Đề xuất giải pháp phát huy vai trò của các CSGDĐH đào tạo ngành khoa học cơ bản

11/12/2024 14:10
ĐÀO HIỀN

GDVN - Hội thảo "Khoa học cơ bản với trách nhiệm quốc gia" quy tụ nhiều đơn vị đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học.

Hội thảo Khoa học Quốc gia “Khoa học cơ bản với trách nhiệm quốc gia” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 9/12 tại Hà Nội đã thu hút sự tham dự của gần 100 nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý của một số cơ quan trung ương và 6 trường đại học nghiên cứu, đào tạo khoa học cơ bản trên cả nước.

Tại hội thảo, các đại biểu, khách mời tham dự đã đưa ra những phân tích chuyên sâu về vai trò của các ngành khoa học cơ bản đối với sự phát triển của đất nước trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, văn hoá, hội nhập toàn cầu.

Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy vai trò của các cơ sở giáo dục trong việc đào tạo nhân lực trình độ cao trong ngành khoa học cơ bản.

_mg_3213.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: Trong thời điểm cả đất nước đang sôi động với các chủ đề như “Trách nhiệm quốc gia”, “Kỷ nguyên mới/kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, hội thảo thường niên với chủ đề “Khoa học cơ bản với trách nhiệm quốc gia" được tổ chức rất đúng thời điểm và trúng vấn đề.

Theo đó, những đại biểu khách mời có mặt tại hội thảo chính là những đơn vị nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học cơ bản vào phục vụ đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ sự kỳ vọng đối với hội thảo sẽ là cơ hội để các nhà khoa học, các đơn vị tham dự cùng phát huy những kết quả hợp tác trước đó. Đồng thời đề xuất những đường hướng, giải pháp liên quan đến đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng.

Qua đó phát huy vai trò, thế mạnh của mỗi đơn vị, đóng góp chung vào sự phát triển của nền khoa học cơ bản nước nhà.

_mg_3224.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin: Khoa học cơ bản với tất cả các hoạt động rất đặc thù như nghiên cứu cơ bản, đào tạo nhân lực khoa học cơ bản và tư vấn khoa học ở tầm đổi mới tư duy, hoạch định đường lối, chính sách quốc gia đã có những đóng góp quan trọng và đầy trách nhiệm.

Không chỉ trên phương diện tính đặc thù của khoa học cơ bản, trong thời đại liên ngành, các tổ chức nghiên cứu và đào tạo khoa học cơ bản và giới trí thức khoa học cơ bản cũng đồng thời có những đóng góp đầy tính ứng dụng, trên cả ba phương diện nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách.

Những đóng góp đó đầy tính trách nhiệm, sự chủ động và tính tự giác, theo tinh thần dấn thân của người trí thức cách mạng tham gia giải quyết những vấn đề của quốc gia.

Theo số liệu nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, từ năm 2020 đến nay, cán bộ nhà trường đã và đang triển khai 131 đề tài cấp trường, 53 đề tài cấp Bộ, 32 đề tài cấp Nhà nước.

Bên cạnh đó, trường đã tổ chức 41 hội thảo trong nước và 82 hội thảo quốc tế. Chủ đề của các đề tài nghiên cứu và các hội thảo nói trên đều hướng đến các vấn đề lớn, vấn đề mới có tác động sâu sắc đến đất nước, xã hội và nhân sinh, nhằm cung cấp luận cứ khoa học và các tư vấn chính sách cụ thể thiết thực.

“Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình sẽ có nhiều nhiệm vụ lớn khác đồng thời được đặt ra.

Trên cơ sở đó, Hội thảo “Khoa học cơ bản với trách nhiệm quốc gia” trước mắt sẽ góp phần trực tiếp giải quyết các vấn đề đang tồn tại trong thực tiễn. Đồng thời về lâu dài sẽ hình thành mạng lưới các tổ chức khoa học cơ bản, mạng lưới nhà khoa học cơ bản để gia tăng nguồn lực nhằm thực hiện đầy đủ hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn trách nhiệm trách nhiệm quốc gia”, Giáo sư, Tiến sĩ Lại Quốc Khánh nhấn mạnh.

