Cấp tiểu học dạy thêm, học thêm là rất vô lý

29/12/2024 06:46
Mạnh Đoàn

GDVN - "Cấp tiểu học dạy thêm là rất vô lý, việc này gây áp lực cho học sinh là rất lớn", ông Lê Như Tiến nói.

Ngày 24/12, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) cho hay, Trường Tiểu học Trần Phú đang làm quy trình để xử lý kỷ luật đảng đối với giáo viên N.T.T (giáo viên chủ nhiệm một lớp 1, Trường Tiểu học Trần Phú) khi vi phạm tổ chức dạy thêm tại nhà, sau khi thực hiện xong quy trình trên sẽ kỷ luật hành chính.

Đối với đề xuất của Phòng Giáo dục và Đào tạo là điều chuyển giáo viên vi phạm, nếu thực hiện cũng phải bố trí vào thời gian hợp lí, ví dụ như điều chuyển vào năm học mới.

"Trước mắt, nhà trường thực hiện thẩm quyền xử lý kỷ luật, sau đó là những giải pháp khác liên quan tới công tác chấn chỉnh. Vừa qua, thành phố cũng ban hành văn bản chấn chỉnh, quán triệt việc dạy thêm. Nhà trường dự kiến sẽ có văn bản báo cáo Phòng vào ngày 30/12", đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Tĩnh cho hay.

Trước đó, vào tháng 11 vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Tĩnh đã có sự chỉ đạo quyết liệt về việc cấm dạy thêm học thêm. Theo đó, các hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục và đào tạo phải ký cam kết với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố về việc này.

Các trường sau đó đã cho kí cam kết với giáo viên của đơn vị mình về việc không dạy thêm học thêm. Tuy nhiên, giáo viên Trường Tiểu học Trần Phú vẫn tổ chức dạy thêm tại nhà và bị người dân phản ánh.

DB Pham Van Hoa.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: quochoi.vn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho hay, hiện nay, quy định chưa cho phép giáo viên bậc tiểu học dạy thêm cho học sinh chính khóa. Vì vậy, sự vào cuộc xử lý của các cơ quan liên quan với giáo viên Trường Tiểu học Trần Phú vi phạm dạy thêm, ông Hòa nhận định, đây có thể sẽ là sự răn đe nghiêm khắc với những giáo viên khác.

Theo ông Hòa, với sự việc nêu trên sẽ có những luồng ý kiến khác nhau về cách giải quyết của các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, việc địa phương đã yêu cầu lãnh đạo nhà trường ký cam kết, rồi đến giáo viên ký cam kết không dạy thêm, thì việc xử lý giáo viên vi phạm là đúng.

"Hiện nay, tại nhiều địa phương vẫn còn du di trong việc xử lý giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa...", Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho hay.

Cũng đồng tình với quan điểm của ông Phạm Văn Hòa, một Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đánh giá việc tuyên truyền của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Tĩnh đến ngành giáo dục địa phương, tiếp đó là xử lý giáo viên vi phạm không thực hiện đúng cam kết thể hiện sự bài bản, đúng quy trình.

"Tuy nhiên, theo tôi cần phải làm rõ các khía cạnh về hoạt động dạy thêm của giáo viên để việc xử lý hợp tình hợp lý", vị này chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm của các đại biểu Quốc hội, ông Lê Như Tiến nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cho rằng, đối với học sinh tiểu học, các em học kiến thức rất cơ bản, giáo viên giảng bài đầy đủ là học sinh nắm vững được bài học.

gdvn-le-nhu-tien-6642-3166.jpg
Ông Lê Như Tiến. Ảnh: Thành An

"Cấp tiểu học dạy thêm là rất vô lý, việc này gây áp lực cho học sinh là rất lớn. Bên cạnh đó, gia đình cũng gánh áp lực khi phải đưa đón con đi học, áp lực về tài chính chi trả học thêm...", ông Tiến chia sẻ.

Ông Lê Như Tiến đánh giá, đề xuất xử lý kỷ luật đảng của nhà trường và đề xuất điều chuyển giáo viên của Phòng là rất nghiêm khắc và đúng, ông đồng tình ủng hộ.

"Tôi rất mong muốn các địa phương đều quản lý và xử lý nghiêm khắc đối với giáo viên dạy thêm. Đồng thời, cũng cần có hành lang pháp lý chặt chẽ để quản lý hiệu quả và là cơ sở cho các địa phương đều thực hiện. Còn hiện nay, có địa phương thì xử lý giáo viên vi phạm quy định dạy thêm rất nghiêm, có nơi thì lại chỉ rút kinh nghiệm", ông Lê Như Tiến nói.

Chia sẻ về vấn đề trên, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Phương (Trung tâm kiểm định chất lượng Thăng Long) cho rằng, hiện nay chương trình đào tạo bậc phổ thông là phù hợp với học sinh. Vì vậy, giáo viên chỉ nên tập trung phụ đạo cho học sinh yếu kém (chiếm khoảng 10-15%), đây là trách nhiệm của nhà trường và không được phép thu tiền. Bên cạnh đó, học sinh giỏi xuất sắc tham gia các kỳ thi trong và ngoài nước, cũng được nhà trường, ngành giáo dục bồi dưỡng.

Còn đối với học sinh học lực trung bình, khá, giỏi thì tùy thuộc vào điều kiện của gia đình, họ có thể cho con em học thêm của trung tâm, gia sư.

"Thực sự hiện nay với chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh không cần thiết phải học thêm.

Chính phụ huynh luôn muốn con phải học lực giỏi để vào trường chuyên, lớp chọn, điều này đã gây áp lực cho chính con của họ, cũng như chính phụ huynh", nữ phó giáo sư nhận định.

Mạnh Đoàn