Đi tìm lời giải "bài toán" hướng nghiệp cho học sinh phổ thông

13/12/2024 06:42
Lê Thị Thu - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển kỹ năng và Hướng nghiệp

GDVN - Việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp không chỉ là quyết định quan trọng cuộc đời mỗi người mà còn là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của xã hội.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải một số bài viết nêu lên tiếng nói người trong cuộc về vấn đề hướng nghiệp ở trường phổ thông. Qua đó cho thấy, nhiều người học phổ thông tỏ ra tiếc nuối vì không được hướng nghiệp đầy đủ dẫn đến thiếu cách nhìn tổng quan, hiểu biết nghề nghiệp không đủ rõ ràng dẫn đến lựa chọn nghề nghiệp không phù hợp.

Sau khi các bài viết được đăng tải, Tạp chí đã nhận được bài viết của tác giả Lê Thị Thu - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển kỹ năng và Hướng nghiệp (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) chia sẻ về vấn đề này. Tòa soạn xin chia sẻ nội dung bài viết.

Hướng nghiệp là một trong những vấn đề cấp bách trong giáo dục hiện nay, khi mà thị trường lao động ngày càng phát triển mạnh mẽ với nhiều ngành nghề mới xuất hiện, sự phân hóa giữa các ngành nghề ngày càng lớn.

Việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp không chỉ là một quyết định quan trọng trong cuộc đời mỗi người mà còn là yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của xã hội. Tuy nhiên, vấn đề hướng nghiệp cho học sinh, đặc biệt là học sinh phổ thông vẫn đang là một bài toán khó. Để đi tìm lời giải cho bài toán này, chúng ta cần nhìn nhận từ nhiều góc độ, từ chính sách giáo dục, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, cho đến sự chuẩn bị của chính gia đình và học sinh.

dieu-duong-4758.png
Sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng trong một tiết thực hành. Ảnh: NVCC.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019, hơn 3% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và 2,8% cử nhân đại học thất nghiệp, trong khi trung cấp chỉ 1,1 và người chưa từng đi học 1,5% [1]. Việc hướng nghiệp chưa hiệu quả dẫn đến sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động trên thị trường, khiến sinh viên gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp. Một phần nguyên nhân chính sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm phù hợp với ngành học là do ngành học đó không còn nhu cầu lớn trên thị trường lao động hoặc họ không được chuẩn bị kỹ lưỡng trong quá trình học tập.

Mặc dù hướng nghiệp đã được đưa vào chương trình giáo dục của các trường trung học phổ thông, nhưng thực tế, nhiều học sinh vẫn cảm thấy bối rối và thiếu thông tin khi đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành nghề. Một phần lớn nguyên nhân đến từ việc thiếu một hệ thống thông tin nghề nghiệp rõ ràng, thiếu sự tư vấn nghề nghiệp chuyên nghiệp từ giáo viên hay các chuyên gia. Điều này dẫn đến tình trạng học sinh chọn ngành nghề theo xu hướng, theo sự tác động của gia đình, bạn bè hay những yếu tố bên ngoài mà không xuất phát từ sở thích, năng lực thực tế của bản thân.

Hơn nữa, các kỳ thi quan trọng như kỳ thi vào lớp 10 hay kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thường tập trung quá nhiều vào việc kiểm tra kiến thức học thuật, ít chú trọng đến việc đánh giá khả năng thực tế và sở thích nghề nghiệp của học sinh. Điều này càng khiến học sinh gặp khó khăn trong việc định hình tương lai nghề nghiệp của mình. Vậy nguyên nhân và hạn chế trên do đâu?

Thiếu tính liên thông và đồng bộ

Tính liên thông và đồng bộ trong hướng nghiệp là sự kết nối chặt chẽ và liền mạch giữa các hoạt động, nội dung, và phương pháp hướng nghiệp ở các cấp học, từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông. Đồng bộ ở đây bao gồm việc xây dựng lộ trình thống nhất, đảm bảo sự phối hợp giữa nội dung học tập, kỹ năng phát triển, và định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích của học sinh và yêu cầu xã hội. Điều này thể hiện rõ qua việc học và thi hiện nay. Các kỳ thi này chủ yếu đánh giá kiến thức lý thuyết và khả năng làm bài thi của học sinh, trong khi những yếu tố quan trọng như sở thích cá nhân, năng lực thực tế, đam mê nghề nghiệp lại không được xem xét.

