Thông tư 15 giúp ngăn ngừa “mượn” người đứng tên hay chủ nhiệm nhiều đề tài

16/12/2024 08:52
Ngọc Huyền

GDVN-Bộ GD&ĐT yêu cầu giới hạn thành viên tham gia đề tài cấp bộ, đồng thời nâng tiêu chuẩn chủ nhiệm để hoạt động nghiên cứu khoa học được thực chất.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 15/2024/TT-BGDĐT quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thay thế Thông tư số 11/2016/TT-BGDĐT.

Theo đó, Thông tư số 15 đưa ra những yêu cầu cụ thể mà kết quả của đề tài cấp bộ phải đáp ứng. Đặc biệt, “siết chặt” tiêu chí lựa chọn chủ nhiệm đề tài cấp bộ và giới hạn số lượng thành viên tham gia nghiên cứu.

Tránh tình trạng “mượn” người đứng tên hoặc chủ nhiệm nhiều đề tài cùng lúc

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quang Vinh - Trưởng ban Ban Khoa học và Công nghệ (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: “Tôi cho rằng, Thông tư số 15/2024/TT-BGDĐT là một bước tiến khá tích cực, nhằm thay đổi chất lượng giáo dục và đào tạo. Bởi, thông tư đã khuyến khích việc kết nối giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt đối với đào tạo sau đại học.

Cụ thể, một trong những vấn đề quan trọng mà thông tư đề cập là việc nghiên cứu khoa học phải cho ra sản phẩm cụ thể, như bài báo khoa học hoặc kết quả nghiên cứu trở thành tài liệu tham khảo, nhằm giúp hỗ trợ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Điều này góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo của đội ngũ giảng viên”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quang Vinh - Trưởng ban Ban Khoa học và Công nghệ (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Website Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quang Vinh - Trưởng ban Ban Khoa học và Công nghệ (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Website Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Cụ thể, theo Thông tư số 15, kết quả của đề tài cấp Bộ phải đáp ứng tối thiểu hai yêu cầu:

Yêu cầu đầu tiên là được công bố trên các tạp chí khoa học, kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, các tạp chí khoa học, kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học trong nước hoặc được xuất bản thành sách, chương sách chuyên khảo, sách tham khảo.

Về nội dung này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quang Vinh chỉ ra: “Muốn kết quả của đề tài cấp bộ đạt yêu cầu, trong quá trình nghiên cứu, giảng viên phải thực hiện một cách bài bản, từ tổng quan tài liệu, đưa ra phương pháp nghiên cứu, áp dụng lý luận khoa học, đến việc đánh giá kết quả.

Bên cạnh việc hoàn thành một đề tài, tổng thể hoạt động trên sẽ giúp giảng viên tự nâng cao chất lượng giảng dạy của mình, không chỉ đơn thuần là sao chép tài liệu, mà cần phải tự nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo”.

Yêu cầu thứ hai là đề tài nghiên cứu cấp bộ phải có kết quả đào tạo trình độ thạc sĩ, hỗ trợ đào tạo trình độ tiến sĩ hoặc có kết quả là luận cứ khoa học, giải pháp để giải quyết các vấn đề thực tiễn thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

“Điều này gắn liền với thực tế, vì quá trình học tập không chỉ là tiếp nhận kiến thức mà còn là xây dựng kiến thức thông qua nghiên cứu.

Việc xây dựng kiến thức thông qua các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và thảo luận thực tiễn giúp giảng viên nâng cao khả năng nghiên cứu và tư duy khoa học. Nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo cũng chính là phương pháp dạy học hiệu quả, theo thuyết kiến tạo (constructivism) trong giáo dục mà các nước phương Tây đang áp dụng” - thầy Vinh cho biết thêm.

