Đào Thu Thủy (sinh năm 2002) tại Thái Bình đã xuất sắc giành học bổng toàn phần Erasmus Mundus bậc thạc sĩ cho chương trình học Economic Policies for the Global Bifurcation (Chính sách kinh tế về sự phân nhánh toàn cầu). Chương trình hướng tới việc hỗ trợ sinh viên xuất sắc từ khắp mọi nơi trên thế giới, có thể theo học tại ít nhất 2-3 nước thuộc khối Liên minh châu Âu.
Học bổng mà Thủy đạt được trị giá hơn 26 nghìn euro (gần 700 triệu đồng), trong đó bao gồm toàn bộ học phí, bảo hiểm, chi phí sinh hoạt và chi phí đi lại trong vòng 2 năm. Năm đầu tiên, nữ sinh học tại Đại học Turin (Ý). Năm tiếp theo, cô sẽ theo học tại 3 trường ở nước Pháp gồm: Đại học Công nghệ Compiègne, Đại học Sorbonne, Đại học Sorbonne Paris Nord.
Ngoài ra, Thu Thủy còn được đề cử một số học như: Học bổng toàn phần AEON năm 2024 tại Đại học Quốc tế Nhật Bản (khi theo học sẽ được miễn toàn bộ học phí cùng trợ cấp chi phí sinh hoạt) và học bổng ngành Quản trị kinh doanh (MBA) tại Trường Kinh doanh Dublin (Ireland).
Đặt việc học lên hàng đầu và tập trung vào thế mạnh của bản thân
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đào Thu Thủy nhớ lại thời điểm cô thi đỗ ngành Kinh doanh quốc tế tại Trường Đại học Ngoại thương.
"Thời điểm bắt đầu bước chân vào trường, tôi đã bị “ngợp” vì các bạn cùng lớp rất giỏi, cá tính, hoạt bát. Xuất phát điểm từ tỉnh lẻ và lần đầu tiên phải xa nhà nên tôi còn khá rụt rè, nhút nhát. Sau một khoảng thời gian, tôi đã biết cách thích nghi với cuộc sống xa nhà và dần bắt nhịp được với môi trường học tập mới.
Khi học đại học, sinh viên có thể vừa học vừa tham gia vào các câu lạc bộ, làm thêm, nghiên cứu khoa học... Có rất nhiều hoạt động để sinh viên trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức cho bản thân, nhưng tôi hiểu và biết mình không thể ôm đồm được nhiều việc một lúc. Nếu đặt tham vọng vừa học giỏi, vừa tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, sẽ dễ khiến bản thân mất năng lượng hoặc không thể hoàn thành tốt bất cứ nhiệm vụ nào. Vì vậy, tôi ưu tiên đặt việc học lên hàng đầu.
Tôi tập trung vào các môn học là thế mạnh và sở thích của mình. Với những môn còn chưa học tốt, tôi tự tìm hiểu, rèn luyện thêm để đạt được thành tích tốt nhất và có thể giành được học bổng. Chiến thuật của tôi chính là “biết mình biết mình ta”, để chủ động học tập và cải thiện kỹ năng của bản thân”, Thu Thủy chia sẻ.
Thu Thủy cho biết, ngay từ khi bắt đầu bước sang năm 2 đại học, nữ sinh đã may mắn được các giảng viên trong trường hướng dẫn nghiên cứu khoa học. Từ những bước cơ bản, cách xử lý vấn đề hay giai đoạn khó khăn, muốn từ bỏ việc nghiên cứu, nữ sinh đều nhận được sự quan tâm, động viên, chỉ bảo tận tình của các thầy cô.
Sau những cố gắng không ngừng nghỉ, cô gái đến từ Thái Bình đã hoàn thành các bài nghiên cứu về chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam; áp dụng công nghệ trong giáo dục; thương mại quốc tế và hành vi mua sắm người tiêu dùng. Không chỉ vậy, Thủy còn là tác giả của một số bài báo, nghiên cứu khoa học được đăng trên tạp chí uy tín, tham gia nhiều dự án về giáo dục trong và ngoài nước.
Chia sẻ về kỷ niệm thời sinh viên, Thủy cho biết: “Tôi nhớ nhất, khi bắt đầu bước vào kỳ 2 của năm 3 đại học, đây là khoảng thời gian tôi bận nhất nhưng cũng vui nhất.
Lịch học của tôi dày đặc cùng với lịch trình bận rộn của giảng viên trong trường và các giáo sư thỉnh giảng đến từ Nhật Bản. Thông thường, một môn học sẽ kéo dài khoảng 3 tháng, nhưng có những môn chúng tôi phải dồn lịch học và kết thúc sau 3 tuần. Những môn học này đều nhiều tài liệu học thuật, kiến thức “nặng”, phải hoàn thiện các bài thuyết trình sáng tạo, thực tế với yêu cầu cao.
