Thầy cô nêu gương cùng thực hiện 'Lời chào người Tràng An', hạn chế HS nói tục

18/12/2024 08:59
Ngọc Trâm

GDVN - Hiện tượng nói tục chửi bậy ở môi trường học đường không còn xa lạ. Nhiều trường đã áp dụng những mô hình sáng tạo để nâng cao văn hóa ứng xử cho học sinh.

Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” nêu rõ một trong những nhiệm vụ của giáo dục là chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân.

Nhiều trường học đã có các mô hình hay để giáo dục học sinh về văn hóa ứng xử trong trường học, hạn chế hiện tượng nói tục, chửi bậy của học sinh như: phát triển các câu lạc bộ về văn hóa, ứng xử, phong trào “Lời chào người Tràng An”, xây dựng văn hóa chào hỏi trong trường học…

Phong trào “Lời chào người Tràng An”, xây dựng văn hóa chào hỏi trong trường học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng một trong những nguyên nhân khiến hiện tượng nói tục, chửi bậy gia tăng là học sinh tiếp xúc quá sớm với các trò chơi điện tử.

“Hiện tại, mạng xã hội và các trò chơi điện tử phát triển rất phức tạp. Kéo theo đó là những ngôn ngữ trên mạng, trên các clip ngắn cũng khiến học sinh học theo”, cô Hồng nhận định.

00a3159cc91f73412a0e.jpg
Cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Cô Vân Hồng cho hay, nhà trường thường xuyên có những phong trào, mô hình nhằm nâng cao văn hóa ứng xử trong môi trường học đường của học sinh.

Theo đó, nhà trường phát động phong trào “Lời chào người Tràng An” với mục tiêu giáo dục cho học sinh về văn hóa chào hỏi. Phong trào nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ học sinh và phụ huynh và đã có những kết quả tích cực khi việc chào hỏi thầy cô, bạn bè, khách đến thăm trường dần trở thành một nề nếp quen thuộc của học sinh.

Cùng với học sinh, cô Vân Hồng và ban giám hiệu nhà trường cũng tích cực hưởng ứng và làm gương cho các em.

“Trong hoạt động này, thầy cô là tấm gương để học sinh noi theo. Chúng tôi sẽ luôn là người chào học sinh trước. Từ đó, dần dần, tạo nên thói quen chào hỏi cho các em.

Hoạt động chào hỏi được thực hiện từ thầy, cô giáo cho đến nhân viên nhà trường. Hằng ngày, vào đầu và cuối buổi học, ban giám hiệu nhà trường đều đứng ở cổng trường để đón, chào học sinh”, cô Hồng cho biết thêm.

f9b5f0952c169648cf07.jpg
Buổi sinh hoạt dưới cờ chủ đề “Truyền thông ứng xử văn minh trên mạng xã hội” được thực hiện vào buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần tại Trường Trung học cơ sở Chương Dương. (Ảnh: NTCC)

Ngoài việc giúp học sinh duy trì thói quen chào hỏi, Trường Trung học cơ sở Chương Dương còn tổ chức cho học sinh ký cam kết thực hiện nếp sống thanh lịch, văn minh, phòng chống bạo lực học đường vào đầu năm học.

Bản cam kết được các em học sinh tự tay thiết kế, trang trí với những quy định như: Nói lời hay, ý đẹp; không xúc phạm bạn bè, người lớn; không gọi bạn nếu bạn không thích; không đụng chạm vào người bạn khi bạn không muốn;...

Nhiều hoạt động thú vị khác cũng được nhà trường triển khai trong buổi sinh hoạt dưới cờ với nội dung nâng cao văn hóa ứng xử, thi vẽ tranh, tổ chức phiên tòa giả định,...

ce28ba0a6689dcd78598.jpg
Các em học sinh được tự tay thiết kế bản cam kết của mình. Đây là hoạt động thường niên được nhà trường tổ chức vào đầu năm học. (Ảnh: NVCC)

Mỗi ngày, mỗi tuần một câu chuyện đẹp, hình thành văn hóa ứng xử văn minh cho học sinh

Chủ đề về nâng cao giao tiếp, văn hóa ứng xử trong học sinh đã được các cấp, các ngành cũng như là các trường học phát động và tổ chức, đặc biệt trong những buổi sinh hoạt chủ điểm dưới cờ vào mỗi đầu tuần.

Tại Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), với mỗi chủ điểm, học sinh sẽ được tham gia và chủ động đưa ra những vấn đề và giải quyết chúng. Đồng thời, hình thức tuyên truyền phát thanh được nhà trường triển khai hằng ngày vào các giờ ra chơi.

Nội quy nhà trường cũng nghiêm cấm việc nói tục, chửi bậy trong khuôn viên trường, kèm với đó là sự theo dõi, tự quản lẫn nhau trong lớp học và đội sao đỏ, xung kích. Theo cô giáo Nguyễn Thị Đương, giáo viên Tổng phụ trách đội Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng, bộ quy tắc ứng xử được nhà trường xây dựng từ nhiều năm nay, đối tượng áp dụng bao gồm học sinh, giáo viên và nhân viên của trường.

e13c6f18b39b09c5508a.jpg
Cô Nguyễn Thị Đương - Giáo viên Tổng phụ trách đội Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Những năm gần đây, Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng thường xuyên thực hiện nêu gương những hình ảnh đẹp, những việc làm tốt của học sinh. Bên cạnh đó là mô hình chủ điểm “Mỗi ngày, mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”.

