Đơn vị sử dụng lao động chia sẻ yếu tố cần có ở sinh viên ngành Quan hệ quốc tế

23/12/2024 06:19
Thu Thuỷ

GDVN - Theo PGS.TS Trịnh Thị Định, SV ngành Quan hệ quốc tế chưa nên kỳ vọng vào một công việc chuyên biệt ngay, bởi nhiều tổ chức có thể yêu cầu đa dạng nhiệm vụ.

Trước bối cảnh hội nhập quốc tế, ngành Quan hệ quốc tế ngày càng thu hút sinh viên nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp đa quốc gia.

Nguyên nhân giúp ngành Quan hệ quốc tế thu hút sinh viên theo học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khánh Linh - Khoa trưởng Khoa Quốc tế, Đại học Huế nhận định, ngành Quan hệ quốc tế là một ngành đa ngành, kết hợp nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, lịch sử và xã hội. Ngành này đặc biệt phù hợp với những bạn trẻ yêu thích sự năng động, thích tìm hiểu về các vấn đề quốc tế và có mong muốn tham gia vào các công việc có tính chất liên ngành.

Web_ C Linh.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khánh Linh - Khoa trưởng Khoa Quốc tế, Đại học Huế.
(Ảnh: Website nhà trường)

Theo cô Linh, thực tế, nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực liên quan đến Quan hệ quốc tế đang tăng cao, từ các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ đến các công ty đa quốc gia.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp ngành Quan hệ quốc tế thu hút sinh viên là chất lượng đào tạo tiên tiến. Cụ thể, nhà trường luôn chú trọng cập nhật chương trình học để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Trong đó, chương trình thường tập trung vào 3 yếu tố: Kiến thức lý thuyết và thực hành; kỹ năng mềm; các chương trình trao đổi sinh viên và hợp tác với các trường đại học quốc tế.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của ngành Quan hệ quốc tế, cô Linh cho biết, việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên là nhiệm vụ hàng đầu. Đội ngũ giảng viên chất lượng cao cần có chuyên môn sâu, kinh nghiệm thực tế và khả năng truyền đạt tốt. Đặc biệt, những giảng viên từng làm việc trong các tổ chức quốc tế hoặc nghiên cứu sâu về các vấn đề toàn cầu sẽ mang lại góc nhìn mới cho sinh viên.

“Về phía sinh viên, các bạn cần nắm vững kiến thức chuyên môn để có thể xử lý những vấn đề phức tạp liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó, khả năng ngoại ngữ sẽ là yếu tố quan trọng để giao tiếp hiệu quả trong công việc. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, khả năng thích nghi và sự linh hoạt là yêu cầu không thể thiếu, giúp sinh viên nhanh chóng hòa nhập và phát triển trong môi trường làm việc quốc tế.

Tuy nhiên, hiện nay, khi nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành này khiến sự cạnh tranh giữa các trường tăng cao. Điều này đòi hỏi các trường đại học phải liên tục cải thiện chất lượng giảng dạy và xây dựng uy tín thông qua việc tăng cường kết nối với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, giúp sinh viên có cơ hội thực tập và làm việc thực tế. Thêm vào đó, các chương trình đào tạo cần được điều chỉnh thường xuyên để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động”, Khoa trưởng Khoa Quốc tế, Đại học Huế bày tỏ.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Quan hệ quốc tế có thể kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ

Chia sẻ về tình hình việc làm của ngành Quan hệ quốc tế, bà Nguyễn Thị Ly - Phó Chánh văn phòng, Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực này đang tăng cao, đáp ứng xu hướng hội nhập và hợp tác quốc tế.

Tuy nhiên, để có cơ hội việc làm tốt, bà Ly chỉ rõ những yêu cầu mà sinh viên ngành Quan hệ Quốc tế cần đáp ứng để cạnh tranh trong thị trường lao động.

