Thí sinh chọn môn thi KHTN ít có ảnh hưởng đào tạo nhân lực lĩnh vực STEM?

18/12/2024 06:48
Thanh Thúy

GDVN - Thí sinh học môn khoa học tự nhiên giảm sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực chất lượng cao trong khối ngành công nghệ, khoa học kỹ thuật...

Tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 31/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2024 cả nước có 1.071.395 thí sinh đăng ký dự thi.

Trong số đó, 37% thí sinh đăng ký thi bài thi Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và 63% thí sinh chọn bài thi Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). So với năm trước, số thí sinh chọn bài thi Khoa học Xã hội tăng 7,7%.

Thời điểm này, để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025, các trường đã tổ chức khảo sát và thống kê lựa chọn của học sinh. Ghi nhận tại một số trường trung học phổ thông, nhiều học sinh có xu hướng chọn tổ hợp môn khoa học xã hội. [1]

Lo ngại ảnh hưởng đến nguồn tuyển?

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, việc số lượng thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chênh lệch cao hơn số đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên bởi nhiều nguyên nhân.

Các môn thuộc khối tự nhiên như Vật lý, Hoá học, Sinh học thường bị xem là khó hiểu, khô khan, yêu cầu tư duy logic cao, làm học sinh e ngại. Bên cạnh đó, do phương pháp dạy học truyền thống, ít tương tác, thiếu tính thực tiễn khiến học sinh cảm thấy không thú vị và khó thấy được ứng dụng thực tế.

Cùng với đó, nhiều học sinh và phụ huynh cho rằng các ngành kỹ thuật, tự nhiên khó xin việc, ít cơ hội phát triển hơn so với các ngành kinh tế, xã hội, hay truyền thông.

Các thí sinh có học lực trung bình, trung bình khá thường đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông với tổ hợp môn Khoa học xã hội nhiều hơn vì biết rõ sức học. Các em cũng ít lựa chọn vào các trường đại học tốp trên mà thường chọn trường có điểm chuẩn ở mức trung bình hoặc chọn học cao đẳng, trung cấp nghề…

Do đó, các em có xu hướng chọn Khoa học xã hội vì cho rằng dễ dàng đạt kết quả cao hơn. Trong khi nhu cầu đào tạo và sử dụng lao động qua đào tạo khối ngành kỹ thuật, công nghệ là rất lớn.

Ảnh minh họa: HUST
Ảnh minh họa: HUST

Cũng theo thầy Sơn, hiện tại, học sinh có thể có xu hướng chọn các môn xã hội và các ngành nghề hot, nhưng trong vài năm tới, xu hướng sẽ thay đổi. Những học sinh có năng lực khá, giỏi thường sẽ ưu tiên lựa chọn các ngành kỹ thuật, bởi đây là lĩnh vực không chỉ mang lại mức lương hấp dẫn mà còn có điều kiện làm việc tốt.

Việc học sinh lựa chọn nhiều tổ hợp các môn khoa học xã hội chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhất định tới tuyển sinh những ngành thuộc khối công nghệ, kỹ thuật của trường bởi các em sẽ thiên chọn về khối xã hội với các ngành nghề hot như truyền thông, ngôn ngữ. Vì vậy, số lượng thí sinh đăng ký vào các ngành này có thể giảm.

Tất nhiên, nếu số lượng học sinh ít chọn Khoa học tự nhiên để theo đuổi sâu, về lâu dài có thể sẽ gây ảnh hưởng đến đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ, kỹ thuật. Nhìn nhận từ thực tế, hầu hết các nước phát triển như Anh, Mỹ,... đều đang rất chú trọng đến công tác đào tạo, tăng trưởng đội ngũ nhân lực này.

Cũng theo thầy Sơn, điều quan trọng nhất là chất lượng đào tạo cũng như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên uy tín chứ không chỉ quan tâm đến số lượng sinh viên.

Bởi trong thời kỳ hội nhập hiện nay, các trường đã dần dần hướng tới liên kết quốc tế. Để thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp ở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, phải có nhân sự chất lượng cao tương ứng với đòi hỏi của các doanh nghiệp. Vì vậy, nhà trường luôn đề cao chất lượng của sinh viên hơn việc chú trọng đến số lượng.

Cùng bàn về vấn đề này, đại diện Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vấn đề chính dẫn tới thực trạng gặp khó khăn trong tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản là do xu thế của xã hội, các em đều lựa chọn các ngành nghề “hot”.

Vì vậy, số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp theo tổ hợp môn khoa học tự nhiên có xu thế giảm trong các năm gần đây, dẫn đến số lượng nguồn cung đầu vào của ngành này giảm.