Ngoài ra, trong Thông tư số 15, có một số thay đổi về tiêu chuẩn chủ nhiệm đề tài mới như: Chủ nhiệm đề tài cấp bộ phải là giảng viên cơ hữu và nghiên cứu viên cơ hữu của tổ chức chủ trì (có thêm yêu cầu cụ thể “cơ hữu” so với quy định cũ). Đồng thời, chủ nhiệm đề tài có ít nhất một công trình công bố trên tạp chí khoa học trong hoặc ngoài nước, thuộc lĩnh vực nghiên cứu của đề tài trong thời gian 3 năm gần nhất (thay đổi so với quy định cũ tại Thông tư số 11 là trong 5 năm gần nhất).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quang Vinh chia sẻ: “Tôi cho rằng, các thay đổi trên hoàn toàn hợp lý. Đặc biệt, yêu cầu chủ nhiệm đề tài có ít nhất một công trình công bố trên tạp chí khoa học trong 3 năm gần nhất sẽ giúp chọn lọc chủ nhiệm một cách dễ dàng, đảm bảo giảng viên tham gia vào công tác nghiên cứu là người có kinh nghiệm thực tiễn, hiểu rõ yêu cầu của nghiên cứu khoa học”.

Bày tỏ ý kiến về việc thay đổi tiêu chuẩn chủ nhiệm đề tài cấp bộ, Trưởng phòng Quản lý khoa học tại một cơ sở giáo dục đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận định, các tiêu chuẩn đối với chủ nhiệm đề tài được xác định như trong Thông tư số 15 là vô cùng cần thiết.

Vị Trưởng phòng này cho biết: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính toán “siết” lại đồng bộ các hoạt động nghiên cứu khoa học; đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; xét học hàm giáo sư, phó giáo sư, đồng thời, hướng đến các hoạt động nghiên cứu thực chất hơn”.

Thông tư số 15 cũng nêu rõ, một số trường hợp giảng viên không được phê duyệt làm chủ nhiệm như khi đang thực hiện chủ nhiệm đề tài cấp bộ khác; là chủ nhiệm đề tài cấp bộ bị thanh lý; hoặc đang trong thời gian bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên.

Vị này đánh giá, các tiêu chuẩn đối với chủ nhiệm đề tài đưa ra là cần thiết, tránh tình trạng “mượn” người đứng tên chủ nhiệm; đứng chủ nhiệm nhiều đề tài cùng lúc…

“Các cơ sở giáo dục đại học cần tính toán, nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học thực chất của mình. Song song với đó, xây dựng, trọng dụng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên có chất lượng.

Mặt khác, việc xác định tiêu chuẩn chủ nhiệm đề tài cấp bộ rõ ràng, chi tiết giúp các giảng viên, viên chức có định hướng phấn đấu rõ ràng, bắt kịp cơ hội đăng ký thực hiện các đề tài cấp bộ nếu có khả năng”, vị này phân tích thêm.

Đối mặt với khó khăn, đội ngũ giảng viên sẽ buộc phải thích nghi và thay đổi

Theo Thông tư số 15/2024/TT-BGDĐT, mỗi đề tài cấp bộ có tối đa 10 thành viên tham gia thực hiện, bao gồm 1 chủ nhiệm, 1 thư ký khoa học và các thành viên theo chức danh: thành viên chính, thành viên, kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ. Trước đó, trong Thông tư số 11/2016/TT-BGDĐT, không quy định số lượng thành viên.

Đánh giá về thay đổi trên, vị Trưởng phòng Quản lý khoa học tại một cơ sở giáo dục đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, quy định này sẽ gây ra những khó khăn cho các nhóm nghiên cứu, đặc biệt là các giảng viên (còn tham gia giảng dạy, không dành 100% thời gian cho nghiên cứu).

Vị này lý giải: “Với những giảng viên muốn tham gia nghiên cứu, trước đây có thể thực hiện đề tài với số lượng người tham gia lớn. Khi giới hạn xuống 10 thành viên, có thể khiến họ cảm thấy áp lực, nhất là khi thời lượng nghiên cứu có giới hạn”.

Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quang Vinh cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất mà các nhà nghiên cứu phải đối mặt là giới hạn số lượng thành viên trong nhóm nghiên cứu.

“Theo quy định mới này, số lượng người tham gia nghiên cứu chính sẽ rút lại rất nhiều. Với tôi, một nghiên cứu có chất lượng khoa học thường cần nhiều người tham gia, chẳng hạn như những bài báo đăng trên tạp chí khoa học uy tín, cũng cần tới hàng chục người trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.