_mg_3245.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội báo cáo đề dẫn tại hội thảo

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú - nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: "Các trao đổi, thảo luận tại hội thảo cho thấy sự tìm tòi rất sáng tạo của các đơn vị, nhằm đưa khoa học cơ bản về với những vấn đề rất thực tiễn của xã hội, của địa phương, thể hiện tâm huyết, tính tiên phong của các nhà khoa học".

Trên cơ sở đó, ông đánh giá cao ý tưởng về diễn đàn khoa học của các trường nòng cốt trong đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản tại Việt Nam. Đồng thời đặt ra yêu cầu về sự đổi mới căn bản tư duy khoa học, cách quản trị quốc gia hiện đại trong bối cảnh xã hội chuyển biến nhanh chóng.

"Có những vấn đề rất lớn cần tiếp tục trao đổi, bàn luận sâu hơn như vị thế của khoa học cơ bản trong bối cảnh mới ra sao? Đào tạo khoa học cơ bản như thế nào để duy trì ngành cũng như vừa thể hiện trách nhiệm quốc gia, vừa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, ứng dụng được vào thực tiễn.

Qua đó, cần tìm ra nét đặc thù, đặc sắc trong đào tạo, nghiên cứu tại các trường khoa học cơ bản so với các đơn vị đào tạo khác", Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú đặt vấn đề.

_mg_3327.jpg
GS.TS Phùng Hữu Phú - nguyên Uỷ viên TW Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Khoa học cơ bản có vai trò tư vấn chính sách, phát triển địa phương và hội nhập quốc tế

Tham dự hội thảo, đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã phân tích trong bối cảnh hội nhập quốc tế và quá trình phát triển nhanh chóng của đất nước, vai trò của các ngành khoa học cơ bản đã vượt ra ngoài khuôn khổ nghiên cứu hàn lâm và đào tạo.

Theo đó, các ngành khoa học cơ bản có tiềm năng đóng góp trong việc tư vấn chính sách và tham gia phát triển địa phương, cụ thể là tham vấn trong quá trình hoạch định chính sách, giải quyết các vấn đề thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển bền vững ở các địa phương.

Cụ thể, các ngành Triết học, Văn học, Lịch sử đã tích cực tham gia vào việc tư vấn chính sách và đóng góp vào chiến lược phát triển địa phương thông qua nghiên cứu và đào tạo. Bên cạnh đó, các ngành Thông tin - Thư viện, Lưu trữ học - Quản trị văn phòng, Tôn giáo học, và Địa lý đã thể hiện thế mạnh trong việc kết nối và lan tỏa giá trị tích cực đến cộng đồng, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Những ngành khoa học cơ bản không chỉ góp phần vào việc xây dựng nền tảng lý luận vững chắc cho các chính sách của nhà nước mà còn trực tiếp hỗ trợ phát triển địa phương thông qua các hoạt động nghiên cứu ứng dụng. Các ngành ngoại ngữ hiếm, Thư viện – Thông tin học đã góp phần nâng cao năng lực hợp tác quốc tế, trong khi ngành Lưu trữ học , Quản trị văn phòng đã cải thiện hiệu quả thực hành quản lý văn thư, lưu trữ, và thúc đẩy chuyển đổi số.

"Sự kết hợp giữa nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng thực tiễn đã tạo ra giá trị gia tăng, giúp các ngành khoa học cơ bản khẳng định vai trò then chốt không chỉ trong giáo dục và nghiên cứu mà còn trong việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Nhờ đó, các ngành này không chỉ đào tạo nên những thế hệ nhân lực chất lượng cao, mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế", đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm.

Ngoài ra, vị này còn thông tin: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện 321 đề tài các cấp, 118 đề tài dự án, 19 tư vấn chính sách, 237 khoá đào tạo, 110 câu lạc bộ/đội/nhóm hỗ trợ các vấn đề tại địa phương để làm rõ khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học cơ bản vào việc giải quyết các vấn đề phát triển địa phương.

Cụ thể như mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, phát triển kinh tế gắn liền với an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, chính sách dân tộc, tôn giáo và bảo tồn văn hóa.

Trong tương lai, sự phát triển bền vững và thành công của những nỗ lực này đòi hỏi sự đầu tư liên tục vào nghiên cứu, đào tạo, cũng như hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan giáo dục, chính quyền, và doanh nghiệp.

Và chỉ khi đó, những giá trị truyền thống và tri thức khoa học mới thực sự hòa quyện, làm giàu thêm nền tảng phát triển của đất nước.

