Từ con nuôi Đồn Biên phòng Roòn đến học viên Học viện Biên phòng

22/12/2024 06:58
Mạnh Đoàn

GDVN - Nguyễn Anh Vũ là con nuôi của các chiến sĩ tại Đồn Biên phòng Roòn. Hiện Vũ là học viên năm thứ nhất Học viện Biên phòng.

Trường bắn của Học viện Biên phòng vừa tiếp nhận 90 học viên năm nhất Học viện Biên phòng luyện tập chiến thuật, bắn súng. Các học viên sẽ có thời gian học tập khoảng 3 tháng tại đây.

Trong số các học viên đó, Nguyễn Anh Vũ (sinh năm 2006, quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình) – chàng trai có vóc dáng mảnh khảnh, thư sinh được lãnh đạo tiểu đoàn đánh giá có sự trưởng thành, thích nghi nhanh hơn so với bạn học.

“Nguyễn Anh Vũ là con nuôi của các chiến sĩ tại Đồn biên phòng Roòn (Quảng Trạch, Quảng Bình). Cậu ấy từng có những năm tháng sinh hoạt, học tập trong môi trường quân đội nên hòa nhập môi trường quân đội nhanh hơn với các bạn học viên khác. Vũ cũng lan tỏa tinh thần đó đến các đồng đội”, Thượng tá Hà Quang Huy (Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Học viện Biên phòng) chia sẻ.

gdvn_con-nuoi-hoc-vien-bien-phong-nguyen-anh-vu (2).JPG
Nguyễn Anh Vũ và các học viên học ném lựu đạn ngoài thao trường.

May mắn khi được nhận làm con nuôi đồn biên phòng

Vũ chia sẻ, khi lên 6 tuổi, bố mẹ em chia tay nhau, hai mẹ con về ở với bà ngoại và bà cố (cụ ngoại). Đến năm 10 tuổi, Vũ chỉ còn biết bấu víu vào bà, khi mẹ đi bước nữa.

Sống trong căn nhà cấp bốn đơn sơ, bên trong nhà ngay đến một chiếc bàn học cũng không có, Vũ phải lấy chiếc bàn tiếp khách uống nước để ngồi học. Có lúc, khách đến nhà chơi, cậu đành nằm ra giường để học trong ánh sáng đèn điện yếu ớt của căn nhà.

Hằng ngày, Vũ phụ giúp bà làm các công việc nhà như chăn nuôi lợn, gà, bò, tưới rau… Lớn hơn chút, chàng trai này giúp bà cuốc đất để gieo trồng rau.

Thấm thoắt thời gian thoi đưa, Vũ lên lớp 8. Cái nghèo, cái khổ đeo bám gia đình, Vũ cũng chưa có định hướng gì cho bản thân trong tương lai.

Năm 2019, Đồn Biên phòng Roòn triển khai chương trình nâng bước em tới trường và con nuôi đồn biên phòng tại địa phương, có 3 chiến sĩ mặc trên mình bộ áo xanh của đồn biên phòng đến nhà Vũ để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình. Khi đó Thiếu tá Nguyễn Sơn Bình (Phó Chính trị viên Đồn biên phòng Roòn) hỏi Vũ: “Cháu bao nhiêu tuổi rồi, ước mơ của cháu sau này làm gì?”.

Đáp lời Thiếu tá Bình, Vũ đáp: “Cháu 14 tuổi, lớn lên cháu có ước mơ làm một chiến sĩ hải quân”.

Sau đó, Thiếu tá Bình ngỏ lời: “Cháu có muốn lên đồn ở cùng với các chú không?”.

gdvn_con-nuoi-hoc-vien-bien-phong-nguyen-anh-vu (4).JPG
"Con nuôi" Đồn Biên phòng Roòn ngày nào giờ đã trưởng thành, thực hiện ước mơ trở thành người chiến sĩ quân hàm xanh.

Vũ nhớ lại khi đó đã nói: "Cháu phụ thuộc vào quyết định của bà ngoại". Bà ngoại nghẹn ngào, vui mừng vì cho cháu lên đồn ở, cháu của bà sẽ có cơ hội học tập tốt hơn.

Dẫu có thể được học tập, sinh sống trong môi trường tốt hơn, trong thâm tâm Vũ thấy lo cho bà ngoại khi không có người phụ các công việc ở nhà chăm lợn, gà...

