vậy, cùng với việc Ấn Độ bắt đầu mua ngày càng nhiều hơn vũ khí trang bị do Mỹ chế tạo, không quân hai nước tăng cường giao lưu cũng rất có lợi cho hai bên. Thúc đẩy dân chủ, nhiệm vụ nhân đạo, quản lý sau thiên tai và tái thiết đều là lĩnh vực lý tưởng của các hành động chung.

Nhưng, để thực hiện được những nội dung trên, Ấn Độ chắc chắn trước tiên phải cam kết trở thành lực lượng trên không có tính xây dựng ở khu vực Ấn Độ Dương. Nếu kế hoạch mua sắm của Ấn Độ được triển khai thuận lợi, thì họ sẽ có một lực lượng không quân hiện đại có khả năng cao, có thể thực hiện được các loại nhiệm vụ như cứu nạn thiên tai, viện trợ nhân đạo và chi viện chiến đấu trên không.

Tóm lại, nếu Ấn Độ muốn nâng cao vị thế quốc tế, họ cần chuẩn bị tốt gách vác trách nhiệm nhiều hơn, từ bỏ chính sách ngoại giao né tránh rủi ro. Tăng cường thúc đẩy hợp tác không quân Ấn-Mỹ hầu như là một khởi đầu tốt đẹp.

Đông Bình (Theo Mil)