Mô hình được xây dựng với mục đích góp phần rèn luyện kỹ năng, hình thành thói quen tốt cho học sinh; đồng thời củng cố, nâng cao kiến thức các em đã được học trên lớp, tạo cho học sinh một môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh. Nội dung chuyên đề được các em học sinh truyền tải dưới nhiều hình thức khác nhau như tiểu phẩm, văn nghệ, kể chuyện,... đề cập đến những vấn đề như kỹ năng sống, an toàn giao thông, đạo đức, lối sống, văn hóa học đường, nhân vật, sự kiện, gương học tập của các danh nhân, những tấm gương anh hùng tuổi thiếu nhi gắn với lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

“Ngoài những môn học chuyên môn như giáo dục công dân hoặc những hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, nhà trường cũng đã tổ chức các hoạt động phong trào, mô hình, chủ đề, chủ điểm. Qua đó, đã có được những kết quả nổi bật trong việc nâng cao và giáo dục văn hóa ứng xử học đường cho học sinh”, cô Đương thông tin thêm.

a73b341fe89c52c20b8d.jpg
Với mỗi chuyên đề, chủ điểm, các em học sinh luôn sáng tạo triển khai tuyên truyền thông điệp dưới nhiều hình thức đa dạng, thú vị. (Ảnh: NTCC)
beedcec8124ba815f15a.jpg
Học sinh tích cực tham gia các hoạt động của Trường Trung học cơ sở Dịch vọng, nâng cao văn hóa ứng xử. (Ảnh: NTCC)

Phát triển mô hình câu lạc bộ, linh hoạt dựa trên sự thấu hiểu tâm lý học sinh

Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, hiện tượng nói tục, chửi bậy trong môi trường học đường đã có từ lâu: “Thực tế, hiện tượng này không chỉ diễn ra trong nhà trường mà còn có tại những nơi công cộng. Tuy nhiên, đôi khi học sinh nói tục, chửi bậy nhưng không ý thức được bản thân đang sử dụng ngôn từ thiếu chuẩn mực.

Nguyên nhân của việc này có thể do các em có thói quen sử dụng những từ chưa chuẩn mực làm ‘tiếng đệm’ trong những câu nói của mình”.

c1c3b4c56846d2188b57.jpg
Cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức, Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh:NVCC)

Bên cạnh đó, cô Quỳnh cũng chỉ ra nguyên nhân khiến một bộ phận học sinh nói tục chửi bậy bắt nguồn từ việc các em bắt chước theo "trend", theo trào lưu, theo hiệu ứng đám đông.

“Môi trường gia đình, người lớn có thói quen thêm những từ ‘đệm lót’, nói tục, chửi bậy hoặc bạn bè xung quanh có sử dụng những từ ngữ chưa được chuẩn mực cũng là một trong những lý do bắt nguồn cho hiện tượng này. Từ đó, các em học sinh có động thái bắt chước theo, một phần để chứng tỏ mình là người lớn”, cô Quỳnh nhận định.

Tại Trường Trung học phổ thông Việt Đức đã có những quy định chặt chẽ nghiêm cấm học sinh nói tục chửi bậy trong nội quy của trường. Tuy nhiên, theo cô Quỳnh nếu chỉ nghiêm cấm thì chưa đủ mà nhà trường cần tạo ra nhiều sân chơi, nhiều hoạt động để học sinh được sinh hoạt, được trải nghiệm ngay trong khuôn viên trường, trong khuôn khổ các giờ học thì hiện tượng nói tục, chửi bậy sẽ giảm dần.

c1c3b4c5684.png
Hệ thống các câu lạc bộ tại Trường Trung học phổ thông Việt Đức hoạt động mạnh mẽ, linh hoạt, phù hợp với đam mê của từng học sinh. (Ảnh: NTCC)

Hiện nay, nhà trường đẩy mạnh mô hình hệ thống các câu lạc bộ học sinh với 26 câu lạc bộ, như câu lạc bộ âm nhạc, câu lạc bộ truyền thông, câu lạc bộ kịch,... Các câu lạc bộ đều có nhiều những hoạt động đội nhóm, trải nghiệm thú vị, từ đó, giúp cho học sinh nâng cao kỹ năng mềm. Trong đó, bao gồm nâng cao ứng xử văn hóa trong cộng đồng học sinh.

Từ góc nhìn của người làm giáo dục, cô Quỳnh đánh giá các hoạt động của hệ thống câu lạc bộ tại nhà trường đang làm tốt vai trò của mình. Hơn nữa, việc phát triển các câu lạc bộ trường học còn giúp học sinh nâng cao tinh thần gắn kết, giúp đỡ nhau trong học tập, trong cuộc sống hàng ngày và trong mối quan hệ bạn bè tại trường.

Từ những nỗ lực và mô hình sáng tạo được triển khai tại các trường học, có thể thấy rằng việc nâng cao văn hóa ứng xử và hạn chế hiện tượng nói tục, chửi bậy trong môi trường học đường là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết.

Các hoạt động phong trào, câu lạc bộ và các buổi sinh hoạt chủ điểm không chỉ giúp học sinh phát triển kỹ năng giao tiếp mà còn giúp các em hình thành thói quen ứng xử văn minh. Sự tham gia tích cực của giáo viên, phụ huynh và toàn thể học sinh sẽ tạo ra một môi trường học tập lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ có ý thức và trách nhiệm trong việc gìn giữ giá trị văn hóa, nét đẹp văn minh, thanh lịch trong môi trường học đường. Qua đó, chúng ta hy vọng rằng những hành vi thiếu chuẩn mực sẽ dần được giảm thiểu, tạo nên một môi trường học đường lành mạnh và văn minh hơn.

Ngọc Trâm