Kỳ thi vào lớp 10, ví dụ, chủ yếu tập trung vào việc đánh giá kiến thức học thuật của học sinh qua các môn như Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh… là chủ yếu và cạnh tranh thi khắc nghiệt ở các thành phố lớn mà chưa chú trọng đề cập đến khả năng thực tế của các em trong các kỹ năng khác. Điều này khiến học sinh, đặc biệt là những em không có năng khiếu mạnh về các môn học này, cảm thấy bất lợi và dễ bị lạc hướng trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Tương tự, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, mặc dù có giá trị trong việc xác nhận khả năng học tập của học sinh, nhưng lại không cung cấp thông tin rõ ràng về các nghề nghiệp, không giúp học sinh khám phá kỹ năng, khả năng của mình trong các lĩnh vực cụ thể. Kỳ thi này khiến học sinh và gia đình phụ thuộc vào điểm số và các chỉ tiêu học thuật, mà không chú trọng đến yếu tố định hướng nghề nghiệp của các em.

Ở bậc trung học cơ sở, học sinh chủ yếu học theo chương trình chung, ít có cơ hội trải nghiệm thực tế về các ngành nghề hoặc môn học chuyên sâu. Thiếu hướng nghiệp phù hợp để đánh giá học sinh hiểu rõ sở thích, năng lực cá nhân và định hướng. Tiếp theo trải qua kỳ thi vào 10 và bước ngay vào hệ trung học phổ thông thì phải chọn ngay các tổ hợp thì thực sự là một khó khăn cho học sinh và gia đình. Điều này dẫn đến nhiều em chọn tổ hợp dựa trên cảm tính hoặc sự áp đặt từ gia đình, Nếu sau một thời gian học, các em nhận ra không phù hợp, việc thay đổi tổ hợp gần như không khả thi do cấu trúc thời gian học và yêu cầu tốt nghiệp. Điều này tạo ra sự ràng buộc cứng nhắc, khiến học sinh mất động lực học tập hoặc chịu áp lực tâm lý nặng nề.

Thiếu thông tin và định hướng khách quan

Như chia sẻ của học sinh, lãnh đạo cơ sở giáo dục phổ thông, chương trình trải nghiệm hướng nghiệp hiện nay đa số là do đơn vị dịch vụ đưa ra. Phần lớn các chương trình chỉ phù hợp ở tên gọi còn nội dung hoạt động chỉ là thăm quan, dã ngoại, chú trọng check in là chính.

Một trong những lý do thiếu khách quan đó là đa số các trường phổ thông phối hợp các trường đại học vào trường để hướng nghiệp, do đó đương nhiên trường đại học chỉ coi trọng giới thiệu, tuyển sinh cho chính trường của mình nên thông tin thường chỉ tập trung vào các ngành nghề mà trường đó cung cấp, không phản ánh đầy đủ sự đa dạng và nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Kết quả là học sinh sẽ khó có góc nhìn đầy đủ về nghề nghiệp, dẫn đến mất cân đối trong lựa chọn ngành học và nghề nghiệp sau này.

Hạn chế trong đầu tư nguồn lực cho hoạt động hướng nghiệp

Điều này thể hiện ở một số khía cạnh.

Một là: Các Sở Giáo dục và Đào tạo thường tập trung nhiều hơn vào việc chỉ đạo đảm bảo tỷ lệ thi cử nhiều hơn, thay vì chú trọng phát triển kỹ năng và định hướng nghề nghiệp.

Hai là: Thiếu cơ chế giám sát đánh giá, và các chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động hướng nghiệp, dẫn đến hạn chế về công tác chỉ đạo, định hướng và triển khai chưa thực sự hiệu quả.

