Thưởng Tết của giáo viên phụ thuộc vào khả năng "chèo lái" của người quản lý

15/12/2024 06:34
Thuỳ Trang

GDVN - Thưởng Tết tại các trường công lập phụ thuộc vào ngân sách của từng cơ sở. Nếu may mắn còn ngân sách, GV sẽ có thưởng, không thì cũng đành chịu!

Trong không khí Tết cận kề, câu chuyện về thưởng Tết của giáo viên, những người gắn bó với sự nghiệp “trồng người” lại trở thành đề tài được quan tâm.

Trường tư thưởng Tết phụ thuộc vào kết quả kinh doanh

Tại các trường tư thục, thưởng Tết hay lương tháng 13 là điều khá phổ biến. Tuy nhiên, mức thưởng nhiều hay ít lại phụ thuộc vào doanh thu, hiệu quả hoạt động và chính sách riêng của từng cơ sở giáo dục.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đoàn Thị Xuyến, quản lý một cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, mức thưởng Tết tại các trường tư thục không đồng nhất và thay đổi theo từng năm, phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của từng trường.

Doanh thu của trường tư thục là yếu tố quyết định khả năng chi trả lương và thưởng Tết. Nguồn thu chính đến từ số lượng học sinh tuyển sinh, đòi hỏi nhà trường phải có chiến lược thu hút và giữ chân học sinh hiệu quả. Mức học phí và các khoản thu cũng cần được cân nhắc để vừa đáp ứng chi phí vận hành, vừa phù hợp với khả năng tài chính của phụ huynh.

Để duy trì doanh thu ổn định, các trường cần tập trung vào chất lượng giáo dục và dịch vụ, bao gồm đội ngũ giáo viên giỏi, chương trình học tốt, các hoạt động hỗ trợ toàn diện và đặc biệt là cơ sở vật chất hiện đại. Những khoản đầu tư vào phòng học tiện nghi, khu vui chơi an toàn, và các tiện ích hỗ trợ học tập không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn giúp trường thu hút thêm học sinh. Ngoài ra, các trường tư thục còn chịu tác động từ bối cảnh kinh tế - xã hội, như chính sách giáo dục và tình hình kinh tế chung.

Khi doanh thu ổn định, trường mới có thể đảm bảo mức thưởng Tết xứng đáng cho giáo viên, tạo động lực cho các giáo viên gắn bó với trường. Ngược lại, nếu nguồn thu không ổn định, kết quả kinh doanh năm đó không tốt giáo viên ở các trường tư thục khó kỳ vọng nhiều vào khoản thưởng này.

Cô Xuyến cho hay, tại một số trường tư thục có thể không quy định về thưởng Tết và chỉ tặng giáo viên gói quà Tết nhỏ nhưng có chế độ lương tháng 13, có thể là hưởng nguyên một tháng thu nhập (không bao gồm phụ cấp) là khoảng từ 5.000.000 đồng, thậm chí có nơi dư dả hơn có thể thưởng lên đến hàng chục triệu đồng. Một số cơ sở khác áp dụng mức thưởng Tết dựa trên tỷ lệ phần trăm thu nhập thực nhận (khoảng 50-70%), kèm theo khoản tiền thâm niên từ 100.000 đến 200.000 đồng/năm.

468329563_1055689246356187_1591954920208476764_n.jpg
Các học sinh mầm non tại trường của cô Đoàn Thị Xuyến hoạt động trải nghiệm làm cơm lam. Ảnh: NVCC.

Hiện tại trường vẫn chưa có kế hoạch về thưởng Tết cho các giáo viên, dự kiến mức thưởng Tết sẽ như các năm trước bao gồm lương tháng 13 và một phần quà tri ân.

“Mức thưởng trung bình dao động từ 5 đến 5,5 triệu đồng, thấp nhất là 2 triệu đồng. Giáo viên có thâm niên từ 3 năm trở lên sẽ nhận lương tháng 13 từ 5 triệu đồng. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức tiệc tất niên để trao quà, gửi gắm lời tri ân đến các thầy cô”, cô Xuyến chia sẻ

Dù cố gắng duy trì mức thưởng ổn định, cô Xuyến cũng thừa nhận rằng khoản thưởng này phụ thuộc nhiều vào kết quả kinh doanh của cơ sở. Những năm khó khăn, trường phải cân đối tài chính rất chặt chẽ để đảm bảo mọi giáo viên đều nhận được phần thưởng xứng đáng với sự đóng góp của họ.