Tôi cho rằng, số lượng tham gia nên phụ thuộc vào quy mô và mục tiêu nghiên cứu, nếu nghiên cứu có phạm vi hẹp, có thể giới hạn số lượng thành viên.

Tuy nhiên, Thông tư đã được ban hành, nên các nhóm nghiên cứu đều phải tuân thủ; khi giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu, sẽ phải chịu trách nhiệm theo chế tài đã quy định.

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, Tiến sĩ Cao Nguyên Thi - Trưởng phòng Quản lý Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Tiền Giang cũng nhận định, Thông tư còn một số điểm khó mà các cơ sở giáo dục sẽ gặp phải.

Cụ thể, Tiến sĩ Cao Nguyên Thi nhìn nhận: “Những thay đổi này sẽ có tác động lớn đến cách thức quản lý và thực hiện các đề tài nghiên cứu. Về cơ bản, các quy định này sẽ giúp quản lý chặt chẽ hơn và dễ dàng kiểm soát chất lượng nghiên cứu.

Tuy nhiên, đối với các trường đại học địa phương, sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận các đề tài cấp bộ. Nếu quy định yêu cầu chủ nhiệm đề tài phải là giảng viên cơ hữu của các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì các trường địa phương sẽ gặp bất lợi, nhất là trong việc tham gia và chủ trì các đề tài cấp bộ”.

Về yêu cầu có chủ nhiệm đề tài cấp bộ phải công trình nghiên cứu khoa học được công bố trong 3 năm gần nhất, Tiến sĩ Cao Nguyên Thi cho rằng, với những giảng viên nghiên cứu chuyên sâu sẽ không phải vấn đề quá khó khăn. Tuy nhiên, với những giảng viên ít có thời gian nghiên cứu hoặc chưa công bố công trình trong 3 năm gần nhất, yêu cầu này có thể là một rào cản.

“Với những giảng viên không có quá nhiều công trình nghiên cứu thì điều này sẽ tạo ra áp lực. Tuy nhiên, đây cũng là cách để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học. Các giảng viên muốn tham gia nghiên cứu, sẽ phải tuân theo những quy định đang có và cố gắng thích ứng với tình hình nghiên cứu khoa học tại trường” - thầy Thi nhấn mạnh.

Tiến sĩ Cao Nguyên Thi - Trưởng phòng Quản lý Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Tiền Giang. Thiết kế: Ngọc Huyền.

Tiến sĩ Cao Nguyên Thi - Trưởng phòng Quản lý Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Tiền Giang. Thiết kế: Ngọc Huyền.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quang Vinh, các thay đổi về tiêu chuẩn chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ sẽ tạo ra một số khó khăn ban đầu. Thầy Vinh cho biết, các cơ sở giáo dục đại học và chính giảng viên sẽ phải thay đổi, nâng cao chất lượng nghiên cứu tại đơn vị.

“Việc rút ngắn thời gian yêu cầu có công trình khoa học được công bố trên tạp chí có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn chủ nhiệm đề tài. Tuy nhiên, trong trường hợp giảng viên chưa có công trình công bố trong 3 năm gần nhất, các cơ sở giáo dục đại học có thể cấp cho họ các đề tài nhỏ, để giảng viên bắt đầu nghiên cứu.

Sau đó, khi có kết quả công bố nghiên cứu, giảng viên có thể tiếp tục thực hiện các đề tài lớn hơn. Việc này sẽ tạo cơ hội cho các giảng viên tiếp cận và phát triển nghiên cứu khoa học một cách bền vững.

Tôi cho rằng việc cải cách và nâng cao tiêu chuẩn sẽ thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục; đồng thời, cũng tạo ra một môi trường nghiên cứu nghiêm túc và hiệu quả. Nếu giảng viên thực hiện tốt nghiên cứu khoa học và có sự đánh giá của Hội đồng, giảng viên sẽ không gặp khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ và phát triển nghiên cứu của mình”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quang Vinh nhấn mạnh.

Ngọc Huyền