Rét thấu xương, nhiều trẻ mầm non vùng cao thiếu áo ấm, ngủ trưa không có đệm

21/12/2024 06:56
Mạnh Đoàn

GDVN - Nhiệt độ có nơi xuống 3 độ C, nhiều trẻ đến trường chân không đi tất, áo mặc phong phanh, mũi sụt sùi khiến giáo viên không khỏi xót xa. 

Thời tiết miền Bắc những ngày qua có nền nhiệt độ xuống khá thấp, những tỉnh vùng cao như Hà Giang, Lai Châu... nhiệt độ thấp nhất từ 3-7 độ. Với thời tiết giá rét, có những trẻ mầm non vẫn thiếu đồ ấm để giữ nhiệt, lớp học thiếu đệm, chăn cho trẻ nằm ngủ.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Xuyến (giáo viên điểm trường mầm non Pờ A, Trường mầm non Sủng Trái, Mèo Vạc ) cho hay, nếu như năm học trước điểm trường có một lớp học và 3 cái đệm được nhà trường xin từ các mạnh thường quân, thì năm học này thêm một lớp nữa nhưng vẫn chỉ số đệm trên, cùng bốn cái chăn.

Thời tiết những ngày rét buốt, nhiệt độ xuống thấp nhất 3 độ C, khiến cô Xuyến không cầm được lòng khi nhìn các trẻ co ro.

"Hôm vừa rồi, tôi vừa xin được thêm 5 cái chăn nỉ cho học sinh đắp và ngay sau đó tôi đã chở chăn vào lớp. Hiện tại, điểm trường chỉ có 3 cái đệm cho 43 học sinh ngủ, nên vẫn đang thiếu. Lớp rộng, có thể đủ kê cho 6 cái đệm.

Trong lớp có một trẻ bị khuyết tật, ngủ trưa là bé này đái dầm lại ướt đệm. Giáo viên chỉ biết mang phơi, khô được chút nào hay chút đó", cô Xuyến chia sẻ.

gdvn_tre-mam-non-vung-cao-thieu-chan-am-ao-quan (1).jpg
Ba chiếc đệm mỏng, cũ sờn, là nơi nằm ngủ trưa của 43 trẻ. (Ảnh: NVCC)

Lớp của cô Xuyến gồm 23 trẻ, từ 3 đến 5 tuổi. Nhiều trẻ có hoàn cảnh khó khăn và bố mẹ đi làm ở xa nên các cháu không được quan tâm.

Bên cạnh những khó khăn nêu trên, đường dây điện kéo về điểm trường bị đứt, khiến cô và trò không có điện sử dụng trong hơn hai tháng nay.

"Về phía lãnh đạo thôn nói, nếu mua dây điện phải hết hơn 3 triệu đồng nên thôn không có", cô Xuyến chia sẻ.

Không điện, buộc giáo viên đun nước sôi bằng bếp gas mini để tích trữ trong phích. Nước nóng được dùng để pha nước ấm cho bé uống hoặc pha nước ấm rửa cho trẻ đi vệ sinh.

Để xua tan sự giá buốt, giáo viên lấy than củi cho vào một cái nồi cho trẻ sưởi.

Có những hôm trẻ đến lớp, mũi đỏ, nước mũi chảy, hay có bé thì đi dép tổ ong không đeo tất, nhìn thấy cảnh này, cô Xuyến chỉ biết than: "Khổ thật đấy".

gdvn_tre-mam-non-vung-cao-thieu-chan-am-ao-quan (5)2.jpg
Trẻ không đi tất và đi dép tổ ong đến trường, có bé bị sổ mũi do thời tiết lạnh. (Ảnh: NVCC)

"Mấy hôm trời mưa rét, chân của các con đầy bùn đất do đi bộ đến lớp, cô giáo lấy khăn để lau mà không có tất để lau, trẻ bị đỏ hết chân. Như năm ngoái, tôi gom tất, mũ, áo... của con nhà tôi để cho học sinh", cô Xuyến nhớ lại.

Bên cạnh khó khăn, thiếu thốn trên, ở Mèo Vạc vào mùa đông là mùa khô, cũng không có nước. Tại điểm trường Pờ A, giáo viên đã kêu gọi mỗi phụ huynh ủng hộ 20 lít nước.

Giảng dạy gặp khó khăn về điều kiện sống, giáo viên còn có những khó khăn về việc đi lại, giao tiếp với trẻ khi trẻ nói tiếng dân tộc thiểu số.

gdvn_tre-mam-non-vung-cao-thieu-chan-am-ao-quan (3).jpg
Các trẻ lớp cô Xuyến ngồi sưởi ấm bên than củi. (Ảnh: NVCC)

Theo cô Lường Thị Săm (giáo viên điểm trường mầm non xã Hồng Thu, Sìn Hồ, Lai Châu), nhà trường hỗ trợ cho mỗi lớp một đến ba quạt sưởi bằng điện và được sử dụng trong nhiều năm qua, như lớp của cô Săm là có ba quạt sưởi được bật cả ngày.

Chia sẻ về những khó khăn của cô, trò vùng cao, cô Săm cho hay, có những ngày trời mưa rét, cô nhìn thấy trẻ được anh chị đưa đến lớp trong bộ dạng ướt như "chuột lột", quần áo xin được từ các mạnh thường quân, cô lấy mặc cho các cháu. Hay có những hôm trời rét căm căm nhưng trẻ chỉ mặc áo cộc tay đến lớp.

"Nhiệt độ có hôm 7 độ. Năm nay rét muộn, nhiệt độ có thể còn thấp hơn nữa", cô Săm lo lắng.

Theo cô Săm, thời tiết lạnh giá, có hôm cả chục em nghỉ học. Chương trình giảng dạy cũng bị ảnh hưởng do thời tiết giá lạnh, theo đó mỗi tuần có một buổi học thể dục ngoài trời nhưng trời rét, trẻ được cho học ở trong nhà.

"Thời tiết rét buốt, giáo viên phải vượt qua nhiều khó khăn như đun nước sôi bằng ấm siêu tốc và cho vào bình ủ, để rửa vệ sinh cho trẻ. Bên cạnh đó, như tôi ở nhà xa phải dạy từ 5 rưỡi để đến trường, có hôm đến bữa trưa cô giáo ăn vội gói mỳ tôm để cho trẻ đi ngủ", cô Săm cho hay.

Về hoàn cảnh gia đình của các bé, cô Săm chia sẻ, hầu hết các phụ huynh đều đi làm xa nhà, con trẻ được gửi cho ông bà chăm nom.

Cô Đỗ Thị Trang (giáo viên điểm trường mầm non Nà Sla, Trường mầm non Thạch Đàn, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) cho hay, từ nhà cô đến điểm trường cách khoảng 15 cây số, nhưng đường đến trường bị xuống cấp khiến cho quãng đường trở nên xa hơn.

Phụ huynh của trẻ thường đi làm ăn xa, trẻ ở với ông bà, khi trẻ đến trường thì ăn mặc sơ sài, không đủ ấm. Thời tiết ở địa phương những ngày qua dao động quanh10 độ C.

"Lớp của tôi có 1 trẻ thuộc diện hoàn cảnh hộ nghèo, 3 trẻ là hộ cận nghèo, các trẻ đều là dân tộc Nùng. Đời sống kinh tế của người dân địa phương còn nhiều khó khăn. Tôi cũng mong các con được hỗ trợ để mùa đông bớt lạnh giá", cô Trang chia sẻ.

Mạnh Đoàn