Bài báo quốc tế của ThS Ngô Quang Thành do UEH tài trợ bị gỡ, nhà trường nói gì?

16/12/2024 06:38
Thi Thi

GDVN - Theo thông tin kê khai trong các bài báo bị tạp chí quốc tế rút, tác giả Ngô Quang Thành làm việc tại Khoa Quản lý Nhà nước, ĐH Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Vừa qua, sự việc một số tác giả Việt có nhiều bài báo khoa học đăng tải trên tạp chí quốc tế bị gỡ khiến dư luận xôn xao. Một số chuyên gia bày tỏ những băn khoăn liên quan đến trách nhiệm giải trình của cá nhân, đơn vị liên quan, đồng thời cần có những biện pháp để nâng cao liêm chính học thuật, tránh tình trạng chạy theo số lượng công bố mà bỏ quên chất lượng.

Theo thông tin phóng viên có được, tác giả Ngô Quang Thành có nhiều bài báo bị Tạp chí Environmental Science and Pollution Research (thuộc Nhà xuất bản Springer Nature) rút bài. Thông tin kê khai trong các bài báo này, tác giả Ngô Quang Thành làm việc tại Khoa Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH).

Theo thống kê, tác giả Ngô Quang Thành có 4 bài báo khoa học đăng trên Tạp chí Environmental Science and Pollution Research bị gỡ; đáng chú ý năm 2024 có 3 bài báo bị rút, trong đó tháng 7 có 2 bài bị rút liên tiếp.

Cụ thể, ngày 21/9/2024, bài báo khoa học “The moderating role of leadership on the relationship between green supply chain management, technological advancement, and knowledge management in sustainable performance” bị rút. Bài báo này được xuất bản ngày 15/3/2023.

Chi tiết: https://link.springer.com/article/10.1007/s11356-024-35088-7

210924.jpg
Ảnh chụp màn hình.

Trong thông báo rút bài đăng trên cổng thông tin tra cứu SpringerLink (thuộc nhà xuất bản Springer Nature), nhà xuất bản cho biết, việc rút bài này căn cứ trên sự đồng thuận giữa nhà xuất bản và Tổng Biên tập của tạp chí.

Lý do rút bài được nhà xuất bản nêu, một cuộc điều tra do nhà xuất bản tiến hành đã phát hiện bài báo này nằm trong một nhóm bài có một số vấn đề đáng lo ngại, liên quan đến việc thao túng phản biện, trích dẫn không phù hợp hoặc không liên quan. Dựa theo kết quả điều tra, nhà xuất bản và tạp chí không còn tin tưởng vào các kết quả và kết luận của bài báo.

Bài báo này có sự đóng góp của tác giả Ngô Quang Thành, Khoa Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Một số tác giả không phản hồi email rút bài, nhà xuất bản không thể lấy được địa chỉ email hiện tại của tác giả Ngô Quang Thành.

Được biết, bài báo này được tài trợ một phần bởi Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 9/7/2024, bài báo "How green finance and financial development promote green economic growth: deployment of clean energy sources in South Asia" đã bị rút. Bài báo này được xuất bản ngày 29/4/2022.

Chi tiết: https://link.springer.com/article/10.1007/s11356-024-34302-w

090724.jpg
Ảnh chụp màn hình.

Trong thông báo rút bài, nhà xuất bản cho biết, một cuộc điều tra của nhà xuất bản đã phát hiện ra một số bài viết, bao gồm bài viết này, có một số vấn đề đáng lo ngại, liên quan đến quy trình đánh giá ngang hàng, tài liệu tham khảo không phù hợp hoặc không liên quan, chứa các cụm từ không chuẩn. Dựa trên những phát hiện của cuộc điều tra, nhà xuất bản, sau khi tham khảo ý kiến ​​của Tổng biên tập, không còn tin tưởng vào kết quả và kết luận của bài viết này.

Một số tác giả, trong đó có tác giả Ngô Quang Thành không đồng ý với việc rút bài. Bài báo này cũng được tài trợ một phần bởi Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 6/7/2024, bài báo "How do environmental regulations affect carbon emission and energy efficiency patterns? A provincial-level analysis of Chinese energy-intensive industries" đã bị rút. Bài báo này của tác giả Ngô Quang Thành được xuất bản ngày 13/8/2021.