_mg_3266 (1).jpg
Đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại hội thảo

Đồng tình với quan điểm trên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho rằng: Khoa học cơ bản có một vai trò nền tảng, nếu không có thành tựu nghiên cứu của khoa học cơ bản, trong đó có khoa học lý luận thì không thể có nhiều ngành khoa học khác, đất nước không thể phát triển.

"Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Đảng về các vấn đề lý luận chính trị, chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa xã hội, định hướng và hoạch định các chính sách, chuẩn bị văn kiện cho Đại hội Đảng toàn quốc, Hội đồng Lí luận Trung ương đánh giá rất cao vai trò tư vấn của các cơ quan đào tạo, nghiên cứu về các ngành khoa học cơ bản.

Hội thảo “Khoa học cơ bản với trách nhiệm quốc gia” quy tụ các trường đại học hàng đầu cả nước về lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và khoa học giáo dục. Với thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo cũng như quá trình nghiên cứu trong thời gian qua chắc chắn sẽ có những đóng góp chất lượng để cùng xây dựng Nghị quyết văn kiện Đại hội XIV của Đảng”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh chia sẻ.

_mg_3250.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ tại hội thảo

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá cao ý tưởng tổ chức thường niên giữa các trường hàng đầu đào tạo về khoa học cơ bản để cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm trong đào tạo, xác định mục tiêu và giải pháp mới trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ mong muốn các ngành khoa học cơ bản cần tập trung giải quyết vấn đề cấp bách như tăng năng suất lao động; già hoá dân số; chăm sóc sức khoẻ tâm thần của người dân và người lao động; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sánh ngang với các nước trong khu vực, có đầy đủ tri thức, kĩ năng, bản lĩnh sẵn sàng tham gia thị trường lao động toàn cầu.

_mg_3264.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại hội thảo

Tham dự hội thảo, đại diện một số cơ sở giáo dục đại học đã trình bày, chia sẻ định hướng đào tạo nhân lực chất lượng cao trong khoa học cơ bản.

Đánh giá vai trò và vị trí việc đào tạo nguồn giáo viên và nhân lực khoa học cơ bản trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho hay: “Trong xu thế quốc tế biến động bất thường, công nghệ bùng nổ, trí tuệ nhân tạo có xu hướng tác động đến tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Do đó, hệ thống giáo dục cần đầu tư nghiên cứu để dẫn dắt xã hội, hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở đó, hệ thống các trường đại học nghiên cứu, trường sư phạm cần được đầu tư để đào tạo đội ngũ các nhà khoa học, nhà sư phạm hàng đầu, có tầm khu vực và thế giới trên các lĩnh vực”.

_mg_3297.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng phân tích vai trò việc đào tạo nhân lực khoa học cơ bản vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung

Còn theo ý kiến đánh giá của Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen - Chủ tịch Hội đồng Đào tạo và Khoa học, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, những chiến lược và định hướng mà các trường đào tạo, nghiên cứu khoa học cơ bản đã và đang triển khai là đúng đắn, tham gia giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra, bắt kịp xu hướng của quốc tế.

Tuy nhiên, để tạo nên một sức mạnh tổng thể, các đơn vị cần tăng cường chia sẻ kết quả nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác giữa các đơn vị, với các đối tác trong nước và quốc tế để tăng cường nguồn lực cho đào tạo và nghiên cứu khoa học.

_mg_3307.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen - Chủ tịch Hội đồng Đào tạo và Khoa học, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tại hội thảo

Kiến nghị giải pháp đào tạo khoa học cơ bản hiệu quả và chất lượng hơn

Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ thực trạng người học, người dạy không mặn mà với các ngành khoa học cơ bản. Vì vậy, nhiều ngành của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên rất khó tuyển sinh.

Bên cạnh đó, thầy Linh cho biết, để đào tạo được các chuyên gia hàng đầu với những công trình khoa học đỉnh cao, có tính dẫn dắt trong các ngành khoa học cơ bản cần phải có sự đầu tư thích đáng về tài chính, thời gian, chính sách đãi ngộ,… cho cán bộ giảng viên, người học để họ toàn tâm toàn ý cống hiến và theo đuổi đam mê khoa học.

"Đào tạo khoa học cơ bản là đào tạo tinh hoa không thể chạy theo số lượng chỉ để đáp ứng chỉ tiêu về tuyển sinh", Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh.

