Nhiều trường ĐH điều chỉnh tổ hợp xét tuyển có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật

26/12/2024 06:38
Ngọc Huyền

GDVN - Nhiều trường đại học dự kiến điều chỉnh, bổ sung một số tổ hợp xét tuyển có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật để phù hợp với chương trình GDPT 2018. 

Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, các thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc Ngữ văn, Toán và được lựa chọn 2 trong số các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Cùng với đó, theo ghi nhận của phóng viên, một số trường đại học đã công bố những điều chỉnh liên quan đến tổ hợp xét tuyển trong kỳ tuyển sinh sắp tới.

Trường Đại học Nha Trang

Năm 2025, thí sinh đăng ký vào Trường Đại học Nha Trang, sẽ trải qua 2 bước: bước 1 (sơ tuyển) có thể sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ); bước 2 (xét tuyển) sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.

Theo danh mục ngành và phương thức xét tuyển năm 2025 mà Trường Đại học Nha Trang công bố, nhóm ngành Kinh tế, Kinh doanh, Xã hội nhân văn sẽ có tổ hợp tuyển sinh có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Cụ thể, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Trường Đại học Nha Trang dự kiến bổ sung tổ hợp xét tuyển môn Toán, Ngữ văn, Giáo dục kinh tế và pháp luật (môn Toán được nhân hệ số 2) cho các ngành như: Hệ thống thông tin quản lý, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị kinh doanh, Marketing, Kinh doanh thương mại, Tài chính - Ngân hàng (2 chuyên ngành: Tài chính - Ngân hàng; Công nghệ tài chính), Kế toán, Kiểm toán, Kinh tế, Kinh tế phát triển.

Với ngành Luật (2 chuyên ngành: Luật và Luật kinh tế), Ngôn ngữ Anh (4 chuyên ngành: Biên - phiên dịch, Tiếng Anh du lịch, Giảng dạy tiếng Anh, Song ngữ Anh - Trung), Trường Đại học Nha Trang dự kiến sử dụng tổ hợp môn Toán, Ngữ văn, Giáo dục kinh tế và pháp luật (trong đó, môn Ngữ văn được nhân hệ số 2).

Chi tiết một số ngành tổ hợp xét tuyển có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật của Trường Đại học Nha Trang năm 2025. Ảnh chụp màn hình.

Chi tiết một số ngành tổ hợp xét tuyển có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật của Trường Đại học Nha Trang năm 2025. Ảnh chụp màn hình.

Việc điều chỉnh tổ hợp có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật giúp tạo cơ hội cho thí sinh và phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Được biết, học phí chương trình chuẩn (năm học 2024-2025) tại Trường Đại học Nha Trang khoảng 5-6 triệu đồng/học kỳ, tùy theo số tín chỉ sinh viên đăng ký học. Với chương trình đặc biệt, song ngữ Anh - Việt, chi phí đào tạo khoảng 10 triệu đồng/học kỳ. Lộ trình tăng học phí (nếu có) được cam kết thực hiện theo quy định hiện hành.

Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh

Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến có nhiều thay đổi trong tổ hợp môn xét tuyển cho mùa tuyển sinh năm 2025.

Theo đó, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung các tổ hợp như: C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý), C01 (Toán, Vật lý, Ngữ văn), C02 (Toán, Ngữ văn, Hoá học), C14 (Toán, Ngữ văn, Giáo dục kinh tế và pháp luật).

Trong đó, ngành Luật kinh tế là ngành duy nhất dự kiến có thêm tổ hợp C14 (Toán, Ngữ văn, Giáo dục kinh tế và pháp luật).

Điều này sẽ mở rộng cơ hội cho các thí sinh xét tuyển tổ hợp C00, C01, C02, C14, tạo cơ hội cho thí sinh tiếp cận nhiều ngành nghề khác nhau tại trường.

Học phí hệ đại học chính quy năm học 2024-2025 (khoá tuyển sinh năm 2024) là 863.000 đồng/tín chỉ lý thuyết; 1.100.000 đồng/tín chỉ thực hành. Nhà trường cam kết không tăng học phí trong suốt khoá học. Lộ trình tăng học phí hằng năm của trường tuân theo quy định của Chính phủ.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng là một trong những cơ sở giáo dục đại học sử dụng tổ hợp có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật để xét tuyển trong kỳ tuyển sinh năm 2025.

Theo đó, tổ hợp D0G (Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật) là 1 trong 5 tổ hợp mới dự kiến được sử dụng xét tuyển trong mùa tuyển sinh tới đây.

Theo công bố về phương thức tuyển sinh của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, năm 2025, sẽ có 11 ngành/chương trình đào tạo dự kiến bổ sung tổ hợp xét tuyển D0G, bao gồm: Kinh tế đầu tư, Quản trị kinh doanh, Marketing, Phân tích dữ liệu kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Kế toán (chương trình đào tạo bằng tiếng Anh), Kiểm toán, Quản trị nhân lực, Quản trị văn phòng, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Ngoài ra, các ngành này sử dụng thêm tổ hợp A01, D01 để xét tuyển.