Chi tiết: https://link.springer.com/article/10.1007/s11356-024-34280-z

060724.png
Ảnh chụp màn hình.

Về lý do rút bài, nhà xuất bản cho biết: “Một cuộc điều tra của nhà xuất bản đã phát hiện ra một số bài viết, bao gồm bài viết này, có một số vấn đề đáng lo ngại, bao gồm thao túng phản biện, tài liệu tham khảo không phù hợp hoặc không liên quan, chứa các cụm từ không chuẩn hoặc không nằm trong phạm vi của tạp chí. Dựa trên những phát hiện của cuộc điều tra, nhà xuất bản, sau khi tham khảo ý kiến ​​của Tổng biên tập, không còn tin tưởng vào kết quả và kết luận của bài viết này”.

Tác giả Ngô Quang Thành cũng chưa phản hồi email về việc rút bài báo này. Bài báo này được tài trợ một phần bởi Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 4/3/2022, bài báo "Role of education in poverty reduction: macroeconomic and social determinants form developing economies" bị rút. Bài báo này xuất bản ngày 5/7/2021.

Chi tiết: https://link.springer.com/article/10.1007/s11356-022-19563-7

040322.jpg
Ảnh chụp màn hình.

Trong thông báo rút bài, nhà xuất bản cho biết, sau khi xuất bản, các tác giả đã thông báo với tạp chí rằng dữ liệu được cung cấp trong Bảng 2-4 là không chính xác. Ngoài ra, một số tài liệu tham khảo được trích dẫn trong bài viết không hỗ trợ cho kết luận của tác giả. Do đó, Tổng biên tập tạp chí không còn tin tưởng vào kết luận của bài viết này nữa. Có hai tác giả không đồng ý với việc rút bài, một số tác giả khác (trong đó có tác giả Ngô Quang Thành) không trả lời thư liên quan việc rút bài.

UEH đã và đang thu hồi kinh phí đối với khoản tài trợ của các bài báo bị rút

Theo thông tin kê khai trên các bài báo, tác giả Ngô Quang Thành công tác tại Khoa Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ và gửi một số câu hỏi liên quan đến Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh để có thêm thông tin khách quan.

Trong văn bản phúc đáp nội dung câu hỏi của phóng viên ngày 13/12, đại diện Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Các bài báo bị rút kể từ tháng 7/2024, khi tác giả Ngô Quang Thành đã không còn công tác tại UEH (từ 01/11/2023). UEH đã nắm thông tin về các bài báo bị rút và đã rà soát, đánh giá toàn diện quá trình thực hiện và công bố các bài báo thời gian ông Thành còn làm việc tại UEH.

Nhà trường đã liên hệ được với tác giả Ngô Quang Thành vào tháng 8/2024 để yêu cầu cung cấp thông tin, giải trình về các bài báo bị rút đồng thời cũng đã và đang thu hồi kinh phí đối với các khoản tài trợ cho các bài báo này".

Phóng viên băn khoăn, Thạc sĩ Ngô Quang Thành đã báo cáo về vấn đề các bài báo bị rút như thế nào?

Về vấn đề này, đại diện UEH cung cấp cho phóng viên nội dung email giải trình của tác giả Ngô Quang Thành. Trong email gửi UEH, ông Thành nêu: "Trong 4 bài bị rút thì có 1 bài nhóm tác giả chủ động yêu cầu tạp chí rút, thông qua tác giả liên hệ. Có 1 bài tôi nhận được email của tạp chí và tôi phản đối vì cách làm của tạp chí là không công bằng và không minh bạch; còn 2 bài khác tôi không hề nhận được email của tạp chí thông qua email UEH sử dụng ghi trên bài báo (hiện email này vẫn đang sử dụng). 2 bài này hoàn toàn tạp chí tự rút bài mà không hỏi ý kiến tác giả. Tóm lại, nhà xuất bản và tạp chí liên quan đã hành xử đơn phương, không minh bạch trong quá trình rút bài".

Trong email giải trình vấn đề, ông Thành cũng nhận định thêm, rất nhiều bài của các tác giả nước ngoài khác bị gỡ theo một cách tương tự (lý do giống nhau, câu chữ giống nhau). Trong khi quá trình bình duyệt là kín, tác giả không biết phản biện. Theo ông, lẽ ra nhà xuất bản và tạp chí cần liên hệ với các tác giả đối với các vấn đề họ thấy không rõ ràng để chỉnh sửa.

