Vụ mở "chui" lớp VB2, ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN: Bộ GD&ĐT có văn bản chỉ đạo

17/12/2024 14:37
Trung Dũng

GDVN -Văn bản của Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, trách nhiệm liên quan đến đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh trước hết là của Hiệu trưởng Nhà trường.

Liên quan đến việc mở "chui" các lớp đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh gây xôn xao dư luận tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ngày 16/12 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 7950/BGDĐT-GDĐH về việc chấn chỉnh công tác tuyển sinh và đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh gửi trường đại học này.

Theo đó, văn bản do Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Anh Dũng ký nêu rõ yêu cầu Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ:

Xây dựng và khẩn trương tổ chức thực hiện phương án đảm bảo quyền lợi chính đáng của người học liên quan theo đúng quy định. Kết quả thực hiện của trường báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 28/12/2024.

Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cử người đại diện theo pháp luật tham dự buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét, lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh các lớp VB2.12, VB2.12(A,B), VB22.01.

Văn bản của Bộ cũng nhấn mạnh rằng, trách nhiệm liên quan đến đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh các lớp VB2.12, VB2.12(A,B), VB22.01 thuộc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, trước hết là trách nhiệm của Hiệu trưởng Nhà trường.

Theo nội dung công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những yêu cầu nói trên được đưa ra sau khi Bộ căn cứ kết luận thanh tra số 2201/KLTT ngày 28/6/2024 của trường đại học này và theo kết quả làm việc của Tổ công tác xác minh thông tin việc tuyển sinh và đào tạo cho người đã có bằng tốt nghiệp đại học ngành Ngôn ngữ Anh liên quan đến Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

ava-kdcn-hn-3394.jpg
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng

Trước đó, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có các bài viết đăng tải, phản ánh sự việc mở "chui" nhiều lớp đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khiến dư luận dậy sóng.

Cụ thể, tại Kết luận thanh tra về việc đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh các lớp VB2.12; VB2.13 (A,B); VB22.01 chỉ rõ, ngày 10/1/2021 bà Trần Thị Thúy Hà lấy danh nghĩa Khoa Tiếng Anh B ký tờ trình (không số) và ngày 6/6/2022 ký tờ trình số 16/TTr trình Phó Hiệu trưởng Vũ Văn Hoá ký đồng ý về chủ trương cho mở lớp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh ngoài trường.

Còn về tuyển sinh các lớp văn bằng 2, trên cơ sở minh chứng đã xác minh cho thấy, việc tuyển sinh do các cơ sở chủ trì thực hiện thu hồ sơ, thành lập lớp, thu học phí và được bà Trần Thị Thúy Hà hỗ trợ trình Phó Hiệu trưởng Vũ Văn Hoá ký quyết định trúng tuyển đầu vào.

Tuy nhiên, việc thực hiện tuyển sinh này không tuân thủ quy định về đào tạo văn bằng 2 chính quy theo quy định.

Về việc này, ngày 3/12 Ban Giám hiệu Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng đã có cuộc họp giao ban thường kỳ, trong đó có nội dung về giải quyết vụ việc mở lớp đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh vừa qua.

Cuộc họp được thực hiện dưới sự chủ trì của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Nghiệp - Phó Hiệu trưởng thường trực nhà trường.

Qua đó, văn bản số 12/24-25/TB-VP thông báo kết luận cuộc họp Ban Giám hiệu ngày 3/12 của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nêu rõ, Ban Giám hiệu nhà trường đã nghe Trưởng đoàn thanh tra đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh báo cáo dự thảo Kết luận thanh tra bổ sung về quy trình thực hiện xác nhận bảng điểm và chứng nhận tốt nghiệp cho học viên lớp đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh.

Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã yêu cầu đoàn thanh tra thực hiện công bố dự thảo theo quy định trước khi ký chính thức.

Theo nội dung của thông báo nói trên, Phó Trưởng ban Thanh tra - Pháp chế đã tổng hợp, báo cáo về quy trình, hình thức kỷ luật đối với trường hợp sai phạm của người lao động theo quy định của Luật Lao động hiện hành.

Văn bản này nhấn mạnh, Ban Giám hiệu nhà Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội giao Văn phòng nhà trường phối hợp với Thường trực Hội đồng kỷ luật, đoàn thanh tra, Ban Thanh tra - Pháp chế hoàn thiện hồ sơ, minh chứng và các điều kiện, bố trí họp hội đồng kỷ luật của trường để xem xét, áp dụng các hình thức kỷ luật cụ thể đối với cán bộ, giáo viên liên quan, trình hiệu trưởng quyết định.

Ngoài ra, nếu sự việc tiếp tục diễn biến phức tạp cần nghiên cứu phương án chuyển cơ quan chức năng điều tra và xác minh, giải quyết dứt điểm vụ việc, không tiếp tục gây ảnh hưởng tới dư luận xã hội và uy tín của Nhà trường.

Trung Dũng