Mặc dù lịch học kín tuần, nhưng tôi vẫn đảm nhận thêm một số công việc như: gia sư, thực tập, học việc tại một quỹ đầu tư và song song với đó là tham gia nghiên cứu khoa học. Ban ngày, tôi học và làm thêm, tối đến, lại thức trắng để đọc, nghiên cứu tài liệu. Giai đoạn đó, tôi gần như không có thời gian dành cho bản thân và không có ngày nghỉ cuối tuần.
Cuối cùng, mọi cố gắng suốt những tháng ngày bận rộn ấy đã được đền đáp xứng đáng. Tôi vỡ òa trong cảm xúc khi các môn học tôi đều đạt điểm số cao, bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí uy tín trong nước, giành giải Nhì cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường... Ngoài ra, việc làm thêm cũng mang lại cho tôi nhiều kỹ năng, trải nghiệm trong cuộc sống để tôi vững bước hơn sau này”.
Mong muốn trở về Việt Nam để cống hiến nhiều hơn
Trước khi tốt nghiệp đại học, Đào Thu Thủy cũng đứng trước nhiều cánh cửa lựa chọn cho tương lai như bao sinh viên khác. Sau khi cân nhắc, nữ sinh khi ấy đã quyết định, du học sẽ là điểm đến tiếp theo trong hành trình khám phá thế giới và học tập của chính mình.
Thủy cho biết: “Cuối học kỳ 2 của năm học thứ 4, tôi đã dành thời gian tập trung viết khóa luận, luyện thi IELTS và chuẩn bị hồ sơ du học. Tôi tự đặt ra mốc thời gian 6 tháng để hoàn thiện những mục tiêu đã đề ra. Tôi thức nhiều đêm để tổng hợp thông tin, tìm hiểu các học bổng khác nhau. Dựa vào thế mạnh của bản thân và sự cân nhắc kỹ càng, Erasmus Mundus là học bổng phù hợp nhất với định hướng của tôi sau khi tốt nghiệp”.
Thu Thủy cho biết thêm, trong quá trình xin học bổng, bản thân đã nhận được rất nhiều lời khuyên, sự hướng dẫn từ thầy cô, bạn bè. “Khi hiểu được bản thân muốn gì, hành trình du học sẽ rõ ràng hơn rất nhiều. Ngoài thế mạnh của bản thân được thể hiện trong hồ sơ, tôi cũng tự nhìn nhận lại những điểm thiếu sót để tìm cách để cải thiện.
Nếu gặp khó khăn hay mất phương hướng, cũng là điều dễ hiểu và ai cũng trải qua trong quá trình xin học bổng. Lúc này, sự giúp đỡ, lời khuyên từ mọi người xung quanh chính là động lực để chúng ta mạnh dạn vượt qua” - nữ sinh tâm sự.
Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Thu Thủy đã đặt chân đến Ý vào cuối năm 2024. Nữ sinh chia sẻ, du học đã mở ra một chân trời mới, giúp cô tiếp cận được với những kiến thức sâu rộng, toàn diện hơn. Cô cảm thấy bản thân đã hình thành được lối suy nghĩ, phân tích và tiếp cận vấn đề theo cách hoàn toàn mới, một điều mà trước đây cô chưa từng có cơ hội được tìm hiểu.
Việc học tập, trao đổi với thầy cô, bạn bè đến từ khắp nơi trên thế giới khiến cho cô gái người Thái Bình có cái nhìn sâu sắc hơn về xã hội, con người, quê hương Việt Nam và các vấn đề toàn cầu khác.
Thu Thủy cũng gửi lời khuyên đến các bạn sinh viên đang có ý định sẽ đi du học: “Chúng ta nên tin vào khả năng của bản thân và giữ vững tâm lý trước những biến động của thế giới bên ngoài. Việc tin và lắng nghe chính mình sẽ giúp chúng ta tìm ra cách giải quyết cũng như hướng đi trong tương lai.
Nếu không may gặp thất bại, có thể coi đó là kinh nghiệm, bài học từ thực tế và sửa sai ở những lần sau. Không quan trọng là chúng ta đã thất bại hay làm sai như nào, quan trọng hơn cả là cách chúng ta đối mặt với sự việc. Đây là “chìa khóa” để mỗi người tự tin, vững vàng và luôn ngẩng cao đầu tiến về phía trước”.
Chia sẻ thêm về dự định trong tương lai, Thủy cho biết: “Ngoài việc mở rộng mối quan hệ với thầy cô, bạn bè trên khắp thế giới, khám phá những vùng đất mới, tôi vẫn luôn ưu tiên đặt việc học lên hàng đầu. Tôi hy vọng, bản thân sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm, đạt thành tích học tập tốt nhất và có nhiều dấu ấn trong nghiên cứu khoa học.
Hướng nghiên cứu tiếp theo của tôi sẽ tập trung nhiều về mặt chính sách kinh tế, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế và phát triển bền vững liên quan đến các ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam trong tương lai gần. Hy vọng sau khi hoàn thành chương trình học tại châu Âu, tôi có cơ hội về Việt Nam để cống hiến và phát triển tài năng của bản thân”.