Về câu hỏi "Trong quá trình công tác, Thạc sĩ Ngô Quang Thành có bao nhiêu bài báo được thưởng, tài trợ từ UEH?", đại diện UEH không đề cập đến vấn đề này. Vị đại diện khẳng định, UEH đã có chính sách và quy định rõ ràng, minh bạch về tài trợ/thưởng công bố quốc tế, bao gồm định mức tối đa tài trợ cho mỗi cá nhân hàng năm. Nhà trường luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định này trong suốt quá trình triển khai.

Ngoài ra, trong số bài báo bị rút, có bài nêu thông tin được tài trợ một phần bởi Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Về các tiêu chí tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học, đại diện này cho hay: "UEH đã có chính sách và quy định rõ ràng, minh bạch về tài trợ/thưởng công bố quốc tế, trong đó các yêu cầu/ tiêu chí để nhận tài trợ luôn luôn được tuân thủ nghiêm ngặt và giám sát chặt chẽ bao gồm:

Thứ nhất, phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế về đạo đức và liêm chính học thuật.

Thứ hai, thông tin đề xuất nghiên cứu phải được công khai rõ ràng, bao gồm dữ liệu, phương pháp nghiên cứu, và mục tiêu dự kiến.

Thứ ba, hạn mức tài trợ tối đa hàng năm áp dụng đối với từng cá nhân. Các nhà nghiên cứu có năng lực cao được khuyến khích tìm kiếm thêm nguồn tài trợ từ các quỹ nghiên cứu bên ngoài UEH.

Thứ tư, đại diện tác giả nhận tài trợ phải nộp bản tóm tắt kết quả, hàm ý thực tiễn của nghiên cứu, làm rõ giá trị và đóng góp cho cộng đồng, nhằm phục vụ công tác truyền thông học thuật của UEH trên website UEH.

Bên cạnh đó, Nghị định 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đảm bảo nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và theo thông lệ quốc tế.

Phóng viên băn khoăn việc này đã được Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện như thế nào? Đại diện UEH thông tin: "UEH đã luôn luôn chủ động, tiên phong, cam kết của UEH trong việc duy trì và nâng cao liêm chính trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Trước khi có Nghị định 109/2022/NĐ-CP ban hành, UEH đã ban hành các văn bản sau về các quy tắc liêm chính trong nghiên cứu khoa học, như Quy định số 3145/QyĐ-ĐHKT-QLKHHTQT ngày 25/11/2019 quy định về các quy tắc liêm chính trong nghiên cứu khoa học; Quy định số 1884/QyĐ-ĐHKT-QLKHHTQT ngày 30/7/2021 quy định về bộ quy tắc liêm chính trong nghiên cứu khoa học tại UEH.

Gần đây nhất nhà trường đã ban hành Quy định 4233/QĐ-ĐHKT-NCPTGKTC ngày 21/10/2024 quy định về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học - công nghệ tại UEH. Quy định này đã hiện đại hóa và hoàn thiện khung pháp lý liêm chính học thuật tại UEH.

Các văn bản về liêm chính học thuật đều được UEH xây dựng trên cơ sở phù hợp với thực tiễn trong nước và thông lệ quốc tế, đồng thời được phổ biến đến toàn thể cán bộ, giảng viên, và nghiên cứu viên trong trường thông qua nhiều kênh khác nhau để thực hiện nghiêm túc. UEH cũng yêu cầu tất cả các thành viên, từ viên chức đến người học, có trách nhiệm giám sát và thực hành liêm chính, nhằm xây dựng môi trường khoa học công bằng, minh bạch và đáng tin cậy, góp phần tạo nên những giá trị tốt đẹp cho toàn xã hội và nâng cao uy tín của nhà trường".

Điều 20, Nghị định 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học yêu cầu về liêm chính học thuật trong cơ sở giáo dục đại học như sau:

Cơ sở giáo dục đại học ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo đảm nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng, minh bạch phù hợp với thực tiễn và theo thông lệ quốc tế.

Cơ sở giáo dục đại học ban hành các quy định nội bộ, công cụ để kiểm soát, biện pháp xử lý vi phạm để ngăn chặn hành vi đạo văn, gian lận và bịa đặt trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thi Thi