KT3(1).jpg
Bên cạnh yêu cầu kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nhà tuyển dụng còn đánh giá ứng viên ở thái độ làm việc. (Ảnh minh hoạ: Website Khoa Quốc tế, Đại học Huế)

Thứ nhất, sinh viên cần phải trau dồi nhiều kỹ năng quan trọng như nghiệp vụ lễ tân, khả năng xử lý tình huống và kỹ năng giao tiếp. Bởi các bạn đều là những người trẻ, việc để xảy ra những sai sót trong quá trình làm việc là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu thái độ nghiêm túc và khéo léo, các bạn sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Đơn cử một người dù có trình độ tiến sĩ nhưng do thái độ lạnh lùng và thiếu tinh thần hợp tác đã bị loại ngay trong phòng phỏng vấn. Trong khi đó, một ứng cử viên trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm nhưng thái độ tốt, cầu tiến trong công việc sẽ dễ được cho cơ hội thử sức. Do đó, ngoài trình độ chuyên môn, thái độ và kỹ năng giao tiếp trong môi trường làm việc đa văn hóa, giao thoa giữa nhiều nền tảng khác nhau, sẽ quyết định đến sự thành công của một cá nhân trong ngành này.

Thứ hai, sinh viên cần có sự hiểu biết sâu rộng về kinh tế, chính trị và xã hội. Đây không chỉ là đòi hỏi của những bài phỏng vấn mà còn là yêu cầu thiết yếu trong quá trình làm việc. Bởi những sinh viên không biết thông tin cơ bản về địa phương như số dân, cơ cấu chính quyền hay thậm chí là tên lãnh đạo tỉnh phụ trách lĩnh vực đối ngoại thì sẽ rất khó để nhà tuyển dụng hài lòng. Do đó, trước khi nộp đơn ứng tuyển vào một vị trí nào đó, sinh viên phải có ý thức tìm hiểu về đơn vị đó, bao gồm các lĩnh vực kinh doanh, đối thủ cạnh tranh và các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Như vậy, sinh viên có thể tìm kiếm được một công việc phù hợp và tăng cơ hội trúng tuyển.

Thứ ba, do tính chất đối ngoại, sinh viên ngành Quan hệ quốc tế cần đầu tư thời gian và công sức cho 1-2 ngoại ngữ khác và trau dồi khả năng dịch thuật. Bởi trong lĩnh vực đối ngoại, yếu tố ngôn ngữ không chỉ là một lợi thế mà còn là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, để phân tích và giải quyết các vấn đề quốc tế một cách chính xác và hiệu quả, sinh viên cần trau dồi thêm kiến thức để hiểu về văn hoá của từng quốc gia, từ đó dễ dàng xây dựng các mối quan hệ đối ngoại tốt đẹp.

Thứ tư, ngoài những kỹ năng chuyên môn, sinh viên ngành Quan hệ quốc tế cần chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng hòa nhập vào môi trường làm việc quốc tế và đối diện với những thử thách mang tính toàn cầu. Bởi, trong lĩnh vực đối ngoại, những vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội luôn mang tính thời sự đòi hỏi những người làm việc trong ngành này phải linh hoạt, sáng tạo và luôn cập nhật thông tin mới.

“Theo tôi, ngành Quan hệ quốc tế không chỉ giúp sinh viên có cơ hội phát triển nghề nghiệp mà còn mang lại những trải nghiệm thú vị, giúp các bạn hiểu thêm về các nền văn hóa, tăng khả năng giao tiếp và phát triển bản thân. Tuy nhiên, ngành học cũng đòi hỏi sinh viên cần đầu tư thời gian và công sức để nâng cao kiến thức, kỹ năng giao tiếp, khả năng ngoại ngữ và sự hiểu biết về chính trị, kinh tế và các lĩnh vực của đời sống xã hội”, Phó Chánh văn phòng, Sở Ngoại vụ thành phố Huế bày tỏ.

Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Định - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển xã hội (CSRD) tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, ngành Quan hệ quốc tế là một lĩnh vực đào tạo có tiềm năng lớn trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Định, sinh viên tốt nghiệp ngành Quan hệ quốc tế thường được định hướng làm việc trong các cơ quan đối ngoại, viện nghiên cứu hoặc doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành này không chỉ gói gọn trong việc nghiên cứu lịch sử quan hệ quốc tế, ngoại giao hay các vấn đề khu vực. Nhiều sinh viên ngành này có thể đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, từ các tổ chức phi chính phủ đến các tổ chức quốc tế hoặc doanh nghiệp liên quan đến giao thương quốc tế.

z5650851605312_32870f3a9302ea6558fc7871f888b96a.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Định - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển xã hội (CSRD) tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh: Website Hội Chủ rừng Phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế)

“Đơn vị tôi đang công tác là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận - nơi tiếp nhận và triển khai các dự án từ tổ chức nước ngoài cho cộng đồng. Do đó, các bạn sinh viên được yêu cầu làm rất nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ biên dịch tài liệu, giao tiếp với cộng đồng, làm báo cáo đến tổ chức các hoạt động dự án. Đây là minh chứng rõ nét cho việc sinh viên Quan hệ quốc tế cần phải linh hoạt và sở hữu nhiều kỹ năng tổng hợp để đáp ứng được nhu cầu công việc”, bà Định chia sẻ.

Bà Định nhấn mạnh, ngoài kiến thức nền tảng chuyên ngành, sinh viên cần có khả năng ngoại ngữ tốt, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và làm việc với cộng đồng. Những kỹ năng này đặc biệt quan trọng trong môi trường đa văn hóa. Ngoài ra, khả năng sử dụng công nghệ cũng dần trở thành yêu cầu cơ bản. Trong một số trường hợp, nhân sự cần thực hiện các công việc liên quan đến dịch thuật, viết báo cáo bằng tiếng Anh và đáp ứng các yêu cầu từ nhà tài trợ quốc tế. Do đó, nếu không am hiểu về khả năng khai thác công nghệ thông tin một cách hiệu quả, nhân sự làm trong ngành này rất khó để đảm đương công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

"Tôi nhận thấy, nhiều bạn sinh viên ra trường mong muốn được làm một công việc chuyên biệt trong tổ chức. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tổ chức sẽ yêu cầu các bạn phải làm đa dạng các nhiệm vụ, từ hành chính, dự án đến các công việc cụ thể như tổ chức hội thảo hay thậm chí làm việc với lái xe để hỗ trợ các dự án cộng đồng. Do vậy, tôi cho rằng, sinh viên không nên kỳ vọng ngay vào những công việc đòi hỏi chuyên sâu. Thay vào đó, trong giai đoạn đầu sau khi tốt nghiệp, các bạn sinh viên nên coi những công việc do tổ chức giao là nhiệm vụ để bản thân tích lũy kinh nghiệm và phát triển kỹ năng", bà Định nêu quan điểm.

“Tôi luôn khuyến khích các bạn sinh viên ngành Quan hệ quốc tế nên tận dụng thời gian học tập để trau dồi ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, vì đây là yếu tố quan trọng khi làm việc trong môi trường quốc tế. Bên cạnh đó, các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và sự linh hoạt trong công việc cũng rất cần thiết.

Ngoài ra, các bạn nên tham gia một câu lạc bộ nghiệp vụ tại trường và các hoạt động thực tế như thực tập tại các tổ chức hoặc doanh nghiệp. Bởi trong quá trình cọ xát, sinh viên vừa có thể làm quen với môi trường làm việc, vừa tạo cơ hội để phát triển kỹ năng và xây dựng mối quan hệ trong công việc.

Đặc biệt, các bạn trẻ cần chuẩn bị tinh thần cho những công việc có thể chưa hoàn toàn phù hợp với mong muốn ban đầu. Ở các tổ chức nhỏ, nhân sự thường phải đảm nhận nhiều vai trò khác nhau nhưng nếu làm tốt từ những việc nhỏ, các bạn sẽ ngày càng phát triển năng lực và mở ra nhiều cơ hội trong tương lai gần”, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển xã hội (CSRD) tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ.

Thu Thuỷ