Còn theo chia sẻ của Tiến sĩ Lưu Minh Chiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, hiện nay các trường đào tạo ngành khoa học cơ bản đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ và biến đổi không ngừng của khoa học công nghệ.

Theo đó, rất nhiều ngành hiện nay khó tuyển sinh, mỗi năm chỉ tuyển được vài sinh viên nhưng các cơ sở đào tạo "dù khó vẫn phải làm", vì đó là trách nhiệm với ngành, với quốc gia trong đào tạo đội ngũ chuyên gia.

Đồng tình với quan điểm của thầy Chiến, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lưu Trang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cũng cho rằng: "Chính những nhà khoa học, nhà giáo đang tham gia đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học cơ bản phải tích cực truyền thông để Chính phủ, các bộ ban ngành, toàn xã hội hiểu rõ về giá trị, vai trò của khoa học cơ bản để có những đầu tư thích đáng.

Bên cạnh đó, cũng cần đa dạng hoá nguồn lực bằng cách huy động sự chung tay của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào công tác đào tạo và nghiên cứu".

Dựa trên chia sẻ của lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung - Đại học Quốc gia Hà Nội đã kiến nghị cần phải có một cơ chế đặc thù, đầu tư xứng đáng cho công tác đào tạo và nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo các ngành khoa học cơ bản.

Chỉ khi đẩy mạnh đầu tư thì mới có thể tạo ra chuyên gia hàng đầu, những nghiên cứu có giá trị. Như vậy khoa học cơ bản mới thực hiện đúng vai trò nghiên cứu và sáng tạo tri thức mới có tính nền tảng và dẫn dắt sự phát triển của xã hội.

Nhất trí với đề xuất trên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh: Bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ, Nhà nước với các cơ chế đặc thù, các đơn vị cũng cần chủ động liên kết chặt chẽ hơn, xây dựng thống nhất chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo để có thể trao đổi sinh viên, công nhận tín chỉ, sử dụng tối đa nguồn lực chung về đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, nền tảng công nghệ, dữ liệu số; kết nối thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh giữa các trường cùng thực hiện những đề tài mang tầm quốc gia.

_mg_3344.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao các tham luận tại hội thảo cũng như ý kiến phát biểu của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

Qua đó, cô Lan nhấn mạnh khoa học cơ bản có vai trò vô cùng quan trọng, là nền tảng trong sự phát triển của khoa học, công nghệ, giáo dục của mỗi quốc gia, trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, tham gia vào việc phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá của các địa phương.

"Các thành tựu, kinh nghiệm chia sẻ từ thực tiễn đào tạo, nghiên cứu khoa học của các đơn vị đã cho thấy một bức tranh sinh động, phản ánh các khía cạnh của khoa học cơ bản trong đào tạo, nghiên cứu, phục vụ cộng đồng.

Các báo cáo tham luận, ý kiến trao đổi đề xuất giải pháp để khẳng định vị thế của khoa học cơ bản với trách nhiệm quốc gia, góp phần vào sự phát triển của các ngành khoa học thế giới. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc các đơn vị cần có tiếng nói chung đề xuất một cơ chế đầu tư xứng đáng để có thể thu hút người học, người dạy, nhà khoa học trình độ cao cho các ngành khoa học cơ bản.

Ngoài ra, các trường nòng cốt trong hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo ngành khoa học cơ bản cũng cần tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, xác định tầm nhìn, chương trình hành động chung vì sự phát triển của nền khoa học cơ bản nước nhà", Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Lan chia sẻ.

_mg_3362-copy.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổng kết hội thảo

Một số hình ảnh khác tại Hội thảo Khoa học quốc gia "Khoa học cơ bản với trách nhiệm quốc gia"

_mg_3165_1.jpg
Đại biểu khách mời và Ban tổ chức chụp hình lưu niệm
_mg_3382-copy.jpg
_mg_3171.jpg
_mg_3228.jpg
_mg_3198.jpg
_mg_3180.jpg
_mg_3333.jpg
Lãnh đạo một số trường đại học chia sẻ ý kiến tại hội thảo
_mg_3317.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung - Đại học Quốc gia Hà Nội
_mg_3279.jpg
Tiến sĩ Lưu Minh Chiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt
ĐÀO HIỀN