Khảo sát chọn môn thi tốt nghiệp: Vì sao tổ hợp KHXH "áp đảo", KHTN "lép vế"?

16/12/2024 06:32
Diệu Dương

GDVN - Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đang đến gần và một xu hướng đáng chú ý đã xuất hiện trong việc lựa chọn môn thi.

Năm 2025 là năm đầu tiên triển khai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Học sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số 9 môn tính điểm của chương trình mới, bao gồm: Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Thực tế khảo sát chọn môn thi ở nhiều trường cho thấy, thí sinh có xu hướng lựa chọn bài thi với các môn thuộc tổ hợp Khoa học xã hội (như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật) để thi tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm tỉ lệ cao hơn so với bài thi với các môn thuộc tổ hợp Khoa học tự nhiên (như Vật lý, Hóa học, Sinh học).

Ghi nhận tại một số cơ sở giáo dục bậc trung học phổ thông cho thấy, số học sinh lựa chọn tổ hợp môn thuộc khối Khoa học xã hội chiếm tỷ lệ lớn hơn đáng kể so với tổ hợp môn thuộc khối Khoa học tự nhiên.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Phenikaa.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Phenikaa.

Xu hướng lựa chọn môn Khoa học xã hội đang chiếm áp đảo rõ rệt

Năm học 2024-2025, nhiều trường và địa phương cũng tổ chức khảo sát và thống kê lựa chọn của học sinh. Xu hướng chọn bài thi Khoa học xã hội vẫn chiếm ưu thế hơn so với tỷ lệ thí sinh lựa chọn khối Khoa học tự nhiên.

Tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Tĩnh), nhà trường có 410 học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, trong đó, 318 em lựa chọn các môn thi thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội. Như vậy, nhà trường có 77,5% thí sinh dự kiến chọn môn thi môn Khoa học xã hội và tỷ lệ học sinh chọn môn Khoa học tự nhiên chỉ đạt 22,5%. Đáng chú ý, riêng môn Tiếng Anh được các em học sinh lựa chọn thi chiếm tỷ lệ lên đến khoảng 66%.

gdvn_anh13.jpg
Ảnh minh hoạ: giaoduc.net.vn

Lý giải về vấn đề này, thầy Phan Hữu Quyền - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Tĩnh) cho biết: Số lượng học sinh của nhà trường theo khối D khá cao nên các em lựa chọn các môn thi để xét tuyển đại học cũng thiên về tổ hợp Khoa học xã hội. Điều này phù hợp với sở trường cá nhân của thí sinh, nhằm giảm bớt áp lực và phát huy thế mạnh của mình.

Con số chênh lệch lớn giữa nhóm học sinh chọn môn thi thuộc Khoa học xã hội với nhóm học sinh chọn môn thi thuộc khối Khoa học tự nhiên cũng thể hiện mục tiêu tốt nghiệp và định hướng nghề nghiệp trong tương lai của các em.

Mặt khác, việc 2/3 học sinh lớp 12 chọn môn Tiếng Anh làm môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông xuất phát từ năng lực, điểm số và định hướng nghề nghiệp tương lai. Việc nhiều học sinh chọn thi Tiếng Anh là xu hướng chung vì hầu hết trường đại học đưa môn này vào tổ hợp xét tuyển. Hơn nữa, ngoại ngữ trở thành môn điều kiện đầu ra ở nhiều trường đại học nên các em cần có nền tảng tiếng Anh vững chắc ngay từ khi còn ở bậc phổ thông. Do đó, bản thân các em nhận thức được vai trò quan trọng của tiếng Anh nên đã lựa chọn và đăng ký.

Hàng năm, nhà trường có khoảng 100 học sinh xét tuyển vào đại học bằng kết quả của kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội và kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; khoảng 30 học sinh dùng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, SAT. Do vậy, nhóm học sinh chiếm tỷ lệ gần 1/3 học sinh toàn trường này chỉ cần đảm bảo các điều kiện tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo đó, học sinh sẽ nghiêng về chọn môn thi thuộc tổ hợp Khoa học xã hội nhiều hơn.

