Sinh viên Trường ĐH Phenikaa giành giải Nhất của Giải thưởng Euréka năm 2024

18/12/2024 09:10
Mạnh Dũng

GDVN-Hoàng Gia Chúc đánh dấu cột mốc đáng nhớ của mình sau khi “rẽ hướng” ngành học, với giải Nhất tại Giải thưởng Sinh viên NCKH Euréka Lần thứ 26 năm 2024.

Hoàng Gia Chúc (27 tuổi), sinh ra và lớn lên tại tỉnh Phú Thọ, hiện đang là sinh viên năm cuối ngành Công nghệ vật liệu, khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường Đại học Phenikaa.

Mới đây, nam sinh này đã xuất sắc giành giải Nhất (lĩnh vực vật lý) tại Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka lần thứ 26 năm 2024. Đây là lĩnh vực lần đầu tiên xuất hiện trong giải thưởng Euréka sau 25 năm tổ chức.

ad-4nxdxfqt1eztpvfypdwyaugtahzj9ddexurij2zczboexh7r1a-jrttv8f-vf2cjax8qxgj8gwteughlwycandb30mpxir0bfqnuig2rafjuqy9khnqsejvlrq3ldmyyiobqgj-lsza-6585.png

Bén duyên với đam mê nghiên cứu và quyết định “rẽ hướng” ngành học

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nam sinh Hoàng Gia Chúc cho biết, bản thân không khỏi bất ngờ khi chạm tay vào giải thưởng cao nhất ở lĩnh vực vật lý của cuộc thi.

“Các đề tài lọt vào vòng chung kết đều rất xuất sắc, tôi cảm thấy khá bất ngờ và may mắn khi giành được giải Nhất. Đây là động lực để tôi cố gắng hơn đối với lĩnh vực nghiên cứu trong tương lai”, Gia Chúc hào hứng chia sẻ.

Gia Chúc chia sẻ, anh từng theo học ngành Công nghệ thông tin tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội) trước khi quyết định chuyển hướng qua ngành Công nghệ vật liệu tại khoa Khoa học và Kỹ thuật vật liệu (Trường Đại học Phenikaa).

Nói về quyết định chuyển hướng của mình, Gia Chúc lý giải, trước đây anh dành rất nhiều thời gian để trải nghiệm môi trường học tập và khai phá niềm đam mê của bản thân.

“Khi còn là sinh viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi khá đắn đo về việc định hướng công việc trong tương lai. Năm 2020, tôi tình cờ biết tới ngành Công nghệ vật liệu tại Trường Đại học Phenikaa qua Internet và được biết nhóm ngành Vật liệu cũng đang đòi hỏi một nguồn nhân lực lớn để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Lúc này, tôi mới nhận ra bản thân thực sự muốn gì… Với đam mê khoa học công nghệ và muốn trải nghiệm trong việc nghiên cứu, tôi đã quyết định thử sức với lĩnh vực mới và ghi danh trở thành sinh viên ngành Công nghệ vật liệu”, Chúc cho hay.

Bật mí về cơ duyên đến với giải thưởng lần này, Gia Chúc cho biết, anh biết tới giải thưởng thông qua những cuộc trò chuyện, trao đổi với những sinh viên khóa trên đã có công trình nghiên cứu và tham gia vào giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka lần thứ 25. Chính những chia sẻ đó đã gieo trong anh niềm đam mê mãnh liệt “phải tham gia thử một lần”.

Đến năm 2024, nam sinh quyết định tham gia giải thưởng, với tinh thần giao lưu, học hỏi và cũng để thử thách bản thân.

Được biết, nhóm nghiên cứu của Chúc gồm 18 thành viên bao gồm cả sinh viên, cao học và nghiên cứu sinh. Trong đó, các thành viên sẽ cùng thử nghiệm để tìm ra những vật liệu thích hợp nhất cho nghiên cứu.

Nghiên cứu của Chúc có tên “Tổng hợp bột phosphor ZnO/ZnS pha tạp ion Mn2+ nhằm ứng dụng trong điốt phát quang ánh sáng trắng”. Đây là một phần trong định hướng nghiên cứu “Chiếu sáng vì con người” với mong muốn chế tạo nguồn sáng phù hợp với nhịp sinh học của con người. Trong đó, nghiên cứu của nam sinh này đã tìm ra nguồn ánh sáng có thể mô phỏng trong ánh sáng mặt trời, với vật liệu chiếu sáng khoảng 400-800 bước sóng.

