Rút ngắn 1 năm xét nâng cấp độ đạt KĐCLGD, nhiều hiệu trưởng đánh giá cao

15/12/2024 09:27
LÃ TIẾN

GDVN - Một số hiệu trưởng tại Hải Phòng cho rằng, việc rút ngắn 1 năm đề nghị công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ cao hơn là phù hợp với thực tế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT, Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT và Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Quy định này nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo nhiều trường phổ thông, là cơ sở để các nhà trường đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu; phấn đấu xây dựng đạt kiểm định, đạt chuẩn quốc gia; thực hiện cải tiến chất lượng liên tục và có hệ thống theo yêu cầu mới với mức độ cao hơn.

Hoàn thiện quy định kiểm định chất lượng và công nhận đạt chuẩn quốc gia

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Tô Văn Hoài - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng) nhận định: Để phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT ngày 10/12/2024 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo các Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT, Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT và Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018.

Theo Điều 1 của Thông tư này, trường tiểu học được công nhận kiểm định chất lượng giáo dục, sau ít nhất 1 năm kể từ ngày được công nhận, được đăng ký đánh giá ngoài và đề nghị công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ cao hơn; trường tiểu học được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, sau ít nhất 1 năm kể từ ngày được công nhận, được đăng ký đánh giá ngoài và đề nghị công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (theo khoản 2, khoản 3 Điều 5 của Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT thì thời gian này sau ít nhất là 2 năm).

Như vậy, thời gian được rút ngắn tối thiểu để được công nhận đạt cấp độ, mức độ cao là 1 năm nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương, nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng để không ngừng duy trì và nâng cao chất lượng.

Trên cơ sở những điều kiện đã đạt, các địa phương, nhà trường có điều kiện sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian để sớm đạt được mục đích kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học.

hp-thong-tu-1.jpg
Một tiết học tại Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng). Ảnh: Phạm Linh

Đồng tình với quan điểm này, cô Bùi Tố Nhân - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Vĩnh Niệm (quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) cho hay: Về tiêu chuẩn đánh giá, Thông tư mới giảm thời gian 1 năm so với quy định trước đây để nếu nhà trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ thấp thì sau ít nhất 1 năm (quy định trước đây là 2 năm) kể từ ngày được công nhận được đăng ký đánh giá ngoài và đề nghị công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ cao hơn. Quy định này tạo động lực cho địa phương, nhà trường đẩy nhanh tiến độ đầu tư nguồn lực và tập trung thực hiện cải tiến, nâng cao chất lượng.

Theo cô Nhân, việc giảm thời gian 1 năm so với quy định trước đây khá hợp lý, tạo cơ hội cũng như điều kiện hết sức thuận lợi cho các nhà trường có thể tiếp tục tập trung thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ cao hơn nhằm khẳng định thương hiệu nhà trường bằng cách chú trọng cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục.

hp-thong-tu-2.jpg
Cô Bùi Tố Nhân - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Vĩnh Niệm. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Vĩnh Niệm, muốn làm được như vậy, nhà trường cần có 1 lộ trình, chiến lược phát triển cũng như các kế hoạch dài hơi nhằm xác định các giai đoạn thực hiện nhiệm vụ đồng thời phải làm tốt công tác tham mưu đối với lãnh đạo địa phương nhằm tập trung đầu tư các nguồn lực cho nhà trường (cơ sở vật chất, con người...). Đặc biệt đối với kiểm định chất lượng ở cấp độ cao hơn rất cần tới sự đầu tư nhân sự, bồi dưỡng giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường.

Là cơ hội nhưng cũng là thách thức đòi hỏi các trường không ngừng đổi mới

Theo đánh giá, Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT được ban hành sẽ tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý, chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước và trong thực hiện của cơ sở giáo dục, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi nhiều địa phương đã và đang thực hiện sáp nhập các trường học thành trường phổ thông có nhiều cấp học.

Điểm mới đáng chú ý ở Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT là sửa đổi quy định về tiêu chuẩn đánh giá cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ở các cấp học (Tiêu chuẩn 3) để thống nhất với quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất, phòng học bộ môn, thư viện của cơ sở giáo dục. Trong đó, quy định cụ thể tiêu chuẩn đánh giá đối với trường phổ thông có nhiều cấp học. Quy định này nhằm đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, mang lại quyền lợi cho học sinh.

Với quy định ở Tiêu chuẩn 3, các nhà trường sẽ phải làm tốt công tác tham mưu để có được sự quan tâm, vào cuộc của địa phương trong đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường nói riêng và ngành giáo dục nói chung.

GDVN_hp-th-an-hong-.jpg
Học sinh Trường Tiểu học An Hồng trong giờ Toán (Ảnh: LT)

Cô Đỗ Thị Thanh Đượm - Hiệu trưởng Trường tiểu học An Hồng (An Dương, Hải Phòng) khẳng định: Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung về bộ tiêu chuẩn đánh giá trên cơ sở kịp thời thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như: Tiêu chuẩn quy định về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quy định về thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo phân cấp.

Do đó, việc sửa đổi đã tạo thuận lợi hơn cho quá trình thực hiện trong thực tế của cơ sở giáo dục, tạo động lực cho địa phương, nhà trường đẩy nhanh tiến độ đầu tư nguồn lực và tập trung thực hiện cải tiến nâng cao chất lượng, nhất là trong giai đoạn cả nước thực hiện đề án điều chỉnh, sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính từ cấp xã, phường.