Ba là: Các nguồn lực về kinh phí, và nhân lực của các địa phương còn hạn chế. Trong khi đó kinh phí dành để nghiên cứu thông tin định hướng nghề nghiệp, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên trách hướng nghiệp còn khó khăn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức ở một số địa phương.

Thiếu sự phối hợp của cơ quan quản lý giáo dục với cơ quan chuyên trách nghiên cứu và thông tin thị trường lao động

Thực tế hiện nay, chưa có sự đầu tư nghiên cứu, cơ chế liên kết phối hợp chặt chẽ với tổ chức chuyên trách hoặc các doanh nghiệp, tổ chức lao động để cung cấp thông tin thị trường cho học sinh. Một số đánh giá nghiên cứu chỉ ra rằng, người trẻ ở Việt Nam không có đủ thông tin về thị trường lao động để đưa ra những lựa chọn giáo dục và nghề nghiệp phù hợp. Cùng với tâm lý thích học đại học thay vì học nghề hoặc các hình thức giáo dục phi chính quy, các doanh nghiệp phải đối mặt với thiếu hụt kĩ năng cần được bù đắp thông qua đào tạo tại chỗ hoặc qua các nỗ lực bổ sung (Hội đồng Anh, đd; Trung tâm Phát triển OECD, 2017) [2].

Học sinh phổ thông chưa được tiếp cận thông tin khách quan và cập nhật kịp thời về diễn biến thị trường và nhu cầu nghề nghiệp một cách kịp thời và có hệ thống. Sự thiếu phối hợp này làm giảm hiệu quả của hoạt động hướng nghiệp, khiến học sinh không có cái nhìn thực tế về cơ hội việc làm và các ngành nghề phù hợp với xu hướng lao động trong khu vực và thế giới.

Hiện nay công nghệ thông tin và internet đã phát triển, dù các trường cao đẳng, đại học đều có trang thông tin giới thiệu của trường. Tuy nhiên rất cần có một kênh thông tin tin cậy, chính thống, khách quan có sự nghiên cứu kỹ lưỡng dự báo nhu cầu thị trường, phản ánh tổng hợp khách quan của các trường đại học, cao đẳng để tạo điều kiện phục vụ việc tư vấn và nhu cầu tìm kiếm thông tin cho học sinh và phụ huynh hiệu quả và kịp thời hơn.

Thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường

Chiến lược về hướng nghiệp trong một nhà trường phổ thông cần đảm bảo rằng các hoạt động trường tổ chức không chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn mà phải là một quá trình liên tục, lâu dài, xây dựng đam mê, khao khát tạo động lực, tạo cơ hội trải nghiệm và cung cấp kỹ năng hướng nghiệp cần thiết cho học sinh.

Chương trình hướng nghiệp trải nghiệm của các trường phổ thông hiện nay thường là phối hợp với các công ty du lịch, chủ yếu tổ chức thường theo kiểu phát thông báo cho phụ huynh đăng ký. Việc đi thường là tổ chức hoạt động teambuding, dã ngoại chung chung. Việc tổ chức mang tính thời vụ, thiếu đồng bộ, chưa theo sát với sự phát triển của học sinh trong từng cấp học, khiến học sinh không có đủ thông tin và hướng đi cụ thể.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường là điều kiện để có thêm nguồn lực đảm bảo rằng môi trường trong trường học là nơi học sinh được hỗ trợ và khuyến khích trong việc khám phá nghề nghiệp và phát triển bản thân. Các em được khuyến khích tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ và nhóm sở thích, từ đó giúp các em có nhiều cơ hội phát hiện ra sở thích và năng lực của mình. Điều này không chỉ giúp học sinh phát triển các kỹ năng mềm mà còn giúp họ có cái nhìn rõ ràng hơn về nghề nghiệp tương lai.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://vnexpress.net/cu-nhan-dai-hoc-that-nghiep-nhieu-hon-trung-cap-4497162.html

[2] https://www.britishcouncil.vn/sites/default/files/nghien-cuu-the-he-tre-viet-nam.pdf

Lê Thị Thu - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển kỹ năng và Hướng nghiệp