Để có được thành công hiện tại, nam sinh đã trải qua quá trình kéo dài 2 năm liên tục để hoàn thiện nghiên cứu.

“Ở những năm trước, các thí sinh có thể đăng kí tham gia nghiên cứu mà không phải tham dự vòng loại. Tuy nhiên, giải thưởng năm 2024 có thêm vòng loại từ cấp khoa tới cấp trường cùng số lượng thí sinh đăng kí khá đông. Vì vậy, con đường chinh phục giải thưởng của tôi cũng gặp nhiều thử thách hơn”, Chúc chia sẻ thêm.

Bí quyết chinh phục khó khăn là tinh thần không bỏ cuộc

Gia Chúc cho biết, ngay trong khoảng thời gian đầu tiến hành nghiên cứu, anh đã gặp không ít những khó khăn.

“Thời điểm bắt đầu nghiên cứu, tôi khá loay hoay với đề tài và định hướng do chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức còn hạn chế. Vì vậy, để nắm được nghiên cứu có tính ứng dụng và định hướng ra sao, tôi đã mất một khoảng thời gian dài để tìm hiểu cũng như trao đổi với giảng viên hướng dẫn”, anh bộc bạch.

Nam sinh cho biết, anh đã thực hiện thí nghiệm với nhiều vật liệu khác nhau nhằm thử nghiệm và thu thập kết quả nghiên cứu vào các năm 2021 và 2022. Tuy nhiên, những thí nghiệm này đều chưa thu được kết quả như mong đợi. Đến với những nghiên cứu tại giải thưởng lần này, Chúc đã gặp phải khó khăn tương tự.

“Việc phải tối ưu quy trình cũng như các thông số để lần thực nghiệm sau có độ lặp lại tốt nhất là thách thức lớn đối với tôi. Trong khi đó, việc đo đạc, thu thập số liệu bị hạn chế, do đòi hỏi yêu cầu cao từ thiết bị, máy móc. Vì vậy, tôi đã có tới hơn 10 lần thử nghiệm mới có thể ra được kết quả như mong muốn…

Vào những ngày thực hành thí nghiệm, tôi thường phải đến trường từ 6 giờ sáng cho tới khoảng 10 giờ tối. Ngoài ra, khác với các nghiên cứu trong điều kiện không khí thông thường, các thí nghiệm của tôi diễn ra trong môi trường đặc biệt với nhiều rủi ro tiềm ẩn. Vì vậy, nhằm đảm bảo an toàn nghiên cứu, có những ngày, tôi phải ở lại trường để theo dõi các thiết bị thí nghiệm cho tới 1 giờ sáng hôm sau” - Gia Chúc nhớ lại.

Mặc dù có rất nhiều khó khăn, song, với sự đồng hành từ các giảng viên hướng dẫn, các thành viên trong nhóm nghiên cứu và sự quyết tâm cao độ, nam sinh Hoàng Gia Chúc đã vượt qua tất cả để chinh phục mục tiêu đặt ra.

Chúc tâm sự: “Cũng có khá nhiều thời điểm, nghiên cứu của tôi tưởng chừng đi vào “ngõ cụt”, khiến tôi chán nản, thậm chí stress và dường như có cảm giác muốn từ bỏ tất cả.

Tuy nhiên, với quyết tâm cao độ, tôi đã cố gắng sắp xếp thời gian, năng lượng để chinh phục khó khăn của bản thân.

Hằng ngày, tôi tìm hiểu thông tin từ các bài báo khoa học cùng các tài liệu được giảng viên chia sẻ; cùng với đó, tôi cố gắng có nhiều hơn những thử nghiệm đối với nghiên cứu của mình để đạt kết quả tốt nhất. Cuối cùng, tôi đã vượt qua tất cả những khó khăn để giành được giải thưởng danh giá này”.

Chia sẻ về bí quyết chinh phục giải thưởng Euréka, nam sinh quê Phú Thọ cho biết, việc mở rộng kiến thức, làm mới bản thân và sự kiên trì là chìa khóa giúp anh mở ra cánh cửa để chạm tay đến giải Nhất của cuộc thi.

“Với tôi, việc mở rộng kiến thức và sự hiểu biết là vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học. Có những thời điểm, tưởng chừng tôi sẽ phải dừng lại sau những lần thất bại liên tục.

Tuy nhiên, sau những thất bại đó, tôi luôn rút ra những bài học kinh nghiệm để làm mới bản thân; cùng với sự kiên trì trong công việc… đó là “chìa khóa” góp phần gặt hái những thành quả như vậy”, anh không ngần ngại giãi bày.