Bởi lẽ, môn thi Khoa học xã hội được đánh giá là nhẹ nhàng và “dễ thở” hơn môn thi Khoa học tự nhiên. Đó là giải pháp an toàn để tránh bị điểm liệt và đảm bảo hoàn tất điều kiện tốt nghiệp trung học phổ thông dễ dàng hơn.

Đồng tình với ý kiến trên, thầy Nguyễn Văn Thuần - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đồng Lộc (Huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) nhận định: Phân tích trên thực tế, tỉ lệ học sinh khá, giỏi ở các môn tự nhiên và xã hội của nhà trường tương đương nhau. Song, những em không quá giỏi cả về Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thì sẽ chọn thi các môn thuộc tổ hợp Khoa học xã hội để dễ dàng và thuận lợi hơn trong quá trình làm bài thi.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: L.T.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: L.T.

Có thể nói, các bài thi thuộc tổ hợp xã hội gần gũi với cuộc sống, thí sinh có khả năng suy luận tình huống, suy đoán đáp án. Với những học sinh chưa vững kiến thức về các môn Khoa học tự nhiên, việc chọn bài thi Khoa học xã hội không chỉ đạt mục đích tốt nghiệp, mà còn giúp các em vừa có thêm thời gian đầu tư vào các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông bắt buộc và vừa dùng để xét tuyển đại học.

Tương tự, tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ (Nam Định), trong 2 năm trở lại đây, học sinh có xu hướng chọn môn xã hội chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025 có 248 học sinh của nhà trường lựa chọn môn thuộc tổ hợp Khoa học xã hội và 177 học sinh lựa chọn môn thi Khoa học tự nhiên.

Cụ thể hơn, học sinh chọn tổ hợp A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) để xét tuyển đại học từ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ có 78 em. Số học sinh chọn tổ hợp B00 (Toán, Hóa học, Sinh học) là 8 em. Trong khi đó, số học sinh lựa chọn tổ hợp D00 (Toán, Văn, Anh) lên đến 206 em.

Cần giải pháp để cân bằng lại lựa chọn môn lĩnh vực Khoa học tự nhiên

Cùng chia sẻ về vấn đề này, cô Bùi Thùy Linh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thạch Bàn (Hà Nội) cho hay, nhà trường khảo sát có 613 em chọn môn Tiếng Anh, 298 học sinh chọn Vật lý, 181 em chọn môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, 71 thí sinh chọn Hóa học, 19 em chọn Sinh học, 72 em chọn môn Lịch sử, 27 em chọn Địa lý, 2 em chọn Tin học và không có học sinh nào chọn môn Công nghệ.

Về việc lựa chọn tổ hợp để thi xét tuyển đại học, nhà trường có tỷ lệ học sinh sử dụng tổ hợp khối D (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) cao nhất, chiếm 83,7%. Đứng vị trí thứ hai là khối A1 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh) với khoảng 40,7%. Học sinh chọn tổ hợp xét tuyển A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) chỉ có tối đa 71 em, chiếm tỷ lệ 9,6%. Ngoài ra số học sinh chọn tổ hợp khối B00 (Toán, Hóa học, Sinh học) chỉ đạt 19 em với tỷ lệ là 2,5%. Số lượng thí sinh chọn tổ hợp khối C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) cũng tương đối thấp, là 27 em (3,6%).

Ảnh minh họa. Nguồn: Ngọc Mai.
Ảnh minh họa. Nguồn: Ngọc Mai.

Còn theo lãnh đạo của một trường trung học phổ thông khác tại Hà Nội, kết quả khảo sát lựa chọn môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông nằm trong dự đoán của nhà trường. Khi chỉ có 4 môn thi tốt nghiệp (bao gồm 2 bắt buộc và 2 tự chọn), các em học sinh đã chọn môn thi thuộc tổ hợp Khoa học xã hội nhiều hơn.

