Mua sách tại trường là lựa chọn an toàn, không lo dính sách giáo khoa giả

21/12/2024 06:58
Triệu Mẫn

GDVN-SGK giả, sách in lậu gây thiệt hại cho tác giả, NXB, làm sai lệch kiến thức của học sinh. Mua SGK tại trường là lựa chọn an toàn, nói “không” với vấn nạn này.

Sách giả, sách lậu là một vấn nạn đang len lỏi trong lĩnh vực giáo dục, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập của học sinh và sự uy tín của các nhà xuất bản. Sách giả, sách lậu thường được in ấn trái phép, không qua kiểm định chất lượng, dẫn đến lỗi sai về nội dung, hình ảnh mờ nhòe và giấy kém chất lượng.

Mua sách tại trường là lựa chọn an toàn, nói “không” với sách giả

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Như Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Đỉnh (Hà Nội) chia sẻ: “Hiện nay, nhà trường đang phối hợp với các đơn vị phát hành sách uy tín thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nên chưa gặp phải tình trạng mua phải sách giả, sách in lậu, hay nhận được phản hồi tiêu cực về vấn đề này.

Nếu không may mua phải sách giáo khoa giả, sách in lậu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nội dung kiến thức mà học sinh tiếp nhận”.

kg3.jpg
Cô Nguyễn Thị Như Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Đỉnh (Hà Nội). Ảnh website trường.

Cùng bàn về vấn đề này, Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông tại Sóc Trăng chia sẻ: “Các bộ sách giáo khoa được sử dụng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói chung, cũng như sách giáo khoa của các trường trung học phổ thông nói riêng, đều đến từ một nguồn cung ứng duy nhất, đó là Công ty Sách - Thiết bị trường học Sóc Trăng.

Mỗi trường sẽ sử dụng các cuốn sách từ những bộ sách khác nhau, do đó, không thể có tình trạng sách từ bên ngoài được đưa vào nhà trường, dù các nhà sách khác có bán những loại đó.

Đối với vấn đề sách giáo khoa, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm và có chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn bằng cách cung cấp sách giáo khoa từ thư viện cho các em. Hằng năm, có khoảng 50% học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ được phát bộ sách giáo khoa miễn phí. Chính vì vậy, ở Sóc Trăng không có tình trạng sách lậu, sách giả”.

Chia sẻ về vấn đề này, cô giáo Đặng Thị Huệ, giáo viên Trường Trung học cơ sở Mộc Lỵ (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) cho biết: “Vấn đề sử dụng sách giáo khoa tại nhà trường đều đã có văn bản chỉ đạo rõ ràng từ các cấp lãnh đạo. Theo tôi, nếu học sinh không đăng ký mua sách tại nhà trường, mà mua ở các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ bên ngoài, khả năng gặp phải sách giáo khoa giả hoặc sách in lậu là rất cao.

Sách từ các nguồn cung không chính thống thường không đảm bảo về chất lượng nội dung, hoặc hình thức như chất lượng in ấn, chất liệu giấy, cách đóng gáy sách... Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập của học sinh, đặc biệt, khi sách không đủ bền để sử dụng suốt năm học”.

Theo cô Huệ, ngay khi bước vào đầu năm học mới, hoặc thậm chí từ cuối năm học trước, Trường Trung học cơ sở Mộc Lỵ đã có kế hoạch tuyên truyền mua sách giáo khoa đến học sinh và phụ huynh một cách rõ ràng, cụ thể. Nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp phối hợp với học sinh để đăng ký sách giáo khoa cho năm học tiếp theo.

Cô Huệ chia sẻ thêm: “Mỗi bộ sách giáo khoa được nhà trường cung cấp đều được công khai giá cụ thể từ các nhà xuất bản chính thống, phù hợp với chương trình học của trường. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Mộc Châu, nhà trường đã làm việc với các nhà cung ứng sách uy tín để đảm bảo chất lượng sách giáo khoa cho học sinh.

Sau khi nhận danh sách từ giáo viên chủ nhiệm, nhà trường tiến hành trao đổi với các nhà cung ứng. Chỉ những nhà cung ứng có tên trong danh sách do Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, mới được phép cung cấp sách, đảm bảo đây là nguồn sách chính thống.

Tại Trường Trung học cơ sở Mộc Lỵ, hầu hết học sinh đều mua sách thông qua nhà trường. Chỉ một số ít trường hợp các em học lại sách từ anh chị hoặc phụ huynh đã mua trước đó, nhưng số lượng không đáng kể”.