Thành công có dấu ấn của những người thầy

Để đạt tới thành công trong hành trình lần này, Gia Chúc cho biết, anh cảm thấy may mắn và biết ơn khi có sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình từ hai giảng viên hướng dẫn tại Trường Đại học Phenikaa, đó là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quang Trung (Trưởng khoa Khoa học cơ bản) và Tiến sĩ Trần Mạnh Trung (giảng viên khoa Khoa học và Kỹ thuật vật liệu).

“Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quang Trung và Tiến sĩ Trần Mạnh Trung là hai thầy hướng dẫn chính của tôi. Sự đồng hành, hướng dẫn của các thầy như “kim chỉ nam”, giúp tôi hiểu rõ hơn về mục tiêu, định hướng của nghiên cứu. Bên cạnh đó, tôi cũng học được nhiều điều mới từ các thầy về cả chuyên môn lẫn cách làm việc.

Gia Chúc cũng cho biết, kỉ niệm đáng nhớ nhất của nam sinh này với các thầy là khoảng thời gian trước khi tham dự giải thưởng: “Thời điểm đó, tôi có báo cáo thử về hướng triển khai nghiên cứu. Dù lúc đó đã khoảng 12 giờ đêm, các thầy vẫn dành thời gian chỉnh sửa cũng như góp ý chi tiết về đề tài cho tôi. Điều này làm tôi cảm thấy vô cùng xúc động và biết ơn với công sức, tình cảm mà các thầy dành cho mình”.

Nhận xét về cậu học trò Hoàng Gia Chúc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quang Trung ( Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Phenikaa) chia sẻ: “Gia Chúc là một sinh viên đầy triển vọng trong nghiên cứu khoa học. Chúc có kết quả học tập tốt, luôn nhiệt tình và chủ động tham gia hoạt động nghiên cứu. Bên cạnh đó, nam sinh này có khả năng độc lập nghiên cứu tốt và không ngần ngại chia sẻ những khó khăn, khúc mắc của mình trong nghiên cứu với các giảng viên hướng dẫn”.

Tiến sĩ Trần Mạnh Trung (giảng viên khoa Khoa học và Kỹ thuật vật liệu, Trường Đại học Phenikaa) cũng bày tỏ: “Tôi rất ấn tượng với Chúc bởi sự chăm chỉ, quyết tâm cùng tinh thần không ngại khó khăn, thử thách. Cậu sinh viên ấy luôn có sự kiên định và ý chí vững vàng ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất”.

Hai người thầy của Chúc cũng khẳng định, nghiên cứu của nam sinh đã giải quyết được vấn đề liên quan tới sản xuất các sản phẩm về vật liệu chiếu sáng cũng như cải thiện việc chế tạo vật liệu sản xuất trong công nghiệp mà không mất quá nhiều bước trung gian giữa nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, nghiên cứu cũng tạo ra nguồn sáng có tính ứng dụng cao giúp bảo vệ sức khỏe con người và thân thiện với môi trường.

Đánh giá cao về dấu ấn của nam sinh Hoàng Gia Chúc, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa nhấn mạnh, thành tích tại giải thưởng lần này cũng cho thấy khả năng, sự vươn lên mạnh mẽ của thế hệ sinh viên mới từ kiến thức mà các em đã được học và tích lũy tại nhà trường.

“Việc sinh viên Hoàng Gia Chúc đạt giải Nhất tại Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka lần thứ 26 đã tác động tích cực tới sinh viên Trường Đại học Phenikaa nói chung và sinh viên khối ngành kỹ thuật tại trường nói riêng.

Tấm gương này sẽ là động lực cho sinh viên tích cực hơn nữa trong việc tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và tham gia các cuộc thi để thể hiện năng lực, kỹ năng, cũng như trau dồi thêm kinh nghiệm của mình”, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa kỳ vọng.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, nam sinh Hoàng Gia Chúc mong muốn phát triển nghiên cứu của mình: “Mặc dù, nghiên cứu hiện tại đã bước đầu được công nhận và đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn nhiều thiếu sót. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng phát triển, mở rộng và hoàn thiện thêm về nghiên cứu này trong thời gian tới”.

Thêm vào đó, nam sinh này cũng muốn học lên các bậc học cao hơn, đặc biệt sau này trở thành nghiên cứu sinh để phát triển bản thân, đồng thời, nối dài hành trình trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học (nói chung) và vật lý (nói riêng).

Mạnh Dũng