Bình Dương: Thiếu giáo viên một số môn do không có nguồn để tuyển

14/12/2024 06:42
Khánh Hòa

GDVN- Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, tỉnh Bình Dương nỗ lực xây dựng chính sách thu hút giáo viên, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển dụng.

Giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cho biết: “Công tác bố trí, sắp xếp, phân công đội ngũ giáo viên bậc phổ thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương được thực hiện đúng theo Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên một số bộ môn như: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, nguyên nhân chính là do không có nguồn giáo viên để tuyển dụng.

Mặc dù chế độ chính sách của Trung ương và địa phương đã phần nào đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của giáo viên nhưng với sự phát triển kinh tế - xã hội, chi phí sinh hoạt ngày càng nâng cao dẫn đến mức lương hiện nay của giáo viên không đáp ứng được nhu cầu trong cuộc sống.

Trong thời gian vừa qua, số lượng giáo viên xin thôi việc ngày càng tăng. Điều đó gây ra rất nhiều khó khăn đến công tác quản lý và đảm bảo chất lượng giáo dục”.

anh-1.jpg
Cô Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương. Ảnh NVCC.

Cùng chia sẻ về tình trạng thiếu giáo viên, cô Nguyễn Thị Bích Thuận - Chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) cũng thông tin: “Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (công lập) trên địa bàn huyện hiện có 1.400 người. Trong đó, tổng biên chế khối mầm non là 457 người; tổng biên chế khối tiểu học là 587 người và khối trung học cơ sở là 356 người.

Cơ bản, đội ngũ giáo viên đảm bảo phục vụ công tác giáo dục trong năm học 2024-2025, tuy nhiên, còn thiếu 1 giáo viên Âm nhạc, 3 giáo viên Mỹ thuật cấp tiểu học. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do không có nguồn đăng ký tuyển dụng”.

Trường Tiểu học Vĩnh Phước B là một trong số những trường hiện đang đối mặt với vấn đề thiếu giáo viên Mỹ thuật trên địa bàn huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương).

Cô Nguyễn Thị Ngọc Trâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Phước B chia sẻ: “Năm học 2024- 2025, nhà trường thiếu 1 giáo viên Mỹ thuật. Tuy nhiên, trong đội ngũ nhà trường, có giáo viên có chuyên môn về mỹ thuật, nên đã được phân công giảng dạy. Việc học của học sinh hiện tại vẫn ổn định, không bị ảnh hưởng nhiều do thiếu giáo viên”.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp, cụ thể: “Thứ nhất, thường xuyên tổ chức duyệt biên chế, rà soát điều chuyển giáo viên thừa - thiếu cục bộ ở các đơn vị.

Thứ hai, thực hiện triển khai hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ ba, cho phép các đơn vị thỉnh giảng giáo viên theo đúng quy định của ngành giáo dục và đào tạo.

Thứ tư, tổ chức kết hợp dạy trực tiếp và dạy trực tuyến đối với cấp tiểu học.

Thứ năm, tham mưu tiếp nhận giáo viên ngoài tỉnh có nhu cầu chuyển công tác đến tỉnh Bình Dương để tiếp tục giảng dạy. Đồng thời, tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương xin thêm chỉ tiêu biên chế giáo viên năm 2025, nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên”.

Ngoài ra, cô Nguyễn Thị Nhật Hằng cũng cho biết thêm, thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh Bình Dương đã có những chính sách hỗ trợ, thu hút giáo viên.

Cụ thể, đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh, thực hiện đầy đủ phụ cấp như: phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm hướng dẫn người tập sự, phụ cấp trách nhiệm Tổng phụ trách Đội, phụ cấp trách nhiệm Bí thư Đoàn trường, Phó Bí thư Đoàn trường, phụ cấp cho nhà giáo dạy trẻ khuyết tật hòa nhập.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương đã ban hành các chế độ đặc thù riêng cho ngành giáo dục đào tạo (tại Nghị quyết số 07/2019/HĐND ngày 31/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ đối với công chức, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên ngành giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bình Dương).

Tỉnh cũng tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng theo Nghị quyết số 05/2019/HĐND ngày 31/7/2019 ban hành quy định về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương.

Đối với các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 14/9/2021 quy định về việc hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND quy định chế độ hỗ trợ giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định ở địa bàn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Quy định mức hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp; trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

“Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương phối hợp với Sở Nội vụ và các Sở, ngành liên quan, đã tham mưu kịp thời cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các nghị quyết đặc thù cho ngành giáo dục đào tạo về các chế độ, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho viên chức, nhân viên, người lao động đối với cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Từ đó, đã góp phần đảm bảo đời sống, yên tâm công tác, gắn bó với ngành của đội ngũ viên chức, nhân viên, người lao động ngành giáo dục đào tạo tỉnh Bình Dương” - nữ Giám đốc Sở bày tỏ.

Xây dựng chính sách thu hút giáo viên, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển dụng

Chia sẻ về việc thu hút giáo viên, cô Nguyễn Thị Nhật Hằng cũng cho biết: “Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp Sở Nội vụ dự thảo chính sách thu hút nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương của ngành Giáo dục đào tạo. Trong đó, ngành giáo dục đào tạo đề nghị thu hút giáo viên các môn học không tuyển dụng đủ nhu cầu do thiếu nguồn tuyển dụng, đặc biệt là giáo viên cấp học mầm non, giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội.

Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp Sở Nội vụ tham mưu xây dựng chính sách thu hút các đối tượng có trình độ chuyên môn cao, nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ thông tin để thu hút về công tác trong ngành giáo dục đào tạo tỉnh Bình Dương. Tôi mong muốn, với những chính sách trên, sẽ góp phần thay đổi, nâng cao chất lượng, hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.

Trên cơ sở chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao cho từng cấp học, từng địa phương, hằng năm Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp với Sở Nội vụ để thực hiện công tác tuyển dụng viên chức còn thiếu cho ngành giáo dục đào tạo trên toàn tỉnh Bình Dương, theo đúng phân cấp quản lý. Hiện nay, theo phân cấp, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tuyển dụng viên chức cho các đơn vị trực thuộc Sở trong tổng số chỉ tiêu biên chế được giao”.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, công tác tuyển dụng được thực hiện theo đúng quy trình, hướng dẫn của ngành nội vụ, bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, đúng pháp luật. Người tham gia dự tuyển bảo đảm đúng điều kiện, tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương tiếp tục chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển dụng. Theo đó, việc nộp hồ sơ, truy cập thông tin về kiểm tra, sát hạch, truy cập kết quả tuyển dụng được thực hiện trực tuyến. Điều đó đã góp phần truyền thông rộng rãi hơn về công tác tuyển dụng và tạo thuận lợi cho thí sinh tiết kiệm được thời gian, kinh phí đi lại.

Đặc biệt, trong Kỳ họp thứ 19 - Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương khóa X (vừa diễn ra), Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 31/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương quy định chế độ, chính sách hỗ trợ đối với công chức, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên ngành giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bình Dương.

Theo đó, một số nội dung của Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 31/7/2019 được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ của tỉnh; kịp thời động viên, khuyến khích tinh thần cho công chức, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên ngành giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, không trùng lặp giữa chế độ của Trung ương và chính sách của địa phương, không bỏ sót đối tượng thụ hưởng chế độ, chính sách có tính chất tương đồng, nhằm giúp cho học sinh và viên chức có thêm động lực để học tập và công tác tốt hơn.

Khánh Hòa