Trường công cân nhắc tính toán chi tiêu để thưởng Tết cho giáo viên

Còn tại các trường công lập, thực tế không có quy định cụ thể nào về thưởng Tết, quà Tết đối với các cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học. Thưởng Tết tại các trường công lập vẫn là câu chuyện “mỗi nơi mỗi khác”, mức thưởng Tết còn tùy thuộc vào ngân sách của mỗi trường, mỗi địa phương. Nếu may mắn, các thầy cô sẽ được nhận mức thưởng là 1.000.000 - 2.000.000 đồng/giáo viên, còn những năm ngân sách “eo hẹp” các thầy cô chỉ nhận được gói quà Tết 200.000 đồng.

Cô Đ.T.L (tên viết tắt của nhân vật), giáo viên một trường công lập tại quận Hà Đông, Hà Nội bày tỏ: “Nghĩ đến Tết mà buồn, tôi không muốn nhắc đến thưởng Tết. Nhiều ngành nghề khác, kể cả công nhân cũng được thưởng Tết hoặc có lương tháng 13 ở mức cơ bản khoảng 5.000.000 đồng trong khi đối với giáo viên công lập thì những điều này thực sự quá xa vời.

Mức thưởng Tết tại các trường công lập chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách và chính sách của từng cơ sở. Nếu may mắn còn ngân sách, giáo viên sẽ có thưởng, còn không thì năm đó đành chịu!”

Những năm may mắn còn ngân sách để thưởng Tết, mỗi giáo viên cũng nhận được mức thưởng khác nhau dựa trên xếp loại hàng tháng của giáo viên, mỗi xếp loại có mức thưởng khác nhau. Cô Đ.T.L ví dụ mức thưởng là 100.000 đồng/tháng cho loại A và 80.000 đồng/tháng cho loại B… nếu năm đó, giáo viên hoàn thành tốt công việc và được xếp loại A cả 12 tháng thì mức thưởng năm đó nhận được sẽ là 1.200.000 đồng. Năm nào ngân sách tốt, mức thưởng có thể cao hơn lên đến 200.000 đồng/tháng nhưng cũng có năm giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được xếp loại A cả 12 tháng vẫn không được thưởng vì ngân sách không đủ.

Trong 13 năm làm việc, cô Đ.T.L cho biết, số tiền thưởng Tết cao nhất cô từng nhận được là 2.000.000 đồng, thấp nhất là 500.000 đồng. Ngoài khoản tiền thưởng, giáo viên tại trường công lập thường nhận thêm quà Tết từ công đoàn, giá trị khoảng 200.000 đồng nhưng cũng có năm công đoàn cũng không có phần quà này. Hiện tại, nhà trường vẫn chưa có kế hoạch hay thông báo gì về thưởng tết nhưng cô Đ.T.L mong năm nay sẽ có thưởng, dù ít dù nhiều để có thêm chi phí sắm sửa dịp Tết.

Cùng chia sẻ về chủ đề này, cô Trần Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đại Đồng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết năm nay ngân sách của huyện gặp khó khăn nên lương tháng 12 của giáo viên vẫn chưa được cấp đủ. Vì vậy, trường chưa có kế hoạch "thưởng Tết" cụ thể.

“Thực tế, hiện chưa có quy định cụ thể về việc thưởng Tết cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường học. Các trường công lập ở địa phương chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và gần như không có nguồn thu nhập tăng thêm. Sau khi tính toán cân đối tất cả các khoản chi gồm lương, phụ cấp, tập huấn chuyên môn,... nhà trường cũng không còn dư nhiều ngân sách. Tuy vậy, nhà trường vẫn cố có một chút quà để động viên các thầy cô dịp Tết.

Mọi năm, nhà trường cố gắng cân đối để có mức thưởng khoảng 1.000.000 đến 2.000.000 đồng/giáo viên. Bên cạnh đó, công đoàn nhà trường cũng có túi quà trị giá khoảng 500.000 đồng để động viên các cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường. Năm nay, do ảnh hưởng của bão lũ, các khoản học phí được miễn hoàn toàn, ngân sách các trường cũng eo hẹp, chúng tôi thực sự chưa dám nói trước điều gì về thưởng Tết” cô Hằng cho biết.

“Mỗi dịp Tết đến, giáo viên ở khắp nơi đều mong muốn nhận được sự động viên thiết thực để tiếp tục gắn bó với nghề. Tôi rất mong có thêm chế độ thưởng Tết riêng ngoài ngân sách, để các thầy cô giáo dù ở đâu cũng cảm nhận được sự tri ân xứng đáng,” cô bày tỏ.

Những khoản thưởng nhỏ bé cho thấy những giới hạn trong việc cải thiện chế độ đãi ngộ, đã đến lúc cần có những chính sách thiết thực hơn để mang lại niềm vui trọn vẹn cho các giáo viên trong mỗi dịp xuân về. Bởi lẽ, họ không chỉ cần những lời tri ân mà còn xứng đáng nhận được sự động viên về mặt vật chất, như một cách để ghi nhận và khích lệ những người đang âm thầm ươm mầm cho tương lai.

Thuỳ Trang