Giải thích nguyên nhân vì sao rất hiếm thí sinh chọn thi môn Hóa học và Sinh học, vị này cho rằng, nếu các em đăng ký hai môn học trên, học sinh chỉ có một tổ hợp xét tuyển vào đại học là khối B00 truyền thống (Toán, Hóa học, Sinh học). Các tổ hợp khác vẫn có thể xuất hiện ở một số trường đại học sử dụng nhưng hiếm ngành tuyển sinh.

Ngay cả ngành nghề xét tuyển bằng khối B00 cũng không nhiều như khối khác do đa số khối B00 thuộc các lĩnh vực của nhóm ngành Y Dược có điểm chuẩn cao. Vì vậy, chỉ học sinh nào có mục tiêu rõ ràng vào các trường đào tạo lĩnh vực sức khỏe mới chọn khối này.

Ngược lại, thí sinh lựa chọn những môn được nhiều trường đại học xét tuyển nhất là Tiếng Anh và Vật lý. Đó thường là những môn thi có thể ghép được ở hai hay nhiều tổ hợp môn. Điều này giúp gia tăng cơ hội xét tuyển đại học.

Ví dụ, việc chọn môn Tiếng Anh và Vật lý giúp các em xét tuyển được bằng cả hai khối là D01 và A01. Đây cũng là tổ hợp có độ phủ cao tại nhiều trường đại học.

Song, chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng ít học sinh lựa chọn các môn thuộc khối Khoa học tự nhiên để thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học là điều cần tính toán và có giải pháp từ gốc rễ. Chương trình giáo dục phổ thông mới dạy học tích hợp từ bậc trung học cơ sở, trong đó các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học được tích hợp thành một môn. Điều đó đòi hỏi việc đào tạo bài bản giáo viên để đưa vào dạy học tích hợp.

Ảnh minh hoạ sinh viên thuộc lĩnh vực STEM. Nguồn: HUST.
Ảnh minh hoạ sinh viên thuộc lĩnh vực STEM. Nguồn: HUST.

Từ đó, giải pháp này sẽ giúp định hướng các em học sinh một cách bài bản, có sự yêu thích, đam mê, đảm bảo kiến thức nền tảng các môn học tự nhiên ở bậc học dưới. Để khi lên bậc trung học phổ thông, các em không gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn theo học các môn này. Xu hướng chọn môn tự nhiên sẽ tăng và cân đối hơn. Về lâu dài, việc này sẽ giúp xây dựng hài hòa nguồn nhân lực cho các nhóm ngành khoa học cơ bản do nhiều em học sinh thuộc nhóm các môn tự nhiên lựa chọn học tập và nghiên cứu.

Sự cân bằng về tỷ lệ học sinh lựa chọn môn Khoa học tự nhiên còn góp phần đảm bảo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM). Đặc biệt giữa bối cảnh thế giới đang trong thời kỳ bùng nổ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa và trí tuệ nhân tạo như ngày nay, nhu cầu về nhân lực STEM có vai trò quan trọng, tác động rất lớn đến sự phát triển bền vững của quốc gia.

Xu hướng chọn cân bằng giữa môn tự nhiên và xã hội giúp hệ thống giáo dục sẽ đạt được sự phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội hiện đại. Điều này không chỉ hỗ trợ việc phát triển nguồn nhân lực trong các ngành khoa học cơ bản mà còn tạo nền tảng cho những ngành nghề công nghệ cao, kỹ thuật, xây dựng, môi trường và năng lượng – những lĩnh vực đang ngày càng cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số. Nhờ đó, Việt Nam có thể nâng cao vị thế trên bản đồ khoa học thế giới, góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng và phát triển cho xã hội.

Diệu Dương