Điều này phần nào gây khó khăn trong công tác tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đối với những ngành khoa học cơ bản.

Đáng quan tâm, xét trên bình diện quốc gia, lượng thí sinh học môn khoa học tự nhiên giảm sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực chất lượng cao trong khối ngành công nghệ, khoa học kỹ thuật, vốn là nền tảng cơ bản phát triển công nghiệp quốc gia.

Còn theo, Thạc sĩ Đoàn Thị Hương Thủy, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết, từ năm 2024 trở về trước, các ngành thuộc khối kỹ thuật hầu hết đều sử dụng các tổ hợp thiên về môn tự nhiên như A00; A01; B00. Trừ ngành Thiết kế đồ họa và Thiết kế thời trang trường có sử dụng thêm tổ hợp có môn năng khiếu. Bởi theo quy định thì việc xác định tổ hợp còn cần căn cứ theo đặc điểm của từng ngành.

Đơn cử như các ngành đào tạo về công nghệ, kỹ thuật sẽ nhận được sự quan tâm và là thế mạnh của các bạn thi khối tự nhiên. Hơn nữa, các ngành nghề đào tạo của trường hầu hết về các ngành kỹ thuật nên nhà trường sử dụng thiên về các tổ hợp có các môn tự nhiên.

Nếu sinh viên chọn các ngành kỹ thuật không có nền tảng về khoa học tự nhiên, khi vào học khối ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ sẽ rất khó khăn. Vì vậy, việc lựa chọn thi tổ hợp nào, ngành nghề nào còn phụ thuộc vào sở thích, xu hướng và thế mạnh của từng thí sinh.

Như ngành Thiết kế thời trang là thế mạnh của nhà trường cũng như nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh. Bên cạnh đó, năm 2024 cũng có mở thêm ngành Thiết kế đồ họa nên số lượng thí sinh đăng kí học 2 ngành này cũng tăng số lượng đáng kể.

Giải bài toán thu hút thí sinh học các ngành thuộc khối khoa học tự nhiên

Theo thầy Sơn, cần giúp cho học sinh có thế mạnh, năng lực về môn tự nhiên nhìn nhận được tầm quan trọng và sự phát triển của các ngành nghề STEM. Bởi, các môn Khoa học tự nhiên vốn là nền tảng kiến thức của lĩnh vực STEM.

Bên cạnh đó, các địa phương, các trường trung học phổ thông phải định hướng làm sao để tỷ lệ học sinh lựa chọn bài thi Khoa học xã hội và bài thi Khoa học tự nhiên xấp xỉ nhau.

Để tăng số lượng học sinh quan tâm đến các môn tự nhiên, thứ nhất là phải tổ chức ngày hội STEM. Phối hợp với các doanh nghiệp, trường đại học để tổ chức các buổi tư vấn nghề nghiệp về ngành kỹ thuật, công nghệ ngay từ trung học phổ thông. Xây dựng các chương trình định hướng nghề nghiệp bằng cách mời cựu sinh viên thành công chia sẻ trải nghiệm thực tế.

Đồng thời, phải chú tâm đến vấn đề đổi mới phương pháp, tổ chức giảng dạy; đảm bảo sự công bằng trong công tác giảng dạy ở tất cả các môn học.

Thứ hai là xây dựng cộng đồng học sinh yêu thích kỹ thuật như các câu lạc bộ STEM, robotics, hoặc công nghệ để khuyến khích học sinh trải nghiệm sớm.

Thứ ba là kêu gọi các doanh nghiệp lớn cấp học bổng cho học sinh theo các khối ngành kỹ thuật, công nghệ.

Đối với Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm giải quyết bài toán thu hút tuyển sinh với ngành khoa học cơ bản, nhà trường đã thực hiện chính sách cấp học bổng toàn phần, bán phần dành cho các thí sinh trúng tuyển các ngành học này.

Còn đối với Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, theo cô Thủy, nhà trường cũng có các chính sách học bổng để thu hút cũng như tạo điều kiện cho sinh viên. Theo đó, ngoài học bổng khuyến khích học tập, trường còn có học bổng hỗ trợ học tập dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có ý thức vươn lên trong học tập và học bổng doanh nghiệp, tạo điều kiện giúp sinh viên được kết nối, gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp về cơ hội việc làm.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/thi-tot-nghiep-thpt-2024-63-thi-sinh-chon-bai-thi-khoa-hoc-xa-hoi-tang-77-119240531183615684.htm

Thanh Thúy