Nữ giáo viên cũng chia sẻ thêm: “Trước đây, khi mới triển khai năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp trung học cơ sở, một số phụ huynh vẫn chưa thực sự tin tưởng vào việc nhà trường yêu cầu mua sách giáo khoa tại trường, dẫn đến ban đầu việc triển khai còn nhiều gặp khó khăn.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm học thứ hai, nhà trường đã áp dụng hình thức cho phụ huynh đăng ký, thanh toán trực tiếp với các nhà cung ứng. Cách làm này đã giúp giảm đáng kể những hiểu lầm về việc nhà trường hưởng lợi từ việc bán sách giáo khoa.

Nhà cung ứng có trách nhiệm đảm bảo đủ số lượng sách giáo khoa cần thiết theo đơn đặt hàng của nhà trường. Chẳng hạn, nếu trường cần 300 bộ sách, thì nhà cung ứng phải đáp ứng đầy đủ. Hiện nay, danh mục đăng ký sách tại trường chỉ bao gồm sách giáo khoa, không có sách bài tập nhằm đơn giản hóa, để tránh nhầm lẫn cho phụ huynh”.

Sách giả, sách lậu làm sai lệch kiến thức của học sinh

Trăn trở về vấn nạn sách giả, sách lậu, cô Huệ bày tỏ: “Tôi đã từng gặp trường hợp học sinh mua phải sách giả, sách in lậu từ bên ngoài. Nội dung trong sách giả có sự khác biệt rất lớn so với sách thật. Điều này gây ảnh hưởng rất nhiều tới học sinh. Một bài học trong chương trình có thể được sắp xếp khác hoặc có sự thay đổi trong cách diễn đạt, khiến học sinh nhầm lẫn. Một số từ ngữ trong sách giáo khoa giả có thể khác với sách thật, làm cho ý nghĩa nội dung bài học bị thay đổi.

Có trường hợp, hai học sinh ngồi cùng bàn, một em sử dụng sách giáo khoa thật được cung cấp tại đơn vị cung ứng mà nhà trường kết nối; em còn lại thì dùng sách giáo khoa được mua ở bên ngoài, không đảm bảo chất lượng.

Em học sinh sử dụng sách giáo khoa giả đã thắc mắc: “Cô ơi, sách của em không giống bạn sách của bạn”. Trên thực tế, nếu chỉ quan sát bằng mắt thường ở bên ngoài hai cuốn sách, sẽ rất khó để nhận ra, vì không có sự khác biệt rõ ràng. Tuy nhiên, khi kiểm tra kỹ, sẽ thấy sự khác biệt trong cách diễn đạt nội dung, cách trình bày ở bên trong”.

c0b9ad039ca326fd7fb2.jpg
Cô Đặng Thị Huệ - giáo viên Trường Trung học cơ sở Mộc Lỵ (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Ảnh: NVCC.

Để vấn nạn sách giáo khoa giả, sách in lậu sớm được giải quyết, cô Huệ cho rằng: “Việc tuyên truyền sử dụng sách giáo khoa thật rất quan trọng. Trước đây, khi chưa có quy định cụ thể, việc kiểm soát nguồn sách còn gặp nhiều khó khăn. Sau khi có các quy định mới, nhà trường và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Châu yêu cầu các đơn vị cung ứng sách phải đăng ký và đảm bảo sách phát hành là từ nguồn chính thống.

Công tác tuyên truyền cần được thực hiện bài bản và các thầy cô giáo cần đặc biệt chú trọng việc giáo dục học sinh, giúp các em nhận thức được sự quan trọng của việc sử dụng sách giáo khoa thật, để đảm bảo chất lượng học tập.

Ngoài ra, phụ huynh cần được hướng dẫn cụ thể về sự khác nhau giữa sách giáo khoa thật và sách giáo khoa giả và điều quan trọng là phụ huynh phải được trực tiếp kiểm tra và nhận sách để đảm bảo chất lượng”.

Cùng bàn thêm về giải pháp, cô Quỳnh cho biết: “Nhà nước cần kiểm duyệt chặt chẽ, đảm bảo tất cả sách giáo khoa phát hành trên thị trường đều từ nguồn cung ứng chính thống. Các trường học cũng cần có khuyến cáo rõ ràng đến phụ huynh về việc mua sách từ các nguồn chính thống, đồng thời, cần hướng dẫn cụ thể để phụ huynh và học sinh không gặp khó khăn trong việc lựa chọn sách giáo khoa thật.

Nếu lỡ mua trúng sách giáo khoa giả, sách bị in lậu, chắc chắn nội dung học sinh tiếp nhận sẽ bị sai lệch, dẫn đến ảnh hưởng lớn trong quá trình học tập. Còn đối với các trường, cần đảm bảo chỉ làm việc với những đơn vị phát hành uy tín để tránh gặp phải vấn đề này”.

Triệu Mẫn