Tổng chỉ tiêu đối với các ngành/chương trình đào tạo này (đối với tất cả các tổ hợp xét tuyển) được xác định cụ thể như sau: ngành Kinh tế đầu tư (60 chỉ tiêu), ngành Quản trị kinh doanh (300 chỉ tiêu), các ngành Marketing, Phân tích dữ liệu kinh doanh, Kiểm toán, Quản trị nhân lực, Quản trị văn phòng (đều tuyển 120 chỉ tiêu), ngành Tài chính - Ngân hàng (180 chỉ tiêu), ngành Kế toán (dự kiến tuyển 600 chỉ tiêu), chương trình đào tạo Kế toán bằng tiếng Anh (chỉ tuyển 40 chỉ tiêu).

Học phí bình quân các ngành/chương trình đào tạo tuyển sinh trong năm học 2024-2025 là 24,6 triệu đồng/năm học. Học phí thực tế trong từng học kỳ phụ thuộc số tín chỉ sinh viên đăng ký học trong học kỳ, đơn giá học phí năm học 2024-2025 là 500.000 đồng/tín chỉ). Học phí các năm học tiếp theo tăng bình quân không quá 10%/năm học.

Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Theo thông tin mới nhất về kỳ tuyển sinh năm 2025 của Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), trường dự kiến tuyển sinh theo 3 phương thức xét tuyển, bao gồm: xét tuyển thẳng, xét tuyển bằng kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh năm 2025 và xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.

Dự kiến, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) có thêm 2 tổ hợp mới, trong đó, có tổ hợp có 3 môn Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Nhà trường cho biết, phương án tuyển sinh năm 2025 được xây dựng nhằm chọn lọc những thí sinh giỏi, đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với yêu cầu đào tạo của nhà trường và đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường lao động.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024, mức học phí của Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) trong năm học 2024-2025 là 11,8 triệu đồng/học kỳ, từ năm thứ hai sẽ tăng lên 12,9 triệu đồng/học kỳ, năm thứ ba là 14,2 triệu đồng/học kỳ. Mức học phí dự kiến tăng không quá 10% mỗi năm tiếp theo.

Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục đại học khác cũng dự kiến sẽ bổ sung môn Giáo dục kinh tế và pháp luật vào tổ hợp xét tuyển, mặc dù chưa có chi tiết về từng tổ hợp cụ thể.

Trường Đại Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh

Trên website của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường đã đăng tải thông tin về các thay đổi cơ bản trong dự kiến đề án tuyển sinh năm 2025.

Theo đó, nhà trường sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp theo các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Cụ thể, trường sẽ điều chỉnh các tổ hợp không còn phù hợp, đồng thời, thêm mới các tổ hợp có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Học phí của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2024-2025 dao động từ 14,1-16,4 triệu đồng/năm học.

Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

Năm 2024, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam sử dụng 4 tổ hợp xét tuyển gồm A09, C20, C00, D01, D15. Trong đó, tổ hợp A09 (Toán, Địa lý, Giáo dục công dân) và C20 (Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân) có chứa môn Giáo dục công dân.

Tuy nhiên, kỳ tuyển sinh năm 2025 là năm đầu tiên thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, môn Giáo dục công dân không còn phù hợp. Do đó, nhà trường cũng đang tính toán kỹ trước khi điều chỉnh các tổ hợp xét tuyển.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thị Thanh Thuỷ - Trưởng phòng Đào tạo và Công tác sinh viên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam chia sẻ: "Hiện nay, nhà trường chưa "chốt" kế hoạch tuyển sinh chính thức, nhưng khả năng cao sẽ chọn môn Giáo dục kinh tế và pháp luật để thay thế cho môn Giáo dục công dân trong các tổ hợp".

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thị Thanh Thủy, trước đó, nhiều ngành của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam xét tuyển bằng tổ hợp A09, C20 (có môn Giáo dục công dân trong tổ hợp). Lựa chọn này do Học viện là cơ sở giáo dục đại học thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các ngành đào tạo về Công tác thanh niên, Xây dựng Đảng, Quản lý nhà nước, Tâm lý học... đòi hỏi tính tiền phong, gương mẫu, phẩm chất thủ lĩnh, tinh thần xung kích sáng tạo, tình nguyện, vì lợi ích chung của cộng đồng.

Hiện nay, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật cũng cung cấp các kiến thức và xây dựng phẩm chất này ở học sinh. Thí sinh khi xét tuyển bằng tổ hợp có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật sẽ có kiến thức cơ bản về kinh tế, pháp luật và vận dụng được các kiến thức đã học để đánh giá, xử lý các hiện tượng, vấn đề, tình huống trong thực tiễn cuộc sống.

"Các phẩm chất, năng lực, thái độ hành vi theo chuẩn đầu ra của môn học sẽ góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm; năng lực điều chỉnh hành vi, phát triển bản thân, năng lực tìm hiểu và tham gia hoạt động kinh tế - xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân, phù hợp với đặc điểm của nhiều ngành học tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam", cô Thủy cho biết.

Với các ngành như: Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước, Quản lý nhà nước, Quan hệ công chúng, Tâm lý học, Công tác Thanh thiếu niên, Công tác xã hội, mức học phí năm 2024 là 6.000.000 đồng/học kỳ. Riêng ngành Luật, mức học phí là 6.250.000 đồng/học kỳ. Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam áp dụng mức học phí và lộ trình tăng học phí cho từng năm theo quy định của Chính phủ.

Ngọc Huyền