Vào tháng 11/2019, Vũ sắp xếp đồ đạc cá nhân và sách vở, rồi cùng bà, Thiếu tá Bình đi lên đồn cách nhà một khoảng không xa.

“Đến nơi, em thấy một dãy nhà cấp bốn rộng rãi, chăn màn được gấp vuông góc gọn gàng…”, Vũ nhớ lại hình ảnh khi đặt chân đến đồn.

Sinh hoạt trong môi trường quân đội

Đến ở trong môi trường đồn biên phòng, Vũ được các bố nuôi bố trí cho giường riêng và có bàn học, đèn học. Bên cạnh đó, bố Dũng là người được phân công kèm cặp, hỗ trợ Vũ. Bên cạnh những bố nuôi, còn có các chiến sĩ đi lính nghĩa vụ được Vũ gọi là anh.

Khoảng thời gian đầu sinh hoạt trong môi trường quân đội, điều khó khăn nhất với chàng thiếu niên 14 tuổi là phải thức dậy sớm, ăn ngủ theo giờ giấc…

Một hai tháng đầu cũng cảm thấy lạ lẫm, nhưng được các anh chiến sĩ chỉ bảo, Vũ cũng bắt nhịp được môi trường sống, hòa đồng với mọi người.

“Bố Dũng dạy bảo em phải biết lễ phép với người lớn, hay làm những việc nhỏ như giặt giũ, dọn nhà… Đến việc học hành, bố cũng hướng dẫn phương pháp học, định hướng tương lai cho em.

Đối với việc học thuộc lòng, bố chỉ cách học là đọc qua một lần và ghi ra giấy rồi đọc lại như vậy mới nhớ được lâu”, Vũ nhớ lại.

Sống trong môi trường quân ngũ, sau khoảng một năm, Vũ từ một chàng trai còm nhom nặng 28kg đã tăng lên 40 kg. Bên cạnh đó, học lực của em cũng đã có sự thay đổi với thành tích tốt hơn.

gdvn_con-nuoi-hoc-vien-bien-phong-nguyen-anh-vu (1).JPG
Nguyễn Anh Vũ chỉnh chăn màn. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Sang đầu năm lớp 11, Vũ xác định thi vào Học viện Biên phòng, em muốn được trở thành người lính quân hàm xanh như những người bố nuôi, anh nuôi của đơn vị. Dũng lựa chọn khối A1 (Toán, Lý, Anh) nhưng em học môn tiếng Anh không được tốt.

Thấy vậy, các bố nuôi đã cho Vũ đi học thêm để nâng cao kiến thức. Vũ cũng mượn thêm sách của các bạn ôn luyện trên mạng và hỏi bạn cách học.

Có những hôm Vũ đi học thêm cách nhà 5-6 cây số và đến 22h-23h mới về đơn vị, nhưng các bố vẫn thức chờ Vũ.

Năm lớp 12, Vũ đăng ký vào Học viện Biên phòng và một trường đại học khác. Khi biết tin mình đậu vào Học viện Biên phòng với 25,1 và tính cả điểm ưu tiên tổng là 25,43 (điểm chuẩn trúng tuyển là 24,6 khối A01), Vũ được các bố nuôi trêu đùa: “Giờ mày đỗ học viện, sau này làm cấp trên đừng có nạt bố”. Đáp lại, Vũ chỉ biết cười.

gdvn_con-nuoi-hoc-vien-bien-phong-nguyen-anh-vu (5).JPG
Nguyễn Anh Vũ chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn học viên. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Còn với bản thân Vũ, em cảm thấy may mắn khi đỗ vào học viện, bởi với hoàn cảnh gia đình em, khi đi học trường đại học hệ dân sự, gia đình sẽ khó đảm đương nổi tài chính.

Ngày rời xa đồn, người thân để ra Hà Nội nhập học, trong thâm tâm Vũ cảm thấy có sự trống vắng khi phải xa đồn biên phòng, xa người thân đến một môi trường mới.

Học tập trong môi trường quân đội, Vũ tự nhủ sẽ cố gắng phấn đấu trở thành một người đảng viên và cố gắng tập thật tốt.

“Tương lai, em muốn trở về quê hương cống hiến cho chính quê hương của mình. Em cũng muốn tiếp bước các bố nuôi là trở thành người đỡ đầu cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, Vũ chia sẻ và cho biết, vào cuối tuần được sử dụng điện thoại, em thường sẽ gọi cho các bố nuôi và bà để hỏi thăm.

Mạnh Đoàn