“Ví dụ về tiêu chuẩn đánh giá, Thông tư mới sửa đổi Khoản 2, Khoản 3, Điều 5 về giảm thời gian 1 năm so với quy định trước đây, nếu nhà trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ thấp thì sau ít nhất 1 năm (quy định trước đây là 2 năm) kể từ ngày được công nhận, sẽ được đăng ký đánh giá ngoài và đề nghị công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ cao hơn.

Với nhà trường, tiêu chuẩn khó đạt nhất trong kiểm định chất lượng giáo dục là cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên. Hiện nay, do sắp xếp lại đơn vị hành chính và sáp nhập, việc đầu tư nguồn ngân sách cho các nhà trường ngày càng được quan tâm và đầu tư tập trung. Vì vậy, điểm mới trong Thông tư 22 sẽ là căn cứ để nhà trường xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng một cách tích cực, tham mưu cấp trên sớm đầu tư nâng chuẩn”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hồng nhận định.

Cô Đỗ Thị Thanh Đượm cũng cho biết thêm, tại Trường Tiểu học An Hồng, năm 2020, nhà trường được công nhận trường chuẩn Quốc gia mức II. Tuy nhiên, dãy nhà ăn bán trú được sử dụng từ dãy lớp học và cải tạo thành nhà ăn bán trú, thời điểm đó đã đảm bảo yêu cầu cơ bản, tối thiểu của tiêu chí đạt kiểm định chất lượng cấp độ 3.

Từ 01/01/2025, khi xã An Hồng sáp nhập quận Hồng Bàng, địa phương đã có kế hoạch xin nguồn đầu tư ngân sách xây dựng khu nhà ăn bán trú mới với thiết kế hiện đại bếp ăn một chiều, phòng ăn, phòng ngủ khép kín trong một khu nhà 3 tầng. Đồng thời, cải tạo lại khu nhà ăn bán trú cũ thành khối phòng phục vụ học tập với đầy đủ trang thiết bị phục vụ dạy học.

Phòng thư viện, phòng thiết bị tại thời điểm kiểm tra chưa là thư viện điện tử, thư viện số. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, có thể xin nguồn đầu tư ngân sách để lắp đặt hệ thống thư viện điện tử cùng với nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường để xây dựng thư viện số. Như vậy, tiêu chí thuộc tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học có thể đáp ứng kiểm định chất lượng mức IV.)

Về trình độ của đội ngũ giáo viên, căn cứ điểm mới của Thông tư 22, nhà trường có kế hoạch cụ thể hơn trong việc thúc đẩy, tạo điều kiện cho giáo viên học nâng chuẩn, chia làm các giai đoạn phù hợp.

Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hồng, việc sửa đổi một số điểm trong Thông tư 22 vừa là động lực nhưng cũng vừa là thách thức đối với các nhà trường, đòi hỏi nhà trường mà người đứng đầu là hiệu trưởng phải không ngừng đổi mới, không ngừng vận động, làm hết trách nhiệm để có các biện pháp, có sự tham mưu tích cực, quyết liệt trong cải tiến chất lượng, nâng mức độ đạt chuẩn của trường.

Cùng với đó Thông tư 22 cũng là căn cứ đặc biệt thúc đẩy được sự tham gia, quan tâm mạnh mẽ của địa phương trong việc đầu tư và xin nguồn đầu tư ngân sách cho xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại.

GDVN_hp-th-an-hong-1.jpg
Việc rút ngắn 1 năm đề nghị công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ cao hơn là phù hợp với thực tế (Ảnh: LT)

Trong khi đó, thầy Tô Văn Hoài cho biết, Trường Tiểu học Trần Văn Ơn đã được đánh giá ngoài và đề nghị công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục và trường đạt chuẩn quốc gia vào tháng 11/2024.

Qua kết quả tự đánh giá và kết quả đánh giá ngoài, nhà trường đã xác định được điểm mạnh, điểm yếu và xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng; Phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu của các tiêu chuẩn: Tổ chức và quản lý nhà trường; Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; Hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục, được nhà trường quyết tâm hoàn thành kế hoạch trong năm học 2024-2025.

Tuy nhiên, theo thầy Hoài, khó khăn nhất của trường là khắc phục điểm yếu về cơ sở vật chất. Trường Tiểu học Trần Văn Ơn đã tích cực tham mưu với các cấp lãnh đạo của quận Hồng Bàng và đã được sự quan tâm, đầu tư xây dựng dãy nhà lớp học 3 tầng và các hạng mục phụ trợ, sửa chữa một số phòng học, phòng chức năng với tổng giá trị 22.637.705.000 đồng từ tháng 12/2024, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 9/2025 (khai giảng năm học mới 2025-2026).

Như vậy, trong vòng 1 năm, nhà trường đã hoàn thành kế hoạch cải tiến chất lượng sau tự đánh giá và đánh giá ngoài về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường chuẩn quốc gia.

“Với kết quả trên, chúng ta thấy được việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT là hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay và tạo động lực cho địa phương, nhà trường đẩy nhanh tiến độ đầu tư nguồn lực và tập trung thực hiện cải tiến nâng cao chất lượng, đáp ứng được mục tiêu của của trường tiểu học, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn nhấn mạnh.

LÃ TIẾN