Được dùng minh chứng điện tử khi KĐCLGD, trường học sẽ chuyển đổi số mạnh hơn

19/12/2024 10:33
LÃ TIẾN

GDVN - Thông tư 22/2024/TT-BGDĐT được triển khai là cơ sở để các nhà trường đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu; phấn đấu xây dựng đạt kiểm định, đạt chuẩn quốc gia.

Ngày 10/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo các Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT, Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT và Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học. Thông tư có hiệu lực từ 25/01/2025.

Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT được đánh giá là đáp ứng các yêu cầu của thực tế hiện nay và đồng nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Từ đó, tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý, chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước và trong thực hiện của cơ sở giáo dục, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi nhiều địa phương đã và đang thực hiện sáp nhập các trường học thành trường phổ thông có nhiều cấp học.

Tạo động lực cho địa phương, nhà trường nâng cao chất lượng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phán - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng nhận định: Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT được ban hành đã có nhiều thuận lợi cho công tác quản lý, chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước và trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục trong giai đoạn hiện nay".

Theo đó, ông Phán chỉ ra, về tiêu chuẩn đánh giá, Thông tư mới giảm thời gian 1 năm so với quy định trước đây: nếu nhà trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ thấp thì sau ít nhất 1 năm (quy định trước đây là 2 năm) kể từ ngày được công nhận được đăng ký đánh giá ngoài và đề nghị công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ cao hơn. Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, sau ít nhất 1 năm (quy định trước đây là 2 năm) kể từ ngày được công nhận, được đăng ký đánh giá ngoài và đề nghị công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

“Như vậy quy định này đã tạo động lực cho các địa phương, các nhà trường đầu tư nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia hoặc nâng chuẩn để tập trung thực hiện cải tiến nâng cao chất lượng”, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kiến Thụy nhấn mạnh.

hp-gd-1.jpg
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kiến Thụy tổ chức Hội thảo tư vấn công tác chuyên môn cho các cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn huyện. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo ông Phán, về tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, Thông tư đã đưa ra quy định nhà trường phải đảm bảo theo quy định chung của Chính phủ và lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo kế hoạch của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Với quy định này, nhà trường sẽ chủ động đưa vào kế hoạch hằng năm việc phân công giáo viên tham dự các khóa học nâng cao trình độ để đáp ứng quy định của Luật Giáo dục năm 2019, bảo đảm lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo kế hoạch của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bên cạnh đó, Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT đã sửa đổi quy định về tiêu chuẩn đánh giá cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ở các cấp học (Tiêu chuẩn 3) để thống nhất với quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất, phòng học bộ môn, thư viện của cơ sở giáo dục. Trong đó, quy định cụ thể tiêu chuẩn đánh giá đối với trường phổ thông có nhiều cấp học. Quy định này nhằm đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mang lại quyền lợi cho học sinh.

Với quy định ở Tiêu chuẩn 3, các nhà trường sẽ làm tốt công tác tham mưu để có được sự quan tâm, vào cuộc của địa phương trong đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường nói riêng và ngành giáo dục nói chung.

Trong khi đó, cô giáo Phạm Thị Diện - Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An (quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng) khẳng định, việc ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn hiện nay.

Theo cô Diện, Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT có nhiều điểm mới. Một trong những điểm mới đó là tại khoản 2 Điều 29, đã sửa đổi, bổ sung theo hướng phân cấp từ cấp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sang cho Sở Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể, việc thành lập đoàn đánh giá ngoài và thẩm quyền cấp và thu hồi bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia của các cấp học theo phân cấp tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định thành lập đoàn đánh giá ngoài để đánh giá, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia (trước đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định thành lập đoàn đánh giá ngoài để đánh giá, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia).

“Việc sửa đổi bổ sung trên là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế, bởi Sở Giáo dục và Đào tạo là đơn vị có chuyên môn cao về lĩnh vực giáo dục; các thành viên trong đoàn đánh giá ngoài đều là những người am hiểu, chuyên sâu về lĩnh vực giáo dục. Chính vì vậy, kết quả đánh giá ngoài được dựa trên cơ sở đánh giá trực tiếp của thành viên trong đoàn. Điều đó khẳng định vai trò, trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo về quyết định công nhận hoặc thu hồi bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Mặt khác giao nhiệm vụ tập huấn đánh giá ngoài cho Sở Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện cho các Sở Giáo dục và Đào tạo linh hoạt, chủ động, xây dựng kế hoạch tập huấn, đáp ứng nhu cầu trong quá trình đánh giá ngoài của địa phương”, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An nêu quan điểm.

hp-gd-2.jpg
Cô giáo Phạm Thị Diện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An, Hải Phòng. (Ảnh: Lã Tiến)

Là cơ sở giúp các trường đẩy mạnh công tác chuyển đổi số

Theo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT đã đưa vào quy định nhà trường được sử dụng minh chứng bằng hình thức văn bản điện tử trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với trường đáp ứng quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư. Đây chính là cơ sở giúp các nhà trường đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.

Việc áp dụng chuyển đổi số đã góp phần thúc đẩy hoạt động “học tập suốt đời” cùng tài liệu trực tuyến. Chuyển đổi số trong giáo dục mở ra nhiều cơ hội trong việc cải thiện và phát triển giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong đó có nhiều cơ hội lớn mà các nhà trường có thể nắm bắt như: Tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mở rộng giáo dục trực tuyến, thúc đẩy giáo dục số; Mở rộng tiếp cận công nghệ, tận dụng các công cụ và ứng dụng kỹ thuật số để nâng cao chất lượng giáo dục; Phát triển nội dung số hóa phù hợp với nhu cầu giảng dạy và học tập hiện đại; Tích hợp công nghệ vào quy trình giảng dạy; Phát triển kỹ năng số cho giáo viên và học sinh; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục; Đẩy mạnh hợp tác giữa các nhà trường, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và Chính phủ; Thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới trong giáo dục…

hp-gd.jpg
Hải Phòng đang thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành giáo dục và đào tạo. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kiến Thụy cũng cho rằng, Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT là cơ sở để các nhà trường đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu; phấn đấu xây dựng đạt kiểm định, đạt chuẩn quốc gia; thực hiện cải tiến chất lượng liên tục và có hệ thống theo yêu cầu mới với mức độ cao hơn.

Việc ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT thể hiện sự nhất quán về phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, hướng đến việc mang lại điều kiện dạy và học tập tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng dân trí, nguồn lực để phát triển đất nước.

Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT sửa đổi khoản 4 Điều 43 Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT như sau:

“4. Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, dữ liệu liên quan đến các hoạt động của nhà trường, các điều kiện cần thiết khác để phục vụ công tác đánh giá ngoài; phản hồi ý kiến về dự thảo báo cáo đánh giá ngoài đúng thời hạn. Đối với trường tiểu học đáp ứng quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức thì được sử dụng minh chứng bằng hình thức văn bản điện tử trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.”

LÃ TIẾN